Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Trải nghiệm xem xiếc và ăn nhộng giòn ở Siem Reap

Tham gia tour ẩm thực đường phố với các chuyên gia, lạc vào khu phố mua sắm hay thưởng thức buổi diễn xiếc đặc sắc ở rạp Phare là những trải nghiệm du khách dễ dàng có được khi lưu lại Siem Reap một ngày.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia

Dưới đây là lịch trình gợi ý khi bạn chỉ có 24h để khám phá xứ sở chùa tháp Siem Reap, Campuchia.

8h: Tìm hiểu ẩm thực

Ẩm thực đường phố Campuchia cũng phong phú, đa dạng không kém ở các nước lân cận như Thái Lan hay Việt Nam. Một buổi sáng du khách có thể dạo bước và khám phá các chợ trong thành phố cũng như những hàng quán bày bán đồ ăn ngay trên đường cùng đầu bếp Steven Halcrow hay nhà văn Lina Goldberg. Đây là hai nhân vật cùng trải nghiệm với bạn trong tour ẩm thực Siem Reap, giá tour là 75 USD một người.
Món num banh chok, một gợi ý trong tour ẩm thực Siem Reap.

Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn độc đáo như bánh pancake với sốt cá nướng kẹp cùng dưa chuột muối, bánh bao kem dừa, súp sữa đậu với bí ngô... Những món đậm đà hương vị địa phương như num banh chok, bún gạo với cá nấu dừa, gà nấu thảo mộc cũng rất hấp dẫn. Bạn còn được tới thăm một ngôi làng mà rất nhiều gia đình làm bún, mì bằng tay và các dụng cụ thủ công.

14h: Mua sắm thả ga

Minh chứng cho sự sống động của Siem Reap chính là khi du khách tới đây thấy thành phố có vô số cửa hàng. Bạn có thể mở màn cuộc chơi mua bán ở Pop-Up, chủ cửa hiệu lưu niệm này là một người Australia yêu thích các thiết kế mang phòng cách của vùng Scandinavia. Tiếp đó du khách đi qua ba khu nhà tới Kandal Village, một tổ hợp bao gồm cả cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và spa.

Đến với Trunkh, du khách có thể tìm các món đồ lạ như quần áo vải bông họa tiết táo bạo, sarong lụa họa tiết rồng, và cả biển hiệu cũ vẽ bằng tay. Nhà thiết kế Campuchia Sirivan Chak Dumas làm chủ một cửa hiệu cùng tên trưng bày những bộ cánh giá cả vừa phải mà kiểu cách, làm từ liệu bông, lụa... Nếu ghé qua Neary Khmer, bạn có thể lựa chọn những tấm lụa đắt tiền (giá từ 7 USD một mét) và đặt may đồ luôn.

16h: Khám phá thế giới chợ

Nạp lại năng lượng cho ngày lang thang Siem Reap, bạn hãy thưởng thức đồ uống Litter Red Fox Espresso. Một ly cà phê espresso pha đủ sữa đường có giá 2,5 USD. Sau đó, du khách đi về phía bắc qua hai khu nhà tới đường Oum Khun để khám phá một chợ Campuchia. 40 gian hàng bán đủ thể loại hàng hóa, từ khăn lụa, ví, tập tài liệu làm bằng chất liệu tái chế, cho đến những đồ nhuộm màu tự nhiên.

17h30: Thưởng thức đồ lạnh

Du khách hãy tới Glasshouse Deli.Patisserie, quán làm kem thuộc loại ngon và nổi tiếng ở Siem Reap. Tại đây, bạn có thể chọn kem socola đen hoặc thử các hương vị kem tự nhiên như quế, sả và dứa dại. Giá một cây kem là 2 USD.

19h: Giải trí đêm

Một vé xem xiếc ở Phare giá từ 18 USD sẽ cho bạn tha hồ tìm hiểu từ rạp hát, âm nhạc, điệu nhảy, truyện cho tới nghệ thuật xiếc trong một buổi biểu diễn công phu. Nếu du khách chọn chỗ ngồi tốt và bao gồm một chai nước lạnh, vé có giá 35 USD. Nhớ giữ lại vé vì khi ra về bạn có thể tới cửa hàng thủ công, quán cà phê trong Phare để mua đồ.
Buổi diễn xiếc sống động làm cho đêm duy nhất ở Siem Reap của bạn thêm đáng nhớ.

21h30: Ăn tối muộn

Thuê một chiếc tuk tuk giá 2 USD để tới Marum, một nhà hàng nhân viên là các thanh thiếu niên khuyết tật người Campuchia do tổ chức quốc tế Friends điều hành. Xu hướng trong thực đơn là những món mặn kiểu Tây Ban Nha và món Campuchia nhưng phong cách chế biến sáng tạo.

Du khách có thể chọn món nhộng giòn cùng salad xoài xanh cay giá 4,5 USD, cuộn ớt nướng, bơ sữa dê và me chile giá 4 USD. Món chính của bữa ăn, bạn hãy gọi thịt bò xào với nước sốt đặc biệc, kèm rau muống với giá 6 USD. Để kết thúc bữa ăn cuối ngày, du khách hãy thưởng thức món tráng miệng là bánh Kampot với siro chanh leo giá 5,5 USD.

Hương Chi (theo New York Times)

Lý do Angkor Wat là điểm đến hút khách nhất thế giới

Bề dày lịch sử, kho tàng giá trị văn hóa, nghệ thuật cùng số lượng du khách tham quan nhiều nhất năm 2014 đưa Angkor Wat đứng đầu trong danh sách 500 điểm đến của trang du lịch nổi tiếng Lonely Planet.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia
 

Angkor Wat là một công trình kiến trúc của đế quốc Khmer, cai trị trong khoảng thế kỷ 9 - 13. Khu đền đài của Campuchia này còn là di tích tôn giáo lớn nhất thế giới. Khoảng hơn hai triệu du khách tham quan Angkor Wat vào năm 2014.


Toàn bộ khu Angkor Wat có diện tích khoảng 200 ha. Các đền Angkor đều nằm bên trong Công viên khảo cổ Angkor, nơi quy tụ nhiều công trình tôn giáo khác của người Khmer xây dựng trong thời gian thế kỷ 9 - 15.


Không chỉ là trung tâm tôn giáo, Angkor Wat còn là "ngôi nhà chung" của nhiều dân địa phương vì một số làng mạc vẫn nằm trong Công viên khảo cổ. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông.


Mỗi đền đều có những kiểu thiết kế thờ riêng nhưng vẫn tập trung vào đời sống thường ngày. Ví dụ như đền Bayon, có những chi tiết đặc tả hình ảnh gia đình làm cơm tối, đàn ông uống rượu, phụ nữ lao động. Bayon có 37 ngọn tháp trang trí bằng 216 khuôn mặt khác nhau.


Ta Prohm là một trong những đền thuộc Angkor Wat được du khách và nhiếp ảnh gia săn hình nhiều nhất. Ngôi đền gần như bị nuốt chửng bởi rừng già, những cây lớn bao phủ lên đền bằng lớp rễ khổng lồ tạo nên một vẻ đẹp đầy bí ẩn và kỳ lạ.


Ban đầu, Angkor Wat được xây dựng để thờ Vishnu, một vị thần Hindu. Sự rộng lớn của công trình còn được nhiều người mô tả như thiên đường nơi hạ giới. Mặc dù trải qua nhiều thế kỷ nhưng những ngôi đền trong quần thể vẫn gìn giữ được vẻ đẹp và thường xuyên có người đến thờ cúng.


Tổng cộng trong quần thể Angkor Wat có hơn 3.000 bức chạm khắc Asaparas - một nữ thần Hindu có 37 kiểu dáng khác nhau.


Angkor Thom là một công trình kiến trúc đồ sộ khác với diện tích khoảng 10 km2 và có tường thành bao bọc. Nơi đây từng được biết là thành phố lớn nhất thế giới vào thế kỷ 12.


Không ai rõ vì sao một khu tôn giáo lớn như Angkor Wat lại từng bị lãng quên. Có giả thuyết cho rằng do sự chuyển đổi tôn giáo từ Hindu sang đạo Phật vào khoảng thế kỷ 13, 14. Số khác lại nghĩ các nguồn và hệ thống nước công phu ở đây bị hỏng dẫn tới con người phải di chuyển đến những vùng đất khác.


Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ phương Tây mới lại tìm hiểu về quần thể đền đài này và đưa vào khôi phục trong khoảng các năm 1907 - 1970. UNESCO công nhận Angkor Wat là di sản văn hóa thế giới năm 1992.

Hương Chi (theo Business Insider)

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Những điều thú vị về thiên đường Maldives

Maldives do một hoàng tử bị trục xuất sáng lập. Trước khi là nước Hồi giáo, quốc đảo này từng theo đạo Phật.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Maldives 03 Tháng tư 2014

Quốc đảo Maldives nằm ở giữa Ấn Độ Dương, được tạo thành từ 1.190 đảo san hô kéo dài hơn 90.000 km2. Maldives có 90% diện tích là nước biển và sở hữu nền văn hóa 3.000 năm tuổi cùng một hệ thống giáo dục hiện đại. Dưới đây là nhiều điều thú vị khác.

Maldives do một hoàng tử bị trục xuất sáng lập

Maldives là một chuỗi đảo gồm nhiều đường giao thương quan trọng. Những người đầu tiên chính thức định cư ở các đảo này đến từ Ấn Độ khoảng năm 269 trước Công Nguyên. Tương truyền nơi đây, khi xưa chưa có chính quyền mà chỉ là một cộng đồng người yêu chuộng hòa bình, thờ mặt trời và nước. Vương quốc đầu tiên do con trai vua Kalinga, Ấn Độ là hoàng tử Sri Soorudasaruna Adeettiya lập nên. Nhà vua không hài lòng với người con trai nên đày anh đến Maldives, còn được gọi là Dheeva Maari. Lịch sử thời sơ khai của Maldives pha lẫn với truyền thuyết. Các vị vua thời xưa chủ yếu được biết đến qua những lời kể.

Nội các họp dưới đáy biển

Biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng đang đe dọa đến sự tồn vong của Maldives. Một số hòn đảo phải di dân do tình trạng nước biển dâng, xâm lấn nguồn nước ngọt. Để thu hút sự chú ý tới mối lo ngại này, tổng thống Mohamed Nasheed chuyển cuộc họp nội các tháng 10/2009 xuống biển. Tổng thống và 13 thành viên chính phủ đeo thiết bị lặn, ngồi làm việc trên bàn được kê dưới đáy biển.
Tổng thống Mohamed Nasheed trong cuộc họp nội các năm 2009. Ảnh: Telegraph.

98% người trưởng thành biết chữ

Maldives tự hào có tỷ lệ 98% người trưởng thành biết đọc viết, một bước nhảy vọt so với 70% năm 1978. Cư dân sống rải rác trên khoảng 200 đảo. Bởi vậy hệ thống giáo dục đồng nhất rất khó khăn. Với 35% dân số dưới 18 tuổi, giáo dục là chìa khóa giúp họ có tương lai tươi sáng. Dưới sự giúp đỡ của UNICEF, Maldives triển khai hệ thống giáo dục đồng nhất từ năm 1978. Họ xây dựng Trung tâm giáo viên, sử dụng internet để giảng dạy từ xa. Kết quả, 100% trẻ em được học tiểu học. Trong khi đó theo thống kê của Bộ giáo dục Mỹ, trong vòng 10 năm qua, nước này vẫn có tới 14% dân số mù chữ.

Maldives từng là quốc gia Phật giáo

Du khách đến Maldives đều phải tuần thủ các quy định địa phương và truyền thống Hồi giáo. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ban đầu Maldives là một quốc gia theo đạo Phật. Đến thế kỷ 12, Maldives chuyển thành quốc gia Hồi giáo khi những người đàn ông đạo Hồi theo các thương gia tới đây. Vào thế kỷ 16, quần đảo thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Họ cố gắng truyền bá đạo Thiên chúa nhưng thất bại. Luật pháp quy định Tổng thống và thành viên nội các phải là người Hồi giáo.

Sinh vật biển phong phú

Ở nhiều nơi, mỗi tour xem cá voi phải mất hàng giờ trên thuyền chỉ để xem một hai chú cá voi, kém may mắn là còn không thấy. Trong khi đó, du khách có thể ngắm cá voi tại bất kỳ địa điểm nào ở Maldives với số lượng 1.500 đến 2.500 con cá voi và cá heo. Vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, có khoảng 10 – 12 loài cá voi và cá heo sống quanh các rạn san hô. Một bầy cá voi có thể lên tới 200 cá thể. Maldives còn nổi tiếng với loài lớn nhất thế giới – cá mập voi, dài từ 5,5 đến 10 m.
Bơi cùng cá mập voi ở Madives. Ảnh: wp.

Cấm sử dụng đồ uống có cồn ngoài các khu nghỉ dưỡng

Du khách đến Maldives phải tôn trọng và tuần thủ các quy định đạo Hồi truyền thống. Đồ uống có cồn bị cấm, chỉ được sử dụng trong khuôn viên các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Nhập khẩu các đồ cấm như thịt lợn và chế phẩm từ thịt lợn là phạm pháp. Trong suốt tháng Ramanda, du khách phải tránh ăn uống và hút thuốc lá ở nơi công cộng. Ngoài ra, khỏa thân và bán khỏa thân ở các bãi biển hay cả trong khu nghỉ dưỡng đều không được phép.

Quất roi trừng phạt kẻ ngoại tình

Những kẻ ngoại tình sẽ bị đưa ra trước công chúng và đánh bằng roi. Trên thực tế, phần lớn người bị quất roi là phụ nữ. Theo thống kê năm 2006, 184 phụ nữ bị quất roi và chỉ có 38 người là nam giới. Hầu hết đàn ông khi bị cáo buộc đều phủ nhận và được tha. Năm 2009, một bà mẹ trẻ 18 tuổi bị quất roi 100 lần và phải nhập nhập viện. Cô không nhận tội nhưng bị cáo buộc vì có thai. Hai người đàn ông liên quan đến cô gái lại được xử vô tội.

Tôn giáo cực đoan

Người dân Maldives nổi tiếng không khoan dung với những ai xúc phạm tôn giáo của họ. Du khách nên chú ý nếu không muốn bị phạt tù. Những tội danh như buôn bán thuốc phiện, mang bất kỳ thần tượng tôn giáo nào khác, tranh ảnh khiêu dâm hoặc đồ uống có cồn đều bị trừng phạt. Quan hệ đồng tính cũng có thể bị đi tù. Hiến pháp Maldives năm 1997 quy định công dân nước này phải là người đạo Hồi, không chấp nhận bất kỳ tôn giáo nào khác. Nếu thay đổi tôn giáo, đồng nghĩa với việc mất quyền công dân.

Tin vào bùa chú

Đa số người dân Maldives có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh siêu nhiên, bao gồm cả việc dùng bùa chú. Vào tháng 9/2013, một quả dừa non bị cảnh sát thu giữ sau khi phát hiện có dấu hiệu nghi vấn xuất hiện bên ngoài một địa điểm bầu cử tổng thống, có ý đồ giàn xếp kết quả bầu cử. Dừa là một thành tố thường xuất hiện khi làm bùa chú. Cảnh sát đã mời một thầy phủ thủy thiện tâm tới để kiểm tra quả dừa có đe dọa hay mang thần chú gì không. Thầy phù thủy phán quà dừa vô tội vì không tìm thấy bùa chú gì như lời cáo buộc.

Như Bình (Theo Listverse)

Bài đăng phổ biến