Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Lịch trình du ngoạn Hà Giang cho từng phương tiện

Đây là lịch trình hợp lý cho từng người đi xe máy, ôtô riêng hay đi ôtô khách kết hợp thuê xe máy để ngắm tam giác mạch đang mùa nở rộ.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Năm nay Hà Giang gieo rất nhiều tam giác mạch ở hai bên đường để làm du lịch và theo nhiều đợt, có chỗ vừa mới gieo và tạo hình trái tim, ngôi sao ở những điểm chính. Vậy nên các bạn không nên đổ dồn vào một đợt khiến cho việc đi lại vất vả, tắc đường, nguy hiểm, khó khăn trong việc ăn nghỉ và dễ bị chặt chém. Cứ sắp xếp thời gian từ giờ cho đến hết tháng 11 và có thể sang cả tháng 12 vẫn nhiều hoa đẹp. Đi quá đông sẽ khiến cho các bạn khó chụp ảnh đẹp vì hầu như toàn người và người.


Lịch trình này có thể không hợp lý với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng người nhưng phần nào giúp các bạn đỡ lúng túng khi lên lịch trình. Lịch trình phù hợp với những bạn di chuyển vào ngày cuối tuần và chỉ dành cho những người mới đi, không dành cho những người đã đi nhiều cần mò mẫm vào làng bản, chui rúc hay offroad....

1. Người đi xe ôtô riêng

Ngày 1: Hà Nội - TP Hà Giang: khoảng 300 km
Nên xuất phát vào đầu giờ chiều, đi theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến lối ra Phù Ninh thì ra quốc lộ 2 rồi chạy thẳng Tuyên Quang, lên TP Hà Giang. Tối nghỉ tại TP Hà Giang.

Nếu bạn từ Hà Nội đi từ sáng thì có thể chạy thẳng lên Quản Bạ, tối nghỉ tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ. Đoạn đường Hà Nội - Hà Giang thì không có gì nhiều để ngắm hay khám phá. Chủ yếu từ Hà Giang đến Quản Bạ thì có mấy điểm để ngắm như dốc Bắc Sum, Núi Đôi Cô Tiên, Quản Bạ.


Ngày 2: TP Hà Giang (hoặc Tam Sơn) - Đồng Văn: 145 km - 180 km
Sáng xuất phát từ Hà Giang đi Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, Phó Bảng, Sủng Là, Sà Phình, Dinh vua Mèo, cột cờ Lũng Cú, Đồng Văn. Tối nghỉ Đồng Văn hoặc chạy sang Mèo Vạc ngủ.

Ngày này bắt đầu từ Quản Bạ đã vào công viên địa chất Cao Nguyên Đá Đồng Văn nên cảnh sắc hùng vĩ, có nhiều điểm dừng nghỉ ngắm cảnh như Núi Đôi Quản Bạ, rừng thông Yên Minh, Dốc Thẩm Mã, dốc chín khoanh, thung lũng Sủng Là với nhà Pao trong phim "Chuyện của Pao", khu phố cổ Phó Bảng, Dinh vua Mèo, Cột Cờ Lũng Cú... Riêng hoa tam giác mạch mùa này thì năm nay gieo đầy hai bên đường dọc từ Quyết Tiến (hết dốc Bắc Sum) lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc nên các bạn đi dọc đường cứ chỗ nào đẹp thì xuống ngắm. Có nhỡ qua thì còn chỗ khác, không phải lo như những năm trước chỉ có vài chỗ gieo tam giác mạch.

Ngày 3: Đồng Văn - đèo Mã Pì Lèng - thị trấn Mèo Vạc - Lũng Phìn - Mậu Duệ - Yên Minh - Quản Bạ - Hà Giang: 160 km

Ngày này có thể dậy sớm và có ít điểm tham quan vì hầu như đã đi rồi. Nếu về đến Hà Giang sớm thì các bạn có thể về thẳng Hà Nội theo đường cũ nhưng hơi tối muộn chút. Nếu có nhiều thời gian thì nghỉ lại ở Hà Giang để hôm sau về cho thoải mái. Chủ yếu là đèo Mã Pì Lèng, chợ phiên Mèo Vạc nếu vào sáng chủ nhật, Dốc chữ M ở Sủng Trái... tập trung vào mấy điểm ấn tượng đó.

2. Những người đi xe khách lên Hà Giang rồi thuê xe máy

Ngày 1: Hà Nội - TP Hà Giang: 300 km

Nên đi chuyến xe giường nằm Mỹ Đình - Hà Giang khởi hành lúc 21h đêm để lên đến Hà Giang khoảng 5h sáng. Thuê xe máy, chằng đồ, ăn sáng, chuẩn bị khởi hành.

Ngày 2: Hà Giang - Quản Bạ - Yên Minh - Phố Cáo - Sủng Là - Sà Phìn - Dinh Vua Mèo - Lũng Táo - Ma Lé - cột cờ Lũng Cú - Đồng Văn. Tối ngủ Đồng Văn. Quãng đường khoảng 180 km.
Về cảnh quan, điểm dừng, điểm ngắm hoa như dành cho đối tượng đi ôtô riêng.

Ngày 3: Như với người đi ôtô riêng hoặc quay lại đường cũ. Tối về đến Hà Giang các bạn trả xe, ăn tối rồi bắt xe giường nằm về Hà Nội. Sáng sớm hôm sau có mặt tại HN.


Lịch trình này phù hợp cho các bạn đi làm. Tối thứ 6 lên xe giường nằm và sáng thứ 2 về đi làm bình thường.

3. Những người đi xe máy

Gần giống với người đi ôtô riêng, tuy nhiên các bạn nên đi theo quốc lộ 2C để đỡ đông và cảnh sắc đẹp hơn. Ngày cuối các bạn có thể về Hà Nội hơi muộn.

Tuỳ theo điều kiện thời gian của mình, các bạn có thể xuất phát hoặc nghỉ ngơi cho hợp lý. Không nhất thiết phải đúng trình tự như trên. Nếu các bạn có điều kiện đi vào ngày thường thì nên đi ngày thường, các ngày cuối tuần chắc chắn sẽ đông và khó khăn trong việc ăn, nghỉ. Dễ bị chặt chém hoặc sự phục vụ không được tốt.

Cập nhật thông tin mùa hoa tam giác mạch 2015 ở Hà Giang

Tại Thèn Phàng, Xín Mần gần cửa khẩu Xín Mần (cách cửa khẩu 7 km): Đã có một số thửa ruộng đã nở hoa đẹp. Hoa gieo theo nhiều đợt nên từ giờ đến khoảng hết tháng 11 đi lúc nào cũng có hoa. Điểm này tam giác mạch hoa to và đẹp, view đẹp, background chụp ảnh đẹp.

Dọc đường từ Quản Bạ (dọc dốc xuống Tam Sơn từ đèo Quản Bạ): bắt đầu gieo nhiều tam giác mạch hai bên đường đến Mèo Vạc. Hoa bắt đầu nở đẹp khu Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Cẩm, gần cột cờ Lũng Cú...

Đầu tháng 10 tại dốc 9 khoanh từ cuối Phố Cáo sang Sủng Là đang đẹp nhất vì lưng dốc và có sau lưng là trung tâm Phố Cáo ở dưới khá đẹp, đằng xa còn khu ruộng bậc thang hình trái tim lúa đang chín.

Tại dốc từ Sủng Là sang Sà Phìn mọi năm hay có hoa cúc dại mùa này nhưng năm nay bị phá hết để gieo tam giác mạch. Đi Hà Giang mùa này hoa xuyến chi cũng như hoa dại đang nở rất nhiều, bạt ngàn hoa xuyến chi cũng rất đẹp, còn một loại hoa cũng rất đẹp đang nở rộ tím một màu nhưng cái tên nghe hơi xấu chút, đó là hoa cứt lợn. Loài hoa này rất đẹp nếu nở đều và nhiều thành vạt. Màu tím đậm in trên nền xanh của lá, nền thâm đen của lá cũng là một hình ảnh gây nhiều cảm xúc.

Về việc thu phí vào vườn tam giác mạch

Các vườn hoa đã nở thường thu 10.000 đồng/người khi vào vườn chụp với hoa. Các bạn ở ngoài vườn chụp ảnh thì không mất tiền. Vậy nên, các bạn đi tham quan chỉ nên trả 10.000 đồng/người khi vào vườn chụp với hoa và cố gắng không làm tổn hại nhiều đến vườn hoa của người dân. Đây là người dân thu thêm và chúng ta cũng thể hiện tấm lòng của mình. Không nên cho nhiều tiền hoặc nếu có chỗ nào đòi thu nhiều hơn thì nhất định không nên trả mà đi chỗ khác vì năm nay tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ cho bà con mỗi ha gieo tam giác mạch là 3 triệu đồng để thu hút du lịch. Hơn nữa, dọc đường còn rất nhiều chỗ để chụp.

Ngong Hankan

12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Gỏi cá mai, răng mực, dông đất nướng và các loại bánh đủ vị là những món ăn riêng có của mảnh đất miền Nam Trung Bộ xinh đẹp này.
Xem thêm: Du lịch biển với bãi biển Hàm Thuận Nam

Thưởng thức và cảm nhận hương vị đậm đà, dân dã của các món ăn độc đáo nơi đây là một trong những điều làm du khách thập phương cảm thấy thích thú.

1. Gỏi cá mai

Gỏi cá mai là món nhậu yêu thích của đấng mày râu. Buổi chiều đi dọc các quán ở khu vực bờ kè ven sông Cà Ty hay Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tấm biển ghi tên món ăn này.

Vị chát của chuối xanh, chua chua của khế, giòn tan của dưa chuột, vị cay của tỏi ớt và thơm mát của các loại rau… tất cả tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn làm mê đắm những tâm hồn ăn uống.

Cá mai sau khi bóp chanh, tẩm ướp gia vị sẽ được trộn cùng răm, hành, húng, đậu phụ rang. Nước chấm cá mai tương đối cầu kỳ, trông sền sệt rất hấp dẫn và thơm mùi của me, chuối chín, tỏi và ớt. Khi ăn có thể cuốn bánh tráng cùng khế, chuối xanh, dưa leo, xà lách…

2. Gỏi ốc giác

Gỏi ốc giác là món ăn chơi rất được ưa thích ở Phan Thiết. Không chỉ mát và bổ, món ăn này còn hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt đậm rất riêng của ốc. Món gỏi là sự kết hợp của đu đủ, đậu phộng, rau rẩm, hành tây, khi ăn thường kèm với bánh tráng, phồng tôm và chấm cùng mắm chua ngọt.

Gỏi được bán tại khu Sở Y Tế ngay gần Ga Phan Thiết vào buổi chiều tối. Đến đây, bạn còn được thưởng thức một số loại ốc khác cũng hấp dẫn không kém.

3. Dông đất nướng

Dông là một trong những món đặc sản của Phan Thiết. Chúng là loài động vật sống trong hang và thường ra những đồi cát trải dài vào sáng tinh mơ để ăn chồi non, uống nước sương đêm, nên thịt rất thơm, mềm ngọt.
Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là các quán Dông trên đường Nguyễn Đình Chiểu.

Có nhiều món ngon chế biến từ dông như chả, gỏi, nấu cháo, xào sả ớt, nấu dưa hồng… nhưng dông nướng lại lôi cuốn được nhiều du khách nhất bởi hương vị thơm ngon đặc biệt hơn cả.

4. Bánh hỏi

Món ăn chỉ bao gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và nước chấm, nhưng khó nơi nào có thể sánh được. Bánh hỏi ở đây có phần khá rời rạc, cọng nhỏ nhắn, mịn màng, dai và thoạt nhìn có vẻ giống bún hơn. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Nước chấm làm từ nước cốt me pha chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường và một chút muối tạo nên vị chua ngọt thơm dịu.
Du khách có thể thưởng thức món ẩm thực này ngay trong thành phố biển trên đường Trần Phú buổi sáng. Hoặc đúng hương vị quê gốc của món này, thì hỏi đường đến Phú Long, cách Phan Thiết khoảng 6 km về phía Bắc. Giá: 20.000 đồng/xuất ăn.

5. Bánh căn

Đây là món ngon vỉa hè ở thành phố biển, thường thấy trên đường Ngư Ông, Hải Thượng, Thủ Khoa Huân hay dọc chợ Phan Thiết. Những chiếc bánh căn được nung chín bằng khuôn đất, bên trong là nhân đủ vị như thịt, trứng, mực, tôm...
Giá một đĩa bánh căn từ 25 - 30.000đồng, bạn có thể ăn chơi hoặc ăn thay cơm mà không thấy chán.

Nước chấm là điểm nhấn cho món ăn với màu đỏ tươi hấp dẫn, được pha sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh xắt sợi nhỏ.

6. Bánh xèo

Bánh xèo Phan Thiết khác hơn so với bánh xèo các nơi ở chỗ, bên trong có đủ tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ... mà toàn là đồ tươi luôn sẵn có của miền biển. Bạn có thể ăn ở bất kỳ tiệm nào trên con đường Tuyên Quang, Bình Hưng, Phan Thiết.
Bánh xèo Phan Thiết thường được ăn bằng cách thả chiếc bánh vừa vớt ra còn nóng vào bát nước chấm cho ngập bánh, ăn cùng rau húng, dấp cá, quế thơm…

7. Răng mực

Nhiều du khách đến đây thấy tò mò về món ăn chơi rất được lòng các cô cậu học trò, hỏi ra mới biết đó là những chiếc răng mực.

Răng mực rửa sạch, ướp gia vị, tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên hay xào. Cảm giác sần sật, dai thơm rất vui miệng khi nhai răng mực. Bạn có thể tìm ăn ở gần Ga Phan Thiết, trên đường Nguyễn Tất Thành…
Tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè, thêm ly trà đá mát lạnh thì không gì tuyệt bằng.

8. Bánh tráng cuốn dẻo

Tuy thành phần khá đơn giản là bánh tráng dẻo, mắm ruốc, tóp mỡ và trứng cút cuộn lại nhưng bánh tráng cuốn dẻo là món ăn vặt không thể bỏ lỡ khi du lịch Phan Thiết. Món này thường được bán cùng với các quán bánh tráng mắm ruốc nướng ở lề đường vào buổi chiều muộn ở ngã tư Trần Hưng Đạo, Thủ Khoa Huân, ngã ba Tam Biên…

9. Bánh tráng chấm mắm ruốc

Có thể nói, bánh tráng chấm mắm ruốc là món ăn đặc sản và truyền thống của Phan Thiết, gắn liền với tuổi thơ của hầu hết người dân nơi đây. Bánh tráng chấm nắm ruốc kết thân với người dân từ bữa sáng đến những chiều cần có gì lót dạ.

Mắm múc ra, vắt thêm chanh, ớt xay rồi đánh đều là bí quyết làm cho món ăn trở nên hấp dẫn. Nếu từng một lần ăn thử món này, có thể bạn sẽ bị phải lòng vị thơm lừng đặc trưng của mắm ruốc, giòn giòn, bùi bùi của bánh tráng nướng với cái dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau và chua nhẹ của xoài. Nhiều khách du lịch lưu luyến món ăn này thường ra chợ Phan Thiết tìm mua mắm ruốc để mang chút vị Phan Thiết về nhà.
Bánh tráng cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại ấy vậy mà hương vị thì đậm đà khó quên.

10. Bánh quai vạc tôm thịt

Có dịp đến thành phố Phan Thiết, du khách hãy thưởng thức bánh quai vạc, chắc sẽ không bao giờ quên được hương vị riêng biệt của món ăn và vị ngọt của tôm biển tươi rói. Pha nước chấm hơi đặc với nguyên liệu chủ yếu là nước mắm, đường cát, ớt xiêm cắt lát mỏng, nêm nếm cho hợp khẩu vị.

Gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh bên cạnh chén hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào chén, rắc hành phi mỡ với nước chấm, tí chanh và nâng chén. Nhai từ từ sẽ tận hưởng cái vị ngòn ngọt, dai dai, béo béo, cay cay, mà ngon khó lòng quên được.

11. Mì Quảng vịt

Với người Phan Thiết, thay bằng ăn kèm thịt heo, thịt vịt mềm với hương vị cay cay, ngọt béo sẽ làm món mì Quảng càng thơm ngon, hấp dẫn hơn. Một tô mì Quảng vịt nóng hổi, thơm nồng với vị béo vừa phải của vịt cỏ cùng với vị cay của ớt, bùi của đậu phộng, hủ tíu và hương thơm của rau ăn kèm sẽ làm hài lòng dạ dày của bạn..
Một bát Mì Quảng vịt với giá từ 15.000 – 40.000/tô, bạn có thể tìm đến những quán gia truyền trên đường Trần Phú, gần trường Tuyên Quang, Phan Bội Châu... Ảnh:Nguyên Vũ

12. Bánh canh chả cá

Hầu hết du khách khi du lịch Phan Thiết đều thử qua bánh canh, món ăn đơn giản nhưng lại có sức hút rất đặc biệt. Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon, khi ăn có thể kèm theo bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối.

Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thiết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò ở gần ga Phan Thiết, phở khuya Lạc Hà…

Lê Thương

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Cá lồi xối mỡ hành ở Phan Thiết

Thịt cá mềm, ngọt thơm, ăn kèm các loại rau sống, bánh tráng chấm cùng nước mắm chua ngọt là món ăn bạn không thể bỏ qua khi đến Phan Thiết, Bình Thuận.
Xem thêm: Những món cá dành cho thực khách sành ăn

Cá lồi với lớp da trơn bóng, nhìn qua giống như cá đuối, thường xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9 âm lịch. Loài cá này sống chủ yếu ở các biển miền Trung và trở thành món ăn đặc sản hấp dẫn du khách khi ghé thăm Bình Thuận.

Người dân vùng biển thường nấu canh chua, kho xả ớt, xào lăn nhưng hấp dẫn hơn cả là món cá lồi xối mỡ hành.

Cá lồi có trọng lượng khoảng 5 kg nhưng để chế biến món ăn này chỉ cần chọn con khoảng 1- 2 kg, thịt cá mềm và ngọt và lớp sụn bên trong vẫn còn mềm. Để làm sạch lớp nhớt bên ngoài có thể dùng lá sả chà cho sạch và bớt mùi tanh, sau đó làm cá sạch và chỉ để lại bộ gan.
Cá lồi xối mỡ hành thơm ngon hấp dẫn và bạn dễ dàng tìm ăn ở Phan Thiết. Ảnh:H.Phan

Cá được thái thành từng lát mỏng xếp vào đĩa hoặc để nguyên con rồi đem hấp cách thủy. Thịt mỡ được xắt nhỏ, rán vàng rồi bỏ hành lá thái nhỏ vào. Khi cá được hấp chín, xối một lớp mỡ hành lên cá, rồi rắc thêm một chút lạc rang đã giã nhỏ cho dậy mùi thơm.

Gắp một miếng cá còn nóng hổi, cuốn cùng các loại rau thơm, khế chua, chuối chát, bún tươi cuộn lại trong chiếc bánh tráng, chấm ngập trong bát nước chấm pha chua ngọt hoặc nước mắm me.

Bạn sẽ cảm nhận thịt cá béo, ngọt hòa trong hương vị thanh mát của các loại rau vừa ngon miệng lại không gây cảm giác ngấy, thoang thoảng mùi thơm của mỡ hành. Nhiều người sành ăn sẽ cho miếng gan của cá vào nước chấm, đánh nhuyễn, khi ăn sẽ có cảm giác bùi, ngậy.

Bạn có thể ăn món này ở nhiều quán trên đường Phạm Văn Đồng, Phan Thiết với giá khoảng 200.000 đồng một đĩa.

Anh Phương

Bài đăng phổ biến