Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

7 thiên đường có thật ẩn mình ở Việt Nam

Chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần một chút khám phá, bạn sẽ thấy Việt Nam vẫn còn rất nhiều vùng đất hoang sơ đẹp tựa thiên đường. Đến những nơi này, bạn chỉ có thể ước giá như thời gian dừng lại để được trải nghiệm lâu hơn.

1. Hà Giang

Khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang, mùa nào cũng đáng đi, đáng chiêm ngưỡng. Nơi có những con đường chạy ngút lên trời xanh, nơi hình hài đất nước nổi lên như bản đồ, nơi có những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ… Hà Giang là một điểm đến quá mỹ lệ đến mức không thể bỏ qua.


Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Sondautau


Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Sín Mần. Ảnh: Le Tho

Xem thêm: Lịch trình du ngoạn Hà Giang cho từng phương tiện
Núi rừng với những con đường mòn nhỏ quanh co hun hút, được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi sừng sững cứ như giấu trong mình nhiều bí mật. Từ trên đỉnh núi, thu vào tầm mắt là những thung lũng xanh mướt ruộng bậc thang, cao nguyên đá, dòng sông lững lờ, nhiều ngôi nhà đất đơn sơ cheo leo trên vách núi, đàn gia súc chầm chậm kiếm ăn..., vừa kỳ vĩ, vừa mỏng manh.


Bản Thiên Hương. Ảnh: Focus Studio

Hà Giang không chỉ có cao nguyên đá Đồng Văn, cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, núi đôi Quản Bạ, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, những cánh đồng tam giác mạch đẹp như cổ tích; ở đó còn có phiên chợ Lùi độc đáo mà các cộng đồng dân tộc Mông trắng, Mông đen, Mèo, Tày… gìn giữ bao đời. Nơi đây còn có những ánh mắt trong trẻo, nụ cười hồn nhiên của các em bé vùng cao; những toan tính, muộn phiền như chưa từng ghé qua đây.

Đèo Mã Pí Lèng bên dòng Nho Quế. Ảnh: xversion1
Cánh đồng tam giác mạch. Ảnh: Hachi8

2. Đảo Lý Sơn

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Long
Xem thêm: Trải nghiệm thú vị ở đảo Lý Sơn
Dường như những lời khen dành cho huyện đảo Lý Sơn thật khó mà có thể gói gọn trong một vài câu từ. Quả thực chỉ có thể đến tận mắt, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ nhưng bình dị và thuần khiết đến nao lòng của một trong những hòn đảo thiêng liêng của tổ quốc, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của nó.


Cổng Tò Vò. Ảnh: dohaivuong

Hang Câu. Ảnh: Hachi8

Dung nham núi lửa đã tạo cho Lý Sơn một hệ thống hang động, cầu đá vô cùng đặc biệt. Đó là hang Câu lừng lững vách dung nham cao hàng trăm mét bên bờ cát trắng hòa với nhịp sóng vỗ bờ; là di tích quốc gia chùa Hang thăng trầm và nhuốm đầy huyền thoại; là cổng Tò Vò nằm phía Bắc làng An Vĩnh như chiếc cầu đá vươn ra phía biển khơi. Còn ở đảo An Bình, còn gọi là đảo Bé, là hang Kẻ Cướp được phủ bằng những dải dung nham ngoằn ngoèo cao hàng chục mét, phía trước là bãi tắm trong xanh - một địa điểm lý tưởng cho du khách phơi mình trong cái mặn mà của nắng và gió biển.


Ruộng hành. Ảnh: gienkhan

Đứng trên đỉnh Thới Lới, du khách có thể phóng tầm mắt xuống chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh của huyện đảo Lý Sơn thu nhỏ, với sự kết hợp hài hòa giữa màu xanh ngọc bích của nước biển, màu xanh mướt của cây cối và màu trắng tinh của cát biển. Đến Lý Sơn, bạn có thể tận hưởng trọn vẻ yên bình của biển và nếm những đĩa hải sản tươi sống. Tất cả nguyên liệu tươi ngon đều được đánh bắt vào ban ngày.


Đảo An Bình (đảo bé). Ảnh: quangbao1810

3. Ninh Thuận


Suối Kiền Kiền. Ảnh: Hoàng Thanh

Biển Cà Ná. Ảnh: Inra Jaya

Ninh Thuận mang vẻ đẹp trầm ngâm của miền cát trắng, của nắng và gió. Đến với Ninh Thuận bạn có thể hòa mình vào những con sóng vỗ của gió biển Cà Ná, Mũi Dinh, vịnh Vĩnh Hy, Ninh Chữ hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí của Tháp Po Klong Garai – một trong những di tích tồn tại lâu đời của vương quốc Chăm Pa. Đồng thời, du khách cũng có thể đến thăm các làng dệt nổi tiếng của người Chăm như Mỹ Nghiệp, thưởng thức nghệ thuật điêu khắc ở làng gốm Bàu Trúc, thỏa sức tung bay cùng với vẻ đẹp lộng lẫy của đồi cát Nam Cương, thử sức mình khi trekking núi Chúa hay phiêu lưu giữa những trang trại cừu mênh mông như miền viễn Tây nước Mỹ.
Xem thêm: 8 điểm đến hấp dẫn ở Phan Rang
Tháp Po Klong Garai. Ảnh: Inra Jaya

Làng chài Mỹ Hiệp. Ảnh: Hoàng Thanh

Đến đây, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng những địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn được thưởng thức nhiều món ngon hấp dẫn như bánh canh chả cá, bánh căn, bánh xèo, mật nho, rượu nho hay bánh tráng nướng… Ninh Thuận là một địa điểm tuyệt với nếu như bạn muốn tìm một không gian yên tĩnh và trầm mình theo từng nhịp sóng của miền biển.

Mũi Dinh. Ảnh: Tiểu Duy

4. Y Tý


Y Tý. Ảnh: Đoàn Quỳnh

Y Tý nằm ở độ cao trên 2.000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San với đỉnh cao tới 2.826m, gần như quanh năm mây phủ. Mặt trời chốn ấy có lẽ ít có ngày được tỏa sáng cả 12 tiếng. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn ngoèo rồi chìm nghỉm trong đám lá rừng với những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Có lẽ vì thế mà khi tới Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, tách biệt với trần gian.

Làng Hà Nhì. Ảnh: Dino Ngo

Vào mùa đông, nơi đây hút hồn du khách bởi biển mây trắng xóa bao quanh những sườn núi, tạo nên khung cảnh huyền ảo như cõi bồng lai. Bước vào hè, những cơn mưa mang lại nguồn nước cho đồng ruộng cũng là lúc bà con Y Tý chuẩn bị một vụ mùa mới.
Xem thêm: Điểm ngắm băng tuyết đẹp nhất Việt Nam
Ruộng bậc thang. Ảnh: Hadao

Chiều vàng Y Tý. Ảnh: NQA - OngBom

Trên hành trình khám phá Y Tý, bạn sẽ bắt gặp những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì nằm thấp thoáng trên ruộng bậc thang. Nhà làm bằng đất nện, mát mùa hè và ấm mùa đông. Đây cũng là nét đặc trưng cho vùng đất Y Tý. Ngoài người Hà Nhì, Y Tý còn là nơi sinh sống của các dân tộc như Mông, Dao, Giáy... Mỗi dân tộc có những nét sinh hoạt riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc cho xã vùng cao huyện Bát Xát. Một số điểm dừng chân gợi ý cho du khách trên hành trình này là thôn Phan Cán Sử, Hồng Ngài, Lao Chải, Sim San...

Mây phủ quanh năm. Ảnh: tuananh bui

5. Bình Định

Eo Gió, Nhơn Lý. Ảnh: jiu dik

Ảnh: manhhung1420

Bình Định có bờ biển trải dài 134km với nhiều bãi tắm đẹp. Không chỉ có bãi tắm Hoàng Hậu hấp dẫn, nơi đây còn có Bãi Xép, Tân Thanh, Vĩnh Hội... Dọc ven bờ biển, tỉnh này còn sở hữu khoảng 32 đảo lớn, nhiều nơi trong số này vẫn hoang sơ, tuyệt đẹp như Cù lao xanh, Hòn Đất, Hòn Khô, Hòn Tranh, Hòn Rùa…. Đặc biệt phải kể đến Eo Gió, gành đá Lộ Diêu, biển Kỳ Co với khung cảnh và nước biển trong vắt quanh năm.
Xem thêm: Ba ngày du ngoạn đất võ Bình Định
Bãi Kỳ Co. Ảnh: Lê Hồ Bắc

Bên cạnh di sản thiên nhiên biển đảo phong phú, Bình Định còn là nơi tập trung nhiều giá trị văn hóa lịch sử và văn học dân tộc. Miền đất này có bảy cụm tháp còn nguyên vẹn và 52 phế tích đền tháp, kiến trúc, nghệ thuật Chămpa. Riêng cụm tháp Bánh Ít vừa được nhóm tác giả người Anh bình chọn trong “1.001 công trình kiến trúc cần phải đến trong cuộc đời".

Biển Quy Nhơn. Ảnh: KTS Chien Tanam

Quy Nhơn được đánh giá là một trong những thành phố có nhiều hải sản tươi ngon nhất tỉnh Bình Định. Để thưởng thức hải sản, hãy ghé vào một trong những quán bình dân trên đường Xuân Diệu kéo dài, nơi bạn có thể tìm thấy rất nhiều món ăn từ hải sản đến các loại bún và cả xôi nóng ngon lành, hấp dẫn mà lại hợp túi tiền.

Dải đất hiện ra khi thủy triều rút ở Nhơn Hải. Ảnh: Huỳnh Ngọc Lắm

6. Phú Yên


Đường ra bãi Môn, dưới hải đăng Đại Lãnh. Ảnh: n_dangthuy

Là một tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Yên có ba mặt giáp núi và hệ thống sông, đầm, vịnh, hải đảo... đa dạng. Điểm đến này hiện vẫn còn nhiều những thắng cảnh đẹp, hoang sơ và đầy bí ẩn. Độc đáo nhất là Gành Đá Đĩa, một kiến tạo kỳ thú của thiên nhiên, mà tạo hóa chỉ ưu ái cho ba nơi trên thế giới là Hàn Quốc, Úc và Việt Nam; trong đó những viên “đá đĩa” ở Phú Yên có kích cỡ lớn nhất và đẹp nhất.
Xem thêm: Trải nghiệm du lịch 48h tại xứ biển Phú Yên
Ruộng lúa. Ảnh: Jacinta

Gành Đá Đĩa. Ảnh: An Leo

Bên cạnh đó, Phú Yên còn có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, với nhiều di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng nổi tiếng như: vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, bãi Môn - Mũi Điện, núi Đá Bia, nhà thờ Bác Hồ, thành An Thổ - nơi sinh Tổng Bí thư Trần Phú, di tích Tàu không số - Vũng Rô, mộ và đền thờ Lương Văn Chánh, tháp Nhạn, khu du lịch sinh thái Núi Thơm…

Cảng Vũng Rô. Ảnh: nuquainhatrang

Đến với Phú Yên, ngoài việc chiêm ngưỡng hệ thống cảnh quan thiên nhiên khá đa dạng với nhiều danh thắng và vịnh biển đẹp, bạn còn có cơ hội thưởng thức những đặc sản riêng có, ngon nổi danh nơi đây. Bò một nắng, cá nục hấp, cháo hàu, sò huyết, bánh ướt hay bánh canh hẹ là những món ăn nhất định bạn phải thử.

Bãi tắm Phú Thường, xã An Hoà. Ảnh: Thông Lê

7. Đảo Phú Quý

Ảnh: Lê Anh Tuấn

Đảo Phú Quý mang một vẻ đẹp hoang sơ nhưng cũng rất thơ mộng. Nước biển trong veo, những con sóng tung bọt trắng xoá, các bãi cát trắng trải dài dưới những hàng dương xanh rì “níu chân” biết bao du khách đã từng đặt chân đến đây. Vùng biển này cũng chưa được đưa vào khai thác dịch vụ du lịch nên mọi thứ đều dân dã. Thiên nhiên trên đảo mang đến cảm giác bình yên, thư thả, vô cùng thích hợp để nghỉ ngơi, tránh khỏi sự xô bồ của thành thị. Đặc biệt, người dân ở đây rất có ý thức bảo vệ môi trường sống, các bãi biển, cầu cảng đều rất sạch và hiếm thấy rác.
Xem thêm: Bình Thuận mát mẻ, vắng vẻ và lý thú
Vịnh Triều Dương. Ảnh: Tứng

Phú Quý là một hòn đảo nhỏ nằm cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, ấn tượng đầu tiên của bạn khi đặt chân đến đây là khung cảnh rất hoang sơ và gần như chưa có sự đụng chạm của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp. Có lẽ vì thế mà Phú Quý đang dần trở thành cái tên hot hơn bao giờ hết trong đầu của các bạn trẻ yêu du lịch.


Phong điện trên đảo. Ảnh: amecgroup

Đèn báo cảng. Ảnh: tamngu

Đảo có nhiều thắng cảnh đẹp như núi Cấm, núi Cao Cát, vịnh Triều Dương, bãi Doi Dừa, bãi Nhỏ - Gành Hang... cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa tín ngưỡng như chùa Vạn An Thạnh, chùa Linh Sơn, chùa Linh Quang, đền thờ Công chúa Bàn Tranh, miếu Bà Chúa, mộ Thầy,... Tới đảo Phú Quý bạn sẽ cơ hội được thưởng thức món cua đặc sản thơm ngon nức tiếng với mức giá chỉ từ 350.000 – 400.000/1kg.

Chiều vàng ở Ngũ Phụng. Ảnh: tamngu

TheoTiểu Duy

Đặc sản Vĩnh Phúc mê hoặc lữ khách

Không phải vùng đất nổi tiếng về du lịch nhưng Vĩnh Phúc lại có những món ngon vừa dân dã vừa lạ miệng.
Xem thêm: Tam Đảo không chỉ có sương và nhà thờ cổ

Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường


Bánh trùng quyến rũ mọi người với vị ngọt đậm của mật mía, mùi thơm nhẹ của gừng hòa cùng lớp bánh trắng dẻo bên trong, lẫn trong hương thơm của vừng.

Cách làm bánh trùng khá đơn giản. Gạo nếp ngon đãi sạch, ngâm qua đêm, xay mịn, để ráo. Tạo hình bánh bằng cách nắm bột thành những nắm có hình giống quả trám. Mật mía mua về, pha với nước lọc, đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Khi nước mật sôi trở lại, bánh trong là đã chín. Múc bánh ra đĩa, phủ nước mật vừa đun lên, rắc thêm một chút vừng đã rang thơm, món bánh đã sẵn sàng để thưởng thức.

Dứa Tam Dương


Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. Dứa Hướng Đạo quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà hơi chua, ăn ngon nhất.

Đến đây, ngoài việc tha hồ ăn dứa đến no bụng với hai cách. Một là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, chỉ còn ít ruột bên trong (độ nửa quả) mà ăn thì không rát lưỡi; hoặc đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa đập vừa xoay cho cho ruột dứa nát ra nước mật, sau đó dùng dao nhọn khoét một lỗ và ghé miệng vào uống. Du khách còn có dịp ngắm nhìn rừng dứa bạt ngàn. Đẹp nhất là vào mùa quả chín, mỗi cây dứa cứ như một bông hoa xanh khổng lồ với nhụy là quả dứa vàng ươm có túm tóc xanh xanh dựng đứng trên đầu.

Cá thính Lập Thạch


Nguyên liệu làm món cá thính chua đơn giản nhưng công đoạn rất công phu và cầu kỳ. Đầu tiên, sau khi bắt hay mua về, cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, để ráo nước. Xếp cá vào vại hay lọ thủy tinh theo thứ tự một lớp cá, một lớp muối. Tỷ lệ muối và cá là 10 kg cá/1,5 kg muối. Lớp trên cùng của vại phủ kín muối và dùng nan tre đậy thật kín. Để vại cá muối trong nhà khoảng 4 - 7 ngày thì gỡ cá ra khỏi muối, dùng tay ép cho cá chảy hết nước và mang đi phơi nắng cho cá se lại.

Dùng tay nhồi bột thính (được làm từ ngô và đỗ tương rang xay thành bột) khắp mình cá từ trong ra ngoài thật đều. Rồi xếp vào vại sành đã rửa sạch. Đậy vại bằng nan tre đan thật kín rồi úp ngược vào bát nước sôi để nguội. Khoảng 2 tuần sau sẽ có món cá thính chua có mùi thơm nức của thính gạo, vị chua chua của thính lên men và đặc biệt, thịt cá phải có màu hồng ngấu chín.

Có thể chế biến cá thính chua thành nhiều món nhưng ngon nhất là đem nướng trên than hoa. Miếng thịt cá nóng hôi hổi thơm phưng phức, không chỉ “thổi bay” nồi cơm một cách nhanh chóng mà còn khiến cánh đàn ông uống đến “cạn chai”.

Bánh nẳng và bánh gạo Lập Thạch

Gạo nếp làm bánh nẳng được ngâm qua đêm trong nước Nẳng, vốn là tro của các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, tầm gửi cây dọc... Sau đó, vớt gạo ra để ráo nước, rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh khoảng từ 5 đến 6 tiếng.

Bánh gạo rang được ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra trong ba ngày đêm. Sau đó, vớt nếp ra để ráo rồi cho chõ xôi. Xôi chín đem trộn đều với mỡ heo, rải ra nia rồi dùng vồ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, rồi để nguội, trộn mỡ heo mới cho vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, rồi đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm. Dùng đoạn cây tròn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái rồi đem gói trong giấy bóng kính.

Tép Dầu đầm Vạc


Đầm Vạc là một hồ nằm ở giữa trung tâm thành phố Vĩnh Yên. Diện tích mặt nước rộng gần 500 ha, đáy sâu nhất 4,5 m, trung bình 3,8 m. Đầm Vạc là nơi cung cấp một lượng lớn hải sản cho Vĩnh Phúc, nổi bật nhất là tép Dầu, có người viết là “giầu”, và giải thích rằng tép giầu đầm Vạc khi rán và kho khô nó có màu sắc và hình dáng giống cái bã giầu - bã trầu, các bà các chị ở nông thôn ăn giầu vứt bỏ.

Mùa thu hoạch tép Dầu từ tháng 8 đến tháng 10, khi đó, bụng tép Dầu chứa đầy trứng. Tép đầm Vạc xương ít và mềm, rán ăn ròn tan, béo ngậy, kho tương vừa ngọt vừa bùi. Các cụ ngày xưa đã tán tụng “đặc sản tép dầu đầm Vạc” còn ngon hơn cả thịt trâu, thịt lợn.

Rượu dừa Tiên Tửu Ngọc Hoa (Yên Lạc)

Rượu dừa được chế biến như sau: Sau khi sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng của rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.

Đặc trưng của một bầu rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngon là khi ngửi có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa, khi uống có vị ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu.

Chè kho Tứ Yên Lập Thạch


Tương truyền vào thế kỷ 6, làng Tứ Yên, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc có đầm Miêng được sử sách ghi là hồ Điển Triệt, nơi Lý Bí đắp thành chống giặc nhà Lương. Nhân dân thường tiếp tế lương khô, trong đó có món chè kho cho quân lính của Lý Nam Đế. Chè kho có thể để được 10-15 ngày không bị thiu ôi nên được nghĩa quân tích trữ làm lương khô, mang theo trận mạc dài ngày, đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Cách nấu chè kho khá đơn giản. Đậu xanh, đồ chín, giã nhuyễn. Hòa đường trắng với nước đun sôi để nguội. Trộn đậu và nước đường với nhau rồi nhào cho thật đều tay. Hay bạn có thể cho đậu xanh giã nhuyễn vào nước đường đun sôi, nấu từ từ cho đường và đậu hòa quyện vào nhau. Đơm chè bằng muỗng ra đĩa nhỏ qua miếng lá chuối đã chuẩn bị sẵn, dùng tay nén cho đĩa chè kho được tròn, mịn và chặt.

Bánh ngõa Lũng Ngoại

Gạo nếp vo đãi sạch, để ráo nước rồi nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để khô. Lấy một phần đậu xanh nấu với mật thành chè kho, phần còn lại sao trên lửa khi hạt đậu có màu vàng hạt dẻ; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn.

Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia thành các viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh. Đun sôi nước, thả bánh vào luộc. Khi bánh nổi lên là đã chín. Vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước rồi cho vào mâm đã rắc bột đậu làm áo. Trở đều hai mặt bánh sao cho càng ngấm nhiều bột áo, càng tốt.

Bánh gio làng Tây Đình - Tam Hợp - Bình Xuyên


Bánh gio Tây Đình còn gọi là bánh nắng. Cách làm món bánh như sau: Vo gạo nếp đã sang sảy thậy kỹ đến khi nước trong, để ráo rồi đem ngâm vào nước vôi trong khoảng 2 tiếng. Vớt nếp ra, để ráo nước mới đem ngâm vào nước nắng (gio than của ba loại cây: tầm gửi cây dọc, thân lá cây vừng khô và thân cây sương song) qua một đêm, vớt ra để ráo nước.

Dùng muôi xúc gạo đó cho vào giữa lá chít đã luộc vài nước, dàn gạo đều và dài ra, gói lại lăn tròn vấn bẻ hai đầu lá kín lại dùng lạt mềm buộc chặt. Mỗi cái bánh gio chỉ dài chừng hơn gang tay. Nấu bánh trong khoảng 3 tiếng.

Mimi tổng hợp

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Những mùa hoa mời gọi dân phượt dịp cuối năm

Hết mùa tam giác mạch, nhiều phượt thủ lại lên đường đến những vùng đất của dã quỳ, cải trắng, cải vàng ở Ba Vì, Đà Lạt, Mộc Châu...

 
Tam giác mạch là loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang, nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 11. Du khách muốn ngắm và chụp ảnh với hoa có thể ghé qua Quản Bạ, Yên Minh, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Ma Lé, Mèo Vạc… Ảnh:Hachi8
Xem thêm: Cao nguyên mùa hoa tam giác mạch


Các vườn hoa tam giác mạch thu phí khách vào tham quan, chụp ảnh với giá 10.000 - 20.000 đồng một người. Từ Hà Nội, bạn nên dành khoảng 3 ngày để di chuyển, ngắm cảnh và trải nghiệm các nét văn hóa của cao nguyên đá. Ảnh: Hachi8


Thời gian này là vào mùa "săn" hoa dã quỳ và Đà Lạt là nơi nổi tiếng nhất. Một số địa điểm rực vàng dã quỳ là chân đèo D'ran; đường lên núi Lang Biang; đường An Bình, hướng đi khu du lịch Hầm Đất Sét; cao tốc Liên Khương đoạn hết đèo Prenn... Ảnh: Lê Phúc.
Xem thêm: Đà Lạt rực vàng mùa hoa dã quỳ tháng 10

Ở miền Bắc, Mộc Châu, Ba Vì là nơi hút dân phượt vào mùa dã quỳ. Những vạt hoa vào tháng 11 trải dài theo các con đường đất đỏ, nhiều nhất là lối lên đồi chè Tân Lập, Pa Phách (Mộc Châu). Ảnh: Tâm An.


Cuối tháng 11 là thời điểm cánh đồng hoa hướng dương nở rộ, thu hút phượt thủ đến huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Hoa hướng dương ở đây cao khoảng 1-1,5 m, bông nở to. Đây là nông trường trồng nguyên liệu và khách có thể vào cửa tự do. Ảnh: Tuấn Đào


Từ thành phố Vinh, bạn di chuyển theo hướng Bắc, dọc theo quốc lộ 1 tới ngã 3 Yên Lý, rẽ trái, đi lên đường Hồ Chí Minh. Sau đó rẽ tay phải rồi tiếp tục đi thẳng là tới cánh đồng hoa hướng dương ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Tuấn Đào


Cuối thu, đầu đông (khoảng tháng 11-12) là thời điểm hoa cải Mộc Châu nở rộ nhất. Các điểm được nhiều phượt thủ chọn để ngắm hoa là bản Pa Phách, khu vực rừng thông bản Áng, bản Cóc xã Đông Sang, Vân Hồ, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: Mèo Già
Xem thêm: Mộc Châu đẹp tinh khôi mùa hoa cải trắng

Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 180 km. Bạn có thể đi xe khách hoặc xe máy tới đây, theo hướng quốc lộ 6. Tùy từng vườn, giá vé cho mỗi lượt vào khoảng 10.000 - 20.000 đồng, có nơi không thu phí. Ảnh: Mèo Già


Ngoài cải trắng, bạn cũng có cơ hội chiêm ngưỡng màu đỏ rực của hàng cây trạng nguyên trên các sườn núi. Ảnh: Hachi8


Hoa trạng nguyên tuy không trồng nhiều như cải nhưng sắc đỏ nổi bật trên nền cánh đồng trắng muốt khiến nhiều phượt thủ xách ba lô lên đường. Ảnh: Hachi8


Đông đến, những vùng quanh Hà Nội như làng Phù Đổng, cánh đồng Yên Viên hay ven bờ sông Đuống lại ngập tràn sắc vàng hoa cải. Tuy nhiên, các vườn hoa cải ở đây thường đông vào dịp cuối tuần, giá vào khoảng 20.000 đồng/ lượt. Ảnh:Cao Anh Tuấn.


Nếu muốn trải nghiệm các cung đường kết hợp ngắm hoa cải, Hà Giang cũng là địa điểm không thể bỏ qua. Bên cạnh việc không thu phí, hoa cải ở cao nguyên đá còn mang vẻ đẹp hoang sơ giữa khung cảnh hùng vĩ. Ảnh: Trần Việt Anh.

Vy An

Bài đăng phổ biến