Thứ Hai, 9 tháng 11, 2015

Một ngày lang thang ở làng nổi Tân Lập

Làng nổi Tân Lập hay còn gọi là rừng tràm Tân Lập, thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách trung tâm TP HCM chừng 100 km, đường đi khá dễ dàng.Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Bạn có thể đến Tân Lập trong một hoặc hai ngày nghỉ cuối tuần. Đây là một địa chỉ khá mới trên bản đồ du lịch, nhưng lại khá lôi cuốn du khách bởi họ đến đây để tìm cảm giác thư thái, đắm mình giữa thiên nhiên rừng tràm xanh ngắt cũng như trút bỏ những gánh nặng của cuộc sống nơi thành thị xô bồ.


Những mảng màu xanh ngắt nơi rừng tràm. Ảnh: Trần Minh Sướng.

Di chuyển

Có hai cách để tiếp cận khu rừng nguyên sơ này. Thứ nhất, từ TPHCM bạn đi theo quốc lộ 1A hướng về thành phố Tân An (Long An) khoảng 40 km, sau đó đi tiếp theo quốc lộ 62 về huyện Mộc Hóa khoảng 62 km nữa là đến làng nổi. Thứ hai, bạn có thể xuất phát từ trung tâm thị trấn Củ Chi chạy theo hướng Huyện Bến Lức (Long An) chừng 70 km cho tới khi gặp ngã ba cuối đường quẹo phải thêm 35 km nữa là đến nơi.
 
Nếu bạn chưa biết đường đi, có thể hỏi người dân, họ sẽ chỉ tận tình cho bạn.

Lưu trú

Dịch vụ lưu trú chưa được khai thác tại Tân Lập, nên bạn có thể thuê nhà nghỉ, khách sạn tại thị xã Kiến Tường cách đó 5 km nếu hành trình của bạn đi thêm nhiều điểm khác. Giá cả phòng nơi đây rất bình dân, khoảng 50.000 - 70.000 đồng/đêm. Bạn có thể chỉ đi và về trong ngày thì không cần thuê phòng.
 
Ngoài ra, nếu bạn đi theo nhóm, có thể cắm trại, ngủ qua đêm giữa rừng tràm, thưởng thức tiệc nướng, giao lưu dã ngoại, lửa trại, team-building… Lều trại có thể liên hệ trung tâm khu du lịch để thuê.

Hoạt động vui chơi

Điểm đặc biệt nhất ở Tân Lập là thích hợp với những người thích chụp ảnh và tận hưởng không khí tĩnh lặng. Nếu ai có kế hoạch tham quan một số điểm khác thì có thể kết hợp chùa Nổi, Vườn dược liệu hoặc tới cửa khẩu Tân Hiệp mua sắm… cách đó không xa.

Sau khi mua vé 40.000 đồng (bao gồm đi thuyền chèo) hoặc 120.000 đồng (gồm thuyền máy hay võ lái), người lái thuyền kiêm luôn hướng dẫn viên sẽ đưa bạn di chuyển len lỏi để khám phá và tìm hiểu về vùng đầm lầy khổng lồ này, những thảm thực vật xanh mướt hay có thể dạo thuyền ngắm đầm sen khoe sắc, dù không nhiều như ở Tràm Chim (Đồng Tháp)…

Qua những vùng đầm lầy ấy, trước mắt bạn là không gian rộng lớn của rừng tràm - một khung cảnh khá quen thuộc của người dân miền Tây sông nước. Điểm nhấn của rừng tràm là ngọn tháp canh cao 38 m nơi bạn phóng tầm mắt chiêm ngưỡng hết sự hùng vĩ, mênh mông của rừng và con đường xi măng xuyên rừng tràm dài nhất Việt Nam khoảng 5 km.


Tòa tháp canh cao 38m – nơi ngắm toàn cảnh rừng tràm. Ảnh: Nguyễn Tuấn Quyền.

Trên đường đi, bạn sẽ cảm nhận được không gian mát rười rượi của rừng xanh, sự trong lành của thiên nhiên hòa trong mùi vị đất trời của bùn đất, bèo, cỏ cây, rong rêu…Trong sự vắng vẻ và thanh bình, dang tay rộng hít thở thật sâu để tinh thần bạn thêm sảng khoái, tiếp tục cho chuyến hành trình tiếp theo.

Tại các ngã rẽ của con đường xuyên rừng sẽ có thuyền đón bạn đến tham quan các điểm tiếp theo, đó là khu vực đầm sen. Bạn nên đến Tân Lập vào tháng 10 và 11 để có thể ngắm được hoa sen khoe sắc, hít thở hương thơm ngào ngạt của loài hoa tinh khiết này.

Giữa đất trời bát ngát một mảng màu xanh ngắt của rừng tràm, khu đầm sen đang vào mùa nở rộ, lác đác vài bông súng, bèo dạt… đâu đó những cánh chim trời xà xuống rồi lại bay vút lên, tất cả tạo nên một bức tranh quá đỗi thân thương, hữu tình.

Ẩm thực và quà mua về

Khu vực Tân Lập hiện chưa có dịch vụ ăn uống, để đảm bảo chuyến đi thêm phần thú vị, bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn và mang theo lót dạ ở những đoạn dừng chân trong khu vực du lịch. Một vài cửa hàng bán quà lưu niệm để du khách tham quan và chọn cho mình những món quà ưng ý nhất.

Lưu ý thêm


Con đường xuyên rừng có nhiều ngã rẽ, tuyệt đối tuân thủ và đi theo hướng dẫn viên để không bị lạc. Ảnh:Trần Minh Sướng.

- Không nên đến Làng nổi Tân Lập vào mùa nước nổi, khi đó nước sẽ ngập con đường xuyên rừng. Tuy nhiên nếu bạn muốn tham quan vào mùa này để ngắm thêm sen nở thì nên liên hệ hỏi trước trung tâm vườn xem mùa này nước lớn hay nhỏ, có thích hợp tham quan hay không.

- Tự chuẩn bị đồ ăn trước khi đi.

- Nhớ mang theo thuốc chống muỗi, màn ngủ… nếu ở qua đêm để đề phòng muỗi và côn trùng.

- Nếu chỉ đi và về trong ngày, chi phí chưa đến 200.000 đồng/người.

Xuân Lộc

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Sydney mùa phượng tím

Việt Nam trời đã chớm đông, còn Sydney (Úc) bước vào mùa hè, mùa của nỗi nhớ với những con đường, những khung trời phủ rợp màu phượng tím. Mùa hạ tím.Xem thêm: Du lịch Úc - Kỳ lạ Giáng sinh nhiệt đới

Phượng tím nở khắp đường phố Sydney - Ảnh: N.N.Tuấn

Khí hậu Sydney vốn ôn hòa. Nhưng gần đây thời tiết cũng bắt đầu đảo lộn. Mới chớm hè thôi mà đã có những ngày nắng nóng dữ dội. Chính vì thế năm nay mới thời điểm này jacaranda (tên tiếng Anh của phượng tím) đã ra hoa tím thẫm cả góc trời.

Những người dân Sydney chia tay với mùa xuân, mùa của bích đào, hồng đào và bạch đào... Tạm xa hồng bạch, hồng nhung, hồng tía... Quên đi để nhớ quỳnh trắng, quỳnh hồng và chuẩn bị đi tìm phượng tím đầu cành.

Sydney có rất nhiều hoa, sau mùa phượng tím sẽ đến phượng vĩ - thường nở rộ khi thời tiết bắt đầu nóng hơn. Ngoài phượng tím, phượng vĩ... bạn có thể gặp thêm phượng vàng, phượng trắng. Nhưng có lẽ chúng ít được chú ý bằng phượng tím với một màu tím biếc như làm tan chảy cả cõi lòng.

Nói về phượng tím lại nhớ về cố kỹ sư Lương Văn Sáu, một người con Việt Nam sau khi đi du học từ Pháp về, ngoài hành trang là sách nông nghiệp, những ghi chép về trồng trọt và những hạt giống hoa. Trong đó có bông mồng gà, chuông vàng và phượng tím.

Còn tại Sydney, thành phố có nhiều hoa phượng tím nhất nước Úc, phượng tím vào hè kết trên tán cây những vệt màu tím biếc và khi lìa cành lại phủ tím các bãi cỏ, hè đường.

Đây cũng là lúc năm học sắp kết thúc. Là mùa của các lưu học sinh chuẩn bị chia tay trường học để về nước, mùa của các sinh viên gấp rút làm bài luận, làm dự án và nói không ngoa, tháng 11 phượng tím rợp trời để báo thời gian bận rộn nhất của các sinh viên.

Và lẫn trong màu tím đó là những kỷ niệm để nhớ lại những ngày tháng đi học, một màu tím không buồn mà rực rỡ, tươi đẹp thay cho màu phượng đỏ mùa hè xứ Việt.
Phượng tím ở Milson Park - Ảnh: N.N.Tuấn

Phượng tím nở rợp một con đường ở Surry Hills - Ảnh: N.N.Tuấn


Con đường rợp màu hoa tím - Ảnh: N.N.Tuấn


Hoa rải trên đường đi - Ảnh: N.N.Tuấn


Phượng tím bên cành phượng vĩ - Ảnh: N.N.Tuấn

Gần đây, Melbourne đang "cạnh tranh" với Sydney trong việc trồng cây xanh, và phượng tím cũng đang tưng bừng nở rộ. Còn tại Brisbane, ngay từ sân bay Brisbane đến những con đường trong thành phố, sắc tím đã tràn ngập.

Tôi nghe kể chính quyền có hẳn một chiến dịch xây dựng Brisbane thành thành phố trong màu xanh của cỏ cây, trong đó có chương trình Green Heart program - với trang web của hội đồng thành phố luôn có những chỉ dẫn rất rõ ràng về việc khuyến khích người dân tham gia trồng cây, cũng như cung cấp những kinh nghiệm trồng cây và tặng cây giống miễn phí cho mọi người.

Nếu đến Úc mùa này, du khách có thể ngắm phượng tím ở hai bên đường đi và rất nhiều công viên. Ngoài Sydney, Melbourne, Brisbane còn có Grafton.

Đặc biệt là tại thành phố Grafton còn có lễ hội hoa Jacaranda. Đây là lễ hội hoa lâu đời nhất xứ chuột túi, nơi có hàng loạt hoạt động hấp dẫn diễn ra xung quanh chủ đề về loài hoa mang màu tím lãng mạn này.

Tôi đã qua tuổi hoa niên với phượng đỏ mùa hè xứ Việt. Còn với các con tôi, phượng tím ở Úc báo hiệu cho mùa thi bận rộn và kế đó là mùa hè với những hoạt động tắm biển - vui chơi (*).

Tím ngát màu hoa trên thảm cỏ xanh mát - Ảnh: N.N.Tuấn


Cận cảnh một cành hoa tím ngát - Ảnh: N.N.Tuấn


Một khu dân cư bình yên trong sắc màu hoa tím - Ảnh: N.N.Tuấn


Một góc công viên nhuộm màu hoa tím - Ảnh: N.N.Tuấn


Hoa tím trước hiên nhà - Ảnh: N.N.Tuấn


Phượng tím trong công viên Sydney - Ảnh: N.N.Tuấn

(*) Một năm học ở Úc thường có hai học kỳ, học kỳ 1 bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 6. Học kỳ 2 từ cuối tháng 7 đến tháng 11. Còn thời gian nghỉ hè từ cuối tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Nguyễn Ngọc Tuấn

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Những món điểm tâm quen thuộc của mùa đông Hà Nội

Bún riêu cua, phở bò, cháo sườn, bánh cuốn, bánh giò nóng là những món ăn quen thân, đồng hành cùng người dân Thủ đô mỗi sáng, trước khi đi học, đi làm.
Xem thêm: Bữa sáng đậm chất người Hà Nội

Hà Nội vốn là nơi tập trung tinh hoa ẩm thực của nhiều vùng miền nên người Hà Thành có rất nhiều lựa chọn đa dạng cho bữa sáng. Trong tiết đông lạnh giá, các món ăn dưới đây được nhớ đến nhiều hơn cả.

Bún riêu cua

Bát bún riêu chỉ đơn giản gồm bún, gạch cua, hành hoa và nước chan nóng hổi nhưng vẫn luôn hấp dẫn thực khách, đặc biệt là những sớm mùa đông lạnh giá. Bắt đầu ngày mới với tô bún riêu nóng hổi, thưởng thức trọn vẹn hương vị của gạch cua bùi ngậy, bún trắng và rau thơm sẽ là lựa chọn hoàn hảo, nhẹ nhàng dành cho bạn. Người Hà Nội thường rỉ tai nhau những quán bún riêu ngon ở phố Triệu Việt Vương, Hàng Buồm, ngã tư Quang Trung, chợ Ngọc Hà...
Giá từ 25.000 - 30.000 đồng một bát bún nhiều gạch cua thơm ngon. Nếu muốn chắc bụng, bạn có thể gọi thêm giò hoặc bò tái. Ảnh: Afamily.

Phở bò

Phở bò được đa số người Hà Nội yêu thích bởi tìm một quán phở bò ngon ở gần nơi ở không khó, giá cả lại phải chăng. Bát phở bò Hà Nội nguyên gốc có vị ngọt lừ của xương bò, mùi thơm của thịt bò vừa chín đến, màu nước phở trong, sợi phở mềm... là lựa chọn số một cho bữa sáng ngày đông lạnh giá. Những thương hiệu phở Cồ, Sướng, Thìn, Bát Đàn... luôn mang đến sự hài lòng cho thực khách để bắt đầu ngày mới.
Phở vừa cung cấp năng lượng vừa giúp tỉnh người và làm ấm cơ thể, giá trung bình từ 25.000 – 60.000 đồng tùy nơi. Ảnh: Lê Thương

Cháo sườn

Phổ biến nhất trong các món ăn sáng của người Hà Nội phải kể đến cháo sườn. Để có được bát cháo sườn ngon đúng điệu, đòi hỏi người đầu bếp phải tuân thủ những tiêu chuẩn nhất định trong việc ninh xương, gạo và nêm nếm gia vị. Người Hà Nội thích ăn cháo sườn kèm ruốc hoặc quẩy nóng, đôi khi có thể kết hợp cả hai tùy khẩu vị từng người. Tuy không no lâu nhưng vị đậm đà từ nước hầm xương thịt, thơm ngọt của ruốc và giòn tan, bùi bùi từ quẩy cũng khiến bạn bắt đầu ngày mới nhiều hứng khởi.
Bạn có thể thưởng thức cháo sườn ở các khu chợ hoặc những quán nhỏ trên phố Phan Đình Phùng, Ngõ Huyện, Ấu Triệu, Hàng Bồ, Hồ Đắc Di… Ảnh: Nguyễn Trang

Bánh cuốn nóng

Một đĩa bánh nóng, nhân bên trong khá đa dạng cho thực khách lựa chọn như gà, tôm, thịt, trứng… cùng bát nước chấm chả thịt viên hoặc chả quế thơm ngon, bánh cuốn là món ăn ưa thích, lành bụng được đông đảo người dân, từ già đến trẻ ưa dùng. Mùa đông ngồi trong quán, đợi cô chủ tráng từng chiếc bánh mỏng, dẻo dai, tỏa ra mùi thơm trong làn khói mỏng, chấm vội vào bát nước đầy chả mà thưởng thức thì không biết ăn bao nhiêu cho đủ.
Với giá từ 15.000 – 40.000 đồng một suất, bạn đã có đủ năng lượng cho ngày mới. Ảnh: Vietbao.vn

Một vài địa chỉ nổi tiếng ở Hà Nội cho bạn là ở phố: Tô Hiến Thành, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Mai, bà Triệu, Duy Tân, Hàng Bồ, Hàng Gà, Thanh Trì, Hàng Than…

Bánh giò nóng

Chiếc bánh giò nóng có thể dễ dàng mang đi là ý hay cho những ai dậy muộn. Nếu tranh thủ được thời gian ít ỏi, bạn cũng có thể ngồi xuống ăn nhanh chiếc bánh mà không phải đợi chờ lâu. Chiếc bánh mềm bột gạo tẻ, nhân thịt mộc nhĩ thơm lừng bên trong không kén người ăn. Nếu chưa thực sự vừa lòng với sự đơn điệu của món ăn, bạn có thể gọi thêm giò, chả tùy khẩu vị ăn cho đã miệng.
Giá cho một đĩa bánh nhiều đồ ăn đi kèm khoảng 25.000 - 30.000 đồng, bạn có thể tìm ăn ở vỉa hè các con phố Thụy Khuê, Lương Định Của, Nguyễn Công Trứ... vào mỗi sáng. Ảnh: Lan Itou

Lê Thương

Bài đăng phổ biến