Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ra đảo Bé Lý Sơn bắt nhum sọ nấu cháo

Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất sau chuyến đi An Bình (đảo Bé Lý Sơn, Quảng Ngãi), tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời ngay rằng có hai điều tôi nhớ nhất, đó là biển xanh, cát trắng và món cháo nhum.

Nhum tươi ngon mới bắt ở biển An Bình - Ảnh: Iris Trương

Nhum (hay còn gọi là nhím biển, cầu gai) phân bố ở nhiều vùng biển nước ta và không phải là món ăn xa lạ, nhưng ra An Bình tự mình bắt nhum rồi nấu cháo để ăn đến no nê thỏa thích, sau khi đã vùng vẫy đến mệt lử trong biển xanh, cát trắng và sự hoang sơ đến ngây dại của nơi này thì không phải ở đâu cũng có thể có được.

Nhum thường sống ở những vùng biển ven bờ nhiều san hô từ Bình Định đến Quảng Ngãi, trong đó những ghềnh đá ven bờ đảo An Bình nổi tiếng có nhiều nhum.

Ra An Bình vào mùa thu hoạch nhum, khoảng từ cuối xuân đến giữa thu, nếu biết bơi và ưa mạo hiểm bạn có thể tham gia bắt nhum cùng thanh niên trên đảo.
Nhum là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và có thể chế biến thành nhiều món: nhum tái chanh, nhum nướng mỡ hành, xúp nhum… Nhưng dễ ăn và phù hợp với mọi lứa tuổi thì chỉ có cháo nhum. Đối với tôi, món cháo nhum đã thưởng thức ở An Bình là món cháo tuyệt vời nhất trong đời tôi từng thưởng thức cho tới hiện tại.

Bắt nhum ở An Bình trông thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Đơn giản vì chỉ cần mặc đồ bơi, mang chiếc kính lặn tự chế giúp nhìn rõ dưới nước, một chiếc móc sắt để cời nhum là bạn có thể bắt đầu lặn xuống và săn nhum.

Chỉ cần men theo các tảng đá nhiều san hô, rong biển là sẽ nhìn thấy những con nhum to chừng bằng quả cam, gai lông tua tủa như những quả chôm chôm màu sắc sặc sỡ đang bám trên đó. Khẽ dùng móc sắt cời con nhum ra, sau đó nhặt vào thúng phao, thế là đã có nhum để chế biến tùy thích rồi.

Trông thì đơn giản thế nhưng cái khó là ở chỗ nếu bắt nhum không cẩn thận bị gai nhum chích vào tay, hoặc bơi lặn không để ý mà giẫm phải nhum thì sẽ rất nhức và buốt. Bởi vậy đòi hỏi người bắt nhum phải khéo léo, cẩn thận và kiên trì.

Nhum ở An Bình chủ yếu là nhum sọ, màu sắc sặc sỡ, đỏ, vàng, cam, trắng đủ loại. Nhum sọ gai ngắn và mềm hơn nên dễ chế biến hơn nhum gai (hay còn gọi là nhum đen), gai cứng và dài hơn.

Nhum bắt về rửa sạch rong rêu, sau đó lấy dao tách làm đôi. Đầu tiên bạn sẽ tưởng đó là một quả cầu rỗng vì phần lớn bên trong con nhum hoàn toàn trống không. Chỉ khi nhìn kỹ vào bên trong bạn mới thấy sát lớp vỏ nhum là những múi thịt lẫn với trứng nhum có màu vàng tươi rất ngon mắt.

Nhẹ nhàng lấy thìa, đĩa hoặc tốt nhất là thanh tre mỏng khều trứng và thịt nhum ra để vào tô.

Trong khi mấy anh em tôi ngồi bệt trên bãi cát gần nhà hì hụi khều trứng nhum - một trải nghiệm rất thú vị mà không phải lúc nào và ở đâu bạn cũng có thể trải qua, thì trong bếp bác chủ nhà nơi chúng tôi homestay đã bắc một nồi cháo hoa tự bao giờ.

Trứng nhum khều xong có thể đem xào qua với gia vị, hạt tiêu, hành phi thơm cho vừa ăn rồi đợi cho vào cháo. Một số người không thích xào thì cứ thế cho vào cháo luôn, vì như vậy sẽ giữ được vị tươi ngon, nguyên chất của nhum.

Đợi đến khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho trứng nhum vào đun cùng cháo. Ủ cháo trong bếp cho ấm, đến khi nào bắc ra ăn thì rắc thêm ít hành hoa nữa cho thơm là có thể bắt đầu thưởng thức.

Bát cháo nhum thơm lừng bổ dưỡng - Ảnh: Iris Trương

Vùng vẫy chán chê trong làn nước xanh trong văn vắt, chạy nhảy chán chê trên những bãi biển cát trắng phau phau gần nhà - những bãi biển đẹp và nguyên sơ đến ngộp thở mà bạn không thể thấy ở nơi nào khác ngoài An Bình - đến khi đã thấm mệt và ngấm lạnh thì trở về ăn cháo nhum là vừa.

Giữa lúc ấy, một bát cháo nhum nóng hổi, thơm lừng làm bạn hồi sức và tỉnh táo cả người.

Cháo nhum chuẩn mực phải là cháo hoa nấu từ gạo chứ không phải từ bột gạo. Lúc múc cháo ra ăn những hạt gạo phải nở bung, nhuyễn, quyện vào nhau, nước cháo có độ sánh và cháo phải có màu hồng hồng vàng vàng của trứng nhum, thơm thơm của hành.

Ăn cháo nhum tuyệt nhất phải ăn với bánh đa nướng. Trong khi chuẩn bị nhắc cháo ra ăn, nhanh tay quạt một vài chiếc bánh đa trên bếp than cho phồng đều, vàng ươm để đến khi mang ra ăn cùng cháo, bánh hãy còn nóng ấm và giòn. Bẻ nhỏ những miếng bánh đa cho vào bát cháo rồi bắt đầu thưởng thức.

Cháo nhum có một vị ngọt mà không loại bột nêm, gia vị hay nước xương nào có thể mang lại được. Vị ngọt thanh, dịu mà lại rất đậm đà. Đồng thời là một hương vị hấp dẫn vô cùng, tươi ngon, thơm nồng như mùi vị từ nắng và gió từ biển xanh bao la.

Xen giữa những thìa cháo là miếng bán đa giòn tan, ăn hoài không biết chán.
Iris Trương

Du khách Mỹ 6 tháng bị Sài Gòn quyến rũ

Chỉ định ở một ngày, nhưng rồi Sài Gòn đã níu kéo David Vann, một nhà văn người Mỹ, suốt 6 tháng với 'những trải nghiệm khó quên'.
Xem thêm: Hoa Osaka vàng rực đường phố Sài Gòn

Rời Sài Gòn, David Vann đã có bài viết chia sẻ trên tờ Guardian của Anh.
David Vann dự định đến một vùng đất ấm áp và sôi động để tránh cái lạnh cắt ca cắt thịt và cảm giác cô đơn mà anh đang phải chịu đựng ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Anh miêu tả Bắc Kinh nặng nề với bầu không khí u ám, ô nhiễm, không chim chóc mà cũng chẳng còn sự trong lành. Lúc ấy, trong đầu David Vann chỉ nghĩ đến Thái LanPhilippines, nhưng cuối cùng anh lại quyết định chọn Sài Gòn, và chỉ một đêm transit tại đây, trước khi đến Mũi Né thư giãn. Thế nhưng cơ duyên đã khiến anh lưu lại tận 6 tháng và hoàn toàn không hối tiếc với quyết định của mình.
Phố Bùi Viện lung linh dưới ống kính của tác giả.

David Vann vốn không phải là người thích cuộc sống tại các thành phố sôi động, nhưng TP HCM lại là một ngoại lệ. Tuần đầu tiên, đêm nào anh cũng đi nhảy đến sáng và các quán bar và sàn nhảy ở đây không hề có sự phân biệt đối xử. “Từ những năm 1990 cho tới nay thì đây là lần đầu tiên tôi có trải nghiệm tuyệt như thế này. Sài Gòn dường như không còn khoảng cách giữa những con người. Ai nấy đều thân thiện, đều sẵn sàng nhảy và nâng ly cùng nhau. Tôi đã 48 tuổi, thế mà những người ở đấy, 20-30 hay 40 tuổi, đều chẳng ngại ngần rằng tôi là già nhất. Họ khiến tôi như trẻ lại. Tôi nhảy bò trên sàn, và họ cười rồi quậy cùng tôi. Chẳng còn phân biệt gì cả. Thú thật nhiều năm rồi tôi không được vui như thế. Lúc ấy tôi như một đứa trẻ”.

Là một người Mỹ, sinh ra khi vẫn còn chiến tranh, nên David Vann hiểu được phần nào những dư âm mà chiến tranh để lại. Thế nhưng khi quay lại Sài Gòn, quay lại Việt Nam, David Vann bất ngờ khi không còn thấy sự hận thù khi xưa. “Quân đội Mỹ đã tới đây, đánh bom mảnh đất này, rồi thả cả chất độc da cam. Thế mà người dân nơi này chẳng giận dữ gì khi tôi nói mình là người Mỹ. Tôi đến đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Sài Gòn. Người dân háo hức kỷ niệm ngày chiến thắng chúng tôi, đường phố rực rỡ ánh đèn, ngập tràn sắc hoa. Và họ luôn nhìn tôi với ánh mắt trìu mến, luôn dành cho tôi những nụ cười”, David Vann chia sẻ.

“Cảm động hơn khi biết rằng rất nhiều người dân nơi này vẫn vất vả từng ngày. Thậm chí trong số họ, nhiều người còn phải cật lực mới có thể tồn tại nhưng họ vẫn mỉm cười mà chẳng bao giờ than vãn như người Mỹ chúng tôi vẫn hay làm. Họ để dành từ thu nhập ít ỏi ấy vun vén cho gia đình, chu cấp cho cha mẹ hay anh em ruột thịt. Họ cũng tự bỏ tiền ra để hàn gắn những nỗi đau từ chiến tranh. Đến đây, tôi mới hiểu thế nào là giá trị gia đình”, anh nói thêm.
Vann và các bạn trẻ Sài Gòn.

6 tháng ở Sài Gòn, Vann được mời đến dự nhiều đám cưới, đám tang và bị chúc rượu rất nhiều, cũng được nếm nhiều món ăn đặc biệt. "Họ mời tôi ăn bằng được mấy món rất sốc như máu của lợn hay trứng vịt mà bên trong vịt con đã hình thành. Tôi cũng bị một vết sẹo do để chân vào ống pô xe máy, cái cảm giác ấy đau đớn vô cùng. Và tôi cũng hiểu được lòng hiếu khách vô bờ bến của người bản xứ. Họ sẵn sàng nhường tôi phòng ngủ, dù tôi khăng khăng chỉ xin nghỉ qua đêm ở phòng khách mà thôi. Họ còn nấu cho tôi ăn những món tuyệt nhất thế gian, với nguyên liệu tôi chưa nghe tên bao giờ”.

Từ một ngày như dự định ban đầu, David Vann đã quyết định ở lại Sài Gòn đến 6 tháng. Khoảng thời gian ấy, anh sống một mình nhưng chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và thiếu tiếng cười. Có lần đi mua sắm, anh gặp một người, thấy vết bỏng trên chân họ và rồi chỉ vào vết bỏng trên bắp chân mình và cả hai cùng người. "Cảm giác ấy thật ngộ nghĩnh. Người Sài Gòn luôn lạc quan, yêu đời, bất chấp cuộc sống của họ còn vô vàn khó khăn. Tôi thực sự khâm phục tinh thần ấy”.

Hồng Hải

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

13 món ăn rất ngon vừa quen, vừa lạ của đất cảng Hải Phòng

Bên cạnh những món quen thuộc như nem cua bể, bánh mì cay, bánh đa cua, bún tôm… thì giá bể, chả chìa, cua rang muối, gỏi rau muống tép sông…là những món ngon ít người biết của quê hương Hải Phòng. 
Xem thêm: Sắc màu ẩm thực Điện Biên

Giá bể (giá biển)

Giá bể là món ăn mà không phải ai là người Hải Phòng cũng biết về nó. Giá bể là loài sống ở những bãi bồi ven biển, thường có quanh năm nên cũng có khi người ta gọi nó là giá biển. Giá bể có hình thù giống như con móng tay nhưng thân mỏng hơn. Chân của nó giống như giá đỗ thò ra ngoài. Giá bể được chế biến phổ biến nhất là giá bể xào và nộm giá bể.


Giá bể xào có vị chua chua, ngọt ngọt rất dễ ăn. Tuy nhiên, với nhiều người thiếu kiên nhẫn thì ăn giá bể rất mất thời gian vì phải tách vỏ từng con một để lấy thịt bên trong.

Nộm giá bể ăn cuốn bánh tráng ăn kèm với các loại rau thơm đinh lăng, lá sắn thuyền, chuối chát, dứa chua ngọt, khế xắt mỏng… chấm nước mắm chua ngọt.

Cháo khoái

Cháo khoái không chỉ đặc biệt về tên gọi mà cũng khiến cho người ta ấn tượng về màu sắc. Màu xanh của cháo được làm từ lá rau ngót, cũng có nơi làm từ lá dứa. Trên mỗi bát cháo khoái, người ta cho thêm đậu xanh xay nhuyễn, có thể cho thêm hành phi thơm lên trên. Giá tiền cho một bát cháo khoái là 10k/bát. Quán cháo khoái bán đông khách nhất ở Hải Phòng nằm ở chợ Cột Đèn (Dư Hàng, Lê Chân, Hải Phòng). Ngoài cháo khoái, bạn cũng có thể thưởng thức thêm món cháo sườn hoặc cháo trai.


Cháo khoái thường được bán vào buổi chiều. Bạn sẽ thấy thật tuyệt khi được thưởng thức một bát cháo khoái vào lúc bụng “ngon ngót” mỗi chiều, nhất là trong những ngày đông lạnh như thế này.

Gỏi rau muống tép sông

Được xem là món ăn chơi cũng giống như những món gỏi khác, nhưng gỏi rau muống tép sông đặc trưng ở chỗ rất dân dã, dễ làm và được ưa chuộng. Rau muống có quanh năm và ở mọi nơi nên việc tìm nguyên liệu cho món này cũng không khó. Cái quan trọng nhất trong món gỏi là sự kết hợp hài hòa các gia vị sao cho thật vừa miệng và hấp dẫn từ bề ngoài cho tới hương vị món ăn.


Tép sông con nhỏ, rửa sạch, để ráo, đem rang chín với một chút dầu ăn. Lạc khô rang chín, xát bỏ vỏ và đập dập, húng quế đem rửa sạch thái nhỏ, ít hoa chuối rửa sạch để ráo. Tỏi bóc vỏ, giã dập, ớt thái sợi, bỏ hạt. Cho tỏi, ớt, nước cốt chanh cùng ít đường, mì chính khuấy đều cho tan. Rau muống, hoa chuối trộn với tỏi ớt chua ngọt, sau đó cho hung quế và tép vào, kế tiếp là lạc rang lên trên. Dùng đũa trộn đều các hỗn hợp. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt và cả vị giòn giòn rất thú vị từ rau muống.

Cơm cháy hải sản

Nhắc đến cơm cháy, nhiều người thường nghĩ đến Ninh Bình. Nhưng người Hải Phòng không nhất thiết phải đến tận Ninh Bình để thưởng thức món cơm cháy đặc biệt đó. Ngay tại đất Cảng cũng có món cơm cháy, nhưng mang đặc trưng của Hải Phòng: cơm cháy hải sản.


Thực ra cơm cháy không phải là món ăn quá khó làm, bởi chỉ là cơm nấu ép lại, sấy khô rồi rán giòn, nhưng ngon hay không là ở nước sốt. Cái lạ của cơm cháy là nếu ăn với loại nước sốt nào sẽ có hương vị của nước sốt ấy, nên nước sốt càng ngon thì ăn với cơm cháy càng ngon. Vì vậy, đầu bếp ở Hải Phòng đã kết hợp giữa cơm cháy của Ninh Bình với nước sốt hải sản- món ăn quen thuộc của người Hải Phòng để trở thành nét đặc trưng riêng của ẩm thực đất Cảng.

Thơm ngon, không ngán và đặc biệt, có thể ăn đến no. Đó là những điều ẩn chứa trong món ăn lạ miệng nhưng rất bình dân này.

Cua rang "muối"

Cũng từ những con cua bể chắc thịt, ngọt tươi, người Hải Phòng đã sáng tạo ra một món ngon Hải Phòng vừa đơn giản, vừa bổ dưỡng này. Nghe cái tên, nhiều người lầm tưởng cua rang với muối hột, muối mặn nhưng không phải.


Thật ra, “muối” trong tên món này là bột gạo được làm mặn nhẹ, khi chín, phủ lên bề mặt lớp bột mịn tơi và rời, trông như muối nên nếu món ăn chế biến cùng với loại bột này thường được gọi là rang muối.

Không mất quá nhiều thời gian, cua rang muối thơm và không tanh nhiều như cua luộc lại còn đậm đà hơn. Lý do một phần có lẽ vì cua rang có thêm các thành phần cần thiết như sả, lá mùi, dầu ăn, bột muối và gia vị. Những con cua sau khi rang xong màu sắc hấp dẫn, chỉ cần đập chút vỏ ngoài là có thể tận hưởng. Cua rang muối ăn cơm cũng ngon mà làm mồi lai rai cũng tốt.

Ốc xào khế

Nguyên liệu cho món ăn này khá đơn giản gồm khế chua, củ nghệ, nắm lá tía tô, vài cái lá lốt, mỡ hành hoa, ốc. Các thứ rau hành gia vị nhặt rửa sạch sẽ, khế thái ngang như những ngôi sao nhỏ rồi bóp muối, rửa sạch, vắt kiệt nước chua. Nghệ giã nhỏ, lọc lấy nước màu. Ốc luộc vừa chín tới, gỡ lấy ruột, làm sạch túi phân.


Cho ít dầu ăn vào chảo, phi thơm đầu hành trắng, cho khế đã vắt khô vào đảo, nêm ít mắm muối và nước nghệ vào đảo đều. Khi khế ngấm mắm muối thì cho ốc đã làm sạch vào đảo thêm vài lượt cho ốc thật nóng và ngấm gia vị. Để món ăn thêm thú vị và béo thơm, người Hải Phòng còn cho thêm chuối xanh xào cùng các nguyên liệu. Bắc chảo ra, cho tía tô, lá lốt và hành thái nhỏ vào đảo đều. Cho ra đĩa, rắc lên ít gừng thái mỏng ăn thật nóng rất ngon. Gắp một đũa, ốc thì giòn và béo, khế chua dịu, gia vị đậm đà, quyện với mùi rau hành và tía tô ngon không thể tả.

Chả chìa

Chả chìa với 3 nguyên liệu chính: Mực, thịt lợn và mía. Người thợ phải ra chợ từ sáng sớm, chọn mua hay đặt từ trước những mẻ thịt lợn vừa mới mổ, tươi ngon và sạch sẽ, về nhà lọc hết phần mỡ, lấy phần thịt đem xay nhuyễn ra làm chả. Mực cũng phải là loại mực ngon, kén mua tận Cát Bà, Cát Hải, sau đó đem về cắt nhỏ, xay nhuyễn cùng thịt lợn nạc, ướp với nước mắm, mì chính, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu…


Chả chìa Hạ Lũng nổi tiếng tự bao giờ không ai biết, chỉ có điều, món ăn làng quê ấy đã trở thành “đặc sản” tới nỗi, bao du khách khi ghé về thăm làng hoa, chợ hoa, cũng phải mua cho kì được món chả “ độc đáo” về làm quà cho người thân, gia đình.

Bánh đa cua

Bánh đa cua đối với người Hải Phòng cũng phổ biến như phở ở Hà Nội, bún bò ở Huế hay hủ tiếu ở Sài Gòn vậy. Bất kể người sang kẻ hèn đều vừa miệng. Từ những nguyên liệu gần gũi và giản đơn là cua đồng, bánh đa, các loại rau như rau cần, rau nhút (rút) hợp nhau một cách đặc biệt tạo nên hương vị vừa thanh khiết lại đậm đà cho món ăn.


Khách nhìn thấy bát bún, sẽ không khỏi rạo rực, nóng lòng thưởng thức vì những màu sắc kết hợp thật ngon mắt. Sợi bánh đa sẫm đỏ, gạch cua nâu hồng, cà chua đỏ, các loại rau xanh tươi, chả lá lốt, chả viên vàng nâu, rồi cả hành phi, hành lá nữa kết hợp với mùi thơm nồng nàn khiến người đang háu ăn phải rớt nước miếng.

Bún tôm

Bún tôm cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực Hải Phòng, có nguyên liệu chủ đạo là bún và hải sản (thông thường là tôm). Bún phải là loại bún sợi to, tôm là tôm sú hoặc tôm giảo tươi, tùy khẩu vị mà có thể thêm sườn non, chân giò. Rau ăn kèm thường là rau cần, rau cải xanh, mộc nhĩ, nấm hương, thì là, hành lá. Tuy mỗi nơi có cách biến tấu khác nhau nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có một vài món xuất xứ từ vùng biển Hải Phòng thì mới được coi là bún tôm chuẩn.

Lẩu cua đồng

Món lẩu cua đồng tại Hải Phòng có hương vị đậm đà hơn so với các địa phương khác, do người dân Hải Phòng đặc biệt ưa thích những món ăn chế biến từ cua (gồm cả cua đồng và cua bể). Nguyên liệu chính của món này là cua đồng loại tươi, khi ăn nước lẩu ngọt đậm đà với riêu cua, ăn kèm rau, hành, thịt bò, đậu rán, chả cá, trứng vịt lộn… Các quán lẩu cua đồng ngon cho bạn lựa chọn: Lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở phố Văn Cao, hay quán ở đường Chu Văn An sau sân vận động Lạch Tray.

Nem cua bể

Nem cua bể được xem là món đặc trưng của thành phố Cảng. Khác với kiểu cuốn nem dài truyền thống ở miền Nam hay của người Hà Nội, nem cua bể Hải Phòng được gói vuông, nên còn được gọi là nem vuông.


Nhân nem gồm có thịt cua tươi, thịt nạc vai, tôm, nấm hương, trứng, giá… tẩm ướp gia vị vừa miệng. Một điều cũng rất quan trọng để nem có độ giòn, thơm, chính là loại bánh đa cuốn thường chỉ được đặt làm riêng. Bánh đa sau khi nhúng nước, để ráo, cho các nguyên liệu đã chuẩn bị vào, sau đó khéo léo gói thành hình vuông trông đẹp mắt. Khi ăn, người ta kèm với bún và rau sống, nước chấm có vị chua cay ngọt. Vị ngọt của thịt cua bể, giòn của vỏ bánh đa cuốn rán vừa chín tới, thêm chút đậm đà của mắm chấm… làm hài lòng ngay cả những người khó tính nhất.

Bánh mì cay

Bánh mì chỉ nhỏ bằng hai ngón tay, phần nhân là một lớp patê, ruốc và tương ớt. Bánh được nướng bằng bếp than, giòn và nóng hổi. Đây là món ăn lót dạ được yêu thích của học sinh - sinh viên. Bánh mì cay được bán phổ biến tại các phố Đinh Tiên Hoàng, Minh Khai, Hàng Kênh, quán Hồng Quân đường Cát Cụt hoặc Khánh Nạp ở Chợ Con…

Bánh đúc tàu

Món ăn với cái tên khá xa lạ, nhưng đối với các bạn trẻ Hải Phòng thì đây lại là món ăn quen thuộc. Một bát bánh đúc tàu bao gồm phần bánh đúc cắt nhỏ, ăn cùng tôm, thịt, đu đủ rán kỹ, và nước mắm giấm được chan vào trong bát.


Với hương vị vừa chua chua ngọt ngọt, lại có vị mặn và cay của dấm ớt, hương vị kết hợp trở nên thanh tao nhẹ nhàng, ấn tượng rất khó quên. Hàng lâu đời và nổi tiếng nhất là hàng ở gần ngã tư Cát Dài - Cát Cụt, hay quán bánh đúc ở chợ An Dương.

(Theo Báo Gia đình & Xã hội)

Bài đăng phổ biến