Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

Giải đáp những thắc mắc khi đi du lịch Hội An

Hội An luôn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất miền Trung. Phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Dù vào thời điểm nào thì phố Hội vẫn mang trong mình những vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau.

Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Hội An

Thời điểm lý tưởng để du lịch Hội An

Khí hậu của Hội An có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7, thỉnh thoảng có những đợt rét mùa đông nhưng không đậm và không kéo dài. Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Hội An là từ tháng 2 đến tháng 4, vào thời gian này mưa ít, thời tiết dễ chịu. Nếu có thể, bạn hãy đến thăm Hội An vào ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng để tham dự đêm phố cổ. Vào dịp này bạn sẽ có cơ hội được thả đèn hoa đăng, nghe các bài hát cổ truyền và chơi các trò chơi dân gian.

Chùa Cầu lung linh cổ kính

Cách di chuyển từ Đà Nẵng đến Hội An

Từ Thành phố Đà Nẵng đi về Hội An có hai hướng. Một là đi theo quốc lộ 1 về phía Nam khoảng 27km đến đường Vĩnh Điện rồi rẽ trái thêm 10km. Vào Hội An theo đường Huỳnh Thúc Kháng có thể ghé thăm Tháp Chàm Bằng Anh ở Vĩnh Điện. Con đường thứ hai gần hơn, vắng hơn, đi từ trung tâm Đà Nẵng qua cầu sông Hàn, vào tỉnh lộ Đà Nẵng – Hội An, ghé thăm Ngũ Hành Sơn, đến Hội An khoảng 30km.

Phương tiện di chuyển ở Hội An

Phương tiện đi lại tại Hội An khá đa dạng và phong phú. Để khám phá khu phố cổ Hội An và các khu vực lân cận bạn có thể đi lại bằng cách đi bộ, xe đạp, xe máy, xe xích lô, xe ôm, tàu thuyền,… nhưng phương tiện thú vị nhất để tham quan phố cổ vẫn là xe đạp.

Xe đạp là phương tiện lý tưởng nhất để khám phá Hội An.

Địa điểm lưu trú ở Hội An

Là thành phố du lịch, đặc biệt thu hút du khách nước ngoài nên Hội An không thiếu các khách sạn tiện nghi, ngay trung tâm thành phố giá phòng khá cao, nhưng khó có phòng trống. Du khách nên đặt phòng trước ít nhất 2 tháng để có giá tốt. Vào mùa cao điểm, nếu đặt muộn có thể tìm phòng xa khu trung tâm như đường Huỳnh Thúc Kháng, đoạn gần bến xe, đường Thái Phiên để có mức giá tốt nhất.

Những địa điểm tham quan ở khu vực trung tâm phố cổ

Trong phố cổ bạn có thể đi bộ, đi xe đạp để đến các địa điểm như: Chùa Cầu, Hội quán Phúc Kiến (46 đường Trần Phú), Hội quán Triều Châu (92B Nguyễn Duy Hiệu), Hội quán Quảng Đông (176 Trần Phú), xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An (9 Nguyễn Thái Học), nhà cổ Tấn Ký,…

Những địa điểm tham quan ở khu vực xa khu phố cổ

Khu vực xung quanh Hội An có rất nhiều địa điểm tuyệt đẹp mà du khách có thể dễ dàng ghé thăm bằng nhiều loại phương tiện như: biển Cửa Đại, biển An Bàng, làng Mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, đảo Cù Lao Chàm, rừng dừa Bảy Mẫu…

Vẻ đẹp hoang sơ của đảo Cù Lao Chàm.

Những món ngon không thể bỏ qua ở Hội An

Phố cổ Hội An tuy nhỏ nhưng văn hóa ẩm thực lại vô cùng phong phú. Du lịch Hội An, du khách đừng nên bỏ lỡ những món ngon dưới đây: cơm gà Phố Hội, cao lầu, bánh bao, bánh vạc, bánh đập, hến xào, mì quảng, chè bắp, bánh bèo, bánh xèo,…

Quà mang về khi du lịch Hội An

Đèn lồng Hội An được làm khá đẹp, nhẹ và có thể thu gọn lại nên rất thích hợp cho du khách mua về làm vật kỷ niệm. Có thể tìm mua trên đường Trần Phú của hàng đèn lồng Tuổi Ngọc, Ngọc Thu hay cửa hàng trên đường Lê Lợi. Giá không quá đắt, chỉ vài chục ngàn một chiếc. Ngoài ra, đồ lụa tơ tằm, khắc gỗ, đồ thêu ren, đồ đá, tranh nghệ thuật… cũng là những món quà lưu niệm ý nghĩa.

Đèn lồng – một “đặc sản” của Hội An.

Những lưu ý khi du lịch Hội An

Hội An rất thú vị vào sáng sớm, đường phố vắng lặng, những người dân Hội An chuẩn bị bắt đầu ngày mới, không có ánh đèn điện, người bán người mua tấp nập.

Cũng có thể đi dạo Hội An ban đêm trong những ngõ ngách thanh tịnh của phố cổ.

Nên đến Hội An vào ngày 14, 15 âm lịch, lúc này có đêm phố cổ, cấm xe máy, đèn điện, nhà nhà đốt đèn lồng, có phố đi bộ, hát dân ca, hò xứ Quảng…

Hàng đêm ngay Bến Bạch Đằng có thuyền văn hóa dạo quanh sông, hòa tấu nhạc dân tộc.

Nguyệt Ánh sưu tầm

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

7 trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi tới Johor Bahru - Malaysia

Johor Bahru là thành phố hiền hoà, rất đỗi thanh bình nằm ở phía Nam Malaysia. Chúng ta cùng điểm qua những trải nghiệm thú vị mà bạn không thể bỏ qua khi đặt chân tới vùng đất thiên đường tuyệt đẹp này.

Xem thêm: Cẩm nang du lịch Malaysia

1. Chợ đêm

Khác với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, chợ đêm ở Johor Bahru được chia theo ngày trong tuần, đặc biệt là chợ đêm Kampung Bendehara, Kampung Kangkar Tebrau vào chủ nhật với đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, đồ lưu niệm cho tới những món ăn đậm vị cari, xào, nướng... có giá rất rẻ.

Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy rất nhiều món ngon giá mềm tại chợ đêm

Nét thân thiện của người dân quyện với nét đặc trưng của văn hóa người Mã sẽ mang đến cho bạn những buổi tối thư thái và những câu chuyện cực kỳ lôi cuốn, độc đáo.

2. Nông trại trái cây Desaru

Đến với nông trại trái cây ở Johor Bahru, du khách sẽ được thả hồn thư giãn trong không gian xanh mát, tự tay hái và thưởng thức những loại trái cây tươi sạch.

Đến tham quan nông trại trái cây tươi sạch

Tại đây, chỉ với khoảng 25 RM (khoảng 130.000 đồng) vé vào cửa sẽ mở ra một thiên đường hơn 100 loại trái cây nhiệt đới trong một khu vườn rộng lớn mênh mông. Sầu riêng, mít, cam, ổi… san sát bên nhà vườn và hồ cá, thú cưng… cũng là “background” xanh mát để ra đời những tấm ảnh trong veo.

Địa chỉ nông trại Desaru: Số 1, Sungai Cemaran, Desaru, 81900 Kota Tinggi, Johor, mở cửa từ 8h - 18h.

3. Ẩm thực

Ẩm thực tại Johor Bahru rất phong phú và độc đáo với đặc trưng riêng của người Mã Lai. Thưởng thức những món ăn ngon tại khu phố ẩm thực cổ là trải nghiệm thú vị đối với du khách khi tới đây. Đặc trưng của đồ ăn ở đây là hương quế nồng, sả gừng cay, màu vàng của nghệ và vị ngọt béo của nước cốt dừa.


Ẩm thực Mã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị

Ngoài các món ăn địa phương, du khách có thể lựa chọn cho mình những món ăn Trung Quốc cũng khá phong phú và đa dạng. Đặc biệt đồ ăn bình dân ở đây không đắt, dao động từ 4-7RM/món.

4. Mua sắm

Johor Bahru là điểm giáp giữa MalaysiaSingapore nên không lạ khi nơi này tập trung nhiều trung tâm thương mại với rất nhiều lựa chọn quần áo, trang sức, đồ gia dụng, đồ điện tử và đồ trẻ em.

Tại AEON/Jusco Tebrau City, rất nhiều nhãn hiệu quen thuộc như: G2000, Giordano, Padini... với giá rẻ hơn nhiều so với Singapore.

"Săn" hàng hiệu giá siêu rẻ tại Johor Premium Outlets

Johor Premium Outlets: là nơi các tín đồ shopping săn hàng giá rẻ, mua sắm ở đây sẽ được giảm giá từ 25% - 65% tại 80 cửa hàng với các nhãn hiệu lớn như Gap, Nike…

Một điểm đến khác dành cho dân du lịch là Free Duty Zone, nơi thuế được cắt giảm và hoàn toàn làm hài lòng hành khách với mức giá vừa túi tiền.

5. Công viên giải trí

Ở đây có rất nhiều mô hình công viên giải trí được thiết kế theo phong cách riêng vô cùng ấn tượng đối với du khách. Đầu tiên, phải kể đến Legoland, đây là một công viên được xây nên từ hơn 50 triệu viên gạch lego, đủ sức đưa người chơi trở về thời thơ trẻ với đủ các trò từ lính cứu hỏa, đi tàu lượn, trượt nước, cả xem phim 4D, ảo thuật… Giá vé vào chơi Legoland 175 RM, khoảng 1,1 triệu tiền Việt.

Khu giải trí Legoland “thần thánh”

Thứ 2, công viên Hello Kitty - nó là một điểm đến ngập tràn màu hồng rất hợp với con gái, nơi bạn có thể chụp ảnh thỏa thuê với chú mèo Hello Kitty khổng lồ. Đây là công viên Hello Kitty có quy mô lớn nhất thế giới với diện tích hơn 100.000 m2 và nhiều trò giải trí hấp dẫn.

Ngoài ra, tại Johor Bahru còn có công viên Angry Bird, công viên Khủng long, công viên The Little Big Club… tha hồ để bạn chụp hình và chơi đùa.

6. Khám phá những hòn đảo tuyệt đẹp

Khi đi du lịch Johor Bahr du khách không thể bỏ lỡ cơ hội khám phá những hòn đảo tuyệt đẹp ở đây. Trong đó có biển Pulau Tionman được tạp chí Time công nhận là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới với bãi tắm yên bình với làn nước trong xanh và những triền cát dài trắng xoá. Chỉ cần mua vé xe khách tới Mersing, đi từ trung tâm Johor Bahru và dừng ở trạm trung chuyển, đi phà khoảng 2 tiếng tới đảo Tioman. Berjaya Resort là khu resort hạng sang, bãi tắm đẹp, còn khách du lịch bụi thường tập trung ở Air Batang vì có giá phòng bình dân.

Đảo Pulau Tiomanlà bãi biển đẹp nhất thế giới

Có thể đi từ Johor Bahru tới Quốc đảo Singapore nhờ các chuyến tàu Causway nối liền 2 đất nước. Khi đi, bạn cần mang hộ chiếu để xuất nhập cảnh vào Singapore và quay lại Malaysia.

7. Chi phí di chuyển đến Johor Bahru cực rẻ

Rất nhiều khách du lịch Malaysia thường có tâm trạng e dè, khi nghe đến những chuyến đi nước ngoài tốn kém. Thế nhưng có một sự thật mà bạn cần tìm hiểu, những chuyến bay đến các nước trong vùng Đông Nam Á thường có giá rẻ hơn rất nhiều các chuyến bay nội địa.

Hiện tại, bạn có thể bay đến Johor Bahru rất dễ dàng khi hãng AirAsia đã có chuyến bay thẳng mỗi ngày từ Sài Gòn. Đặt sớm vé bay AirAsia để có vé rẻ nhất, và nhận được nhiều khuyến mãi. AirAsia đang bán vé giá chỉ 25 USD một chiều.

Kinh nghiệm du lịch Cửu Trại Câu mùa đông

Đầu đông Cửu Trại Câu vẫn đẹp mê hồn, vắng người, giá vé tham quan lại rẻ hơn nhiều so với cao điểm mùa thu.
Xem thêm: Kinh nghệm du lịch Cửu Trại Câu - Trung Quốc

1. Du lịch tự túc tại Trung Quốc khi không biết tiếng Trung là một cực hình

Bạn có thể bị xe chất lượng cao bán cho xe đò mà không biết, hoặc phải gọi món ăn bằng cách đi từng bàn và chỉ vào món ăn của người khác để chọn. Nói chung là mất thời gian gấp đôi. Vớt vát là nếu có bị chửi cũng không hiểu.

2. Rất nhiều mạng xã hội bị cấm

Google bị cấm ở Trung Quốc, không dùng được bản đồ, không dịch, không tìm kiếm, không down app của Android... trừ khi cài trước VPN (recommend: OpenVPN, VPN master, Betternet) nhưng tốc độ sẽ siêu chậm.

Tương tự với Facebook, Youtube, Instagram... cùng rất nhiều website khác

Yahoo không bị chặn nên có thể tìm kiếm và check mail bằng Yahoo. Skype cũng không bị chặn.

3. Giá cả

1 Nhân dân tệ (Yuan) = 3.500 VND.
Sim 4G có cách tính phí rất cao, 150 Yuan (khoảng 500.000 đồng) chỉ được free 500 MB, phí quá cước giá cắt cổ hoặc là do không may mắn.

4. Cửu Trại Câu mùa đông vẫn tuyệt đẹp

Cảnh sắc lãng mạn và thơ mộng không bút nào tả xiết.

Cửu Trại Câu truyền rằng đẹp nhất vào mùa thu, tháng 10, lá đỏ lá vàng rất ảo. Nhưng nếu không thích đông người, bạn có thể đi mùa này. Lá đã chuyển sang nâu, tím và xám nhưng cảnh vẫn ảo. Nước ở đây trong và xanh không thể tin được. Vé vào cửa mùa vắng là 80 Yuan (chỉ bằng 1/3 so với đợt cao điểm). Nếu bạn mua vé 2 ngày vào mùa đông thì ngày thứ 2 chỉ thêm 20 Yuan.

Khu vực này rộng nên cần mua vé xe Green Bus (80 Yuan) đi được nhiều lần và có rất nhiều chuyến liên tục giữa các điểm tham quan. Xe Green Bus đi từ cổng tới trạm trung tâm ở giữa rồi rẽ nhánh hình chữ Y. Mùa đông nhánh bên phải sẽ không được tham quan tới một số điểm cuối, một số đường đi bộ cũng sẽ bị đóng lại. Nếu muốn thư thả đi hết các điểm sẽ cần 2 ngày.

Đồ ăn ở trong Cửu Trại Câu đắt, nên chuẩn bị đồ ăn từ ngoài mang vào. Nên mua ở các siêu thị bên ngoài. Cơm hộp tự làm nóng khá hay và có nhiều vị để chọn.

Quán ăn bên ngoài Cửu Trại Câu cũng đắt và đa số là món Tứ Xuyên. Ai muốn đồ ăn Tây Tạng thì có quán Abulu-zi rất ngon, phục vụ tốt và biết tiếng Anh. Giá ngang hoặc đắt hơn các quán Tứ Xuyên khác một chút.

Lẩu và đậu phụ Tứ Xuyên ngon nhưng siêu cay. Chỉ bước vào quán đã thấy không khí sặc mùi ớt và hồ tiêu. Nếu không ăn được cực cay thì phải nói với nhân viên phục vụ khi gọi món.

5. Đi lại ở Thành Đô

Có thể lựa chọn giữa taxi (8 Yuan cho 2 km đầu, 1,5 Yuan cho các km tiếp theo), buýt, metro hay xe ôm hoặc xe ba bánh. Taxi không biết tiếng Anh nên hơi khó giao tiếp kể cả dùng Google Translate, và cũng có trò từ chối khách đi đoạn đường gần, tương tự như ở Việt Nam. Đi từ trung tâm Thành Đô ra sân bay khoảng 50-60 Yuan. Metro và buýt rẻ hơn và tìm đường cũng đơn giản hơn, trừ giờ tan tầm vì đông. Xe ôm và 3 bánh giao tiếp như taxi, giá thì có thể mặc cả và chạy ẩu như không có ngày mai (cẩn thận với đám này khi đang đi bộ).

6. Từ Thành Đô đi Cửu Trại Câu

Bằng xe buýt chất lượng cao khoảng 140-150 Yuan, đi mất 9-10 tiếng, xe dừng mỗi 1-2 tiếng/lần. Mua vé ở bến xe Xinnanmen gần quảng trường trung tâm Thiên Phủ. Nên mua vé trước kẻo mất chỗ, bị bán cho xe đò. Xe đò bắt khách dọc đường và chỉ dừng 1-2 lần cho cả chuyến, rất mệt. Còn không thèm đưa mình về bến xe mà thả trước trạm metro cách trung tâm gần 20 km.

7. Tới Huanglong

Thác nước quen thuộc trong bộ phim Tây Du Ký phiên bản 1986 ở Huanglong.
Từ Cửu Trại Câu có thể đặt taxi tới Huanglong có nhiều suối và hồ đẹp tuyệt, kể cả vào mùa đông khi nước suối hồ đóng băng. Xe chở ít nhất là 4 người, giá vé cho một người là 120 Yuan/2 chiều. Huanglong cách Cửu Trại Câu khoảng 150 km, đi hết 2 tiếng rưỡi, cảnh vật trên đường đẹp tuyệt. Gọi xe từ khách sạn tại Cửu Trại Câu có thể đắt hơn thỏa thuận trực tiếp với lái xe bên ngoài.
Vé mùa đông ở Huanglong là 60 Yuan/người. Mùa đông tuyến đường mòn sẽ bị đóng do băng tuyết, chỉ được đi tuyến đường gỗ dài hơn. Nếu bạn không chụp ảnh thì có thể lên và xuống trong vòng 4 tiếng. Nếu muốn chụp ảnh lai rai thì phải sắp xếp nhiều thời gian hơn và thỏa thuận giờ để taxi quay lại đón.

Mang đủ quần áo ấm vì nhiệt độ ngoài trời trên dưới 0 độ, trong bóng râm thì rét cắt da.

8. Núi Nga Mi

Nga Mi Sơn rất lớn, không chỉ là quả núi có ni cô tu luyện mà lớn bằng cả thành phố. Từ cửa vào tới đỉnh núi tới hơn 30 km. Đi hết trong một ngày rất khó. Vé vào cửa siêu đắt 185 Yuan/người. Xe buýt (đi được 2 lần) giá 90 hoặc 40 Yuan nếu đi nửa tuyến. Cáp treo thêm 65 Yuan nữa cho một chặng. Cảnh vật bên đường chẳng khác chùa Hương mấy, cũng nhiều hàng bán đồ lưu niệm và mấy củ quả thuốc bắc đặc sản trên núi.
Leshan có tượng phật khổng lồ, chỗ này cũng khá hay.

9. Xếp hàng

Người Trung Quốc nổi tiếng vụ chen lấn khi xếp hàng nên lúc ra sân bay cần xếp hàng càng sớm càng tốt.

10. Nhà vệ sinh công cộng

Ở các điểm du lịch và ở các trạm dọc đường trường nhà vệ sinh công cộng khá bẩn. Hình dung toilet hồi tiểu học của bạn và nhân lên 10 lần thì sẽ gần đạt được độ bẩn ở đây. Cần tự mang theo nước rửa tay, giấy vệ sinh và một thần kinh thép. Nếu may mắn bạn có thể vớ được toilet có cửa và không ngập trong mùi hôi.

Theo Ngôi sao

Bài đăng phổ biến