Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

Đà Lạt thu nhỏ ở vùng Tây Bắc

Vùng đất cao nhất của huyện Mường La có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt và nổi tiếng với nguồn nước khoáng nóng.

Xem thêm: Hồng Ngài - bản nhỏ vùng cao của Sơn La

Mường La - Ngọc Chiến là một cung đường đẹp cho những ai ưa khám phá sự tĩnh lặng và hoang sơ Tây Bắc.

Nằm cách TP Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc và công trình thủy điện Sơn La khoảng 40 km, xã Ngọc Chiến nằm ở độ cao trung bình trên 1.800 m so với mực nước biển. Đây được coi là vùng đất cao nhất của huyện Mường La.


Điều đặc biệt trên cung đường này là những đoạn đường đất nhỏ men theo các bản làng Thái đen và Mông, thung lũng ruộng bậc thang trải dài.


Khí hậu quanh năm mát mẻ, đây là nơi sinh sống định cư lâu đời của 3 dân tộc Thái, Mông và La Ha với văn hóa phong phú đa dạng, giàu lòng mến khách.


Từ TP Sơn La, bạn đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc đến thị trấn Ít Ong. Vượt qua con đèo Sam Síp ở độ cao hơn 2.000 m, dài khoảng 40 km quanh co luồn trong mây ngàn, bạn sẽ thấy một bên là bạt ngàn rừng cây, đồi núi trập trùng, một bên là vực sâu. Đi tiếp qua cây cầu bắc qua suối, du khách sẽ tới xã Ngọc Chiến.


Đến đây, du khách sẽ được gia chủ đón tiếp như khách quý, cùng làm các công việc hàng ngày và thưởng thức đặc sản địa phương như: rượu cần, rượu táo mèo, xôi nếp tan, xôi sắn, cơm lam, thắng cố, thịt nướng, cá nướng, rau cải mèo...


Nhằm khai thác tiềm năng du lịch thiên nhiên, văn hóa phong phú của Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đã phối hợp với người dân xây dựng nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch. Tại bản Lướt, hiện đã có bể tắm khoáng nóng; bản Đớt có nhiều phòng tắm khoáng nóng cá nhân dựng bằng gỗ pơ mu.

Ngoài ra, khách có thể tắm miễn phí tại mó nước ở bản Khau Vai, suối Chiến ở bản Mường Chiến, tìm hiểu các nghề truyền thống của người Thái, Mông, La Ha…


Trên cánh đồng Ngọc Chiến vào những ngày mùa, lúa vàng rực. Bên cánh đồng là những bản làng của người Thái sống đan xen với các dân tộc khác.


Người Ngọc Chiến cũng giỏi dựng nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu thơm phức. Theo người dân, buổi tối khi ngủ không phải mắc màn bởi mùi gỗ pơ mu tỏa ra thứ hương thơm dịu không chỉ xua đuổi muỗi, mà còn mang lại sức khỏe cho chủ nhà.


Những nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu gần như còn nguyên sơ nếp nhà sàn Tây Bắc, tuy đã ngả màu rêu phong nhưng mái nhà không bị mối mọt.

 
Một căn nhà sàn dân tộc người Thái đen.

Lê Bích

Thiên nhiên tươi đẹp trên các nẻo đường Tây Bắc

Tây Bắc là khu vực nhiều đồi núi có địa hình hiểm trở nhưng đẹp đến mê mẩn với các cung đường đèo như Khau Phạ, Ô Quy Hồ hay những mùa lúa, mùa hoa ở Sa Pa, Mù Cang Chải, Mộc Châu...

Xem thêm: Có một mùa hoa Tây Bắc

Trên hành trình đến với Tây Bắc, du khách có thể chọn tuyến đi qua Phú Thọ, ghé thăm vườn quốc gia Xuân Sơn. Trước khi thử thách mình trên những cung đường nguy hiểm mà đẹp hùng vỹ, bạn có thể tham quan bản làng, trải nghiệm đời sống văn hóa của người Dao, Mường... tại đây. Ngoài ra, người ưa mạo hiểm có thể trekking lên các đỉnh núi Ten, Cẩn và Voi đều cao hơn 1.000 m và khám phá những hang động, thác, hay suối ở vườn quốc gia.


Yên Bái là một tỉnh nằm ở vùng Tây Bắc tiếp giáp Đông Bắc. Khoảng vài năm trở lại đây huyện Mù Cang Chải trở thành điểm đến thu hút rất nhiều du khách vào mùa vàng tháng 9. Tuy đã qua thời điểm đẹp nhất, đường đi Lìm Mông, Lìm Thái ở xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải vẫn đẹp rực rỡ nhờ sắc đỏ của hoa trạng nguyên.


Không chỉ ở hai bên đường vào vườn quốc gia Xuân Sơn, Phú Thọ hay lối đi tới các bản làng của huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, hoa trạng nguyên còn xuất hiện tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La.


Sơn La là tỉnh có diện tích cũng như dân số lớn nhất ở khu vực Tây Bắc. Huyện Mộc Châu cũng là địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh với nhiều điểm đến hấp dẫn như rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, đồi chè trái tim, nông trường bò sữa, đỉnh Pha Luông...


Tháng 11, nông trường chè ở Mộc Châu lại xanh mướt, trải dài như những tấm thảm nhung ôm lấy đồi núi. Thời điểm đẹp nhất để tham quan đồi chè là vào bình minh hoặc hoàng hôn. Chiều xuống, du khách còn có thể bắt gặp người dân tộc đưa đàn bò trở về sau một ngày đi ăn.


Khung cảnh thơ mộng bên Pá Uôn - cây cầu cao nhất Việt Nam. Cầu Pá Uôn nằm trên địa phận xã Chiềng Ơn, sát ngay thị trấn Phiêng Lanh, thủ phủ mới của huyện Quỳnh Nhai, Sơn La.


Về Hòa Bình, bên cạnh một Mai Châu nên thơ, nổi tiếng với hình thức du lịch cộng đồng, du khách còn có dịp tham quan lòng hồ Hòa Bình bằng thuyền. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành, Hòa Bình là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.


Là một thị trấn vùng cao Tây Bắc đồng thời là khu du lịch nổi tiếng của Lào Cai, Sapa cuốn hút du khách cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nhờ có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ. Rời xa trung tâm thị trấn, thuê xe máy và rong ruổi trên các cung đường, bạn sẽ có cơ hội khám phá nhiều địa điểm hoang sơ hơn.

Hương Chi

Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Với công thức chung gần giống nhau, nhưng mỗi tỉnh lại có những thay đổi trong cách chế biến đã làm nên hương vị đặc trưng riêng biệt khiến du khách khó quên.
Nếu có dịp du lịch đến các tỉnh miền Trung, du khách đừng quên thưởng thức các món bánh canh dưới đây.

Bánh canh Quảng Bình

Quảng Bình, món bánh canh được gọi là cháo canh. Nguyên liệu kèm theo của món cháo canh là sườn heo và tôm tươi, cũng có thể là cá. Độ ngon của cháo canh quyết định bởi nước dùng. Thông thường nước dùng của món cháo canh được hầm từ xương heo, nhưng nước dùng làm bánh canh Quảng Bình còn tổng hợp từ xương, tôm, cá. Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ. Vị cải xanh vừa ngọt vừa cay tạo cảm giác bùi bùi khi thưởng thức.
Cháo canh được bán ở các đường Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo... TP Đồng Hới với giá 20.000-30.000 đồng một tô.

Bánh canh bột lọc Quảng Trị

Quảng Trị món bánh canh được gọi với cái tên khá thú vị là "cháo bột”. Cách nấu phổ biến nhất là cá lọc lấy thịt, đem ướp gia vị, om chín, phần xương đem giã ra nấu lấy nước dùng.

Đối với sợi bánh canh, người Quảng Trị sử dụng cả bột gạo tẻ và bột gạo lứt, ngâm cùng nhau cho mềm mới đem xay, nhào kỹ và dùng ống tre cán mỏng, cắt thành sợi nhỏ. Cũng bởi vậy mà sợi bánh canh khi nấu lên có phần đục, dai hơn các nơi khác. Khách gọi, chủ quán đun sôi nước dùng, cho bột vào nấu rồi đến khi gần chín mới thêm phần thịt cá. Bánh canh nóng hổi múc ra tô, rắc thêm một nắm hành xắt mịn, khói bốc lên nghi ngút, thưởng thức thì càng thấy vị đậm đà khó quên.

Bánh canh nổi tiếng nhất ở Quảng Trị là bánh canh Hải Lăng, ở ngã ba huyện Hải Lăng. Nếu ghé TP Đông Hà, bạn có thế tìm ăn bánh canh (cháo bột) ở chợ Đông Hà, với giá 15.000-20.000 đồng một tô.

Bánh canh cá lóc Huế

Nhắc đến ẩm thực Huế, bánh canh cá lóc là món ăn không thể bỏ qua. Cách nấu món này khá cầu kỳ. Cá lóc được luộc chín, tách lấy thịt rồi thêm gia vị cho thấm. Xương cá được giã nhuyễn, lọc lấy nước nấu cùng với nước luộc cá. Đây cũng chính là bí quyết giúp nước cháo luôn ngon ngọt tự nhiên.
Vị ngọt tự nhiên của cá chính là điểm cộng cho món ăn này.

Bánh canh cá lóc thường dùng như một món giữa buổi hoặc ăn khuya, và được bày bán từ khoảng xế chiều, với giá chỉ 10.000 đồng một tô, ở đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ hoặc gần ga Huế.

Bánh canh chả cá nhồng Nha Trang

Xem thêm: Bún sứa Nha Trang - Món ăn mang đậm hương vị biển
Ở thành phố biển Nha Trang, bánh canh chả cá là món ăn quá đỗi quen thuộc, gắn chặt với đời sống của người dân nơi đây. Về thành phần, món ăn này không có gì khác biệt so với các địa phương khác. Hai thành phần chính là sợi bánh canh và chả cá. Tuy nhiên, với người Nha Trang, sự khác biệt của món ăn đến từ những lát chả cá nhồng chiên vàng, ăn kèm theo trứng cá, lòng cá...

Các quán bánh canh ngon ở Nha Trang ở đường Yersin, Bà Triệu, Ngô Gia Tự, Phan Chu Trinh... với giá 10.000-15.000 đồng một tô.

Bánh canh chả cá Phan Thiết

Được xem là món ăn bình dân tại Phan Thiết, nhưng luôn được khách du lịch “săn tìm” để thưởng thức, bánh canh chả cá từ công thức truyền thống đã có thêm các biến tấu như thêm nấm rơm, trứng cút, xíu mại...

Bánh canh ở đây có hai loại là bánh canh chả cá và bánh canh chả hấp được chế biến rất ngon. Khi ăn, khách có thể dùng kèm bánh mì để chấm với nước bánh canh. Bạn có thể ăn món này tại một số quán trên đường Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông, Kim Đồng… vào buổi chiều tối với giá 20.000-25.000 đồng một tô.
Xem thêm: 12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết
Má Lúm

Bài đăng phổ biến