Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

10 điều không thể bỏ qua ở Thượng Hải

Thăm quan phim trường, bến Thượng Hải, khu Tô giới Pháp, Chu Gia giác hay đi tàu điện siêu tốc là những điều bạn nhất định phải thử.
Xem thêm: Một số lưu ý khi đi du lịch Trung Quốc

Thượng Hải - thành phố lớn bậc nhất Trung Quốc - được mệnh danh là nơi giao thoa hài hòa giữa những nét phương Đông cổ kính xen lẫn nét phương Tây hiện đại, gấp gáp. Thành phố này còn được biết tới là "thủ đô của những câu chuyện ngôn tình" khi được lấy làm bối cảnh của đa phần các cuốn tiểu thuyết hiện đại ở Trung Quốc và trở thành thành phố trong mơ của nhiều bạn trẻ.

Dưới đây là 10 điều không thể bỏ qua khi tới Thượng Hải do 2 blogger người Singapore là Evans và Raevian ghi lại trong chuyến đi cách đây không lâu:

1. Thăm Bến Thượng Hải

Có lẽ chẳng có chuyến đi nào tới Thượng Hải mà lại có thể bỏ qua địa danh nổi tiếng này. Bến Thượng Hải hay còn gọi là The Bund trước đây là khu tô giới người nước ngoài sinh sống.
Bến Thượng Hải sẽ là nơi bạn không thể bỏ qua. Ảnh: Eatandtravelwithus

Trong quá khứ, không ít câu chuyện, bộ phim thời dân quốc nhắc tới bến Thượng Hải và dòng sông Hoàng Phố, thậm chí có hẳn hai bộ phim lấy tên theo địa danh này từng chiếu ở Việt Nam và được nhiều khán giả yêu mến.

Cảnh quan phía bờ Tây khá cũ kỹ, cổ kính, còn nhìn sang phía Đông là những tòa nhà chọc trời mọc lên san sát, luôn sáng đèn tới khuya. Đây cũng là hiện thân của một Thượng Hải trẻ trung và năng động. Từ phía bến, bạn có thể nhìn sang tháp truyền hình Đông phương Minh Châu - biểu tượng của thành phố - ở bên kia sông.

2. Mua sắm ở phố Nam Kinh

Phố Nam Kinh (Nanjing) là con đường đi bộ dài 5,5 km tập trung nhiều nhà hàng, trung tâm thương mại trong những căn nhà có kiến trúc cổ điển châu Âu. Nơi này được tác giả miêu tả giống như những thước phim, truyện tiểu thuyết về Thượng Hải những năm 1930 thế kỷ trước.

Nếu mỏi chân, bạn có thể lên xe điện đi dọc con phố, dành cho những ai ngại cuốc bộ. Giá mỗi chuyến là 5 nhân dân tệ (khoảng hơn 15.000 đồng).
Phố đi bộ Nam Kinh. Ảnh: Eatandtravelwithus

3. 'Săn' đồ ăn

Do là trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc nên nền ẩm thực ở Thượng Hải cũng vì thế mà rất phong phú do người nhập cư mang món ăn quê hương mình tới đây "góp cỗ". Bạn có rất nhiều lựa chọn, từ nhà hàng sang trọng cho tới những quán vỉa hè, từ bàn ghế lãng mạn cho tới xếp hàng mỏi chân. Trong đó có các món vịt quay Bắc Kinh, há cảo, bánh bao nước, đậu phụ thối...
Ảnh: Eatandtravelwithus

4. Lang thang ở khu Tô giới Pháp cổ kính

Phần hồn châu Âu nhất của Thượng Hải nằm ở khu tô giới Pháp, nơi nằm trong sự quản lý của thực dân Pháp từ cuối thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20. Khu vực này ngày nay hầu như vẫn giữ nguyên dáng dấp của mình với những căn nhà kiến trúc cũ kỹ nhưng sang trọng.
Ảnh: Expedia

Bạn nên ghé qua khu Tân Thiên Địa (Xintiandi) - khu tổ hợp vui chơi, ăn uống trong những căn nhà cổ đầy tính nghệ thuật. Khu vực này luôn chìm trong không khí vui vẻ từ sáng tới tối và là đại bản doanh của khách du lịch thập phương.

Đường Sinan và Shaoxing nổi tiếng với hàng cây xanh nổi tiếng được trồng từ cách đây cả trăm năm, cùng những tòa nhà rêu phong. Đường phố vắng lặng khiến khách du lịch tưởng như lạc vào khu phố châu Âu.

Điền Tử Phường (Tianzifang) lại là một khu vực sống động với những con hẻm nhỏ truyền thống, san sát quán cà phê, quán bar, cửa hàng thủ công, phòng trưng bày nghệ thuật và quán ăn đường phố.

5. Ghé Lujiazui - trung tâm kinh tế sầm uất nhất Trung Quốc

Lujiazui nằm ở quận Phố Đông, trung tâm tài chính kinh tế nổi tiếng nhất ở đất nước tỷ dân. Khác với khu phía Tây cổ kính, Phố Đông nhộn nhịp, hiện đại và tấp nập bởi dòng người, xe luôn hối hả, vội vã cùng những tòa nhà chọc trời đã trở thành biểu tượng của Trung Hoa hiện đại.
Thượng Hải nhìn từ bờ Đông. Ảnh: Chinarainbow

Bạn có thể ghé qua tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu với 2 quả cầu hồng, nức tiếng một thời, từng là tòa nhà cao nhất thế giới, hiện vẫn đứng đầu châu Á hay tháp Kim Mậu, đường đi bộ Lujiazui hình tròn khổng lồ, Apple store...

6. Đi tàu nhanh chóng mặt

Không nhiều người biết rằng tàu cao tốc Maglev ở Thượng Hải là một trong những tuyến tàu có tốc độ nhanh kinh hoàng, thuộc bậc nhất trên thế giới với tốc độ đạt 430 km/h. Để đi quãng đường từ sân bay quốc tế Pudong về ga Longyang trong thành phố (dài 30 km) nó chỉ tốn chưa tới 8 phút, kể cả thời gian dừng ở các bến.
Ảnh: Eatandtravelwithus

Bạn có nhiều cách để vào thành phố từ sân bay này. Tuy nhiên, đừng nên bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm cảm giác đi nhanh như gió độc đáo này. Evan còn gợi ý rằng, không có quá nhiều khác biệt giữa vé hạng thường và hạng VIP (đắt gấp đôi). Do đó, bạn chỉ cần mua vé hạng thường là ổn rồi.

7. Chu du tới Chu Gia giác

Cổ trấn Chu Gia giác (Zhujiajiao) có nghĩa là ngôi nhà của họ Chu, là một thị trấn cổ nằm cách Thượng Hải không xa, vốn rất nổi tiếng với khách du lịch. Từ trung tâm thành phố, bạn đi mất khoảng một tiếng để tới với nơi này, một không gian Trung Hoa xưa cũ với tuổi đời lên tới 1.700 năm, đem lại một cái nhìn rất khác về thành phố.
Ảnh: Eatandtravelwithus

Ngoài những căn nhà cổ bên dòng nước, Chu Gia giác còn có một dãy quán cà phê, nhà hàng mở ngay sát những con kênh, là địa điểm lý tưởng cho những ai cần sự yên tĩnh, nhìn ngắm hoàng hôn trên cổ trấn rêu phong.

8. Tản bộ dọc bờ Đông

Nghĩ tới sông Hoàng Phố, người ta thường nghĩ tới Bến Thượng Hải ở bờ Tây nhưng ít ai để ý tới khu bờ Đông tưởng chừng như chỉ có những tòa cao ốc công sở cũng có một khu phố đi bộ sát bờ sông rất êm đềm và lãng mạn. Dọc bên bờ sông là chuỗi những quán cà phê như Starbucks, kem Häagen-Dazs hay Muskcat Coffee.
Ảnh: Eatandtravelwithus

9. Sắm vai nhân vật phim thời dân quốc

Phim trường Thượng Hải được xây dựng và hoàn thành vào năm 1999, tái hiện những con phố thập niên 20-30 thế kỷ trước. Đây là nơi thực hiện các cảnh quay của hầu hết những bộ phim về thời kỳ này. Lạc bước vào phim trường, bạn sẽ tìm thấy những góc thật thân quen bởi từng xem đi xem lại rất nhiều lần trong những bộ phim nổi tiếng.
Ảnh: Panoramio

Phim trường cách trung tâm Thượng Hải khoảng gần một giờ xe chạy, bạn có thể tới đây bằng xe bus hoặc tàu điện ngầm. Vé vào cửa là 80 tệ (khoảng 280.000 đồng) nhưng rất xứng đáng, nếu bạn là fan của phim ảnh. Phim trường chia làm nhiều khu, mở cửa từ 8h30 tới 16h30.

10. Thăm chùa Tĩnh An, vườn Dự Viên

Đây là hai công trình kiến trúc mang dáng dấp thời phong kiến. Dự Viên được xây dựng dưới thời nhà Minh và được trùng tu vào năm 1961 nên hầu hết các hạng mục trông còn khá mới và nguyên vẹn. Dự Viên còn nổi tiếng với dãy hàng ăn, quán cà phê nổi tiếng; trong đó đông đúc nhất là nhà hàng Nanxiang Steamed Bun luôn luôn có hàng dài khách đứng xếp hàng.

Chùa Tĩnh An được xây dựng từ thế kỷ thứ 3, sau đó tới năm 1216 thì được di dời về vị trí hiện tại - lọt thỏm giữa những tòa cao ốc ở Thượng Hải. Ngôi chùa là địa điểm tâm linh để người dân tìm đến chốn bình an. Nơi đây cũng trưng bày pho tượng phật ngọc lớn nhất Trung Quốc, cao tới 4m. Tuy nhiên, để vào được chùa phải mua vé với chi phí từ 50 đến 100 tệ (khoảng 175.000-350.000 đồng).

Hà Nguyên

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Bản đồ ẩm thực các món ngon trải dọc Hàn Quốc

Súp xương bò hầm, rượu gạo, cơm nấu ống tre, dồi lợn, cơm trộn, cua tuyết... là những đặc sản của Hàn Quốc mà bạn phải đến đúng địa danh mới có thể thưởng thức được hết vị ngon.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc
 

Seolleongtang, Seoul

Súp xương bò hầm là món ăn phổ biến mà du khách yêu thích khi đến Seoul. Món này được chế biến từ thịt và xương bò, hầm nhừ trong vòng 10 tiếng đến khi nước có màu trắng sữa, thường ăn kèm với kim chi củ cải và mì trắng.

Theo truyền thuyết, món ăn này được dùng trong các nghi lễ mùa xuân để tôn vinh nghề nông dưới triều đại Joseon. Một phần trong buổi lễ là giết một con bò để tế Dangun (người thành lập vương quốc đầu tiên của Hàn Quốc). Sau đó thịt bò được nấu món súp và chia đủ cho người dân.

Uijeongbu budaejjigae, tỉnh Gyeonggi

Buddaejjigae còn gọi là "món thịt hầm quân ngũ". Sở dĩ có tên như vậy là khi đời sống khó khăn và khan hiếm, các đầu bếp phải sáng tạo để biến tấu từ đồ thừa như xúc xích, thịt xông khói, pho mát… của các doanh trại Mỹ và một số thành phần gia vị địa phương như bánh gạo, mì ramen, rau củ quả, kim chi, tương ớt… tạo nên món ăn này.

Chuncheon dakgalbi và makgusu, tỉnh Gangwon

Dakgalbi là món ăn bình dân, phổ biến trong giới binh sĩ và sinh viên. Gà nướng trên chảo lớn nóng hổi cùng với sốt gochujang (một loại tương ớt chua cay), ăn kèm với bánh gạo, khoai lang, bắp cải, cà rốt thái mỏng và rau tía tô.

Giống như món mì lạnh, nhưng với makgusu, người làm dùng mì kiều mạch ướp lạnh, có thể trộn với đường, mù tạt, giấm hoặc dầu mè để tăng thêm hương vị. Món này thường ăn kèm với kim chi sẽ ngon hơn.

Byeongcheon sundae, tỉnh Chungcheong nam


Sundae còn gọi là xúc xích Hàn Quốc, trông có vẻ giống dồi lợn ở Việt Nam. Sundae được chế biến từ ruột già của lợn hoặc bò làm sạch, nhồi dangmyeon, lúa mạch và tiết lợn, thỉnh thoảng có thêm lá tía tô, hành lá, doenjang, gạo nếp, kim chi, đậu tương mầm và thường ăn kèm với nước sốt hoặc tiết canh lợn.

Sundae ở Hàn Quốc có nhiều hương vị khác nhau như nhồi mực, ruột già, ruột non, huyết lợn nấu chín…

Jeonju bibimbap, tỉnh Jeolla bắc

Từ sự sắp xếp hài hòa thành phần món ăn cho đến cách tạo sắc màu, món bibimbap luôn làm hài lòng thực khách.

Damyang daetongbap và ddeokgalbi, tỉnh Jeolla nam

Deatongbap là món cơm được nấu trong ống tre cùng với hạt dẻ, táo tàu, hạt thông, đậu…mang hương thơm đặc biệt từ tinh dầu tre, tạo vị khác lạ trong các món cơm.

Ddeokgalbi là món sườn nướng. Nó độc đáo ở chỗ không được để sườn có xương nướng mà phải băm nhỏ, tẩm và ướt gia vị cho kỹ sau đó mới nướng hoặc chiên lên. Trông miếng sườn nhỏ giống chả cá.

Jeonbokjuk, đảo Jeju

Cháo bào ngư Jeonbokjuk là món ăn bổ dưỡng, được chế biến từ ruột bào ngư thái lát, dầu mè và gạo tẻ. Món này là một trong những cống phẩm cho vua chúa khi xưa.

Masan agujjim, tỉnh Gyeongsang nam

Masan agujjim là món tôm xào cay, một đặc sản không thể bỏ qua khi đến vùng Masan. Món này thường ăn kèm với tương ớt và giá đỗ.

Eonyang bulgogi, Ulsan

Ulsan là thành phố quê hương của món bò nướng nổi tiếng bulgogi. Cách chế biến khá đơn giản, bulgogi được ướp với nước tương và đường giúp thịt mềm và thơm hơn. Món bò nướng có vị ngọt và nhiều nước, không mất quá nhiều thì giờ để chế biến.

Khi ăn, người ta thường gói thịt nướng vào rau diếp hoặc lá vừng cho đỡ ngán và tăng thêm nhiều dinh dưỡng. Đây là một trong những món ăn phổ biến và ngon nhất trong ẩm thực xứ Hàn.

Yeongdeok daegejjim, tỉnh Gyeongsang bắc


Đây là loài cua tuyết độc đáo, có càng dài giống cây tre và lớp vỏ mỏng. Các món chế biến từ cua tuyết thường không quá cầu kỳ, chỉ cần cho vào nồi hấp chín là có thể thưởng thức

Ba ngôi làng đẹp như tranh ở Hàn Quốc

Từng đứng trên bờ vực bị phá bỏ, nhiều ngôi làng được thay da đổi thịt nhờ những bức tranh tường của học sinh, sinh viên và nghệ sĩ mọi nơi về sáng tác.
Xem thêm: Những khu chợ truyền thống ở Hàn Quốc

Dưới đây là ba ngôi làng - ba điểm du lịch hấp dẫn với người yêu nghệ thuật ở xứ sở kim chi.

Làng Dongpirang, Gyeongsang

Từ làng Dongpirang du khách còn có thể tận hưởng phong cảnh của cảng Gangguan. Ảnh: koreatimes.

Dongpirang là một ngôi làng nhỏ nằm ở Tongyeong, phía nam tỉnh Gyeongsang. Nơi đây có rất nhiều ngôi nhà sơn đủ sắc màu. Những bức tường bên lối đi dẫn vào làng được trang trí bằng các bức tranh truyện, nhân vật thần tiên.

Du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh của con cá, bọ hay kiến... trên hầu hết tường rào dọc những con đường uốn lượn trong làng Dongpirang. Đi theo các bức tranh này, bạn sẽ có cảm giác như chúng đang thì thầm kể chuyện.

Ngôi làng từng nằm bên bờ vực bị phá hủy do các kế hoạch tái phát triển. Tuy nhiên, nhờ nhóm Tyagenda 21 và cuộc vận động vẽ tranh tường của họ mà rất nhiều sinh viên, họa sĩ tới Dongpirang. Mọi người phủ lên khắp các bức tường, hàng rào, bậc thang, ống khói, và cả thùng nước bằng các bức tranh sặc sỡ.

Từ khi có bộ mặt mới và nằm cạnh cảng Gangguan, ngôi làng Dongpirang được ví như "Montmartre của Hàn Quốc". Địa điểm này thu hút du khách từ khắp nơi tới cả cuối tuần lẫn ngày thường.

Làng Gamcheon, Busan

Làng Gamcheon điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì ở Busan. Ảnh: blogspot.

Du khách lần đầu tới Gamcheon, Busan sẽ ấn tượng ngay vì những ngôi nhà sơn màu phấn nhẹ nhàng, các tác phẩm điêu khắc đặt ở hầu hết ngõ ngách. Gamcheon xuất hiện một cách hoàn toàn trái ngược so với hình ảnh của những tòa nhà chọc trời - "Busan mới" hay các khu chợ đông đúc, chật chội - "Busan cũ".

Ngôi làng này là điểm đến hấp dẫn cho rất nhiều du khách, dù họ thích khám phá ẩm thực, đi biển hay đơn giản là muốn tìm nơi thư giãn trong kỳ nghỉ ở Busan. Gamcheon sẽ làm bạn choáng ngợp vì vẻ đẹp mang tính nghệ thuật và giàu lịch sử. Với vẻ ngoài rực rỡ ngôi làng được ví như Santorini của Hàn Quốc hay Machu Picchu xứ Hàn.

Trong khi điểm ngắm nhìn đẹp nhất là từ Sky Garden - nơi có trung tâm thông tin du lịch của làng, nằm ở trên cao, thì vẻ đẹp thật sự của Gamcheon là những con hẻm ngoằn ngoèo như mê cung bên dưới. Mỗi lối đi lại dẫn tới một bất ngờ khác biệt, từ các bức điêu khắc chim muông cho đến những nhân vật truyện, tiểu thuyết nổi tiếng trên thế giới.

Gamcheon thực chất là ngôi làng nghèo từ thời chiến. Thay vì phá bỏ, các họa sĩ tới đây biến khoảng 300 căn nhà thành tác phẩm nghệ thuật, phòng trưng bày, quán cà phê... để cải thiện đời sống người dân. Ngày nay, Gamcheon trở thành một điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì Busan, thu hút vô số du khách tới tham quan.

Làng Ihwa, Seoul

Lối đi bậc thang ở làng Ihwa cũng trở nên đẹp hơn nhờ bàn tay, khối óc của những người nghệ sĩ.

Ihwa là một ngôi làng nằm cách khu phố Daehakno sôi động của quận Jongno, Seoul khoảng 10 phút đi bộ. Một thập kỷ trước, nơi đây còn là khu nhà xập xệ sắp sửa bị phá hủy, nhưng ngày nay Ihwa có một bộ mặt hoàn toàn khác lạ.

Năm 2006, dự án Art in City - Naksan tập hợp hàng chục nghệ sĩ và kết hợp với chính quyền địa phương tạo nên 64 tác phẩm sắp đặt. Kế hoạch này dự tính tạo không gian văn hóa nhằm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Dự án đạt thành công ngoài mong đợi vì thu hút được hàng nghìn người. Năm 2013, ngôi làng lại được tái sinh nhờ các nghệ sĩ sáng tác thêm 60 tác phẩm nữa tại đây.

Đến đây du khách được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc bằng kim loại gác ngay các đường nhỏ và tranh tường màu tươi sáng ở mọi ngóc ngách của làng. Ngoài ra, cả những bậc thang dốc cũng sống động hơn nhờ những bức vẽ sặc sỡ và nhiều bức tranh tường lớn nhỏ.

Hương Chi

Bài đăng phổ biến