Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Tam Đảo không chỉ có sương và nhà thờ cổ

Thị trấn Tam Đảo hấp dẫn dân yêu nhiếp ảnh và du lịch bởi những công trình cũ kỹ in dấu thời gian và các chặng trekking đầy thử thách lên 3 đỉnh núi cao.
Xem thêm: Chốn bình yên trên thảo nguyên Đồng Cao

Cách Hà Nội hơn 60 km, thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đi thêm 13 km đường đèo núi, băng qua những chặng có hai cánh rừng xanh rờn, bạn sẽ cảm nhận được gió núi mây đèo vờn thổi. Để rồi khi không khí lành lạnh ran rát da thịt, trùm vội tấm áo và choàng khăn, bạn sẽ thấy mình đang đứng trên đỉnh núi cao ngất. Chính vì lẽ đó mà nhiều người còn ví Tam Đảo như SaPa thứ hai.

Một khúc đèo hiểm trở ở Tam Đảo. Ảnh: hachi8

Tam Đảo nổi tiếng với thời tiết 4 mùa trong ngày. Sáng thức dậy, bạn sẽ có cảm giác lành lạnh với sương mù. Khi mặt trời ửng nắng, bạn sẽ thấy những cơn gió có chút hơi ấm mùa xuân vờn nhẹ lên tóc. Đến trưa là nóng ấm mùa hạ, chiều về lại lãng đãng heo may mùa thu. Và tối đến sẽ là lạnh giá với sương mù của mùa đông khiến ta muốn kéo vội tấm áo.

Những trải nghiệm thời tiết này sẽ càng làm chuyến đi của bạn thêm phần thú vị. Tuy nhiên, bạn nhớ mang quần áo thích hợp để tránh bị cảm.

Ở thị trấn, bạn có thể đến những điểm tham quan như nhà thờ, tháp truyền hình, đền Bà chúa thượng ngàn, thác Bạc,… Đây là những nơi có sức hút du lịch lớn nên tập trung đông du khách ghé qua. Tuy nhiên, tôi muốn nhắc đến những điểm thú vị và đặc biệt khác mà có thể nhiều người vô tình bỏ lỡ.

Thị trấn Tam Đảo khá bé nhỏ với những con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn ôm sườn núi. Đứng từ một góc cao, bạn sẽ thấy Tam Đảo đan xen những ngôi nhà cao tầng trên núi, phía dưới lại có bạt ngàn su su xanh mướt. Khu du lịch này được người Pháp phát hiện và cho xây dựng thành điểm nghỉ dưỡng từ cuối thế kỉ 19. Bởi vậy bạn có thể bắt gặp nhiều ngôi nhà vẫn mang đậm nét kiến trúc Pháp cổ với tường vách rêu phong, cũ kỹ và độc đáo.

Một quán có tầm nhìn bao quát thị trấn. Ảnh: Hachi8

Dạo quanh thị trấn, bạn sẽ thấy bên cạnh các khu cao tầng, nhà nghỉ khách sạn hiện đại là một số công trình hoang tàn, đổ nát, chỉ còn trơ lại móng hay một vài bức tường đã phủ nét thời gian. Những công trình nằm lại với rêu phong đó hóa ra lại trở thành điểm đến lý tưởng cho các đôi chụp ảnh cưới. Chỉ là một bức tường rêu hoặc một mái nhà cũ cũng là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhiếp ảnh gia. Tôi tin rằng các góc cảnh này sẽ thật sự ấn tượng đối với người thích trải nghiệm mới.

Với những bạn yêu sự yên bình và muốn tìm một góc có cảnh đẹp, ngồi nhâm nhi cà phê, hãy đến quán Gió. Đây là một quán cà phê với góc nhìn khá hay ho khi có thể ngắm xuống toàn bộ thị trấn Tam Đảo cùng những dãy núi xanh ngút ngàn. Bầu trời cao vời vợi và gió thì không ngừng thổi. Chiều về, bạn đừng quên ghé qua đây đón hoàng hôn ngả bóng. Mặt trời đổ xuống, đỏ ấu cả bầu không gian. Ngắm hoàng hôn ở Quán Gió chắc chắn là một điều lãng mạn và thú vị.

Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao thị trấn xinh đẹp, nhỏ bé này lại có tên là Tam Đảo? Nếu đứng ở đoạn đèo vòng quanh trước khi lên đến thị trấn, bạn sẽ thấy rõ ba đỉnh núi cao nhấp nhô sát nhau. Đó chính là các đỉnh: Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa. Bạn có thể thử thách bản thân mình khi chinh phục 3 đỉnh núi này trong ngày.

Nhiều nhóm trekking đã chinh phục chúng, thậm chí có các cuộc thi leo núi đã chọn địa điểm này làm thử thách. Nổi bật là Trekking Race - một sân chơi đặc biệt và ý nghĩa cho các bạn yêu khám phá, chinh phục đỉnh cao. Người chơi phải vượt qua 3 đỉnh với 1.591 m cho ngọn núi cao nhất, 15 km cho tổng quãng đường, giới hạn thời gian leo và về là trong vòng 8 tiếng. Địa hình núi Tam Đảo khá đa dạng. Những đoạn dốc cao khó đi đòi hỏi người tham gia phải có một nền tảng thể lực cũng như kỹ năng leo núi tốt. Người chơi phải tuân thủ theo lộ trình mà ban tổ chức đưa ra, không được phép đi đường vòng, đường tắt.

Điều đó cho thấy, việc chinh phục 3 ngọn núi này trong vẻn vẹn một ngày là hoàn toàn có thể. Hơn nữa, khu rừng quốc gia Tam Đảo có thảm thực vật đa dạng với nhiều loại cây, hoa rừng khoe sắc, sẽ khiến hành trình của bạn trở nên thú vị hơn. Đường leo núi cũng được hướng dẫn và đánh dấu để mọi người có thể yên tâm chinh phục.

Bên cạnh đó, nếu muốn bước chân vào một khu rừng tiên cảnh, mộng mị và đi đến chùa Địa Ngục, bạn hãy tìm tới rừng Ma Ao Dứa với gần 25 km đường mòn. Đây thực sự là cánh rừng đẹp hoang sơ với hai hàng trúc xanh đan dệt, hoa sở cánh trắng rụng đầy lối đi và chim rừng hót vang. Trải nghiệm những giây phút trong rừng sâu khiến những mệt mỏi muộn phiền ngày thường tan biến hết.

Những bông hoa nở trắng ven đường leo núi. Ảnh: hachi8

Thực sự, thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo một khung cảnh tuyệt vời. Nơi đó vừa thơ mộng, trữ tình vừa hùng vĩ, bí ẩn. Bạn hãy thử tới đây, cùng tìm hiểu những góc lạ của Tam Đảo để cho mình cảm nhận riêng biệt nhất.

Hạnh My

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình

Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc – Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ Phát Diệm… là những điểm đến được nhiều du khách chọn lựa khi tới Ninh Bình. Đây là những thắng cảnh hội tụ về thiên nhiên và văn hóa tạo nên nét đẹp hài hòa của vùng đất cố đô xưa.
Xem thêm: Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

1. Danh thắng Tràng An

Nằm cách thành phố Ninh Bình hơn 10km, danh thắng Tràng An được nhiều du khách chọn là điểm đến thú vị cho mỗi dịp nghỉ cuối tuần và những dịp nghỉ lể. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014, Tràng An ngày càng hoàn thiện để xứng đáng hơn với danh hiệu vốn có.
Bến thuyền Tràng An, Ninh Bình

Toàn bộ phong cảnh ở đây là sự hài hòa giữa cảnh sắc thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa. Những dòng sông thơ mộng nước trong xanh nhìn thấy tận đáy tô thêm vẻ đẹp cho những dãy núi đá vôi sừng sững, trùng trùng điệp điệp tạo nên vẻ đẹp hoang sơ, chữ tình.

Đến Tràng An, du khách sẽ được sự phục vụ tận tình của “biệt đội nữ lái đò đông nhất Việt Nam”. Họ sẽ chèo đò đưa bạn đi qua hơn 10 hang động lớn nhỏ để thả hồn vào sự thanh khiết của không khí trong lành nơi đây. Du khách còn được ngắm về sự phong phú các loài thực vật và động vật.
Du khách thả hồn vào phong cảnh hoang sơ ở danh thắng Tràng An

Một sự độc đáo nữa ở Tràng An chính là các di tích lịch sử, văn hóa. Đây là những đền chùa, miếu mạo tạo nên bề dày về lịch sử của vùng đất cổ xưa. Du khách được trải nghiệm qua những công trình kiến trúc cổ bằng đá có một không hai ở Việt Nam.

Sự kỳ vĩ của thiên nhiên ban tặng, nét đẹp văn hóa, lịch sử đã tạo cho cảnh sắc nơi đây hút hồn nhiều du khách, đến đây rồi sẽ có ngày phải quay trở lại.

2. Chùa Bái Đính

Được biết đến là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với nhiều kỷ lục Châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam, chùa Bái Đính nằm ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn mỗi ngày tiếp đón hàng nghìn lượt du khách, tăng ni, phật tử từ khắp nơi đổ về tham quan, đi lễ chùa.
Bái Đính - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam đang sở hữu nhiều kỷ lục khác nhau

Tại ngôi chùa này hiện đang lưu giữ một số kỷ lục như: Ngôi chùa rộng nhất Việt Nam; chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam; chùa có số cây bồ đề lớn nhất Việt Nam; chùa có tượng phật bằng đồng lớn nhất Châu Á; tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hành lang La hán dài nhất Châu Á…

Chùa Bái Đính có hai khu là chùa cổ và chùa mới. Để đến được hai khu này, du khách có thể đi bằng hai con đường khác nhau là đi bằng xe điện hoặc đi bộ. Nếu đi bằng xe điện, du khách sẽ tham qua từ cổng tam quan vào, đi qua cầu rồng, đến hành lang la hán, gác chuông, đến khu chùa thờ quan thế âm, tam phật… Chọn phương án đi bộ, du khách sẽ đi từ ngoài vào phía trên của ngôi chùa, tham quan chùa cổ, chùa mới rồi ra bằng cửa tam quan...
Tượng phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á ở chùa Bái Đính

Hằng năm, lễ hội chùa Bái Đính được khai mạc vào ngày mùng 6 tết kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Ngoài ra, du khách có thể đi lễ chùa, tham quan, du lịch tại chùa bất cứ ngày nào trong năm. Ngoài lễ chính trong năm, chùa Bái Đính còn tổ chức nhiều sự kiện khác, du khách có thể đến để thả hồn vào mùa lễ hội của chùa vào các ngày lễ theo lịch phật…

3. Tam Cốc – Bích Động

Thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, vẻ đẹp của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thu hút du khách trong và ngoài nước đến đây ngắm cảnh đông vui khoảng 10 năm nay. Đến Tam Cốc – Bích Động, du khách được ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ, ngắm cảnh thiên nhiên núi non hùng vĩ. Tam Cốc – Bích Động đẹp mê hồn vào mỗi mùa lúa chín. Dòng sông nhỏ nằm giữ hai bên những ruộng lúa vàng dài ngút ngàn men theo những chân núi đá vôi sừng sững.
Cảnh đẹp ở Tam Cố - Bích Động

Về Tam Cốc, ngoài ngồi thuyền ngắm cảnh, du khách còn được trải nghiệm thú ví như cùng nông dân làm đồng. Đến thăm các nhà dân sống bên những chân núi từ ngàn đời nay, cuộc sống giản dị của họ gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các mon ăn dân dã là đặc sản tại đây như món cá tràu là loài cá xưa kia dâng lên tiến vua.

Nhà chị Dậu được phục dựng trong làng cổ Cố Viên Lầu ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

Ngay tại bến thuyền Tam Cốc – Bích Động, du khách có thể ghé thăm “nhà chị Dậu” trong không gian làng cổ Cố Viên Lầu. Nơi đây có căn nhà tranh vách đất của gia đình chị Dậu được phục dựng lại như thật, nói lên cảnh sống khắc khổ, nghèo đói của người nông dân bần cùng trong chế độ cũ. Tại ngôi làng này cũng còn lưu giữ hàng chục ngôi nhà cổ được đưa về từ nhiều vùng quê khác nhau. Mỗi căn nhà thể hiện một nét đẹp vùng miền khác nhau. Du khách có thể lưu trú, ăn nghỉ ngay tại các căn nhà cổ này để trải nghiệm thú vị được sống trong ngôi nhà Việt cổ.

4. Cố đô Hoa Lư

Được biết đến là một trong những kinh đô phong kiến đầu tiên của Việt Nam, cố đô Hoa Lư thuộc huyện Hoa Lư ngày nay vẫn còn lưu giữ nhưng công trình kiến trúc lịch sử. Đây là một quần thể gồm nhiều đền thờ, lăng tẩm, di tích văn hóa có giá trị về văn hóa lịch sử được lưu giữ hàng nghìn năm nay.
Du khách đến tham quan, dự lễ hội Trường Yên - Cố đô Hoa Lư năm 2015

Đến cố đô Hoa Lư, du khách không chỉ khám phá những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai, viếng lăng mộ các nhà vua tiên khởi mà còn được thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình, hòa mình vào sự tĩnh lặng, không gian sống yên bình của vùng quê từng là một kinh đô của triều đại phong kiến đầu tiên của đất Việt.

Hằng năm, lễ hội Hoa Lư (nay là Trường Yên) được tổ chức với quy mô lớn. Không chỉ có những phần lễ nghi mang nét đẹp văn hóa xưa, lễ hội Trường Yên tại cố đô Hoa Lư còn cho du khách được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân xưa với những phong tục tập quán riêng, mang nét đẹp văn hóa của người dân vùng chiêm trũng.

Đấu vật - trò chơi dân gian mang nét đẹp truyền thống được tổ chức thường niên trong lễ hội Trường Yên

Quần thể di tích cố đô Hoa Lư đã được tỉnh Ninh Bình quy hoạch phát triển từ nhiều năm nay. Hàng năm, các công trình lịch sử, văn hóa tại đây thường xuyên được trùng tu, tôn tạo. Lãnh đạo địa phương cũng quan tâm, mở rộng quy mô các lễ hội để xứng tầm với khu di tích từng là một kinh đô lớn, đầu tiên của Việt Nam trong những năm đầu dựng nước và giữ nước.

5. Nhà thờ đá Phát Diệm

Nhà thờ đá Phát Diệm nằm ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình 30km về hướng Đông Nam. Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ và có lối kiến trúc độc đáo nhất ở nước ta hiện nay. Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể bao gồm nhiều nhà thờ và công trình khác nhau.
Quang cảnh nhà thờ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, Ninh Bình

Trong đó, nổi bật nhất là ngôi nhà thờ lớn với Phương Đình, nhà thờ chính, nhà thờ đá. Nguyên liệu xây dựng ngôi nhà thờ này chủ yếu là đá xanh, gỗ và ngói. Người thiết kế xây dựng nhà thờ đá Phát Diệm chính là linh mục Phê rô Trần Lục (cụ Sáu) – người quản xứ Phát Diệm trong những năm tiên khởi.

Trải qua hơn 100 năm tồn tại, do chiến tranh cũng như thời tiết gây hư hại, nhà thờ đá Phát Diệm đã có một vài lần trùng tu. Tuy nhiên, kiến trúc chủ đạo của nhà thờ mang đậm nét truyền thống đền chùa cổ kính của Việt Nam vẫn không bị thay đổi. Đây từng một thời là kinh đô của công giáo Việt Nam.

Năm 1988, nhà thờ đá Phát Diệm đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Hiện nay, ngoài việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của người dân (đây là nhà thờ chính tòa của địa phận Phát Diệm), nhà thờ Phát Diệm còn là một điểm du lịch tâm linh, khám phá hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Vật liệu chính để xây dựng nhà thờ Phát Diệm chủ yếu là đá, gỗ, và ngói

Mỗi ngày, nhà thờ đá Phát Diệm đón hàng trăm lượt khách đến tham quan. Trung tâm hành hương Phát Diệm cũng đã được mở, phục vụ du khách có nhu cầu tham quan, hướng dẫn viên du lịch, ăn uống và lưu trú tại đây.

Thái Bá

Ngôi làng trên đồi chè đẹp như bích họa ở Thái Lan


Với những người yêu mến đất nước chùa vàng, đừng bỏ qua Ban Rak Thai - điểm đến tuyệt đẹp nằm ở phía bắc trong lần thăm thú kế tiếp nhé.

Xem thêm: Những điểm đến thú vị ít người biết ở Thái Lan



Ban Rak Thai là tên gọi của khu làng người Hoa sinh sống tại vùng núi phía bắc của Thái Lan. Khu làng này nằm trên độ cao 1.776 m so với mực nước biển.



Tại đây có hơn 1.000 người Hoa sinh sống, chủ yếu bằng nghề trồng và chế biến chè.



Cảnh đồi núi, sông nước hữu tình như tranh phong cảnh của làng Ban Rak Thai khiến không ít du khách say mê.



Những ngôi nhà nhỏ nhắn, xinh đẹp nằm ngay trên những đồi chè là nơi sinh sống của các gia đình người Hoa lưu vong từ nhiều thế hệ nay ở Ban Rak Thai.



Khách du lịch có thể ngồi thưởng thức hương vị trà nổi tiếng của vùng ngay tại những quán đậm phong chất của Trung Quốc.



Hoặc mua về làm quà ở những cửa hàng nhỏ xinh như thế này.



Khu làng khá biệt lập và chủ yếu nói tiếng Hoa, chỉ một số ít người trẻ nói được tiếng Thái.



Để đến được đây, bạn có thể chọn đường bay tới Chiang Mai rồi tiếp tục đi xe khách (mất khoảng 5-6 tiếng) tới tỉnh Mae Hong Son, sát biên giới Thái Lan - Myanmar, dọc đường sẽ ngắm được nhiều danh lam thắng cảnh. Hoặc từ Chiang Mai bay thẳng mất 30 phút tới Mae Hong Son. Ban Rak Thai chỉ cách Mae Hong Son khoảng 44 km.



Ban Rak Thai tách biệt hẳn khỏi cuộc sống ồn ào và hiện đại.


Hà Đan (theo Legalnomads)

Bài đăng phổ biến