Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ngôi chùa trồng loài sen lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Những chiếc lá sen có thể chịu đựng sức nặng trên 50 kg mọc trong ngôi chùa Phước Kiểng (Đồng Tháp) từ cách đây hơn 20 năm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Nằm khá sâu trong xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) nhưng ngôi chùa Phước Kiểng vẫn được nhiều du khách biết tới bởi loài sen vua. Tới huyện Châu Thành, chỉ cần hỏi đường tới chùa Lá Sen, bất kỳ người dân nào cũng rành rẽ chỉ đường cho bạn.
Với cân nặng khoảng 50-60 kg, bạn có thể đứng thoải mái trên lá sen mà không gây xao động mặt nước. Ảnh: Trần Ngô Hải An.

Từ tuyến quốc lộ 80, bạn rẽ theo con đường khá lắt léo ven sông chỉ đi được xe hai bánh, qua cây cầu gỗ sẽ tới nhìn thấy cổng chùa. Trong chùa khá đông Phật tử, du khách tới nhưng bao trùm vẫn là không gian tĩnh lặng trong tiếng đọc kinh đều đều. Những người tới cổng có ý thức tắt máy, dắt xe đi qua hàng dừa dịu mát.

Sau khi đi vào lễ, hầu hết du khách đều dành thời gian đi vãn cảnh xung quanh khuôn viên chùa. Trong chùa trồng rất nhiều loại cây hoa, quả khác nhau nhưng điểm thu hút nhất vẫn là ao sen phía bên cạnh chùa.

Mùa nước nổi tháng 9-10 cũng là lúc thích hợp để bạn đi ngắm sen vua. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Ao sen hình vuông với các lá sen hình tròn tượng trưng cho trời tròn, đất vuông theo quan niệm của người xưa.
Cây cầu bắc ngang qua ao sẽ giúp bạn đứng xuống lá dễ dàng hơn. Ảnh: Holy.

Sen vua là loài cây mọc nhiều ở vùng Amazon (Nam Mỹ), dần được đem sang trồng ở các vườn bách thảo một số nước. Cây nổi tiếng bởi khả năng chịu đựng sức nặng lớn (từ 50 kg đến 100 kg). Đây là cây lớn nhất trong họ súng, lá dày, tròn, có mép lá dựng lên, đường kính lên tới 2-3m.

Thời chiến tranh, chùa Phước Kiểng bị bom dội nên để lại nhiều hố bom. Ao sen vua cũng chính là một hố bom được cải tạo thành nơi trồng cây đặc sắc. Tuy nhiên, không ai biết người nào đem giống sen lạ về gieo trồng ở đây. Người dân địa phương chỉ nhớ, đầu những năm 1990, đã thấy loài cây này phát triển trong ao chùa.

Dù nguồn gốc ở xứ lạ nhưng sen vua có sức sống lạ kỳ. Năm 1998, ao khô cạn nước nên các loại cây đều bị chết. Nhưng tới mùa nước nổi, sen lại mọc và nở hoa. Hoa lúc đầu có màu nhạt rồi chuyển dần sang sắc hồng, đỏ. Bông hoa nhỏ tương tự các giống sen bình thường. Hạt sen nhỏ, có thể ăn được. Mặt trên của lá xanh mướt, mặt dưới có gai nhọn.
Bông hoa sen có kích cỡ ngang các giống bình thường. Ảnh: Holy.

Ở chùa Phước Kiểng, có dịch vụ cho khách ra chụp hình với lá sen vua khá quy củ, trật tự. Bạn sẽ bước từ cây cầu bắc ngang ao xuống lá sen qua một tấm ván. Sẽ có người giữ ván và đảm bảo bạn lên được lá an toàn. Nếu muốn tự chụp lại hình, bạn cũng có thể đề nghị và trả phí phù hợp.

Ngoài lá sen lớn, ngôi chùa nhỏ còn nổi tiếng với ông Quy (Rùa) nặng cả trăm kg. Theo chuyện kể lại, ông Quy từng bị bắt đi nhưng đã trốn thoát, vượt vài chục km về chùa. Sau này rùa mất, sư trụ trì thương tiếc giữ lại đem thờ cúng. Trong chùa hiện cũng nuôi một vài chú rùa nhỏ, gần gũi, thân thiện với du khách.

Ban Mai

Món ăn đường phố ở Đà Nẵng níu chân du khách

Đà Nẵng lưu giữ nét ẩm thực rất riêng với nhiều món ăn đường phố làm nao lòng du khách như bún chả cá, bánh canh, ốc hút...
Xem thêm: 45 điều khiến bạn "yêu điên cuồng" Đà Nẵng

Bún chả cá

Chả được chế biến từ cá, bí đỏ và dứa (thơm), còn nước dùng được làm theo cách truyền thống đậm đà hương vị miền Trung. Khi ăn tô bún, bạn có thể cảm nhận được hương vị ngọt ngào của cá biển, vị cay nồng của ớt, tỏi giã nhuyễn và ngọt thanh của mắm tôm khiến du khách phải tấm tắc. Địa chỉ tham khảo là quán trên đường Nguyễn Chí Thanh và Hải Phòng, giá khoảng 25.000 đồng một bát. Ảnh:tuoitrevietdanang

Gỏi chuối

Thành phần chính của món gỏi này là hoa chuối, thịt heo, tôm và đâu phộng rang. Gỏi chuối luôn thu hút khá nhiều thực khách bản địa bởi hương vị dân quê gần gũi. Nếu bạn muốn thay đổi khẩu vị bằng những món ăn quen thuộc, thơm ngon thì đây là sự lựa chọn phù hợp. Địa chỉ gợi ý là quán trên đường Hải Phòng, giá 30.000 đồng một đĩa. Ảnh: Amthuc365

Bánh canh

Cọng bánh được làm từ sắn, lúa mì hay gạo tùy theo mùa với kích cỡ khá dày, cùng hương vị đậm đà của nồi nước dùng nấu từ thịt heo, cua, cá. Một tô bánh canh nghi ngút mùi thơm ăn cùng bánh mì (xúi quẩy) chiên dai dai khiến không ít thực khách mê mẫn. Các quán bánh canh nổi danh luôn nhộn nhịp thực khách ra vào trên đường Nguyễn Du, Hà Thị Ngân, Đống Đa. Giá khoảng 20.000 - 25.000 đồng. Ảnh:caibatvang

Chè

Với giá thành khoảng 5.000 đồng một ly, chè là món ăn vặt đường phố phổ biến ở Đà thành. Đây cũng là món giải khát thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ dưới tiết trời cuối hạ nóng nực. Chè được chế biến khá đa dạng cho khách lựa chọn như chè bắp, trôi nước, khoai môn, đậu ngự, đậu xanh, đậu đỏ, chè bột lọc… Địa chỉ tham khảo là đường Lê Duẩn. Ảnh: caibatvang

Bún mắm

Cá cơm muối chín tới, lọc kỹ lưỡng để tạo thành một loại mắm nêm ngon trứ danh. Các thành phần của tô bún mắm gồm có thịt heo rang khô, rau thơm, đu đủ xanh bào, đậu phộng, hành phi ăn kèm với thịt luộc thái lát, chả… Bạn có thể thưởng thức bún mắm ở bất kỳ nơi nào khi ghé Đà Nẵng. Đông đúc nhất ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng. Giá khoảng 20.000 đồng. Ảnh: Skcs

Ốc hút

Vào buổi tối trên các cung đường Lê Duẩn, Bùi Thị Xuân, Đồng Kè… luôn tấp nập khách đến đây thưởng thức hương vị biển cả với món ốc. Các loại ốc hút, ốc đinh, ốc bươu… được chế biến theo cách riêng biệt không lẫn vào đâu được. Ốc hút giá khoảng 15.000 đồng một đĩa. Ảnh: Khachsandanang

Hoàng Thương

Trung thu ở 3 miền Bắc, Trung, Nam

Trung thu xứ Bắc thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế; miền Trung rộn ràng với lễ hội, còn mùa trăng đất phương Nam lại rất ấm áp nghĩa tình.
Là một trong những lễ hội với người Việt, mùa trăng tháng tám ở 3 miền Bắc - Trung - Nam mang những nét văn hóa rất đặc trưng.

Tinh tế Trung thu ở miền Bắc

Miền Bắc đón thu sang với một sự chuyển mình rõ rệt của đất trời. Vẻ thơ mộng đầy lãng mạn khiến tâm hồn mỗi người như mềm mại đi cùng thời tiết ôn hòa dễ chịu. Trung thu xứ Bắc bởi thế luôn thấp thoáng nét trang nhã, tinh tế, gắn liền với niềm vui của vụ mùa bội thu, của cốm xanh thơm ngát, của những quả chín như hồng, như bưởi.

Chuẩn bị cho mùa trăng tháng tám, khắp các phố phường Hà Nội sẽ ngập tràn quà bánh, lồng đèn. Giữ nét truyền thống ngàn năm Thăng Long cổ kính, trọng lễ trọng tình nên từ rất sớm, những hộp bánh Trung thu sẽ được cẩn trọng chọn lựa đầy chăm chút.

Bánh được mang biếu các bậc trưởng thượng trong họ tộc, gia đình trước tiên. Sau đó, sẽ đến những hộp bánh biếu láng giềng, bạn bè thân hữu, những đối tác khách hàng đã nhiều năm gắn bó. Mỗi hộp bánh đều ẩn chứa trong ấy từng tình cảm thiêng liêng, với ước mong bền chặt mối thâm giao. Hộp bánh cuối cùng sẽ được chọn vào khoảng 10 ngày trước Trung thu, đặt lên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Đây cũng sẽ là hộp bánh “phá cỗ đêm Rằm”, để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức từng hương vị tinh túy dưới bóng trăng, cùng tách trà thơm ấm áp.

Lễ hội náo nhiệt cùng mùa trăng miền Trung

Tại miền Trung, dải đất hẹp giao thoa giữa văn hóa Bắc bộ và Nam bộ lại ngập tràn màu sắc lung linh, Trung thu nghiêng nhiều về phần hội hơn so với phần lễ. Đây luôn là dịp để mọi người tạo nên không khí rộn ràng, vui nhộn cho cả trẻ em lẫn người lớn. Phố cổ Hội An rực rỡ ánh đèn lồng. Người người đổ xô ra đường, hòa vào các trò chơi dân gian. Huế cổ kính và trầm mặc cũng trở nên tưng bừng với những mâm cỗ đón trăng tinh tế được chăm chút, mang đến bao nhiêu háo hức cho con trẻ.

Việc thưởng thức các hương vị Trung thu được chú trọng đặc biệt tại dải đất miền Trung - nơi nổi tiếng với sự tỉ mỉ, cầu kỳ trong ẩm thực. Muôn hình vạn trạng kiểu bánh nướng, bánh dẻo thơm ngon được các gia đình chọn mua bởi lẽ, với miền Trung, không gì vui hơn đêm Trung thu quây quần cả gia đình cùng nhau thưởng thức bánh, trẻ con chơi đùa rộn rã.

Ấm áp nghĩa tình cùng mùa trăng đất phương Nam

Là miền đất mới, nơi hội tụ đủ mọi nét văn hóa đổ về, nơi của sự hào sảng, chân thành, sẵn lòng giúp đỡ nhau của người đi mở cõi luôn được coi trọng, Trung thu phương Nam mang màu sắc rất riêng. Với phương Nam, văn hóa biếu tặng dịp Trung thu là điều đầu tiên cần nhắc đến. Ở xứ “khởi nghiệp” này, bà con xa không bằng xóm giềng gần, hầu như ai cũng đã được nhận biết bao sự giúp đỡ vô tư từ người khác. Thế nên, Trung thu trở thành dịp để bày tỏ lòng tình thương quý với những người cùng gắn bó, đã trở nên thân thương hơn cả một gia đình.

Với người Việt, Trung thu là dịp Tết thứ hai trong năm. Đây là dịp để mỗi người về với gia đình, cùng chia sẻ những giây phút thân tình ấm áp. Trông trăng phá cỗ, người thân bày tỏ tình cảm với nhau, doanh nghiệp tri ân đối tác... 

Từ trước Trung thu hơn một tháng, các công ty, xí nghiệp đã đặt bánh biếu tặng nhân viên, đối tác, khách. Những hộp bánh đầu tiên các gia đình ở miền Nam chọn mua thường cũng chính là để thay tấm lòng trân trọng gửi đến bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, khách hàng.

Miền Nam cũng hội tụ không ít người con xa quê vào lập nghiệp, thế nên, việc rộn ràng chuẩn bị những hộp bánh thật đẹp, thật ngon để mang về quê cũng được chú trọng. Và dường như chính những chiếc vé xe đặt vội, những hộp bánh Trung thu được nâng niu xách trên tay trong chuyến “Trung thu là lúc về bên gia đình” ấy đã trở thành một nét tưng bừng, rộn rã rất riêng của Trung thu đất phương Nam…

Thư Kỳ

Bài đăng phổ biến