Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Những món ngon nổi tiếng phố Lý Quốc Sư

Chỉ trên một con phố nhỏ của Hà Nội như Lý Quốc Sư, du khách có thể thưởng thức cả phở bò, bánh gối, hoa quả dầm, mứt, nem chua nướng và trà chanh.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hà Nội

Phở bò

Với người Hà Nội, một trong những thương hiệu phở nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành nằm trên phố Lý Quốc Sư. Phở ở đây nức tiếng từ lâu bởi thứ nước dùng đặc trưng; thơm mùi gia vị mà không bị béo. Cái khéo léo của những chủ nhân đời đầu trong công thức nấu phở, được truyền lại cho con cháu làm món ăn nổi tiếng tới ngày nay.
Đặc biệt, phở Lý Quốc Sư chỉ chuyên về các món bò với đủ loại tái, chín, nạm, gầu. Tô phở đầy đặn, ăn kèm với quẩy giòn, vàng ruộm và các loại rau sống. Quán phục vụ bữa sáng 6h - 14h và bữa tối 17h30 - đến 22h. Giá một tô phở dao động 45.000 - 75.000 đồng. Ảnh: Hương Chi.

Bánh rán và bánh gối

Thực khách sành ăn ở Hà Nội đã quen với bánh gối số 52 Lý Quốc Sư, nhưng món bánh rán ở đây cũng hấp dẫn không kém. Bánh rán to và có màu vàng đặc trưng. Thực khách vừa gọi, chủ quán nhanh tay cho bánh vào chảo nóng ngập dầu. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra cho ráo mỡ; khi ăn không bị ngấy.
Bánh gối có lớp vỏ giòn tan, được cắt miếng vừa ăn. Nhân bánh chín tới, không bị nát quá và vẫn giữ được hương vị của nấm hương, mộc nhĩ. Đi kèm với đĩa bánh nóng hổi là bát nước chấm đu đủ xanh thanh nhẹ và rau sống.Giá cả là 7.000 đồng/ chiếc bánh rán và 9.000 đồng/ chiếc bánh gối. Ảnh: Minh Đức.

Nem nướng

Cách mặt đường Lý Quốc Sư vài mét là một con ngõ nhõ, nổi tiếng với món nem nướng. Nem ở đây không được rán mà nướng trên bếp than hoa. Sau khi nướng xong, nem vẫn giữ được vị ngọt, sắc hồng và ăn không có cảm giác ngấy vì dầu mỡ. Chủ quán bày nem ra lá chuối; ăn kèm với củ đậu.
Chút cay nồng của nước chấm ớt đi kèm như làm giảm đi phần nào bởi vị ngọt mát của củ đậu. Bên cạnh nem nướng, bạn cũng có thể thưởng thức những món ăn vặt nổi tiếng khác khác như cá bò, cá chỉ vàng. Giá 5.000 đồng một chiếc. Ảnh: Minh Đức.

Trà chanh

Hà Nội, nhắc tới trà chanh, mọi người nghĩ ngay tới khu vực quanh nhà thờ và không thể thiếu phố Lý Quốc Sư. Bạn dễ thấy hình ảnh du khách tấp nập đi lại và các bạn trẻ tụ tập bên hiên những quán trà chanh, nhất là những ngày cuối tuần. Trà chanh, me muối, mơ muối là lựa chọn phổ biến. Mùa nào thức đấy, những ly sấu đá hè có thể thay bằng ly ca cao, cà phê ấm nóng khi tiết trời Hà Nội chuyển lạnh. Giá từ 10.000 đồng đến 20.0000 đồng một cốc. Ảnh: foody.

Hoa quả dầm và mứt

Không nhộn nhịp như phố Hàng Đường nhưng Lý Quốc Sư cũng có nhiều cửa hàng hoa quả dầm, mứt trái cây với đầy đủ hương vị và màu sắc. Chưa cần nếm thử, du khách đã cảm thấy thích mắt với sự đa dạng, ngập tràn màu sắc của hoa quả ở đây: màu vàng xanh của xoài dầm, vàng bóng của mứt quất hay nâu đỏ của mận. Giá dao động 100.000 - 200.000 đồng một kg tùy loại. Ảnh: Lozi.

Minh Đức

Những món chè ấm lòng khi thu se lạnh ở Hà Nội

Bát chè sắn quánh dẻo thơm mùi gừng, chè cốm xanh thoang thoảng hương thơm của lúa non sẽ làm ấm lòng du khách khi thu về.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Nếu có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội, bạn đừng quên thưởng thức món chè từ gánh hàng rong hay quán ven đường để cảm nhận mùa thu đang lan tỏa.

Chè sắn

Bát chè sắn nóng hổi cùng vị cốt dừa ngọt, thơm mát mùi gừng rất thích hợp ăn vào những ngày mát dịu. Thường để nấu món này người ta phải ngâm sắn trong nước vo gạo hay nước muối loãng 7 - 8 tiếng để ra hết nhựa rồi mới đem luộc. Sau đó, sắn được thái thành những miếng nhỏ, thêm đường, gừng thái sợi rồi đun trên bếp lửa liu riu. Cho bột sắn dây đã được quấy bằng nước nguội vào khuấy nhanh tay để chè không bị vón cục.
Chè sắn đặc quánh với vị thơm của sắn và dừa hòa quyện. Ảnh: N.Sao

Bát chè sắn có màu nâu nhẹ và hơi quánh, thêm vài sợi dừa nạo trắng muốt. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận những miếng sắn dẻo quyện cùng sợi dừa giòn, thơm thơm mùi gừng. Bạn có thể thưởng thức chè sắn tại phố Lý Quốc Sư, với giá 15.000 đồng một bát, tuy nhiên quán chỉ bán vào buổi trưa. Buổi chiều bạn có thể ăn ở hàng chè ngay đầu phố Hoa Lư.

Chè cốm

Lang thang trên phố Hà Nội, thưởng thức món chè cốm ngay ở các quán bên đường, cảm nhận vị dẻo, bùi, phảng phất mùi thơm là một trải nghiệm thú vị.
Vào thu, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những gánh hàng cốm rong trên nhiều con phố. Hương cốm thơm len lỏi khắp các ngóc ngách Hà Nội. Ảnh: Lê Thảo

Để chế biến chè này không khó, chỉ cần một chút cốm non, bột sắn dây, đường phèn. Tạt vào quán ven đường, khi gọi, chủ quán mới múc chè từ trong chiếc nồi được ủ ấm, rắc thêm chút dừa nạo sợi nhỏ, trắng tinh điểm trên bát chè xanh mướt, rất bắt mắt.

Chỉ cần hít hà thôi cũng đã cảm nhận cả một không khí mùa thu Hà Nội tràn vào trong huyết quản. Bạn có thể ăn ở chợ Thành Công, phố Đinh Liệt, Ngô Thì Nhậm..., giá 10.000 - 15.000 đồng một bát.

Chè khoai môn

Chè khoai môn ngọt dịu với trân châu, cốt dừa luôn hấp dẫn thực khách. Nguyên liệu làm nên bát chè khá giản đơn, chỉ vài củ khoai môn, chút gạo nếp thơm, vài lát gừng cộng thêm sự tỉ mỉ của người nấu.
Bát chè khoai môn sóng sánh với trân châu dai dai. Ảnh: Diệu Kim

Các hạt trân châu dai sần sật, cộng với vị bùi của khoai môn, vị ngọt béo của nước cốt dừa sẽ hấp dẫn bạn. Để thưởng thức, bạn có thể ghé qua phố Lý Quốc Sư hoặc ngõ chợ Nam Đồng, giá khoảng 20.000 đồng một bát.

Bánh trôi Tàu, lục tàu xá

Đây là món ăn khá hấp dẫn giới trẻ mỗi khi thời tiết se lạnh. Bánh trôi Tàu thường là hai viên bột với nhân khác nhau dầm trong thứ nước sóng sánh thơm phức mùi gừng.

Lục tàu xá là chè đậu xanh được nghiền nát và thơm ngát mùi vỏ quýt, có màu vàng óng. Trên màu vàng ươm của đậu xanh điểm xuyết hạt trắng trong của bột năng, chút vàng nâu của vỏ quýt khô.
Bánh trôi tàu được rắc thêm chút lạc rang, ăn rất bùi và ngậy. Ảnh: N.Sao

Bạn có thể thưởng thức những món ăn này ở đường Nguyễn Hữu Huân, giá khoảng 15.000 đồng một bát.

Anh Phương

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Bí quyết nhập cảnh Singapore dễ dàng

Để không bị từ chối nhập cảnh, bạn cần mua vé máy bay khứ hồi, đặt chỗ lưu trú có xác nhận rõ ràng và lên lịch trình chi tiết cho chuyến khám phá đảo quốc sư tử.
Xem thêm: Những chú ý khi đi du lịch Singapore và Malaysia

Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn yên tâm tiến vào đảo quốc Singapore.

Chọn ngày hành trình từ 3 đến 4 ngày

Công dân Việt Nam khi nhập cảnh Singapore có thời hạn lưu trú tối đa 30 ngày. Tuy nhiên, diện tích của đất nước này khá khiêm tốn với khoảng 700 km vuông. Do đó, bạn cần đi từ 3 đến 4 ngày là có thể dạo chơi khắp ngõ ngách của đảo quốc. Từ đó, bạn chọn lịch cho phù hợp và đặt vé máy bay khứ hồi. Với hành trình quá dài có thể khiến hải quan Singapore nghi ngờ.

Đặt chỗ lưu trú có xác nhận rõ ràng

Hoàn tất khâu đặt vé máy bay khứ hồi, bạn lên mạng tìm chỗ lưu trú ở Singapore. Với tiêu chí du lịch nghỉ dưỡng, bạn có thể chọn các khách sạn 3 sao với mức giá trên 2 triệu đồng. Nếu đi phượt, bạn chọn dạng “dormitory” (giường tầng) ở các nhà nghỉ với giá từ 500.000 đồng một giường mỗi ngày, có cả bữa sáng.

Ngoài việc cân nhắc chi phí, bạn nhớ chú ý khu vực lưu trú, nên chọn các khu gần trung tâm tài chính như Clarke Quay, Chinatown… và tránh khu nhạy cảm như Geylang. Ở mỗi trang đặt phòng đều có địa chỉ và bản đồ vị trí khách sạn, bạn nên nhấp vào xem trước.

Khi đặt phòng, các trang này đều gửi đến bạn một thư điện tử xác nhận, bao gồm mã đặt chỗ, thời gian lưu trú, giá tiền, tên khách, thông tin liên lạc khách sạn. Bạn nên nhớ các chi tiết này để trả lời chính xác nếu bị hỏi lúc làm thủ tục nhập cảnh.

Lập lịch trình chi tiết

Bạn đã có lịch bay và chỗ lưu trú, bước tiếp theo là lập lịch trình chi tiết. Cách tốt nhất là kẻ bảng và liệt kê những hoạt động tham quan, vui chơi dự kiến từ ngày thứ nhất đến ngày cuối của hành trình. Tương ứng với mỗi hoạt động, bạn ghi rõ chi phí dự trù như giá tiền mua thẻ tàu điện ngầm, giá vé vào cổng tham quan tại mỗi điểm, tiền ăn uống… Từ đó, bạn cộng tất cả các con số là sẽ ra chi phí ước tính cho hành trình du lịch tự túc từ 3 đến 4 ngày ở Singapore.

Chinatown (Khu phố Tàu) tại Singapore lúc nào cũng nhộn nhịp. Ảnh: Andrew Yee.

Chuẩn bị ngoại tệ

Ngoại tệ được sử dụng ở đây là đồng Dollar Singapore với tỷ giá một SGD quy đổi khoảng 16.000 đồng, tùy thời điểm. Nên nhớ, theo quy định của Luật quản lý ngoại hối Việt Nam, khi ra nước ngoài, bạn không được mang theo quá 5.000 USD và 15 triệu đồng tiền mặt. Riêng các loại thẻ tín dụng, bạn được mang theo thoải mái.

Giả sử, theo bảng lịch trình chi tiết có chi phí dự trù là 400 SGD, bạn có thể mua ngoại tệ Singapore với con số đó. Song phòng khi hải quan Singapore hỏi, bạn cần có ít nhất 500 USD. Như vậy, bạn sẽ có 400 SGD và 500 USD mang theo khi qua tới Singapore. Nếu không muốn lỉnh kỉnh hai loại ngoại tệ, bạn cũng có thể cầm theo 1.000 SGD.

In sẵn các loại giấy tờ quan trọng

Trước ngày khởi hành, bạn in ra các giấy tờ quan trọng: giấy xác nhận hành trình bay khứ hồi, thư điện tử có mã đặt phòng, bảng lịch trình chi tiết. Bạn xếp hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng, các giấy tờ đã in và ngoại tệ vào túi xách tay.

Đối với những bạn đi du lịch theo đoàn, nếu là nữ, cần yêu cầu công ty du lịch in sẵn lịch bay, lịch trình tour, thông tin khách sạn lưu trú ở Singapore, số điện thoại của hướng dẫn viên.

Cẩn thận viết không sai sót trên tờ khai nhập cảnh

Vào ngày bay, trên các chuyến bay đến Singapore, các tiếp viên hàng không sẽ phát cho bạn tờ khai nhập cảnh. Nếu quên lấy, khi tới sân bay Changi, ở mỗi nhà ga đều có những chiếc kệ để sẵn các tờ khai.

Trong tờ khai nhập cảnh Singapore, bạn điền thông tin đầy đủ và không bỏ dấu. Họ tên của bạn phải được viết in hoa. Số hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại khách sạn ở Singapore phải được ghi rõ ràng. Bên cạnh đó, số ngày lưu trú, điểm xuất phát trước khi tới Singapore và điểm rời đi sau đó cũng là các thông tin cần ghi rõ.

Ăn mặc chỉnh tề khi nhập cảnh

Bạn cần ăn mặc kín đáo, tránh mặc áo hai dây, áo trễ vai, quần short ngắn hoặc những chiếc quần jean có kiểu rách te tua. Hơn nữa, bạn tránh trang điểm quá đậm, đeo khuyên mũi. Những loại trang phục vừa nêu sẽ khiến hải quan Singapore có cái nhìn dò xét và đặt những nghi ngờ không hay về bạn.

Phan Ngọc Hạnh

Bài đăng phổ biến