Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

Phong tục đón năm mới đặc biệt trên thế giới

Mặc đồ lót màu hồng, gõ mạnh vào xoong chảo, quét nhà hay xông đất là những cách thức đặc biệt mà người dân nhiều nước đón chào năm mới.
Xem thêm: Đón năm mới tại “Đảo thiên đường” Malta


Argentina, đúng 12h đêm giao thừa, mọi người sẽ bước lên phía trước bằng chân phải để khởi đầu một năm mới. Ngoài ra, người dân quốc gia này còn tâm niệm nếu mặc đồ lót mới màu hồng thì tình yêu sẽ đến.


Người Brazil mặc đồ màu trắng vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới nhằm xua đuổi tà ma, oan hồn. Họ còn có phong tục ra bãi biển, nhảy qua đầu 7 ngọn sóng để cầu may, đồng thời ném hoa và quà xuống biển tặng thần nước Lemanja.


Người New Zealand sẽ gõ xoong chảo sao cho tiếng ồn phát ra càng to càng tốt để chào đón năm mới.


Người Anh sẽ cùng nhau xem chương trình Joools Holland Hootenanny, dù phần đa mọi người nhận xét đây là một chương trình dở tệ và họ ghét nó vô cùng.


Người Chile sẽ quét nhà từ trong ra ngoài để xua đuổi mọi điều xấu xa. Họ còn ăn một thìa đầy đậu lăng vào đúng 12h đêm giao thừa nhằm cầu cho một năm mới dồi dào tiền bạc và công việc được thuận lợi.


Người Nga viết điều ước của mình lên một mảnh giấy, đem đốt rồi ném thẳng vào ly champagne. Ly champagne này phải được uống cạn trước 12 giờ 1 phút ngày đầu tiên của năm mới.


Ngay sau khi chuông đồng hồ điểm báo hiệu năm mới, phong tục xông nhà được bắt đầu tại Scotland. Người xông đất khi đến nhà sẽ mang theo quà tặng, gồm tiền xu, bánh mì, muối, than hoặc rượu whisky. Những thứ này lần lượt tượng trưng cho sự thịnh vượng, sự dồi dào về lương thực, vị đậm đà của cuộc sống, sự ấm áp và việc ăn mừng thành công.


Tây Ban Nha, bạn phải ăn một quả nho mỗi lần chuông đồng hồ điểm vào lúc nửa đêm để cả năm đó được dồi dào tiền bạc.


Ở Colombia, nếu bạn kéo vali rỗng đi quanh khu nhà mình sống vào đêm giao thừa thì cả năm mới bạn sẽ được đi du lịch thỏa thích.

Trần Trang (Theo Buzzfeed)

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Những điều thú vị ngày Tết Dương lịch trên thế giới

Tôm hùm và thịt gà thường được tin rằng có thể lấy lại những điều bạn đánh mất bởi tôm hùm có thể bơi giật lùi còn gà khi tìm thức ăn thường bới ra sau.
Xem thêm: Đón Giáng sinh và năm mới Đông Nam Á

Bài hát mừng năm mới truyền thống ở Anh có tên là "Auld Lang Syne", có nghĩa là "Thời gian trôi qua". Nhà thơ Robert Burns đã viết nó vào năm 1788. Mặc dù không nhiều người hiểu hết các từ của bài hát nhưng thông điệp chung là nhắc nhở mọi người yêu thương người thân trong gia đình, dù họ còn sống hay đã chết thì hãy giữ hình ảnh của họ trong tim.

Đậu đen, thịt nguội và bắp cải được coi là những đồ ăn mang lại may mắn nếu bạn ăn chúng vào đúng thời khắc giao thừa, bởi chúng sẽ mang lại tiền bạc trong năm mới. Trong đó, đậu được ưa thích nhất vì trông chúng giống những đồng xu.

Tôm hùm và thịt gà lại được cho rằng có thể lấy lại những điều bạn trót đánh mất trong năm ngoái bởi tôm hùm có thể bơi giật lùi còn gà khi tìm thức ăn thường bới ra sau.

Italy, người mặc đồ lót màu đỏ vào ngày đầu tiên của năm mới có thể mang lại may mắn cho cả năm. Tục lệ này xuất phát từ thời Trung Cổ.

Phong tục đón năm mới vào ngày 1/1 được tổ chức lần đầu cách đây 4.000 năm. Julius Caesar là người đầu tiên tuyên bố năm mới bắt đầu từ ngày 1/1. Ông đặt tên tháng đầu tiên là Janus (January), theo tên một vị thần của những cánh cửa theo truyện La Mã. Janus có hai khuôn mặt, một mặt nhìn về đằng trước và một mặt hướng ra sau.

Người Ba Tư cổ đại có phong tục tặng quà năm mới bằng trứng để biểu tượng cho sự sinh sôi và phát triển.

Theo văn hóa dân gian của Anh và Đức, người đầu tiên đi qua mặt bạn trong năm mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vận hạn trong năm sau. Điều này khá thân thuộc với văn hóa Á Đông. Với các đôi nam nữ thì họ thường hôn nhau trong thời khắc 0 giờ, nếu không, có "lời nguyền" rằng một trong hai người sẽ có người mới.

Truyền thống đón năm mới bằng cách hạ quả cầu pha lê và bắn hoa giấy ở Quảng trường Thời đại (Mỹ) vào đúng thời khắc giao thừa lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1907 sau khi lệnh cấm bắn pháo hoa được ban ra. Quả cầu ban đầu nặng 700 pound (hơn 300 kg), có 100 bóng đèn được thắp sáng và trông nó rất khác với những gì chúng ta thấy ngày nay. Hiện giờ nó được bao phủ bởi 2.688 viên pha lê, thắp sáng bởi 32.000 bóng đèn LED, nặng tới 11.875 pound (hơn 5 tấn) và có đường kính 12 feet (khoảng 3,5m).

Để đảm bảo cho một năm tràn đầy may mắn, tục lệ khua các dụng cụ tạo ra âm thanh có dụng ý xua đuổi những linh hồn ma quỷ và mang tới sự khởi đầu đầy may mắn.

Rất nhiều người bật nắp chai sâm panh lúc giao thừa. Ước tính người Mỹ đã uống hết 360 triệu ly rượu vào thời điểm này.

Tại Philadelphia (Mỹ), có tới 10.000 người tham dự vào tục lệ bước qua tòa nhà thị chính và ăn mặc các trang phục thật độc đáo. Cuộc diễu hành này có từ thế kỷ thứ 17.

Không chỉ ở Việt Nam, khi đi chơi giao thừa ở các quốc gia khác, bạn cũng nên cảnh giác với tài sản mang theo. Theo thống kê của Cục Bảo hiểm tội phạm quốc gia Mỹ, xe bị mất cắp vào ngày đầu năm mới nhiều hơn bất kỳ kỳ nghỉ nào khác.

Nguyên Chi (Theo Patch)

4 điểm đến 'lạnh run' ở miền Bắc dịp năm mới

Tận dụng 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, hãy đi đây đó để thư giãn, lấy hứng khởi cho năm mới. Bốn gợi ý dưới đây tuy thời tiết khá lạnh nhưng rất thú vị.

Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Đỉnh Mẫu Sơn được thay lớp áo mới khi nhiệt độ xuống tới 2 độ C. Ảnh: Tuấn Fancy-Free.

Bạn muốn ngắm tuyết rơi? Bạn muốn đón Tết Dương lịch 2016 giống như ở nước ngoài? Vậy thì đừng bỏ qua Mẫu Sơn, Lạng Sơn trong kế hoạch chọn địa điểm du lịch bụi Tết Dương lịch 2016.

Khi đến đây vào dịp Tết Dương lịch, nếu may mắn vào đợt có gió mùa mạnh, bạn sẽ bắt gặp cảnh băng tuyết phủ trắng xóa rừng cây, ruộng lúa, mái nhà, đường đi, có cơ hội thưởng thức những món ăn địa phương độc đáo, hấp dẫn… và tham quan những chứng tích lịch sử nổi tiếng của Lạng Sơn.

Ngoài Mẫu Sơn, các bạn có thể đến Sapa để “săn tuyết”, hoặc đến Tây Bắc, Mộc Châu, Mai Châu, hoặc Hà Giang để “săn hoa” mận, hoa đào, và tham gia lễ hội.

Xem thêm: Mùa hạ sương trắng trên đỉnh Mẫu Sơn

Thác Bản Giốc, Cao Bằng

Đường đi tuy xa xôi nhưng lên tới Cao Bằng ngắm cảnh rồi ăn đặc sản thì sẽ thấy đáng công lắm. Ảnh: Lam Linh.

Từ lâu Thác Bản Giốc đã là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và hút khách của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đến đây vào dịp Tết Dương lịch 2016, du khách sẽ không chỉ được tận hưởng không khí yên bình, thoải mái, tự do mà còn được chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng, lãng mạn của thác nước hiền hòa, dòng suối trong xanh, cùng núi rừng hùng vĩ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay...

Điểm du lịch nổi tiếng miền Bắc này cách Hà Nội khoảng 380 km. Các bạn có thể đi xe ôtô hoặc xe máy và đừng bỏ lỡ cảnh đẹp dọc đường đi. Các bạn hãy tham khảo kinh nghiệm du lịch bụi, phượt Thác Bản Giốc, Cao Bằng để biết cách di chuyển, điểm tham quan, thuê nhà nghỉ, lịch trình gợi ý và các món ăn không thể bỏ qua ở đây.

Xem thêm: Điểm ngắm băng tuyết đẹp nhất Việt Nam

Đảo Cô Tô, Quảng Ninh

Tuy không thể tắm biển nhưng ngắm khung cảnh này cùng người ấy cũng đủ lãng mạn. Ảnh:fidi.

Nếu bạn muốn đón Tết Dương lịch 2016 ngoài biển thì đảo Cô Tô, Quảng Ninh là lựa chọn tuyệt vời nhất. Hòn đảo hoang sơ, bãi biển trong xanh, yên tĩnh, đồ ăn địa phương ngon rẻ, người dân thân thiện, giá dịch vụ phù hợp… là những điều bạn sẽ cảm nhận được khi đặt chân đến điểm du lịch 3 ngày Tết Dương lịch 2016.

Ngoài đảo Cô Tô, các bạn cũng có thể chọn biển Quan Lạn, Vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, biển Thiên Cầm làm điểm đến của mình.

Xem thêm: 7 thiên đường nghỉ dưỡng hấp dẫn mùa hè

Tam Đảo, Vĩnh Phúc

Nhà thờ đá nổi tiếng ở Tam Đảo. Ảnh: kenhdulich.

Không khí trong lành, cung đường đi đầy thách thức, nhiều món ngon địa phương... là những điểm khiến Tam Đảo, Vĩnh Phúc là một trong những điểm du lịch nghỉ ngơi có tiếng ở miền Bắc, Việt Nam. Nếu bạn muốn tận hưởng 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2016 với không khí trong lành, yên tĩnh và lễ chùa đầu năm thuận tiện thì Tam Đảo, Vĩnh Phúc chính là một gợi ý tuyệt vời.

Chỉ cách Hà Nội hơn 70 km, các bạn có thể đi xe máy hoặc ôtô đến Tam Đảo. Nếu có điều kiện các bạn có thể đặt phòng khách sạn với đầy đủ tiện nghi, còn nếu muốn tiết kiệm thì có thể mang theo lều để cắm trại.

Xem thêm: Tam Đảo không chỉ có sương và nhà thờ cổ

Mimi tổng hợp

Bài đăng phổ biến