Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

4 món ăn đường phố giá bèo nhưng ngon "mê ly" của Lào

Ngoài Lạp và xôi nếp nương, đất nước Lào có nhiều món ăn đường phố giá rẻ với giá dưới 60 ngàn để bạn thoải mái khám phá.

1. Khao Piak Sen

Có vài điểm tương đồng với những tô bún phở Việt Nam khi dùng nước xương ninh hoặc nước luộc gà để làm nên bát Khao Piak Sen. Nhiều khách du lịch quen gọi Khao Piak Sen là “phở Lào” bởi thành phần chính làm nên bát phở là bánh phở, thịt gà, thịt bò hoặc thịt lơn và không thể thiếu nước dùng.

Điều dễ nhận thấy khi ăn phở Lào là nước dùng không cho miếng vỏ quế, vài cánh hồi, gừng và hành khô nướng để tạo mùi thơm như người Việt quen dùng; nước dùng của Khao Piak Sen hoàn toàn lấy vị ngọt thanh từ xương làm chủ đạo để thực khách tùy ý gia giảm. Bạn muốn thêm vị chua, hãy vắt vài giọt chanh vào bát; bạn muốn tăng chút cay, đơn giản là dùng vài quả ớt đỏ.


Không chỉ vậy, phở Lào còn có một rổ rau sống ăn kèm với húng quế, xà lách và đậu đũa tươi cắt khúc chấm mắm. Giá cho một tô Khao Piak Sen chỉ khoảng 10.000 kip (gần 28 ngàn đồng).

2. Tam Mak Houng


Nộm đu đủ xanh trong tiếng Lào là Tam Mak Hoong. Gần giống với món Som Tam của người Thái Lan với thành phần chính là những sợi đu đủ xanh bào mỏng dài, thêm gia vị chanh, ớt, đường, tiêu vừa đủ, sau đó bóp trộn để đu đủ tự ra nước và ngấm đầy đủ vị chua cay mặn ngọt. Tam Mak Houng ngày nay được trộn thêm với một vài miếng cà chua chín đỏ, điểm vài con tôm bóc nõn càng làm cho món ăn thêm bắt mắt và hấp dẫn. Giá cho một phần nộm đu đủ rất bình dân khoảng 10.000 kip (tương đương 28 ngàn đồng).

3. Sai Oua

Sai Oua hiểu một cách đơn giản là xúc xích “made in Lao”. Có hình dáng và cách làm như những chiếc xúc xích quen thuộc, điều đặc biệt trong mỗi chiếc Sai Oua chính là thành phần nguyên liệu và nêm nếm gia vị. Thành phần chính của mỗi chiếc xúc xích Lào là thịt lợn, không thể thiếu sả, gừng, lá chanh, rau mùi, ớt, tỏi và nước mắm. Ăn Sai Oua đúng điệu khi bạn chấm cùng với Nam Cheo - một loại nước chấm làm từ cá và gạo nếp. Giá của một suất Sai Oua cũng rất hợp lý, chỉ khoảng 20.000 kip (khoảng 55 ngàn đồng).

4. Sien Savanh

Thịt bò khô - Sien Savanh là một trong những món ăn vặt rất được yêu thích tại Lào. Thịt bò sau khi được pha thành từng miếng nhỏ sẽ ướp cùng với tương đen, dầu hào, tỏi, tiêu, đường thốt nốt cùng vừng trắng rang chín. Sau khi thịt bò thẩm thấu gia vị, chúng được làm chín và phơi khô dưới ánh nắng chói chang của đất Lào nóng bỏng tạo nên những miếng thịt bò có hương vị rất riêng. Thịt bò khô khi thành phẩm rất phù hợp để uống cùng bia hoặc ăn với một phần xôi nếp. Giá cho một phần bò khô để lai rai chỉ khoảng 10.000 kip (khoảng 28 ngàn đồng).


(Theo Trí Thức Trẻ)

Như thực như mơ ở bãi Tiên

Cách trung tâm TP Nha Trang chưa đầy 10km có một nơi được gọi là bãi Tiên. Điểm đến mới mẻ này hiện thu hút rất đông du khách tìm đến đạp xe, leo núi và ngắm biển vào mỗi chiều muộn.
 


Vẻ đẹp nguyên sơ, hữu tình của bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành

Để tới bãi Tiên, từ trung tâm thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) cứ thế chạy xe theo con đường mới nối liền đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng. Gọi là đường mới vì nó không có tên, chỉ là con đường nhựa phẳng lì chạy giữa núi và biển theo hướng bắc của thành phố.

Càng đi, đường càng heo hút. Ấn tượng sau con dốc quanh co là những mái chòi của dự án khu nghỉ mát cao cấp Rusalka bị bỏ hoang làm tôi có cảm giác như vừa đặt chân tới ngôi làng của một bộ tộc da đỏ giữa cánh rừng nguyên sinh Amazon.

Tiếp tục hành trình sẽ dễ dàng nhận ra bãi Tiên, một bãi biển hình cánh cung hiện ra trước mắt. Bãi biển ở đây không có cát, mà trải đều những viên đá cuội nhiều hình dáng.

Đứng từ trên cao có thể thấy rõ vẻ mềm mại lẫn hun hút của bãi biển. Đây cũng chính là điểm hẹn hò lãng mạn của những cặp đôi vào mỗi buổi chiều.

Để xuống bãi Tiên, bạn phải men theo con đường đất rậm rạp cỏ cây. Chui qua những búi cây gai sẽ bắt gặp một mép núi chênh vênh, phía dưới sóng biển màu xanh ngọc bích vỗ rì rào.

Ở đây có thể cảm nhận rõ những doi núi lấn ra biển, tạo thành nhiều hốc đá với nhiều hình thù kỳ lạ do sóng và gió bào mòn.

Chiều xuống, bọt biển trắng xóa làm thành lớp sương khói mờ ảo. Đứng từ mép núi này có thể nhìn ra các đảo yến Hòn Cau, Hòn Vung.

Tiếng lành đồn xa, thời gian gần đây bãi Tiên không chỉ là nơi người Nha Trang tìm đến để ngắm cảnh, hẹn hò hay tập yoga, mà còn là điểm đến lý tưởng của nhiều cặp đôi tìm đến chụp hình cưới.

Điều thú vị là thay vì bỏ ra tiền triệu đồng để thuê chụp hình trong những khu resort sang trọng, cô dâu chú rể chỉ mất tiền… gửi xe để thỏa sức sức tạo dáng, hòa mình cùng thiên nhiên hoang sơ.

Những căn chòi của công trình du lịch Rusalka bỏ hoang nhìn từ đường mới - Ảnh: Tiến Thành


Một hẻm núi trên đường xuống bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành


Trải nghiệm cảm giác leo núi bên mép vực - Ảnh: Huyền Trâm


Người dân Nha Trang tập yoga bên đường mới - Ảnh: Tiến Thành


Các cuarơ TP Nha Trang trải nghiệm trên con đường biển và núi - Ảnh: Tiến Thành


Bãi Tiên là nơi lý tưởng chụp hình cưới - Ảnh: Tiến Thành


Rạn san hô dưới vịnh Nha Trang - Ảnh: Tiến Thành


Câu cá dưới bãi Tiên - Ảnh: Tiến Thành


Bạn trẻ chụp hình trên bãi đá cách trung tâm thành phố gần 5km - Ảnh: Tiến Thành

Tiến Thành

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Ra đảo Bé Lý Sơn bắt nhum sọ nấu cháo

Nếu hỏi tôi nhớ gì nhất sau chuyến đi An Bình (đảo Bé Lý Sơn, Quảng Ngãi), tôi sẽ chẳng ngại ngần mà trả lời ngay rằng có hai điều tôi nhớ nhất, đó là biển xanh, cát trắng và món cháo nhum.

Nhum tươi ngon mới bắt ở biển An Bình - Ảnh: Iris Trương

Nhum (hay còn gọi là nhím biển, cầu gai) phân bố ở nhiều vùng biển nước ta và không phải là món ăn xa lạ, nhưng ra An Bình tự mình bắt nhum rồi nấu cháo để ăn đến no nê thỏa thích, sau khi đã vùng vẫy đến mệt lử trong biển xanh, cát trắng và sự hoang sơ đến ngây dại của nơi này thì không phải ở đâu cũng có thể có được.

Nhum thường sống ở những vùng biển ven bờ nhiều san hô từ Bình Định đến Quảng Ngãi, trong đó những ghềnh đá ven bờ đảo An Bình nổi tiếng có nhiều nhum.

Ra An Bình vào mùa thu hoạch nhum, khoảng từ cuối xuân đến giữa thu, nếu biết bơi và ưa mạo hiểm bạn có thể tham gia bắt nhum cùng thanh niên trên đảo.
Nhum là món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe và có thể chế biến thành nhiều món: nhum tái chanh, nhum nướng mỡ hành, xúp nhum… Nhưng dễ ăn và phù hợp với mọi lứa tuổi thì chỉ có cháo nhum. Đối với tôi, món cháo nhum đã thưởng thức ở An Bình là món cháo tuyệt vời nhất trong đời tôi từng thưởng thức cho tới hiện tại.

Bắt nhum ở An Bình trông thì đơn giản nhưng không hề dễ dàng chút nào. Đơn giản vì chỉ cần mặc đồ bơi, mang chiếc kính lặn tự chế giúp nhìn rõ dưới nước, một chiếc móc sắt để cời nhum là bạn có thể bắt đầu lặn xuống và săn nhum.

Chỉ cần men theo các tảng đá nhiều san hô, rong biển là sẽ nhìn thấy những con nhum to chừng bằng quả cam, gai lông tua tủa như những quả chôm chôm màu sắc sặc sỡ đang bám trên đó. Khẽ dùng móc sắt cời con nhum ra, sau đó nhặt vào thúng phao, thế là đã có nhum để chế biến tùy thích rồi.

Trông thì đơn giản thế nhưng cái khó là ở chỗ nếu bắt nhum không cẩn thận bị gai nhum chích vào tay, hoặc bơi lặn không để ý mà giẫm phải nhum thì sẽ rất nhức và buốt. Bởi vậy đòi hỏi người bắt nhum phải khéo léo, cẩn thận và kiên trì.

Nhum ở An Bình chủ yếu là nhum sọ, màu sắc sặc sỡ, đỏ, vàng, cam, trắng đủ loại. Nhum sọ gai ngắn và mềm hơn nên dễ chế biến hơn nhum gai (hay còn gọi là nhum đen), gai cứng và dài hơn.

Nhum bắt về rửa sạch rong rêu, sau đó lấy dao tách làm đôi. Đầu tiên bạn sẽ tưởng đó là một quả cầu rỗng vì phần lớn bên trong con nhum hoàn toàn trống không. Chỉ khi nhìn kỹ vào bên trong bạn mới thấy sát lớp vỏ nhum là những múi thịt lẫn với trứng nhum có màu vàng tươi rất ngon mắt.

Nhẹ nhàng lấy thìa, đĩa hoặc tốt nhất là thanh tre mỏng khều trứng và thịt nhum ra để vào tô.

Trong khi mấy anh em tôi ngồi bệt trên bãi cát gần nhà hì hụi khều trứng nhum - một trải nghiệm rất thú vị mà không phải lúc nào và ở đâu bạn cũng có thể trải qua, thì trong bếp bác chủ nhà nơi chúng tôi homestay đã bắc một nồi cháo hoa tự bao giờ.

Trứng nhum khều xong có thể đem xào qua với gia vị, hạt tiêu, hành phi thơm cho vừa ăn rồi đợi cho vào cháo. Một số người không thích xào thì cứ thế cho vào cháo luôn, vì như vậy sẽ giữ được vị tươi ngon, nguyên chất của nhum.

Đợi đến khi nồi cháo bắt đầu nhừ thì cho trứng nhum vào đun cùng cháo. Ủ cháo trong bếp cho ấm, đến khi nào bắc ra ăn thì rắc thêm ít hành hoa nữa cho thơm là có thể bắt đầu thưởng thức.

Bát cháo nhum thơm lừng bổ dưỡng - Ảnh: Iris Trương

Vùng vẫy chán chê trong làn nước xanh trong văn vắt, chạy nhảy chán chê trên những bãi biển cát trắng phau phau gần nhà - những bãi biển đẹp và nguyên sơ đến ngộp thở mà bạn không thể thấy ở nơi nào khác ngoài An Bình - đến khi đã thấm mệt và ngấm lạnh thì trở về ăn cháo nhum là vừa.

Giữa lúc ấy, một bát cháo nhum nóng hổi, thơm lừng làm bạn hồi sức và tỉnh táo cả người.

Cháo nhum chuẩn mực phải là cháo hoa nấu từ gạo chứ không phải từ bột gạo. Lúc múc cháo ra ăn những hạt gạo phải nở bung, nhuyễn, quyện vào nhau, nước cháo có độ sánh và cháo phải có màu hồng hồng vàng vàng của trứng nhum, thơm thơm của hành.

Ăn cháo nhum tuyệt nhất phải ăn với bánh đa nướng. Trong khi chuẩn bị nhắc cháo ra ăn, nhanh tay quạt một vài chiếc bánh đa trên bếp than cho phồng đều, vàng ươm để đến khi mang ra ăn cùng cháo, bánh hãy còn nóng ấm và giòn. Bẻ nhỏ những miếng bánh đa cho vào bát cháo rồi bắt đầu thưởng thức.

Cháo nhum có một vị ngọt mà không loại bột nêm, gia vị hay nước xương nào có thể mang lại được. Vị ngọt thanh, dịu mà lại rất đậm đà. Đồng thời là một hương vị hấp dẫn vô cùng, tươi ngon, thơm nồng như mùi vị từ nắng và gió từ biển xanh bao la.

Xen giữa những thìa cháo là miếng bán đa giòn tan, ăn hoài không biết chán.
Iris Trương

Bài đăng phổ biến