Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Chứng nhân chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài

Cây cầu Trường nằm tại phía đông nam Tây Hồ, Hàng Châu là minh chứng cho câu chuyện tình đẫm nước mắt giữa Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Trung Quốc

Đến Tây Hồ tại Hàng Châu, Trung Quốc, du khách sẽ không thể bỏ qua 3 cây cầu gắn với các chuyện tình nổi tiếng. Nếu cầu Đoạn Kiều là nơi Hứa Tiên gặp gỡ Bạch Nương Tử trong truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà, cầu Tây Lãnh ẩn chứa nỗi lòng bi thương của kỹ nữ Tô Tiểu Tiểu thì cầu Trường lại gợi nhắc chuyện tình Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cầu Trường tại Tây Hồ thuộc Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: itinerary.

Chuyện kể rằng, vào thời Đông Tấn, khoảng thế kỉ thứ 4, tại Chiết Giang có một thiếu nữ mang tên Chúc Anh Đài thông minh, hiếu học. Vì muốn được học tập thơ văn, nàng cải trang thành nam nhi, đến xin học tại trường Nghi Sơn, Hàng Châu.

Trên quãng đường đến Nghi Sơn, nàng gặp Lương Sơn Bá, một nam sinh đến từ Cối Kê. Hai người kết thành huynh đệ, trở thành đồng môn thân thiết. Anh Đài dần thầm yêu Sơn Bá, nhưng nàng không thể nói ra vì vẫn đang mang phận gái giả trai. Còn Sơn Bá, dù học chung trường, ngủ chung phòng nhưng cũng không hề phát hiện tình cảm cũng như phận nữ nhi của Anh Đài.

Ba năm nhanh chóng qua đi, cha Chúc Anh Đài đổ bệnh nên nàng phải quay về nhà. Trước khi rời Nghi Sơn, Anh Đài nói với Sơn Bá rằng sẽ thu xếp cho chàng gặp gỡ em gái 16 tuổi của nàng. Sau đấy không lâu, Lương Sơn Bá tìm đến Chúc gia. Tại đây, chàng mới nhận ra thân phận nữ nhi của người bạn đồng môn, và rằng người em gái 16 tuổi không có thật. Từ đấy, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm say đắm.
Bức tranh minh họa câu chuyện tình ngang trái của Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Ảnh: globallovemuseum.

Bi kịch đến với đôi uyên ương trẻ khi Chúc gia hứa gả Anh Đài cho Mã Văn Tài – cũng là bạn đồng môn của nàng và là một thiếu gia giàu có. Sớm nhận ra Chúc Anh Đài là phận nữ, Văn Tài đem lòng yêu thương và muốn lấy nàng làm vợ. Tuy biết Sơn Bá là một chàng trai tài giỏi tốt bụng, Chúc gia vẫn khước từ lời cầu hôn của chàng và định ngày thành thân giữa Anh Đài và Văn Tài.

Quá sầu muộn vì không thể ở bên Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá lâm bệnh nặng rồi qua đời khi đang làm tri huyện tại Ngân huyện, Ninh Ba. Truyền thuyết kể rằng, vào ngày kiệu hoa của Anh Đài đi về Mã gia, khi ngang qua mộ Sơn Bá, trời bỗng nổi trận cuồng phong lớn, khiến đoàn phải dừng lại.

Nhận ra đó là mộ của người nàng yêu, Chúc Anh Đài đến bên than khóc và làm lễ cúng tế. Bỗng nhiên, phần mộ của Lương Sơn Bá mở ra và Anh Đài gieo mình vào trong đó. Trước khi cửa mộ đóng lại, người ta còn kịp nhìn thấy một đôi bướm quấn quýt vụt bay lên mặt đất.

Người xưa vẫn thường nói “Trường kiều bất trường tình nghĩa trường”, tức cầu không dài nhưng tình nghĩa dài. Tương truyền, cây cầu Trường - có nghĩa "cây cầu dài" là nơi Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài nói lời từ biệt. Không nỡ lìa xa, hai người tiễn nhau qua lại trên cầu tới hàng trăm lần, khiến cây cầu vốn chỉ dài 15 m trở thành quãng đường dài hàng km.

Vân Giang

Tục nhảy múa trong lễ Vu Lan của người Nhật

Đến với Nhật Bản vào tháng 7, 8, du khách sẽ được chiêm ngưỡng điệu múa Bon Odori nhân dịp lễ hội Obon (hay còn gọi là Bon) – lễ Vu Lan của đất nước mặt trời mọc.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc

Trong văn hóa Nhật Bản, Obon là một lễ hội xuất phát từ Phật giáo nhằm thể hiện sự biết ơn đối với tổ tiên và đấng sinh thành. Lễ hội Obon xuất hiện tại đất nước này từ hơn 500 năm trước. Ngày nay, lễ hội này trở thành dịp để các gia đình tụ họp, quét dọn bàn thờ tổ tiên và tham gia các tục lệ truyền thống như nhảy múa hay thả đèn lồng trôi sông.
Bức tranh miêu tả lại ngày lễ Obon thời kỳ Edo tại Nhật Bản. Ảnh: Wikipedia

Sự khác biệt về tập quán các vùng miền của Nhật Bản khiến lễ hội diễn ra 3 lần, trong đó “Obon tháng 7” được tổ chức vào 15/7 dương lịch, “Obon tháng 8” vào khoảng 15/8 hàng năm, còn “Kyo Obon” (tức Obon cũ) là ngày 15/7 âm lịch. Đây không được coi là ngày lễ chính thức của người Nhật, nhưng thông thường người dân vẫn được nghỉ học và nghỉ làm trong thời gian diễn ra lễ hội.

Nguồn gốc lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện về Mokuren (Mục Kiền Liên), một đệ tử của Đức Phật. Truyền thuyết kể rằng, Mokuren sau nhiều năm tu luyện đã đắc đạo và có pháp thuật tinh thông. Vì muốn báo hiếu với người mẹ mất sớm, ông sử dụng pháp lực để tìm mẹ khắp nơi. Mokuren phát hiện mẹ mình sau khi chết đi bị biến thành quỷ đói, đày xuống âm ti và chịu nhiều cực hình.

Không cam lòng, ông tìm đến Đức Phật để hỏi cách nào giúp mẹ thoát khỏi kiếp quỷ đói. Đức Phật nói rằng Mokuren phải cúng đồ cho các nhà tu vào ngày 15 của tháng thứ 7. Ông nghe theo lời Đức Phật, đem đồ cúng cho những người tu hành ở dương gian vào đúng ngày đã dặn.

Sau khi hoàn thành lễ cúng, linh hồn mẹ ông được siêu thoát. Quá đỗi vui mừng, Mokuren liền nhảy một điệu múa. Về sau, lễ hội tổ chức để thể hiện lòng biết ơn tới cha mẹ và linh hồn tổ tiên gọi là Obon, còn điệu múa nổi tiếng của lễ hội được đặt tên là Bon Odori.
Bon Odori là điệu múa có nhiều cách thể hiện trên khắp nước Nhật, nhằm xoa dịu linh hồn người đã khuất. Ảnh: easycorner

Điệu nhảy Bon Odori bắt nguồn từ một điệu nhảy dân gian của người Nenbutsu để xoa dịu linh hồn của những người đã khuất. Sau này mỗi địa phương đều có điệu nhảy Bon Odori của riêng mình với nhạc và động tác khác nhau. Obon diễn ra vào giữa mùa hè, nên các vũ công thường mặc bộ quần áo truyền thống yukata hoặc một bộ kimono mỏng.

Lễ hội Obon kết thúc bằng tục Toro Nagashi, mang nghĩa "đèn lồng nổi". Với tục lệ này, người Nhật sẽ thả những chiếc lồng đèn giấy trôi xuôi dòng sông để tiễn đưa linh hồn người chết về với âm gian. Trong đêm này, người Nhật thường có màn bắn pháo hoa rực rỡ sắc màu.

Vân Giang

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ngôi chùa trồng loài sen lớn nhất thế giới ở Việt Nam

Những chiếc lá sen có thể chịu đựng sức nặng trên 50 kg mọc trong ngôi chùa Phước Kiểng (Đồng Tháp) từ cách đây hơn 20 năm.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Nằm khá sâu trong xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) nhưng ngôi chùa Phước Kiểng vẫn được nhiều du khách biết tới bởi loài sen vua. Tới huyện Châu Thành, chỉ cần hỏi đường tới chùa Lá Sen, bất kỳ người dân nào cũng rành rẽ chỉ đường cho bạn.
Với cân nặng khoảng 50-60 kg, bạn có thể đứng thoải mái trên lá sen mà không gây xao động mặt nước. Ảnh: Trần Ngô Hải An.

Từ tuyến quốc lộ 80, bạn rẽ theo con đường khá lắt léo ven sông chỉ đi được xe hai bánh, qua cây cầu gỗ sẽ tới nhìn thấy cổng chùa. Trong chùa khá đông Phật tử, du khách tới nhưng bao trùm vẫn là không gian tĩnh lặng trong tiếng đọc kinh đều đều. Những người tới cổng có ý thức tắt máy, dắt xe đi qua hàng dừa dịu mát.

Sau khi đi vào lễ, hầu hết du khách đều dành thời gian đi vãn cảnh xung quanh khuôn viên chùa. Trong chùa trồng rất nhiều loại cây hoa, quả khác nhau nhưng điểm thu hút nhất vẫn là ao sen phía bên cạnh chùa.

Mùa nước nổi tháng 9-10 cũng là lúc thích hợp để bạn đi ngắm sen vua. Bởi lúc đó, lá sen ra nhiều, to, dày dặn, bao phủ kín mặt ao. Ao sen hình vuông với các lá sen hình tròn tượng trưng cho trời tròn, đất vuông theo quan niệm của người xưa.
Cây cầu bắc ngang qua ao sẽ giúp bạn đứng xuống lá dễ dàng hơn. Ảnh: Holy.

Sen vua là loài cây mọc nhiều ở vùng Amazon (Nam Mỹ), dần được đem sang trồng ở các vườn bách thảo một số nước. Cây nổi tiếng bởi khả năng chịu đựng sức nặng lớn (từ 50 kg đến 100 kg). Đây là cây lớn nhất trong họ súng, lá dày, tròn, có mép lá dựng lên, đường kính lên tới 2-3m.

Thời chiến tranh, chùa Phước Kiểng bị bom dội nên để lại nhiều hố bom. Ao sen vua cũng chính là một hố bom được cải tạo thành nơi trồng cây đặc sắc. Tuy nhiên, không ai biết người nào đem giống sen lạ về gieo trồng ở đây. Người dân địa phương chỉ nhớ, đầu những năm 1990, đã thấy loài cây này phát triển trong ao chùa.

Dù nguồn gốc ở xứ lạ nhưng sen vua có sức sống lạ kỳ. Năm 1998, ao khô cạn nước nên các loại cây đều bị chết. Nhưng tới mùa nước nổi, sen lại mọc và nở hoa. Hoa lúc đầu có màu nhạt rồi chuyển dần sang sắc hồng, đỏ. Bông hoa nhỏ tương tự các giống sen bình thường. Hạt sen nhỏ, có thể ăn được. Mặt trên của lá xanh mướt, mặt dưới có gai nhọn.
Bông hoa sen có kích cỡ ngang các giống bình thường. Ảnh: Holy.

Ở chùa Phước Kiểng, có dịch vụ cho khách ra chụp hình với lá sen vua khá quy củ, trật tự. Bạn sẽ bước từ cây cầu bắc ngang ao xuống lá sen qua một tấm ván. Sẽ có người giữ ván và đảm bảo bạn lên được lá an toàn. Nếu muốn tự chụp lại hình, bạn cũng có thể đề nghị và trả phí phù hợp.

Ngoài lá sen lớn, ngôi chùa nhỏ còn nổi tiếng với ông Quy (Rùa) nặng cả trăm kg. Theo chuyện kể lại, ông Quy từng bị bắt đi nhưng đã trốn thoát, vượt vài chục km về chùa. Sau này rùa mất, sư trụ trì thương tiếc giữ lại đem thờ cúng. Trong chùa hiện cũng nuôi một vài chú rùa nhỏ, gần gũi, thân thiện với du khách.

Ban Mai

Bài đăng phổ biến