Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

15 trải nghiệm nên thử khi tới Hội An

Đi dạo phố cổ về đêm, thưởng thức cao lầu, may đồ lấy ngay, du thuyền trên sông Hoài buổi tối... là những trải nghiệm khó quên khi đến thăm mảnh đất từng là “thương cảng phồn vinh bậc nhất Đông Nam Á” này.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An

Nếu một ngày bạn ghé thăm “di sản văn hóa thế giới” Hội An và loay hoay chưa biết nên làm gì. Hãy tham khảo những gợi ý dưới đây để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và con người nơi đây.

1. Đi dạo Phố Cổ về đêm

Một trải nghiệm đơn giản, bạn chỉ cần bước ra ngoài phố và ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, những phố đèn lồng đủ màu về đêm. Bạn sẽ ngỡ như mình lạc vào buổi dạ tiệc của ánh sáng, một bức tranh kết hợp giữa sự bình lặng của kiến trúc cổ xưa với hình ảnh dân dã và sự sôi nổi của cuộc sống hiện đại. Có lẽ đẹp nhất vẫn là khúc dọc bờ sông Hoài, nơi những vệt màu lấp lánh trên mặt nước. Hội An còn đẹp hơn nữa khi không còn du khách và những hàng quán, khi ấy phố cổ mới thật sự trở về với dáng hình xưa cũ, trầm mặc nhất.
Hội An được Tourpia vinh danh là một trong những thành phố có kênh đào đẹp nhất thế giới.

2. Thả đèn hoa đăng

Vẫn trong buổi tối ấy, bên cạnh việc chỉ quan sát, bạn có thể hòa mình vào cùng trang trí cho bữa tiệc ánh sáng trên bờ sông. Một trải nghiệm thú vị mà rất nhiều khách du lịch thích làm là thả hoa đăng trên sông Hoài. Chính tay bạn sẽ là người thả những chiếc đèn nhỏ lấp lánh xuống sông, với hy vọng những chiếc đèn sẽ mang lại may mắn cho gia đình và người thân. Bên cạnh đèn lồng, thì hoa đăng cũng dần trở thành nét đặc trưng của du lịch Hội An.

3. Thưởng thức món Cao Lầu

Cao Lầu là món ăn đặc sản mà bất cứ ai khi tới Hội An cũng nên thử. Nguồn gốc cái tên của món ăn này rất thú vị, xưa kia khi thương nhân tới Hội An buôn bán họ phải ăn món này ở trên “lầu cao” để vừa ăn, vừa trông coi hàng nên từ đấy cái tên Cao Lầu hình thành. Một bát cao lầu đủ vị ngon có cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ vị chua, cay, chát, ngọt của rau sống, hương thơm của mắm, bột thơm, nước tương, nước thịt… và miếng tóp mỡ giòn tan trong miệng. Bạn có thể tìm ăn ở quán Bà Bé nằm trong khu chợ ngay đầu đường Trần Phú, quán đầu ngõ 69 Phan Châu Trinh, hay quán Hát ở ngã tư Trần Phú giao với Hoàng Diệu hay các nhà hàng cho khách nước ngoài ở dọc phố Bạch Đằng.

4. Ăn bánh mì “ngon nhất trên đời”

Cách đây không lâu, David Farley - phóng viên đài BBC chuyên viết về du lịch và ẩm thực đã nhận xét “bánh mì ở Việt Nam kì diệu nhất thế giới” trong bài “Có phải bánh mì Việt Nam là bánh kẹp ngon nhất thế giới?” sau khi ăn tổng cộng 15 ổ bánh mì ở nhiều tiệm khác nhau trên khắp Việt Nam. Một trong số đó có bánh mì Hội An. Thật vậy, ở Hội An có những tiệm bánh mì rất nổi tiếng với du khách nước ngoài, đó là bánh mì Phượng (Phan Châu Trinh), bánh mỳ Madam Khanh (Trần Cao Vân) và bánh mì bà Lành (Cửa Đại). Bánh mỳ Hội An với những lát thịt lợn, pate, dưa leo, rau thơm và loại nước sốt thịt đặc trưng vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.

5. Đi thuyền trên sông Hoài buổi tối

Đi thuyền ngắm một góc Phố Cổ vào đêm và thả hoa đăng rất được các cặp đôi yêu thích, đặc biệt là những người đến Hội An để chụp đám cưới. Tuy nhiên nếu bạn không có đôi thì vẫn có thể đi cùng gia đình, bạn bè.
Một dịch vụ rất lãng mạn bên cạnh “thả hoa đăng”, nếu đã chán đi bộ bạn có thể lênh đênh trên dòng nước lấp lánh đủ sắc màu của con sông Hoài.

6. Cà phê ở Hội An

Hội An có hai quán cà phê cóc rất đông người uống vào buổi sáng, đó là quán cô Thảo nằm ngay khúc quanh từ cầu Nhật ra đường Bạch Đằng, khách ở đây chủ yếu là người trẻ. Bên kia cầu là quán dành cho những người trung tuổi. Ngồi ở cả hai quán đều có thể nhìn thấy bờ sông Hoài, cảnh kéo lưới và một dãy phố An Hội. Buổi sáng trong lành trước giờ cấm xe có động cơ, ngồi uống một ly café sau khi ăn bánh mì Phượng là một cách khởi động nhẹ nhàng cho ngày mới ở Phố Cổ. Ngoài ra ở Hội An còn có một quán phòng trà đặc biệt, người phục vụ là người khiếm thính. Quán Reaching Out ở 131 Trần Phú. Đến Reaching Out bạn sẽ được tận hưởng không gian nhẹ nhàng, yên tĩnh – rất tuyệt để nhâm nhi ly café và đọc một cuốn sách bỏ túi.

7. May đồ thời trang lấy ngay

Hội An có rất nhiều điều hấp dẫn khách du lich trong và ngoài nước, một trong số đó là những cửa hiệu cắt may quần, áo, giày, dép, túi xách… lấy ngay trong ngày. Tạp chí Forbes đã từng vinh danh một trong những tiệm “may nóng” ở Hội An bởi dịch vụ độc đáo, cách phục vụ chuyên nghiệp. Chỉ sau khoảng 4 giờ, bạn có thể nhận được món đồ mà mình vừa đặt may. Phong cách thời trang ở Hội An vô cùng độc đáo, hợp thời và giá chỉ dao động từ 15 - 100 USD.

8. Tắm biển

Hội An có những bãi biển nổi tiếng trên thế giới bởi bờ cát trắng, nước biển trong và nắng vàng. Biển Cửa Đại với những bãi cát trắng trải dài, hàng dừa và nước biển trong vắt, nhưng tiếc là Cửa Đại mới bị nước biểm làm sạt bờ vào giữa tháng 10/2014 đang trong thời kỳ được phục hồi. Tuy nhiên, Hội An còn có An Bàng được lọt vào top một trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Biển An Bàng thích hợp với những người đi tìm không gian tự do, yên tĩnh. Bạn có thể thả hồn mình ở một bãi biển không ô lọng, bàn ghế, chỉ có sóng biển, nước trong vắt, phơi mình dưới ánh nắng rực rỡ, đọc sách, thưởng thức ly rượu nhẹ, hay uống vài chai bia lạnh… một trải nghiệm rất riêng ở phố Hội.

9. Tìm đến những ngôi nhà cổ

Bên trong phòng khách ngôi nhà cổ Tấn Ký.

Những ngôi nhà cổ là di sản vô giá mà Hội An gìn giữ được sau bao cuộc chiến tranh, đô thị hóa và cả sự tàn phá từ thiên nhiên. Cứ mùa mưa lũ là Hội An lụt, có năm lịch sử nước dâng cả tầng một ngôi nhà chìm trong nước. Nhưng qua bao biến cố, những ngôi nhà cổ vẫn vẹn nguyên như thủa ban đầu, cả về kiến trúc lẫn cái hồn. Được nhiều người biết đến nhất là nhà cổ Tân Ký, ngôi nhà đầu tiên được công nhận là di tích quốc gia ở Hội An và đây cũng là nơi từng đón tiếp nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Bên cạnh Tân Ký, còn nhà cổ Phùng Hưng, Quân Thắng… hay các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông… mang đậm kiến trúc người Hoa, được các thương nhân người Hoa xây dựng để tưởng nhớ tới quê hương họ.

10. Lặn biển ngắm san hô ở Cù Lao Chàm

Đảo Cù Lao Chàm cách Phố Cổ khoảng 15 km, là một trong những nơi không nên bỏ lỡ khi tới Hội An. Dịch vụ du lịch ở Cù Lao Chàm tuy chưa phát triển, nhưng vì lẽ đó mà Cù Lao Chàm giữ được nét hoang sơ của mình. Đến Cù Lao Chàm bạn có thể trải nghiệm dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đốt lửa trại, ngủ homestay ở nhà dân và thưởng thức hải sản tươi - ngon - bổ - rẻ.

11. Chơi trò chơi dân gian

Một trải nghiệm rất vui ở Hội An đó là tham gia các trò chơi dân gian. Buổi tối khi đã đi dạo một vòng và cần nghỉ ngơi, bạn có thể dừng chân ở ngay đầu phố Nguyễn Thái Học hay công viên Kazik để hòa mình vào không khí vui vẻ, nhộn nhịp trong các trò chơi bài Chòi, đập bùng binh...

12. Chụp một bức ảnh kỷ niệm ở Hội An

Bức tường “huyền thoại” được rất nhiều nhiếp ảnh gia yêu thích ở phố Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Lê Thắng.

Website BuzzFeed Travel từng xếp hạng Hội An ở vị trí thứ 3 trong danh sách những địa điểm chụp ảnh selfie (tự sướng) tuyệt nhất thế giới. Vì thế đến Hội An, đừng quên chụp selfie với các địa danh nổi tiếng như: cầu Nhật, cầu An Hội, bức tường huyền thoại ở Hoàng Văn Thụ, hẻm ngõ giếng, bờ sông Hoài…

13. Đi phà qua Cẩm Kim

Lại một lần nữa bạn có thể trải nghiệm cảm giác lênh đênh trên sông nước, chỉ với 2.000 đồng một lượt, bạn sẽ được ngồi trên con đò địa phương để đi qua thị xã Cẩm Kim, nơi có làng nghề mộc từng rất nổi tiếng ở Hội An. Tuy những gia đình làm nghề không còn nhiều, nhưng việc ngồi trên con đò đi sang Cẩm Kim, ngắm Phố Cổ từ phía xa, hít thở làn gió mát trên con sông Thu Bồn thôi cũng là một trải nghiệm rất riêng rồi.

14. Mua một chiếc đèn lồng làm quà lưu niệm

Món quà lưu niệm thường thấy và đặc trưng nhất ở Hội An có lẽ là những chiếc đèn lồng. Chọn lấy một chiếc để tặng người thân hoặc đem về treo trong nhà, cũng là một điều thú vị để nhớ về Phố Cổ.

15. Đến Hội An vào ngày rằm

Nếu đến Hội An vào đúng ngày lễ hội trăng rằm (ngày 14 âm lịch) thì bạn thật sự là một người may mắn. Vào ngày này, phố cổ Hội An tắt hết đèn và treo lên những chiếc đèn lồng rực rỡ, thả hoa đăng sáng rực bờ sông. Đó thật sự là một không gian tuyệt vời cho những ai yêu thích vẻ đẹp tĩnh lặng của phố cổ Hội An. Ngoài ngày rằm, bạn có thể tới Hội An vào những ngày đặc biệt khác như lễ bà Thiên Hậu, lễ Vu Lan, Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu… để được hòa mình vào những nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo ở mảnh đất này. Phố cổ Hội An tuy nhỏ, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu.

Trần Việt Anh

Đặc sản không thể bỏ qua ở miền đất mũi Cà Mau

Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc là nơi hội tụ của những đặc sản ngon và độc đáo.

Xem thêm: Cháo tống nổi danh ở vùng đất Mũi

 
Bún nước lèo của vùng Tây Nam bộ nổi tiếng ở vùng Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu...Nước lèo được nấu từ một số loại mắm như mắm cá linh, mắm cá sặc... mang nét đặc trưng riêng.
Bún riêu của người nam bộ có hương vị như bún bò Huế.

Bánh hỏi được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến công phu, tỉ mỉ. Bánh hỏi Cà Mau được ăn chung với nem nướng, giá cả phải chăng từ 20 đến 25 nghìn đồng/suất.

 

Bồn bồn xào tôm một món ăn không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm đất Mũi.

 

Gỏi cổ hũ dừa, tôm và thịt. Cổ hũ dừa là phần ngọn của cây dừa, ăn vào có vị béo ngậy của dừa và vị giòn tan của cổ hũ dừa khiến du khách ấn tượng khó quên.

 

Cơm cháy chấm kho quẹt ở Cà Mau bạn cũng không nên bỏ qua.

 

Cá mao ếch sống ở vùng đất mặn Cà Mau, ngày nay người dân ở đây nuôi cá này trong vuông, thịt cá trắng có vị dai, ngọt thanh mang đậm hương vị đặc trưng của cá vùng nước mặn. Cá mao ếch nướng muối ớt là ngon nhất.

 

Tại miền Đất Mũi, cá thòi lòi được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản như kho tương, nướng muối ớt, nấu chua, làm gỏi cá với lá lìm kìm... nhưng món ngon phổ biến nhất, được mọi người yêu thích nhất là món cá thòi lòi nướng tiêu



Cá lóc ở vuông được bà con bắt lên làm mắm nguyên con. Sau khi cá ngấm gia vị sẽ được lấy ra để chế các món khác. Nhưng món mắm cá lóc sốt tiêu là ngon nhất. Vị mặn và thơm dai của mắm cá lóc rất hợp với cơm nguội

 

Cá trê đồng nướng than hoa. Món ăn đặc sản ở rừng U Minh

 

Cua biển ở Cà Mau nổi tiếng khắp cả nước. Thịt cua thơm ngon và đặc thịt. Giá của từ 100 đến 400 nghìn đồng tùy từng loại.

 

Hào ở xã Đất Mũi - được bà con nuôi trong vuông, giống con hàu ở miền bắc nhưng con Hào ăn thơm và không béo như hàu sữa.

 

Lẩu cá bớp với mẻ giá cực rẻ, chỉ với 120 nghìn đồng/nối cho 3 người ăn.
 

Lẩu chua cá kèo ăn với rau bắp chuối.
 

Rau bắp chuối ở Cà Mau rất sẵn, có vị mềm mềm ăn với lẩu chua rất hợp.

Theo Khánh Ngọc (Infonet)

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2015

Những món đồ chơi Trung thu gợi nhớ ngày xưa

Đèn ông sao, mặt nạ giấy, tàu thủy sắt tây, đầu lân sư tử, ông tiến sỹ giấy là những món đồ chơi truyền thống còn được bày bán ở Hà Nội vào mỗi dịp Trung thu.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An


Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù, thường xuất hiện vào dịp Trung thu. Khi đốt nến, ánh lửa sẽ làm nóng không khí khiến đèn quay tròn và những hình ảnh thiết kế bên trong hiện ra như rối bóng. Giá một chiếc khoảng 50.000 - 100.000 đồng.


Đầu sư tử đại có cốt bên trong được làm bằng song và tre, ngoài bồi bằng giấy và vẽ tay. Trong ngày Trung thu, nhiều tuyến phố Hà Nội rộn ràng tiếng trống và màn múa lân, sư tử. Một chiếc đầu sư tử đại có giá 1,5 - 3 triệu đồng.


Mâm cỗ trung thu với ông tiến sỹ giấy (50.000 - 150.000 đồng), ông đánh gậy, mâm ngũ quả, cốm và đầu sư tử nhỏ (giá 30.000 - 50.000 đồng).


Tàu thủy sắt tây cũng là món đồ chơi khiến nhiều người hoài niệm về một thời khó khăn nhưng đáng nhớ. Phía dưới buồng hơi được làm bằng sắt, phía trên phủ những lá đồng mỏng. Buồng hơi được nối với 2 ống dẫn nhỏ ra ngoài vỏ tàu. Đây chính là bí quyết để tàu chạy được và có tiếng kêu "bành bạch" rất đặc trưng.

Chiếc tàu chạy là do buồng hơi này được đốt nóng bằng một đèn dầu nhỏ đặt phía dưới, khi bị đốt nóng lá đồng phía trên giãn nở không đều; khi phồng lên nước được hút qua một đầu ống, khi hút vào thì lá đồng đó lại được làm mát khiến lá đồng xẹp xuống đẩy nước ra theo ống kia, cứ thế lặp lại bên hút bên đẩy làm tàu chạy. Món đồ chơi này có giá 150.000 - 300.000 đồng.


Lẵng thiên nga nhồi bông có giá 50.000 đồng. Trước đây, món quà này rất phổ biến vào dịp Trung thu, nhất là với các bé gái. Để làm một lẵng hoàn chỉnh, đòi hỏi nghệ nhân phải tỉ mỉ khéo léo, từ tạo hình, nhồi, phủ bông, đến đính hạt cườm, hoa lụa.


Mặt nạ giấy bồi hiện được bán với giá 25.000 - 30.000 đồng. Ngoài các khuôn hình quen thuộc như ông Địa, chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở..., hiện nay loại đồ chơi này còn mở rộng với hình các nhân vật trong Tây Du Ký hay chuyện cổ nước ngoài.


Trống ếch được bán khoảng 30.000 - 50.000 đồng một chiếc. Đây là một trong những món đồ chơi phát ra tiếng kêu "cắc, tùng" đặc trưng trong dịp Trung thu.


Đèn ông sao nhỏ được bán với giá 10.000 - 20.000 đồng. Bạn có thể mua những món quà Trung thu này trên Hàng Mã hoặc các con phố lân cận.


Thỏ đánh trống, được làm bằng sắt tây. Thời trước làm bằng vỏ hộp sữa. Khi đẩy đi con thỏ sẽ gõ vào trống phát ra tiếng kêu. Tuy nhiên, hiện nay món đồ này không còn phổ biến.

Lê Bích

Bài đăng phổ biến