Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Thú đạp xe trên đường ray hấp dẫn nhiều du khách

Vừa quen vừa lạ là cảm giác du khách có được khi tham gia đạp xe trên những đường ray từng phục vụ cho ngành khai thác mỏ tại Hàn Quốc.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc

Đạp xe trên đường ray xe lửa Mungyeong là hoạt động ngoài trời thú vị mà hầu hết gia đình ở Hàn Quốc đều muốn trải nghiệm. Khi đến thành phố này, bạn có thể chọn một trong 4 ga để bắt đầu hành trình với chiều dài đường ray khác nhau. Trong đó, Gurang-ri là nơi có độ dài đạp phù hợp nhất, cả đi lẫn về khoảng 4,4 km.

Vào những ngày cuối tuần, ga thu hút rất đông người dân Hàn Quốc và du khách đến trải nghiệm đạp xe. Theo chị Chong Meong Cha, hướng dẫn viên địa phương, lượng khách có thể lên đến 2.200 lượt vào mỗi ngày nghỉ. Sau khi mua vé 15.000 won (300.000 đồng), du khách sẽ được sắp xếp 4 người lên một xe. Dù cả 4 chỗ đều lắp bàn đạp nhưng lực đẩy chính nằm ở ghế đầu tiên, bên phải. Do đó, nhân viên nhà ga thường đề nghị khách nam ngồi vị trí này.
Tuy nhiên với các nhóm nữ, người khỏe nhất sẽ được "ưu tiên" ngồi ở bàn đạp chính dù công việc này cũng không quá mất sức. Ảnh: Vy An.

Đường ray được thiết kế cho khách đạp là một vòng tròn khép kín. Chị Chong Meong Cha cho biết trước đây Mungyeong nổi tiếng với ngành công nghiệp khai thác mỏ. Đường ray được mở để vận chuyển than đá và đưa công nhân vào ra các hầm lò. Sau khi đóng cửa vào năm 1994 và bỏ hoang đến năm 2003, địa phương mới tận dụng đường ray này để khai thác du lịch.

Từng là nơi khác thác mỏ, nhưng khung cảnh thiên nhiên hai bên đường ray đẹp như tranh vẽ. Theo từng vòng quay xe đạp, mở ra trước mắt bạn là thảm lúa chín vàng, cây cầu nhỏ xinh bắc qua dòng suối trong vắt, cánh đồng bạt ngàn cỏ lau trắng phất phơ trong gió.

Một chút ấm áp dưới cái nắng cuối thu đầu đông sẽ được thay thế bởi cái lạnh tê tái khi xe đạp đi vào cánh rừng thông giữa hai quả núi. Nhưng chẳng ai cố gắng đạp nhanh để thoát ra mà cứ chậm rãi để thu trọn tất cả vào trong tầm mắt. Đó là màu xanh của thông rừng và màu vàng đỏ của lá phong còn sót lại.
Những chiếc xe đạp 4 bánh như "toa xe lửa" nối đuôi nhau trên đường ray. Ảnh: Vy An.

Quãng đường 2,2 km một chiều tưởng dài nhưng lại rất nhanh. Đến hết đường, nhân viên nhà ga sẽ chờ sẵn để đổi ray quay lại cho khách. Đường về không vì thế mà nhàm chán bởi bạn được ngắm nhìn khung cảnh đồng quê với góc nhìn hoàn toàn mới.

Vì là đường ray khép kín nên chỉ cần một xe dừng lại, các xe đi sau cũng phải đỗ theo. Tuy nhiên ai cũng vui vẻ chờ đợi đôi chút cho xe trước lưu lại bức hình kỷ niệm hay đạp đuổi như trở lại tuổi thơ. Khách trên các chiếc xe đạp ngược chiều, dù không quen biết, vẫn liên tục vẫy chào tạo nên bầu không khí thân thiện, gần gũi.

Trở lại điểm xuất phát sau gần một tiếng vận động, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái vì được giải phóng năng lượng và có những giờ phút hòa mình với thiên nhiên.

Ga Gurang-ri mở cửa từ 8h45 đến 18h (mùa hè) và 16h (mùa đông).

Mungyeong là một thành phố thuộc tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Chính quyền, mạng lưới giao thông và kinh tế của thành phố đều nằm ở khu vực Jeomchon, khu vực đô thị chính. Mungyeong có một chiều dài lịch sử, và nay được biết đến với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.

Cách đến đây: Từ Hà Nội, TP HCM, bạn có thể chọn các chuyến hàng ngày của Vietnam Airlines để đến Busan, giá vé từ 6 triệu đồng một lượt. Các chuyến này khởi hành đêm với thời gian bay 4-5 tiếng. Từ Busan, bạn có thể chọn đi tàu từ Sports Complex Station, line 3 hoặc xe buýt để đến ga Jeomchon. Sau đó bắt xe taxi đến ga Gurang-ri và các điểm tham quan khác ở Mungyeong.

Hiện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) đang đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động thu hút khách du lịch đến các thành phố ở phía trung và nam Hàn Quốc, trong đó có Mungyeong.


Vy An

Kinh nghiệm cho du khách lần đầu tới Malaysia

Du khách đi taxi phải trả giá trước và cần chú ý việc ăn mặc của mình khi tới những nơi có đông người theo đạo Hồi.
Xem thêm: Những lưu ý khi du lịch Malaysia

Dưới đây là một số thông tin cơ bản, cần thiết cho chuyến du ngoạn đầu tiên của bạn đến Malaysia.

Thời điểm thích hợp

Du khách có thể tới Malaysia vào tất cả các thời điểm trong năm. Là quốc gia nhiệt đới, Malaysia có khí hậu nắng ấm quanh năm, thích hợp cho các chuyến đi biển đảo và du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, mùa đông là thời điểm nhiều người chọn tới Malaysia vì đợt giảm giá cuối năm, Giáng sinh của nhiều hãng thời trang. Tuy nhiên, đây cũng là mùa mưa và có nhiều khói bụi do các đám cháy từ Indonesia lan sang nên du khách cần chú ý.

Di chuyển tới Malaysia

Các hãng hàng không mở rất nhiều đường bay tới Malaysia với các chuyến bayhàng ngày. Phần lớn các du khách chọn Air Asia hay Vietnam Airlines... Nếu bạn đi hàng không giá rẻ, du khách sẽ dừng tại sân bay Kuala Lumpur 2, còn sân bay Kuala Lumpur 1 cho các hãng hàng không quốc gia.

Bạn sẽ mất hơn 3 tiếng để bay từ Hà Nội tới Kuala Lumpur và hơn 1 tiếng nếu khởi hành tại TP HCM. Giá vé khứ hồi vào khoảng 5 - 6 triệu.
Khu phố đi bộ dành cho du khách gần khu chợ trung tâm hơn 100 năm tuổi tại Kuala Lumpur. Ảnh: Minh Đức

Lưu trú

Nếu tới Malaysia lần đầu và đi tự túc, bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng việc chọn các phòng dorm có giá 30-55 RM tùy theo thành phố lớn nhỏ. Phòng đơn có giá khoảng 75 RM và phòng đôi giá 100 RM ở những khách sạn cỡ vừa.

Nếu ở Kuala Lumpur, bạn có thể lựa chọn chỗ ở gần khu Petaling (phố người Hoa) để tiện đi tham quan các điểm xung quanh.

Phương tiện đi lại

Buýt và tàu là hai phương tiện di chuyển chủ yếu ở Malaysia. Tại thủ đô Kuala Lumpur với giá khoảng 5-11 RM cho một chặng đi tàu. Taxi ở Malaysia thường không tính theo km nên hãy mặc cả trước khi lên xe và bạn nên biết rõ mình sẽ tới đâu để tránh bị đi lòng vòng.

Ăn uống

Chi phí cho ăn uống tại Malaysia không quá đắt đỏ, dao động từ 4 đến 11 RM cho các món ăn đường phố. Tại những nhà hàng cỡ vừa, giá khoảng 7-20 RM. Các món ăn nổi tiếng bạn không nên bỏ qua khi tới đây là canh sườn Bak Kut The, Chee Cheong Fun, mì Char, Nasi Lemak, Sate, Roti Canai, Teh Tarik…

Hoạt động chính cho du khách

Du khách nên trải nghiệm lặn biển tại đảo Perhentian, chinh phục Kinibalu - núi cao nhất Malaysia, khám phá nét văn hóa đặc trưng của đảo Sarawak, chiêm ngưỡng thế giới tự nhiên, chèo thuyền vượt thác hoặc tìm hiểu về lịch sử thuộc địa của Malaysia qua các di sản được UNESCO công nhận.
Quảng trường trung tâm Melaka tập trung nhiều du khách. Đây là thành phố với nhiều công trình mang dấu ấn thuộc địa sâu sắc tại Malaysia. Ảnh: Minh Đức

Địa điểm du lịch

Các điểm du lịch tại Malaysia trải dài trên khắp đất nước, nổi tiếng nhất là ở Kuala Lumpur, Melaka, Penang ở phía Bắc, thành phố Kota Bahru, đảo Pulau Langkawi, thành phố Johoh. Nếu có điều kiện, bạn có thể ghé thăm hai bang Sabah và Sarawak bên phía đảo Borneo.

Lưu ý

Hãy cố gắng mặc cả vì các cửa hàng ở Malaysia thường bán giá khá cao cho du khách.

Nếu tới Malaysia lần đầu, bạn nên chú ý về ăn mặc. Với đất nước có số dân theo đạo Hồi đông đảo, bạn nên chọn trang phục gọn gàng, kín đáo khi ghé thăm các nhà thờ Hồi giáo hay cộng đồng dân cư theo đạo Hồi.

Không nên mua đồ uống có cồn tại Malaysia vì giá của chúng cao hơn các nước khác rất nhiều.

Malaysia sử dụng làn đường bên trái, nên nếu muốn lái xe, hãy làm quen với cách đi lại trước.

Nằm ở múi giờ +8, các hoạt động ở Malaysia nhanh hơn Việt Nam 1 tiếng. Người dân Malay cũng có thói quen ngủ muộn nên bạn không lo thiếu các địa điểm vui chơi vào buổi tối.

Tỉ giá: 1 Ringgit Malaysia (RM) bằng khoảng 5.000 đồng.

Minh Đức

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

​Du khách Tây và hành trình trải nghiệm trên tàu Thống Nhất

Tàu lăn bánh rời Sài Gòn trong buổi sáng sớm, cảm giác ngồi trên toa tàu thoải mái cùng tiếng cười nói rôm rả trong những giây phút tàu lăn bánh… là những trải nghiệm không thể nào quên.Xem thêm: Sẽ có tour du lịch tàu hỏa qua duyên hải miền Trung
Mọi thứ xung quanh như muốn đưa du khách vào giấc ngủ say - Ảnh: wanderlust

Vươn lên từ đống tro tàn

Trong mắt du khách, tàu Thống Nhất là hành trình khám phá tuyệt vời, nhưng với người dân Việt Nam, con tàu này còn là biểu tượng của sự thống nhất, nối liền hai miền đất nước.

Đoàn tàu duy nhất được Pháp xây dựng (1899 - 1936) để vận chuyển vũ khí và lương thực cả hai miền và bị phá hủy trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Từ năm 1954, tàu Thống Nhất ngưng hoạt động vì không được phép đi qua vùng phi quân sự gần Huế do Mỹ thiết lập nhằm chia cắt hai miền Nam - Bắc.

Bên ngoài sân ga Sài Gòn, tôi gặp anh Ngọc, người cống hiến 55 năm cuộc đời cho những chuyến đi lãng mạn nhất của Việt Nam. Từ khi còn là cậu bé sống ở Tây nguyên, anh đã rất thích tàu hỏa. Anh nhớ lại “lần đầu tiên, khi nhảy lên tàu mà không có vé nên đã bị nhân viên trên tàu phát hiện và đuổi xuống”.

Kể từ đó anh ước mơ và làm mọi cách để có thể làm việc trên con tàu này. Điều đó đã trở thành hiện thực, anh trở thành một trong những người góp phần xây dựng lại hệ thống đường sắt Thống Nhất Việt Nam.

Tuyến đường sắt nối liền Bắc Nam được khởi công xây dựng và tu sửa lại vào ngày 31-12-1976 sau hơn 20 tháng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Con tàu luồn lách qua những căn nhà san sát trên phố - Ảnh: wanderlust


Con tàu đang băng qua một triền núi - Ảnh: Vietq

Hành trình Sài Gòn - Tháp Chàm - Đà Lạt

Chuyến phiêu lưu của chúng tôi bắt đầu từ ga Sài Gòn đi Đà Lạt. Vừa ra đến ngoại ô, khung cảnh hai bên đường đã hiện ra đầy quyến rũ với những cánh đồng lúa xanh mơn mởn lắc lư theo các cơn gió rít.

Hai bên đường thấp thoáng những ngôi nhà nhỏ ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ, xen kẽ xóm làng là những nghĩa trang với những nấm mồ với cây cỏ, dây leo quấn quanh.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Tháp Chàm - công trình độc đáo với kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm. Từ đây, chỉ mất gần 3 giờ xuyên qua các cung đường cheo leo cùng khung cảnh núi non kỳ vỹ, thơ mộng là có thể đến ga Đà Lạt, nơi người Pháp tận hưởng ngày nghỉ xa hoa thời thực dân.

Từ năm 1972, ga Đà Lạt không còn liên kết với tuyến đường tàu chính nên nhà ga sơn màu vàng mù tạt với các khung cửa sổ bám đầy bụi, chiếc ghế lông trong phòng chờ không còn nhộn nhịp như trước.

Hiện sân ga số 1 được chuyển thành một quán cà phê treo những bức ảnh trắng đen về thời cực thịnh của nhà ga. Những món đồ chơi cũng được thiết kế như một toa tàu hỏa với 3 toa bằng gỗ cũ kỹ được kéo bởi đầu máy diesel tông màu vàng, xanh.

Cảm giác chao đảo khi con tàu đang tăng dần tốc độ, lượn qua những đường hầm hẹp, thậm chí tiến sát những ngôi nhà nơi cả gia đình đang ăn uống, qua các trang trại nhà kính trồng hoa và rau...
Trên toa tàu cổ - Ảnh: wanderlust

Phía trước sân ga Đà Lạt - Ảnh: dulichdalat

Hành trình Nha Trang - Đà Nẵng

Chuyến tàu xuất phát từ Nha Trang vào lúc 16g30, ngồi cùng băng ghế với chúng tôi là một cặp vợ chồng bản địa trong trang phục pyjama, họ cũng đang trên đường trở về Huế sau chuyến thăm người thân ở Sài Gòn.

Toa tàu dành cho những người ngồi ghế gỗ hạng hai như chúng tôi cũng có khá nhiều bất tiện, hành khách vẫn bị nhồi nhét và ồn ào. Không có toa ăn uống riêng cho hành khách, thay vào đó có một người phụ nữ khá lớn tuổi đẩy chiếc xe bán đồ ăn như cơm, gà chiên, susu luộc… để phục vụ hành khách.

Đà Nẵng nổi tiếng với bờ biển tuyệt đẹp và là thành phố hiện đại với những khách sạn cao tầng, ván trượt và dù lượn trên bầu trời. Điểm nhấn nổi bật ở thành phố biển này chính là tượng Phật Quan Âm màu trắng cao 72m sừng sững trên sườn núi xanh ngắt màu lá.

Ngay sát bờ biển, các thuyền thúng bằng tre nằm rải rác dọc bờ biển, trên những bãi cát trắng. Thấp thoáng một vài người dân làng chài đang kéo lưới ở những vùng nước đục, hì hục kéo lưới với những vạt lưới đầy ắp cá.

Phía tây nam bao bọc bởi dãy Ngũ Hành Sơn, ngọn núi thiêng liêng được tôn thờ trong nhiều thập kỷ, chúng tôi trèo qua các bậc thang của núi Thủy Sơn - ngọn núi lớn nhất trong dãy ngũ hành với những ngôi chùa, hang động của các tín đồ Hindu sử dụng trước khi Phật pháp du nhập.
Chùa Long Sơn, Nha Trang - Ảnh: wanderlust

Biển Lăng Cô nối liền Đà Nẵng - Huế - Ảnh: wanderlust

Hành trình Đà Nẵng - Hà Nội

Đến ga Đà Nẵng tiết trời âm u với cơn mưa bất chợt, chúng tôi hi vọng một điều kỳ diệu nhỏ nhoi cho sự trì hoãn của chuyến tàu. Mỗi phút trôi qua ở phòng chờ càng trở nên đông đúc vì nhiều gia đình chen chúc nhau tìm ghế ngồi và những khách du lịch nặng nề với chiếc balô đang tìm chỗ.

Trong ngoài sân ga tấp nập những gánh hàng rong bán cá nướng, trứng luộc, trà, đĩa đá dán hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tiếng chào mời nhộn nhịp.

Khi đoàn tàu đến nơi là lúc hành khách ùa lên tàu như một đàn kiến gấp gáp với đống hành lý nặng trĩu. Chúng tôi ngồi yên ở cabin sau tấm màn màu hồng, dẹp những bông hoa giả và theo chỉ dẫn của anh hướng dẫn để chuẩn bị vào khu vực ngoạn mục nhất của tuyến đường sắt.
Động Huyền Không, Đà Nẵng - Ảnh: wanderlust

Ga Hà Nội - Ảnh: duongsathanoi

Cơn mưa phùn không ngớt ngay cả khi đã đến Hà Nội, những đám mây thấp che phủ khu phố cổ, cơn mưa rào trút xuống dần trên cây cầu giữa hồ Hoàn Kiếm và các bức tường Nhà hát lớn.

Màn đêm buông xuống, chúng tôi ghé vào quán bar và nhà hàng Ray Quân, nằm gần đường ray xe lửa trong tiếng còi xe inh ỏi không ngừng.

Tuy vậy, tiếng xe máy, tiếng gà và tiếng thau, chậu, chảo nhanh chóng bị dập tắt bởi tiếng của đoàn tàu đang đến cùng tiếng gầm như sấm với tia lửa bắn ra từ các bánh xe đang rít lên và cả ánh sáng rực màu hổ phách từ các khoang ngủ.

Rồi không gian lại trở nên yên tĩnh. Và mỗi khi đến Ray Quân, chúng tôi lại thưởng thức một ly rượu nếp, nâng ly chúc mừng chuyến đi, sự khéo léo và quyết tâm đeo bám chuyến tàu Bắc Nam này...
 
Hoàng Thương (Theo Wanderlust)

Bài đăng phổ biến