Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Những phép tắc trên bàn ăn của người châu Á

Các nước châu Á dù có nhiều điểm tương đồng trong món ăn, nhưng ở mỗi nước, cách thưởng thức món ăn lại có những quy tắc khác biệt.

Xem thêm: Điểm đến cho người sành ăn khắp thế giới

Ở mỗi vùng đất khác nhau, đi cùng với nền văn hóa đặc trưng lại có những chuẩn mực, nguyên tắc riêng trong việc ăn uống. Tìm hiểu và học theo những nguyên tắc này không chỉ giúp ích cho bạn khi du lịch hay học tập ở nước ngoài, mà trên hết, nó giúp chúng ta học tập và hiểu biết thêm về những tập tục văn hóa của các nền ẩm thực trên thế giới.

Ấn Độ

Người Ấn ăn bốc nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Indiaphile.

Dù nằm trong châu Á, nhưng thực chất Ấn Độ với nguồn gốc Nam Á của mình lại sở hữu một nền văn hóa ẩm thực rất khác lạ so với Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á khác. Một trong những điều lạ và điển hình nhất của ẩm thực Ấn chính là thói quen ăn bốc. Người Ấn không sử dụng dao, dĩa, thìa hay dụng cụ đặc trưng của các nước châu Á là đũa. Họ để thức ăn lên đĩa, cầm đĩa bằng tay trái và bốc ăn bằng tay phải. Quy tắc hai bàn tay này là quy tắc nghiêm ngặt trong ẩm thực Ấn, tới mức người thuận tay trái khi ăn cũng sẽ dùng tay phải, và cả những món có dạng lỏng như cà ri cũng sẽ ăn bằng tay.

Bị ảnh hưởng bởi tôn giáo chính là Phật giáo cùng Hồi giáo, người Ấn hình thành quan niệm sùng bái tự nhiên và cho rằng thức ăn - đồ uống do đấng tối cao trao cho - phải được đón lấy bằng tay trần, như một cách thể hiện sự thành kính. Bản thân những đất nước có nguồn gốc Hồi giáo như Indonesia cũng có tục ăn bốc này. Và quan niệm "vệ sinh" của người Ấn cũng khác hẳn chúng ta: ăn bằng tay vẫn được coi là sạch sẽ, song cầm thức ăn bằng tay trái là điều cấm kị, bởi tay trái là đại diện cho "cái ác" gồm những yếu tố tiêu cực, xấu xa và nhơ bẩn, còn tay phải đại diện cho "cái thiện" với tính chất đúng đắn, công lý và cao khiết.

Trung Quốc

Bàn tròn là kiểu bàn ăn phổ biến của gia đình đông người hoặc các nhà hàng lớn tại Trung Quốc. Ảnh:thechinesquest.

Là cái nôi của văn hóa Hán tự, khởi nguồn cho toàn bộ nền văn hóa Đông Bắc Á và cũng là một trong những nền ẩm thực lớn nhất thế giới, ẩm thực Trung Hoa bao hàm cả những phép tắc quả thực không đơn giản chút nào. Ở Trung Quốc, bữa ăn luôn được chia ra thành nhiều hình thức khác nhau: điểm tâm (dimsum), tiệc trà, tiệc bàn tròn. Tuy nhiên, các bữa ăn này vẫn chia sẻ với nhau một điểm chung đó chính là cách bày trí bát đĩa theo kiểu bàn xoay.

Đây là kiểu bố trí bát đĩa phổ biến được áp dụng hầu hết mọi bữa ăn và trong mọi hoàn cảnh: ở giữa bàn thường có một bộ trà nhỏ, xung quanh là bát sứ với đũa đặt bên phải, và tuyệt nhiên phải có đồ kê đũa cũng bằng sứ. Thức ăn được đặt trên một mặt phẳng hình tròn có trục xoay ở giữa, người ăn chung qua chỉ cần xoay nhẹ tay là món ăn mình muốn đã hiện ra trước mặt. Ý tưởng này vốn phát sinh từ những bộ tiệc xa hoa, hoành tráng đậm chất cung đình, giúp thực khách có thể dễ dàng thưởng thức các đĩa thức ăn dù chúng ở xa hay gần.

Ngoài việc làm quen với bàn ăn tròn, khi tới Trung Quốc, bạn còn cần bỏ túi không ít những quy tắc ăn uống khác: trừ món súp hoặc canh, các món ăn khác luôn luôn phải được ăn bằng đũa; tuyệt đối không hút thuốc trong bàn ăn; chỗ ngồi trong bữa ăn phải dựa vào sắp xếp của gia chủ, khách không được ngồi tùy tiện... Như vậy mới biết để thưởng thức một trong những nền ẩm thực vĩ đại nhất thế giới quả không dễ chút nào.

Nhật Bản

Người Nhật rất chú trọng tới hình thức của bữa ăn. Ảnh: goodfon.

So với Trung Quốc, ẩm thực Nhật Bản tuy không khoác lên mình vẻ ngoài rực rỡ và xa hoa, song cũng rất đặc biệt nhờ vẻ tinh tế, tỉ mỉ, cùng tính thẩm mĩ cao. Để thưởng thức món ăn Nhật đúng chuẩn, thực khách cần phải chú ý tới từng chi tiết nhỏ. Thứ nhất, bạn đừng ngạc nhiên nếu thức ăn trên đĩa thường rất ít, bởi người Nhật quan niệm không có gì là chính là phụ, mọi thứ đều cân bằng với nhau. Do đó, không chỉ có món ăn đẹp mắt mà chính những họa tiết trang trí trên bát đĩa cũng phải được hiển lộ, bằng việc không để đầy thực phẩm lên trên.

Thứ hai, trong bữa ăn không thể quên lời mời "Itadakimasu" trước khi ăn và "Gochiso sama deshita" sau khi ăn (cả 2 đều mang ý nghĩa cảm ơn vì bữa ăn ngon). Thứ ba, người Nhật rất trọng "không gian riêng" trong bữa ăn. Mỗi người đều tự cầm bát và luôn hướng đũa về phía mình, không để bát hay tựa cùi chỏ lên bàn tức "không gian chung".

Với món ăn "quốc hồn quốc túy" là sushi, danh sách những quy tắc cần phải nhớ lại càng dài thêm: Không gỡ nhân ra khỏi cơm, không chấm phần cơm vào xì dầu và wasabi mà chỉ chấm phần cá hoặc tôm. Thậm chí, ở một số nhà hàng sushi cao cấp, đầu bếp sẽ tự phết một lượng vừa đủ wasabi lên sushi cho bạn và bạn không được tự ý nêm nếm gì thêm sau đó.

Hàn Quốc

Bàn thức ăn của người Hàn thường rất nhiều món ăn kèm và đầy màu sắc. Ảnh: hansangkorea.

Một trong những đặc điểm lớn nhất của văn hóa Hàn Quốc chính là phép tắc trên dưới. Người Hàn rất coi trọng thứ bậc trong xã hội, và cũng giống như việc coi trọng kính ngữ, một khi đã ngồi vào bàn ăn của người Hàn thì bạn phải nhớ một loạt những quy tắc "kinh trên nhường dưới".

Như việc rót đồ uống, bạn phải tuân thủ các điều sau: người ta thường chuyền tay nhau cùng thưởng thức chung một ly rượu, nếu ai đó đưa bạn ly rượu không, bạn cũng đừng ngạc nhiên mà phải chờ họ rót đầy lại cho bạn. Người trẻ tuổi luôn phải mời rượu người lớn tuổi trước, và khi người lớn tuổi chuyền ly cho người trẻ tuổi, họ phải nhận bằng hai tay và quay mặt đi chỗ khác để uống. Điều này được coi là phép lịch sự và lễ độ cơ bản nhất trong ăn uống ở Hàn.

Ngoài ra, một bữa ăn của người Hàn thường rất đa dạng về chủng loại: bữa ăn bao gồm các món hấp, món nướng, món xào, món khô, món nước. Vì thế, bạn phải nhớ cách ăn đúng chuẩn cho từng loại, như thìa chỉ dành riêng để ăn cơm và đũa để ăn các món khác. Hãy chú ý tới việc cùng chia sẻ thức ăn với người khác thông qua những chiếc nồi lớn đặt giữa bàn, bởi người Hàn tin rằng việc san sẻ này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.

Việt Nam

Mâm cơm quen thuộc của người Việt. Ảnh: cookingclass.

Ở Việt Nam, các quy tắc bàn ăn trở thành một đề tài rất thú vị. Bởi nó có thể vừa phức tạp rắc rối, lại vừa đơn giản đến mức... qua loa. Việt Nam là đất nước đã tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau, vì thế phong cách bàn ăn ở nước ta cũng rất đa dạng phong phú: có những món ăn vẫn phải cầm tay như gỏi, cuốn và có những món ăn phải dùng thìa, đũa, dao, dĩa, có những địa phương vẫn duy trì tục mời cơm theo thứ tự trên dưới như miền Bắc, có những nơi lại ăn uống thoải mái như miền Nam.

Tuy nhiên, không phải phong cách thưởng thức ẩm thực của Việt Nam chỉ là sự góp nhặt mà thiếu đi cá tính riêng. Chính trong bữa ăn hàng ngày của người Việt đã thể hiện một lối ăn uống giản dị mà tinh tế, đơn sơ mà ý nghĩa. Trên bàn ăn Việt Nam, nguồn tinh bột quan trọng nhất là cơm sẽ luôn được đặt đầu bàn, nơi người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn ngồi (và thường là phụ nữ như bà hoặc mẹ), thể hiện dấu ấn rõ nét của chế độ mẫu hệ đặc trưng ở nước ta. Mọi người thường quây quần bên mâm cơm chung như một quy tắc bất di bất dịch, và khác với Nhật Bản chú trọng sự riêng tư và kín đáo trong bữa ăn, người Việt ưa chuyện trò và trao đổi về mọi thứ diễn ra trong ngày trên chính bàn ăn của mình. Tính chất cởi mở, phóng khoáng và nồng hậu của vùng văn minh lúa nước đều thể hiện rõ qua những bữa ăn giản dị ngày nào cũng có như vậy.

Mimi tổng hợp

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng

Nếu từng một lần nếm thử món dưa hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện.
Xem thêm: Chuối nếp nướng chan nước cốt dừa nổi tiếng miền Tây

Bồn bồn hay thủy hương là một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống sả, gặp rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Là cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Đoạn thân trắng của bồn bồn sẽ được dung để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Ảnh: baoanhdatmui.

Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những ngọn bồn bồn trên mặt nước, tước bỏ phần lá bên ngoài rồi bẻ lấy lõi màu trắng bên trong (củ hũ) là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.

Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn quả thật khó có thể quên.

Món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được.

Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn nhiều người.
Dưa bồn bồn muối chấm cá kho rất đưa cơm. Ảnh: vietcaravan

Nếu như dưa bồn bồn biến tấu thành kim chi khi ăn có vị thơm cay, lạ thì khi đem kho cùng cá nạc thịt lại trở thành món ăn mới vô cùng hấp dẫn. Khi ấy, vị chua của bồn bồn mất hẳn mà vị tanh của thịt cá cũng chẳng còn, thay vào đó là vị béo ngậy, ngọt đậm đà. Đặc biệt khi kho cùng tép thì nồi bồn bồn lại càng trở nên hấp dẫn, ăn cùng bát cơm nóng quả thực chẳng có gì tuyệt bằng.

Ngoài ra, các bà các mẹ ở đây còn sáng tạo thêm món dưa bồn bồn trộn làm đồ nhậu lai rai khi khách tới nhà. Dưa bồn bồn rửa sạch, chẻ sợi nhỏ sau đó trộn chung với tỏi, ớt, đường. Hệt như cách làm một số món trộn khác nhưng lại rất bắt cơm. Thỉnh thoảng món bồn bồn trộn còn được cho thêm tôm hay tép đồng để tăng vị đậm đà. Bữa ăn đôi khi chỉ có đĩa bồn bồn trộn mà cả chủ nhà và khách cứ ngồi lai rai mãi không thôi.

Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa, thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không quá phức tạp và cầu kỳ.
Món dưa bồn bồn muối chua được bày bán ở chợ. Ảnh: redcloudworld

Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.

Du khách có thể thưởng thức đặc sản bồn bồn khi đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang...

Ngoài bồn bồn, các đặc sản nên thử khi đến miền Tây: lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu mắm, đuông dừa, ốc nướng tiêu, bánh tằm bì...


Đỗ Huyền

3 món lẩu nức tiếng miền Tây

Lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm rau đắng và lẩu cá linh bông điên điển là những món hấp dẫn bạn nên thử khi đến miền Tây.
Xem thêm: Cháo vịt miền Tây mùa con nước

Vào những ngày thời tiết se mát, mọi người quây quần ăn nồi lẩu nóng sốt thì cảm giác không gì bằng. Một nồi lẩu thông thường bao gồm một nồi nước dùng, rau sống và hải sản, thịt, cá... để trong một cái đĩa. Khi nào ăn chỉ việc đợi nước sôi và gắp rau hoặc đồ ăn sống cho vào nồi.

1. Lẩu cháo cua đồng

Để có một lẩu cháo cua đồng thơm ngon, loại cua được chọn để chế biến là yếu tố quan trọng nhất. Cua đồng phải tươi, được rửa sạch, bỏ yếm, gỡ mai, sau đó giã nát thịt cua, nêm nếm vừa ăn và cho vào nồi nước sôi. Thịt cua sau khi cho vào nồi sẽ tạo thành từng mảng lớn, cắn một miếng vị thơm của cua làm ngây ngất vị giác.

Nồi lẩu còn được cho thêm nấm rơm, hành tím, hẹ để tăng thêm hương vị. Lưu ý món cháo nấu cua đồng không được nấu đặc mà phải loãng để người dùng nhúng rau. Rau ăn kèm với lẩu cháo cua đồng rất đa dạng như rau ngót, mồng tơi, rau má... Bạn cũng có thể xắt sợi củ gừng để ăn kèm nhằm làm dậy vị của nồi lẩu. Lẩu cháo cua đồng không cần dùng kèm với bún hoặc mì.
Nồi lẩu cháo cua đồng thơm ngon được dùng kèm với nhiều loại rau. Ảnh:monanmientay.

2. Lẩu mắm rau đắng

Chỉ cần một lần húp nước dùng của nồi lẩu mắm, đoan chắc bạn sẽ không bao giờ quên được hương vị đậm đà của nó. Lẩu mắm được xem là món ăn đặc sản của người dân Tây Nam Bộ. Một nồi lẩu mắm ngon tuyệt đối không được thiếu cà tím và mắm. Với vị ngọt dễ chịu, chút cay cay thơm mùi sả quyện cùng mùi thơm của mắm.

Mắm nấu cho món này phải có ít nhất ba loại: mắm sặt, mắm trèn và mắm linh. Trong nồi lẩu còn có nhiều loại nguyên liệu khác như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Lẩu mắm thường được ăn kèm với nhiều loại rau, trong đó ngon nhất phải nói đến rau đắng. Ngoài ra, còn có rau cù nèo (kèo nèo), bông súng, rau muống, rau nhút, đậu rồng... Người dân miền tây thường ăn lẩu mắm với bún, rau dùng kèm cũng chỉ nhúng vào nước dùng sôi và lấy ra liền.
Những loại hải sản được bày sẵn ra đĩa, chỉ khi nào ăn mới bắt đầu cho vào nồi nước dùng sôi. Ảnh: Depplus.

3. Lẩu cá linh bông điên điển

Miền tây bước vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Cũng vào mùa này, loại bông điên điển đua nhau nở rộ khắp mé sông. Có lẽ vì vậy mà người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu cá linh ngon nức nở.

Cá linh tươi được làm sạch ướp gia vị đậm đà, cho nước dừa vào nồi lẩu để nấu, dầm chút me lấy vị chua rồi biến hóa nêm nếm cho vừa ăn. Trên mặt lẩu, cũng cho thêm tỏi phi và rau ngò gai. Cá linh không cho vào nước lẩu ngay từ đầu vì cá vốn nhỏ và mau chín, nên chỉ khi nào mọi người đã sẵn sàng dùng bữa mới trút cá linh vô nồi và cho thêm bông điên điển vào. Món lẩu cá linh nên dùng kèm với bún hoặc cơm nóng.
Nhúng bông điên điển vào nồi lẩu rồi lấy ra ăn liền để giữa được độ giòn và ngọt của bông. Ảnh: Thiện Nguyễn

Các tỉnh miền tây còn được gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Tên đầy đủ phải là miền tây Nam Bộ nhưng thường được gọi tắt là miền tây. Khu vực này gồm 12 tỉnh thành và 1 thành phố trực thuộc trung ương là: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Miền tây cách TP HCM không xa nên có thể đi bằng xe máy, xe khách hoặc xe du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, để đi hết các tỉnh miền Tây sẽ cần ít nhất từ 8-10 ngày, thậm chí hơn. Bạn có thể chọn một số tour tổ chức đi vài tỉnh tiêu biểu ở miền tây với mức giá chỉ tầm từ 480.000 - 580.000 đồng trở lên.

Thảo Nghi

Bài đăng phổ biến