Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

Quần thể Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư là những khu du lịch trọng điểm và hấp dẫn nhất của tỉnh Ninh Bình.

Xem thêm: Quần thể Tràng An - điểm đến hấp dẫn nhất Ninh Bình

Nằm cách Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km, quần thể danh thắng Tràng An trải rộng hơn 2.000 ha được tạo nên bởi các dải núi đá vôi, các hang động kỳ ảo, cùng với hàng chục di tích lịch sử - văn hóa bao gồm đền thờ, chùa chiền, tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy.
Tràng An được ví như Hạ Long trên cạn.

Quần thể này bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư... Liên kết giữa các khu du lịch này là khu rừng đặc dụng và những thung lũng, sông ngòi uốn lượn, hòa quyện vào nhau. Chỉ khi được tận mắt ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây, du khách mới thực sự cảm nhận được sự ví von Tràng An như một vịnh Hạ Long trên cạn.

Bến thuyền là nơi khởi đầu cho một chuyến du ngoạn bằng thuyền để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Vào mùa lễ hội đầu năm, nơi đây trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nhỏ, mỗi chiếc chở 4-5 người sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình, tham quan các di tích lịch sử như Đền Trình (hay còn gọi là miếu Trình), ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình hay đền Trần, một ngôi đền đá cổ, xây dựng năm 968 để thờ một vị tướng từ đời vua Hùng thứ 18.

Khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc dãy núi thành trì thiên tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Núi bao bọc xung quanh, ẩn dưới mỗi ngọn núi là các hang động kỳ ảo, được thông nhau bởi các thung nước chạy dài hàng cây số. Hệ thống hang động nơi đây vô cùng đa dạng về hình thái và chủng loại.
Bến thuyền dập dìu đưa du khách ngắm cảnh núi non, sơn thủy hữu tình.

Cùng với khu du lịch Tràng An thì Tam Cốc - Bích Động là một trong 4 khu du lịch trọng điểm và hấp dẫn nhất của tỉnh Ninh Bình. Tam Cốc - Bích Động, còn được biết đến với cái tên “Nam thiên đệ nhị động”, là một khu du lịch trọng điểm quốc gia của Ninh Bình. Để khám phá trọn vẹn Tam Cốc, du khách sẽ mất khoảng gần 3 tiếng đi thuyền dọc theo sông Ngô Đồng. Không chỉ tam cốc (3 hang) mới là thắng cảnh, cảnh sắc hai bên sông cũng thực sự làm mê đắm lòng người.

Bích Động - Nam thiên đệ nhị động là một động tối ngập nước dài khoảng khoảng 350 m cách bến Tam Cốc 2 km. Trước cửa động là con sông Hoàng Long uốn lượn, bên kia sông là đồng lúa chín vàng chạy dọc theo sườn núi. Tại điểm kết thúc của chuyến tham quan Bích Động, du khách có thể leo lên núi thăm chùa Bích Động, một ngôi chùa cổ trên núi đá, mang đậm phong cách Á Đông.

Thung Nham - Vườn Chim là một khu du lịch hấp dẫn thuộc Tam Cốc - Bích Động. Đây là địa danh thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, cách chùa Bích Động khoảng 2km. Vườn Chim là một vùng non nước hữu tình, "núi trong sông, sông trong núi". Đất lành chim đậu, nơi đây có hàng ngàn vạn con chim ríu rít bay về, đậu trắng xóa trên các cành cây, các ngọn núi.

Trong chuyến hành trình khám phá danh thắng Tràng An, du khách không nên bỏ qua ghé thăm cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính. Cố đô Hoa Lư là kinh đô xưa của Việt Nam dưới thời nhà Đinh, Tiền Lê và được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Cố đô Hoa Lư gồm 47 di tích trong đó nổi bật là Đền Vua Đinh Tiên Hoàng, lăng mộ Vua Đinh, đền thờ và lăng mộ Vua Lê Đại Hành, nhà bia tưởng niệm Vua Lý Thái Tổ...

Đồng lúa chạy dài uốn lượn theo dòng sông, len lỏi giữa các ngọn núi. Cảnh sắc nơi đây thay đổi theo mùa, khi thì màu xanh lá đầy sức sống, khi thì màu vàng óng ả của lúa chín, khi lại lấp lánh ánh bạc của cánh đồng ngập nước.

Chùa Bái Đính là quần thể chùa hoành tráng, hội tụ nhiều kỷ lục ở Việt Nam và Châu Á. Chùa tọa lạc trên một diện tích rộng 540 ha và là quần thể chùa lớn nhất Đông Nam Á. Chùa Bái Đính được khởi công xây dựng năm 2003, đến nay các hạng mục cơ bản đã hoàn thành, sãn sàng đón tiếp phật tử và du khách thập phương.

Thời điểm đẹp nhất để đi du lịch Tràng An là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Vào tiết xuân, trời không quá lạnh hay quá nóng, đặc biệt du khách có thể kết hợp du lịch và du xuân vãn cảnh chùa, lễ chùa cầu may. Tuy nhiên đây cũng là cao điểm mùa du lịch Ninh Bình, khách du lịch đến từ khắp nơi vô cùng đông đúc.

Quần thể Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, cố đô Hoa Lư vừa được UNESCO chính thức công nhận là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên của thế giới.

Bài và ảnh: Hoàng Mạnh - Nguyễn Thắn

Chùa Hương ngày khai hội

Hàng năm, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng, du khách thập phương lại rủ nhau đi hội chùa Hương, vừa để lễ bái, cầu nguyện, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp non nước.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Chùa Hương

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Để đi lễ, du khách sẽ phải mua vé và ngồi đò khoảng một tiếng trên dòng suối Yến dẫn vào chùa. Giá vé tham quan là 50.000 đồng, giá vé đò là 35.000 đồng (tuyến Hương Tích).


Sau khi mua vé, khách sẽ được hướng dẫn xuống thuyền đậu ở bến Đụn và bắt đầu hành trình đi lễ chùa Hương. Mỗi ngày ở đây đón tiếp hàng nghìn lượt khách đến đi lễ, ngày cao điểm có thể lên đến 70.000 người.


Là thủy lộ duy nhất để du khách vào lễ bái ở chùa Hương, dòng suối Yến trông giống như đuôi của một con chim yến đang xòe rộng. Từ ngày khai hội đến hết tháng 3, khung cảnh nơi đây lúc nào cũng tấp nập với những con đò chở khách vào ra nườm nượp.


Trước khi lễ bái ở chùa Trong, tức chùa trong động Hương Tích, du khách sẽ ghé chùa Thiên Trù, tức chùa Ngoài. Nằm giữa núi rừng linh thiêng, chùa mang vẻ đẹp uy nghi, cổ kính cùng không gian thanh tịnh.


Năm nay, ban tổ chức kiên quyết đảm bảo an ninh, trật tự trong mùa lễ hội bằng cách xử lý nghiêm các hành vi như đổi tiền lẻ, chèo kéo khách, đặt tiền giọt dầu, xem bói, mê tín dị đoan...


Từ chùa Thiên Trù, theo đường núi quanh co đi khoảng 2 km thì đến chùa Trong. Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp hai bên đường vô số hàng quán bày bán cành vàng, cành bạc, lộc, quan tiền... để cầu may.


Có hai cách để đến chùa Trong là leo bộ hoặc đi cáp treo. Giá cáp treo một lượt là 90.000 đồng (người lớn) và 60.000 đồng (trẻ em). Lối dẫn xuống chùa trong lòng động dài hơn 100 bậc đá. Từ trên cao, du khách đã có thể cảm nhận bầu không khí mát lành thổi ra từ trong lòng động.


Ngoài tượng thờ Bà Chúa Ba, một hóa thân của Bồ tát Quan Âm, trong động còn có nhiều đụn nhũ được biết đến với tên gọi: Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Máng Lợn, Nong Kén, Đầu Cậu, Đầu Cô…


Nhiều du khách cố hứng giọt nước chảy ra từ nhũ đá với quan niệm đó là lộc trời và mong muốn có được sức khỏe trong năm.


Đi hội chùa Hương vào tháng 3, du khách còn có dịp ngắm nhìn hoa gạo nở đỏ rực, tạo nên khung cảnh thơ mộng cho dòng suối Yến.

Cao Anh Tuấn (VnExpress)

Thử 8 đặc sản trên đường rong chơi Mộc Châu

Bê chao, cá suối, thịt trâu gác bếp, ốc đá, nậm pịa… là những đặc sản hấp dẫn du khách khi tới thăm Mộc Châu.

Xem thêm: Bồng bềnh hoa cải trắng Mộc Châu

Cách Hà Nội 200 km về phía Tây, men theo đường quốc lộ 6 tìm về Mộc Châu vào những ngày mưa se lạnh, bạn sẽ được sống trong bầu không khí sương mây bao phủ của một vùng cao nguyên thơ mộng bạt ngàn hoa cải trắng và chè xanh mướt. Bên cạnh đó, khám phá nét văn hóa ẩm thực độc đáo của huyện miền núi rộng nhất vùng núi phía Bắc thuộc tỉnh Sơn La cũng là những trải nghiệm khó quên dành cho mỗi du khách. Hãy đừng bỏ qua các món dưới đây nhé:

Bê chao

Nhiều người nói vui rằng nếu đến Mộc Châu mà chưa ăn bê chao thì chưa phải đã đến đây. Món bê chao làm say lòng du khách được làm từ con bê non, chọn phần thịt loại ngon, đầy đủ nạc, mỡ, bì và xắt thành từng miếng con chì, đem chần qua nước sôi để thịt bê bớt hôi sau đó ướp gia vị gồm sả, gừng, dầu hạt điều, sa tế… trong khoảng 5 đến 10 phút cho ngấm đều rồi chao qua dầu sôi. Quán 64 là một địa chỉ được nhiều du khách gợi ý.
Bê chao phải ăn nóng mới thấy hết vị ngọt mềm của miếng thịt. Giá cho một đĩa bê chao nhỏ khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng. Ảnh: Văn Nguyễn.

Ốc đá

Món ốc đá phổ biến và được ưa chuộng nhất ở đây là ốc nấu canh lá chua hoặc măng chua, cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Tuy nhiên, đơn giản hơn cả là món ốc luộc chấm mắm ớt. Vị giòn ngọt, thơm bùi của ốc kết hợp với vị ớt cay nồng và mắm chấm đậm đà rất hợp với tiết lạnh nơi rẻo cao.

Cá hồi

Nhiều du khách thường truyền tai nhau đến ăn đặc sản cá hồi tươi ở trang trại Tú Phượng, thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Đây là trang trại nuôi và chế biến cá hồi duy nhất ở Mộc Châu nhưng chính vị ngon của cá hồi trên độ cao hơn 1.000 m nơi đây, qua bàn tay chế biến của những người đầu bếp quê nhà mà món cá hồi được xếp vào hàng đặc sản của vùng. Cá hồi ở đây được chế biến thành 6 món chính là gỏi cá hồi, da cá hồi chiên, thịt cá hồi chiên, xông khói, lẩu và cháo. Giá cho một phần ăn bao gồm cả 6 món khoảng 200.000 đồng. Nếu du khách mua cá tươi mang về, giá khoảng 350.000 đồng một kg.

Cá suối


Món cá suối nướng ăn với xôi nếp ba màu và chấm với chẩm chéo rất hợp vị. Ảnh: Dulichmocchau.

Cá suối nướng ở Mộc Châu là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách bởi cá không bị tanh, tuy bé nhưng có thể ăn cả thịt lẫn xương và hương vị thì thơm nồng hấp dẫn. Sau khi rửa sạch, cá được mổ để vứt bỏ mật và ruột, sau đó ướp cùng mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt... và dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút cho chuyển sang vàng ruộm là có thể dùng được.

Xôi ngũ sắc

Để làm ra xôi ngũ sắc cần chuẩn bị khá công phu. Gạo nếp nương loại ngon được chia làm 5 phần và trộn với các loại lá cây rừng khác nhau để nhuộm màu. Tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau. Xôi sau khi đồ rất mềm, dẻo, thơm và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức món ăn này trong các phiên chợ ở Mộc Châu. Chỉ khoảng 10.000 đồng là bạn đã có thể no bụng rồi.

Cải mèo

Cải mèo là một trong những món không thể thiếu của người dân ở đây dùng để thiết khách quý đến chơi nhà. Thứ rau xanh mát này được người dân Mộc Châu chế biến thành nhiều món khác nhau như xào, nấu canh, luộc hoặc nhúng lẩu, đôi khi có thể xào cùng thịt gà, thịt bò, thịt hun khói, nấm… để phục vụ khách uống rượu.

Với khí hậu mát lạnh quanh năm, độ ẩm cao, cây cải mèo Mộc Châu mọc rất tươi tốt, múp míp, khi ăn thấy ron rót đắng nhưng ăn quen thấy ngọt, giòn. Ảnh: Dulichmocchau.

Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen ở Mộc Châu. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, ướp muối rồi hun khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại cho các chất ngọt tụ vào trong thịt. Khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. Tuy nhiên, nếu không ăn quen bạn sẽ thấy lạ miệng với vị khói khá hắc và mặn của món ăn.

Nậm pịa


Món ăn khá đắng và “bốc mùi” nên trở thành thách thức chỉ dành cho người can đảm. Ảnh:Dulichmocchau.

Không phải vị khách nào khi du lịch đến Mộc Châu cũng đủ dũng cảm để thưởng thức món ăn này, tuy nhiên đây lại là món ăn yêu thích của người dân vùng cao. Nguyên liệu để tạo ra nậm pịa bao gồm tiết đông, sụn, đuôi, thịt, bạc nhạc, lục phủ ngũ tạng như lòng, dạ dày, gan và phần ruột non có chứa phân non của bò hoặc dê. Khi ăn thường kèm với hoa chuối, lá bạc hà... Nậm pịa là mồi nhậu thứ thiệt cho phái mày râu ở bản cao trong các phiên chợ ngày lạnh.

Lê Thương

Bài đăng phổ biến