Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Mỗi du khách khi có dịp dừng chân nơi đây đều không thể bỏ lỡ những sản vật lừng danh như nem Phùng, giò chả Ước Lễ, rau sắng chùa Hương và nhiều sản vật khác.
 
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nem Phùng

Nem Phùng nếu tính tuổi chắc cũng đến 100 tuổi, món ăn bình dị, đậm hương vị quê hương đồng nội đã đi sâu vào trong tâm trí của những thực khách đã một lần thưởng thức nem Phùng. Tiếng lành đồn xa, cha truyền con nối, tiếng thơm lại nối tiếp tiếng thơm để rồi mỗi lần nhắc đến quê hương người gái đảm Đan Phượng là một lần người ta thì thầm với nhau rằng: “ở đó có đặc sản Nem Phùng”.

Nem Phùng được bán dưới hai hình thức: nem quả (mỗi gói khoảng 200g) hoặc theo cân (200.000 đồng một kg). Nhà 4-5 người, bạn mua 400g là ăn thoải mái.

Nem gồm thịt cả mỡ cả nạc, chần qua nước sôi thái nhỏ, bì lợn luộc kỹ, thái sợi trộn với thính. Nem không dùng chất bảo quản nên chỉ để được 2 ngày là cùng. Thành phần của nem hơi giống nem nắm Nam Định nhưng mỡ ít hơn.

Ăn kèm với nem là lá sung, đinh lăng chấm với nước tương vàng chứ không phải là nước mắm như một số loại nèm khác. Bạn có thể dùng chính lá sung hoặc bánh đa nem để cuốn.

Theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng huyện Đan Phượng, nơi đây không quá sầm uất như nhiều con phố khác ở Hà Nội, đi dọc tuyến phố chính là Nguyễn Thái Học, chúng ta thấy ngay được các cơ sở làm Nem Phùng gia truyền nổi tiếng: Nem Phùng Thái Cam, Nem Phùng Bà Mắm, Nem Phùng Hảo Cường, Nem Phùng Bà Hải Phở… mỗi cơ sở đều có hương vị đặc trưng riêng nhưng đều mang nét chung của người Tổng Phùng mến khách, dịu dàng niềm nở.

Giò chả Ước Lễ

Thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Tây) cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Thôn chỉ rộng khoảng 1km vuông, với gần 450 hộ dân. Người Ước Lễ không nhớ rõ nghề làm giò, chả quê mình có từ khi nào, chi biết rằng tiếng chày giã thịt nghe đã quen thuộc khi họ còn tấm bé.

Giò Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác. “Xanh ở vỏ ngoài, hồng ở nhân trong, có nhiều lỗ nhỏ. Miếng giò ăn ngon, giòn, không bị bã. Ðặc biệt là giò Ước Lễ không bao giờ pha bột, có lẽ vì vậy mà luôn được khách hàng tín nhiệm.

Rau sắng

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương
Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa
Mình đi ta ở lại nhà
Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Rau sắng mua về được nhặt tách riêng lá và cọng, dùng để nấu canh. Lá sắng xanh thẫm, bóng mỡ màng. Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Nước canh sôi, nêm chút muối rồi cho lá rau sắng và các cọng thân đã rửa sạch vào nước. Canh sôi lại là bắc ra ngay, bởi nếu nấu nhừ quá lá rau lại mất vị ngọt.

Sở dĩ rau sắng ngon ngọt đặc biệt như vậy vì trong thành phần rất giàu chất đạm. Những người mới ốm dậy hay phụ nữ vừa qua cơn vượt cạn mất sức, nếu có bát canh rau sắng thơm ngon và mang lại nhiều chất bổ dưỡng thì thật là quý.

Rau sắng ngày nay được coi là rau sạch, đưa vào các siêu thị như một thứ rau cao cấp, bán từng lạng cân. Ngoài vị ngọt ngon, rau sắng quý vì hiếm vì một năm chỉ có trong vài tuần, cây sắng mọc cheo leo tận núi cao và cũng vì cả giai thoại “Muốn ăn rau sắng chùa Hương…”.

Mơ Hương Tích

Một trong những đặc sản chùa Hương không nên bỏ lỡ khi có dịp dừng chân phải kể đến mơ Hương Tích, một sản vật tạo hóa đã ưu ái ban cho vùng đất Hương Sơn.

Mơ Hương Tích còn có cái tên “độ nhị mai” bởi nét đặc biệt một năm trổ bông hai lần và cho hai lần quả.


Mơ là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, không những là loại thuốc quý giúp tăng sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể về các bệnh tim mạch mà mơ còn có tác dụng làm đẹp và giảm cân. Người ta thường ngâm rượu mơ làm thuốc, ngâm mơ lấy nước uống giúp thanh nhiệt mùa hè.

Mơ Hương Tích có nhiều loại, trong đó loại mơ có màu vàng au, quả nhỏ, đầu nhọn, thịt dày có mùi thơm đặc biệt là ngon nhất. Đến chùa Hương hãy chọn loại mơ này về ngâm với đường. Sau khi cái nóng hè gay gắt đến thì bạn đã có một bình nước mơ chua ngọt, mặn, thơm lừng giải nhiệt cho cả gia đình.

Mỗi khi có dịp ghé chân nơi đây, du khách thường không bỏ lỡ sản vật hấp dẫn này mua về làm quà cho bạn bè và người thân.

Bánh chè lam Thạch Xá

Chè lam là một loại bánh cổ truyền của người dân xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Tây. Ngày xưa, chè lam thường được làm trong các dịp lễ, Tết. Giờ đây, món bánh này không chỉ là đặc sản của người dân Hà Tây mà còn theo chân du khách đi tới mọi phương xa.

Không biết món chè lam có từ bao giờ, chỉ biết rằng xưa kia người dân quan niệm nguồn gốc và lý do ra đời là từ tấm lòng người dân trong làng cũng như sự thành kính của phật tử.


Bánh chè lam ngon là sự kết hợp hài hòa của các nguyên liệu: độ dính của mật, độ mịn của bột. Điều đó đòi hỏi sự kỹ lưỡng, tay nghề của người làm bánh cao. Bánh chè lam có đầy đủ các hương vị nên rất hấp dẫn: đó là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay của gừng, một chút bùi của đậu phộng và cả một chút ngậy của thịt lợn. Tất cả đem đến cho chiếc bánh một hương vị nồng nàn đến ngất ngây.

Những ngày trời thu mát lạnh, được thưởng thức món bánh này thật là thú vị. Thái bánh thành từng khoanh nhỏ, rồi ăn chậm rãi cùng với trà. Cắn một miếng bánh chè lam dẻo dẻo, uống một ngụm trà, vị ngọt lành biết bao!

Chè củ mài

Củ mài cũng là đặc sản của Chùa Hương. Bạn có thể thưởng thức những bát chè củ mài được nấu ngay tại đây. Chè củ mài, món ngon giải khát cho du khách khi hành hưng trên tuyến đường lên động Hương Tích. Chè củ mài còn được xem là món ăn đặc sản của vùng núi chùa Hương vào những ngày lễ Phật Đản.


Củ mài vỏ đen, ruột trắng, nhìn hơi giống củ khoai lang nhưng to gấp hai, ba lần. Khi nấu chè củ mài, người ta không xắt miếng, cũng không xay hay giã thành bột mà một tay cầm củ, một tay cầm con dao cau thật sắc, thoăn thoắt gạt từng miếng củ thả dần vào nồi nước đường đã đun sôi. Khi chè chín, củ dẻo mềm một cách đặc biệt, vị lại thơm ngon, ngọt mát vô cùng.

Cách làm chè củ mại cũng rất dễ, khi đun sôi nước cho củ mài vào đun thật nhừ, lấy đũa cái đánh tan thành bột, sau cho mật ong hoặc cho đường trắng vào đảo đều, rồi múc lên bát để nguội ăn với oản mịn, xôi vò. Đây là món ẩm thực chay tịnh, du khách trẩy hội chùa Hương thường mua củ mài về làm quà để thưởng thức hương vị chè củ mài Chùa Hương.

Kẹo dồi

Thức quà quê dân dã này từ lâu đã vắng bóng trên các sạp hàng nơi phố thị. Tuy nhiên kẹo dồi vẫn được người dân làng cổ Đường Lâm nuôi dưỡng trở thành món quà thú vị mà mỗi du khách từng ăn đều lưu luyến. Nguyên liệu làm kẹo dồi không quá cầu kỳ, chỉ gồm mạch nha, đường và lạc. Tuy nhiên khâu làm kẹo mới quan trọng và đòi hỏi người làm phải có sức khỏe tốt để "đánh" kẹo.


Mạch nha và đường được đun trên bếp lửa cho đến khi có độ keo nhất định. Người chế biến sẽ dùng tay quật vào một chiếc cột cho đến khi dẻo quẹo để có thể nặn thành khối hình trụ và có màu trắng đục. Vỏ kẹo được dàn mỏng, cho lớp nhân gồm lạc đã nhào đường vào sau đó cuộn tròn, giống như miếng dồi.

Công đoạn làm kẹo đòi hỏi ít nhất 2 người. Trong đó, một người kéo vỏ kẹo, người kia sẽ nhanh tay cắt thành từng đoạn khoảng 3 cm. Nếu không nhanh, kẹo nguội sẽ bị giòn và vỡ. Kẹo sau khi chế biến xong sẽ được lăn qua lớp bột nếp trắng tạo thành một lớp phủ mịn màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị bùi, ngậy và thơm.

Thịt quay đòn

Hà Tây còn nổi tiếng bởi món thịt quay đòn ở làng cổ Đường Lâm với hương vị khác biệt. Để làm món ăn này, thịt phải là loại ba chỉ ngon, tươi và có lớp da dày, không quá nhiều mỡ. Khâu tẩm ướp cũng rất quan trọng, đủ các gia vị như húng lìu, hạt tiêu, hành và mắm muối vừa miệng.

Một trong những nguyên liệu làm nên sức hấp dẫn của thịt chính là vị của lá ổi non được băm nhỏ, ướp khoảng một tiếng. Thịt sau khi tẩm ướp được cuốn gọn vào chiếc đòn tre đã lót lá chuối bên trong. Khâu quay thịt cũng đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để giữ lửa, hay khoảng cách thịt với bếp vừa tầm để làm sao để hơi nóng làm chín thịt phía bên trong. Khi thịt đã se lại và chảy mỡ, người ta mới hạ thấp đòn xuống gần với ngọn lửa hơn để miếng thịt có màu vàng hấp dẫn.


Đòn để quay thịt nhất định phải là ống tre, vừa đủ một vòng quấn thịt và được cố định lại bằng nan ở hai đầu. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận phần bì của miếng thịt giòn tan, vàng ươm và thơm lừng vị bùi bùi của lá ổi. Thịt quay đòn ngọt, đậm vị và thơm mùi húng lìu, quyện lẫn với mùi lá ổi, ăn mãi mà không ngấy.
(Theo Gia đình & Xã hội)

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

4 hòn đảo Việt tuyệt đẹp khiến ai cũng muốn được đặt chân đến một lần

Vẻ đẹp hoang sơ của Lý Sơn, Bình Ba, Nam Du, Côn Đảo khiến ai cũng mong ước được đặt chân đến để tự mình khám phá.

Lý Sơn

Lý Sơn được nhiều người biết đến nhờ món tỏi Lý Sơn trứ danh. Nhưng Lý Sơn không chỉ có tỏi, mà còn là cả một viên ngọc ẩn mình giữa đại dương. Thuộc địa phận Quảng Ngãi, cách xa đất liền một giờ chạy tàu và vẫn còn rất hoang sơ, Lý Sơn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn trốn chạy khỏi những bộn bề tấp nập chốn thị thành.
Lý Sơn sở hữu bãi biển với màu xanh ngắt đắm say.

Đến đây, du khách có thể trú tại các khách sạn gần cầu cảng hoặc nếu muốn, hỏi xin cư trú ở nhà dân. Ở Lý Sơn, hãy hòa mình vào thiên nhiên với nhiều hoạt động thú vị như ngắm bình minh tại ngọn hải đăng, ngắm hoàng hôn tại Cổng Tò Vò, ngắm toàn cảnh Lý Sơn tại đỉnh núi lửa, hay các địa điểm lý thú khác như: Cột cờ Việt Nam, Chùa Hang, Âm Quan Tự…
Toàn cảnh Lý Sơn

Tuy hiện nay Lý Sơn đã có taxi để phục vụ khách du lịch tại nhưng để thuận tiện và tiết kiệm trong việc di chuyển, thuê xe máy vẫn là hình thức tốt nhất. Nếu muốn đi xa hơn, du khách có thể thuê tàu để chạy ra đảo Bé. Ngoài ra, với những nhóm đông người muốn vui chơi tụ họp, hãy thuê tàu ra biển câu cá, tắm biển và nhậu ngay tại tàu.
Xem thêm:  Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn

Nam Du

Quần đảo Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang cũng là hòn đảo bạn nên đến một lần trong đời. Để đến được Nam Du, cách duy nhất chính là tàu. Tuy nhiên, vì cách khá xa đất liền và vẫn còn tương đối hoang sơ nên một ngày chỉ có vài chuyến tàu qua lại Nam Du, mỗi chuyến kéo dài từ 3 – 5 tiếng.

Cảnh trên đường đi hải đăng - Ảnh: phuot.vn

Đến Nam Du, hãy thuê xe máy đi dạo quanh các hòn, các bãi biển và hòa mình vào nước xanh. Đẹp và lãng mạn nhất phải kể đến Bãi Mến với cát trắng mịn, hàng dừa đổ bóng, các ghềnh đá rêu phong và làn nước trong vắt thấy tận đáy sẽ khiến ai một lần lỡ bước đến đây không muốn rời xa.

Nếu muốn ngắm cảnh đẹp thì đến hải đăng Nam Du. Đường lên hải đăng ngoằn nghoèo hơi khó đi nhưng khi lên đến đỉnh, mọi mệt nhọc như bị thổi bay theo gió. Từ hải đăng có thể nhìn được toàn cảnh Nam Du và thậm chí xa hơn nữa, cảnh vật như bức tranh thủy mặc được tô vẽ tài tình.
Hải sản phơi khô tại Nam Du - Ảnh: foodyvn

Đến Nam Du không thể không ăn cá bớp, các loại sò, mực, và nhiều hải sản đa dạng khác. Nếu muốn đem chút quà về tặng nhà, du khách có thể mua những con cá khô được làm ngay trong ngày.

Nhìn chung, Nam Du vẫn còn hoang sơ và hạn chế về điện nước khiến những người đã quen ánh đèn thành phố sẽ cảm thấy hơi khó thích nghi nhưng đây cũng chính là cơ hội để bạn trở về với thiên nhiên và thư giãn hoàn toàn

Côn Đảo

Phương tiện đến Côn Đảo khá đa dạng, du khách có thể đi máy bay, tàu thủy hoặc tàu cánh ngầm ra đảo, tuy nhiên nếu sức khỏe yếu bạn nên đi máy bay bởi dù có hơi đắt nhưng lại tiết kiệm thời gian và tránh mỏi mệt. Còn các tàu đi Côn Đảo đều mất khoảng 10 tiếng trở lên, nên với những người yếu và không quen đi biển thì đây là một thử thách khó nhằn.


Ở Côn Đảo, du khách có thể vừa được tắm biển mà lại được thăm thú thiên nhiên. Bãi Đầm Trầu, bãi Lò Vôi, bãi An Hải hay bãi Đất Dốc đều sẽ thỏa mãn cơn khát khao tắm biển của người lữ khách. Đi xa hơn, ra Hòn Bảy Cạnh hay vịnh Đầm Tre, du khách sẽ hòa vào thiên nhiên như lặn ngắm san hô, xem yến làm tổ, đi bộ trong rừng nguyên sinh.
Vịnh Đầm Tre - Ảnh: dulichtravel

Ngoài ra, đây còn là dịp để du khách hiểu thêm về lịch sử Việt Nam thông qua các khu di tích giàu ý nghĩa như: trại tù, nghĩa trang Hàng Dương…
Bình Ba không còn là một cái tên xa lạ với nhiều người. Kể từ khi khu vực này nổi lên như cồn 2 năm trước như một điểm du lịch và chụp ảnh cưới tuyệt đẹp, ngày càng có nhiều người tìm đến chốn thiên đường trần gian này. Có lẽ vì vậy nên Bình Ba cũng đã bắt đầu dần mất đi nét hoang sơ bình yên của riêng mình. Tuy nhiên, đây vẫn là một địa điểm trốn nắng nóng, lánh bụi và thưởng thức hải sản tuyệt vời.

Chính vì sự phát triển của du lịch mà việc đi đến Bình Ba vô cùng dễ dàng. Từ Khánh Hòa đến Bình Ba chỉ mất tầm 1h lênh đênh trên biển, với các chuyến tàu ra về hằng ngày, và giá vé thì vô cùng phải chăng, chỉ 15 – 20 ngàn đồng/người/1 chuyến.
Bãi Nhà Cũ - Ảnh: 6hsang

Đến Bình Ba, du khách có dịp đắm mình vào các bãi tắm trong thấy đáy, lặn ngắm san hô, ăn hải sản tại các bè, hay làm một chuyến câu mực đêm. Với ba bãi: Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, mỗi bãi sẽ đem lại cho du khách những trải nghiệm khác biệt. Bãi Nồm gần sát khu dân cư, tập trung đông dân đến tắm và là nơi thích hợp để ngắm bình minh. Bãi Chướng có đường thẳng lên cao, thu được toàn bộ cảnh Bình Ba vào trong tầm mắt. Còn bãi Nhà Cũ nước đẹp nhất, được chia làm nhiều mảng màu với những rặng san hô đẹp tuyệt trần. Đây là khu vực thích hợp để lặn ngắm san hô.
Bãi Chướng - Ảnh: ivivu

Hải sản Bình Ba thì khỏi phải bàn, vô cùng đa dạng và giá cả khá phải chăng. Đến Bình Ba phải thử một lần ăn cua Huỳnh đế, nhum, tôm hùm, ốc vú nàng… Với những người muốn đánh chén hải sản thì rủ nhóm bạn càng đông đi càng có lợi.
Tôm hùm

(Theo Trí Thức Trẻ

Những thức quà đong đầy hương sắc mùa thu của tháng 9 Hà Nội

Ở Hà Nội, mỗi tháng là mỗi bất ngờ, mỗi tháng là một món quà. Và tháng 9 mang đến cho Hà Nội những món quà mùa thu, nhẹ nhàng, thanh tao nhưng vô cùng khó quên.

Hỏi người Hà Nội rằng khi nào là thời điểm đẹp nhất để thăm thủ đô thì 10 người, ắt phải có đến 9 người trả lời rằng "tháng 9". Bởi vì tháng 9 là lúc thời tiết vừa rùng rình chuyển từ hè sang thu với những ngày mát trời có cả nắng, cả gió hanh hao. Và tháng 9 còn là lúc Hà Nội có vô vàn đặc sản mà người trót nặng lòng với Thủ đô còn gọi yêu là "quà của tháng 9".

Nhắc đến quà của tháng 9 trước hết phải kể đến cốm - món ăn giữ hồn mùa thu. Trên những nẻo phố phường tháng 9, chẳng khó gì để bắt gặp một cô hàng bán cốm với chiếc thúng nhỏ và mớ lá sen bày trên mẹt. Khi có khách mua, cô hàng khéo léo trải một lớp lá sen rồi phủ thêm một lớp lá ráy non lên sau đó mới đổ cốm vào gói thành những gói vuông vắn. Cuối cùng cô hàng cũng không quên lấy thêm cọng rơm nếp cột hờ để thức quà mùa thu thêm ưa nhìn. Ăn miếng cốm tỉ mẩn như thế không chỉ cảm nhận được vị ngọt của lúa non xen mà còn thấy mùi thơm thanh tao, khó quên của lá sen.
Cốm - một món ăn rất thu của Hà Nội

"Năng lực đặc biệt" của tháng 9 có lẽ là khả năng biến những thứ bình thường thành những thứ đặc biệt nhất. Như chuối - vốn là thứ quả quá đỗi phổ biến và quen thuộc, nhưng khi chấm kèm với cốm chúng lại trở thành đặc sản nhờ sự kết hợp tài tình giữa vị ngọt của chuối với vị bùi của cốm.
Những quả chuối trứng cuốc kết hợp với cốm xanh mang đến bản giao hưởng tài tình cho vị giác.

Nếu cốm bắt cặp với chuối mang đến hương vị dân dã mà khó quên thì cốm bắt cặp với hồng lại xứng đôi, vừa lứa từ hình thức đến nội dung. Vũ Bằng, nhà văn chuyên viết về Hà Nội đã từng viết về hồng với cốm rằng " Một thứ thì giản dị mà thanh khiết, một thứ thì chói lọi mà vương giả; nhưng đến lúc ăn vào thì vị ngọt lừ của hồng nâng mùi thơm của cốm lên, kết thành một sự ân ái nhịp nhàng như trai gái xứng đôi".
Hồng- cốm, món quà xứng ý đẹp đôi của tháng 9
Và không chỉ thứ hồng đỏ đẹp màu, đẹp mắt mà cả thứ hồng giòn cũng cái hay, cái thú riêng của nó. Xa xôi gì đâu, sau bữa cơm chiều, cả nhà cùng bổ đĩa hồng tráng miệng, vừa ăn vừa nghe độ giòn, độ thơm của những miếng hồng tan ra trong khoang miệng mà thấy thu đang len vào từng ngôi nhà, từng con ngõ.

Và đương nhiên tháng 9 cũng không thể nào thiếu những mòn quà mang tính biểu tượng cho trung thu như bánh nướng, bánh dẻo hay đèn ông sao. Hà Nội nhưng ngày tháng 9, tha thẩn đi trong phố cổ, nhìn những chiếc đèn ông sao xanh đỏ hay chiếc bánh trung thu vuông vức, giản đơn, tự nhiên mới thấy những nét xưa truyền thống vẫn đấy thôi, rất gần gũi, rất thân thương rất quen trong nhịp sống hiện đại, hối hả.



Quà tháng 9 Hà Nội không chỉ gói trong món ăn, đồ uống mà còn là những thức hoa thơm như lộc vừng, như hoa sữa và như hoàng lan. Lộc vừng và hoa sữa có lẽ chẳng cần nói nhiều, bởi đến hẹn lại lên chúng lại đua nhau khoe sắc, đưa mùi, tạo nên sắc màu rất riêng của Thủ đô. Cái mùi hoa sữa xa thơm, gần nồng khiến lắm người phải phàn nàn, thế mà đố ai đi xa trong một chiều gió lộng lại không bỗng dưng nhớ, không thèm cái thứ mùi ấy đến nao lòng.
Hoa sữa đầu mùa báo rằng mùa thu đã chính thức hiện diện.

Lộc vừng nương theo gió, rất thơ, rất thu

Thanh tao, kín đáo, ý nhị nhưng thu không kém phải kể đến hoàng lan, loài hoa vốn ai cũng biết tên qua câu hát thiết tha "Em ơi, Hà Nội phố! Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa" nhưng không nhiều người biết mặt. Không giống như hoa sữa, hoa lộc vừng, hoàng lan thường xuất hiện trên phố trên những chiếc rổ nhỏ của cô hàng. Hoàng lan đã chẳng biết thì thôi chứ đã biết đố ai không nhung nhớ, ngóng chờ, để được tan chảy trong hương thơm tinh khiết ấy.
Hoàng lan ý nhị, e ấp, tinh khiết.

Hà Nội những ngày đầu tháng 9, có cả tá thứ khiến người ta mong đợi, để được reo lên, dù chỉ tự mình với mình rằng "À, đây rồi, mùa thu đã về"!
(Theo Trí thức trẻ)

Bài đăng phổ biến