Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Lịch trình ba ngày du ngoạn Tiền Giang dịp năm mới


Nhấm nháp đủ loại đặc sản, nghe câu vọng cổ mùi mẫn giữa không gian xanh mát là những trải nghiệm thú vị chờ bạn ở sông nước Tiền Giang.

Xem thêm: Ba ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây

Phương tiện di chuyển


Từ TP HCM bạn có thể đến bến xe miền Tây mua vé đi Tiền Giang hoặc đặt qua mạng vé xe với giá 60.000 đồng/lượt/người.

Tiền Giang chỉ cách TP HCM khoảng 70 km nên bạn cũng có thể tự chạy xe theo Quốc lộ 1 đến ngã ba Trung Lương là đến cửa ngõ TP Mỹ Tho. Đặc biệt từ khi có cầu Mỹ Lợi thì khoảng cách từ TP HCM đến thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) chỉ còn 25 km nên lựa chọn đi bằng xe máy cũng không phải là ý kiến tồi.

Nghỉ ngơi


Bạn có thể nghỉ một đêm ở Gò Công và một đêm ở Mỹ Tho. Ở Gò Công có nhiều khách sạn nhỏ như Liên Hương, Hồng Thành, Hoa Hồng với mức giá từ 250.000 đồng đến 450.000 đồng/đêm. Nổi bật có khách sạn Công Đoàn với mức giá 370.000 đồng/đêm.

Lịch trình gợi ý


Ngày 1: Khám phá Gò Công


Nơi đây có Lăng Trương Định được xếp là di tích lịch sử. Lăng mộ được xây bằng đá ong với hợp chất ô dước, đền thờ mang kiến trúc Đông phương với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thếp vàng.


Đến Gò Công nhớ ghé thăm quan Lăng anh hùng dân tộc Trương Định. Ảnh: gocong.


Cách lăng Trương Định về hướng gò Sơn Quy là cụm lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826, thờ dòng họ Phạm Đăng, trong đó có ông Phạm Đăng Hưng là cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ. Đây là một trong những công trình hiếm hoi ở miền Tây có tuổi thọ vài trăm năm gắn với lịch sử.

Gò Công nổi tiếng với những trái sơ ri chín mọng cùng đặc sản mắm tôm chà. Món ăn dân dã này cách đây 200 năm đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế và trở thành món quý dâng lên vua chúa nửa đầu thế kỷ 19. Ngoài ra ở đây còn có làng nghề Ông Non chuyên đóng tủ thờ. Những chiếc tủ làm từ gỗ quý như gõ, mun, cẩm lai,... được cẩn, khảm vỏ ốc và xà cừ lấp lánh những hình ảnh tứ linh hay phong cảnh. Đặc biệt các mối nối chỉ ráp bằng mộng, chốt mà không dùng đinh sắt.

Rời thị xã Gò Công, đi theo hướng đông khoảng 15 km, du khách sẽ đến bãi biển Tân Thành để cào nghêu hay săn sam trên bãi cát xám đen, thưởng thức những con nghêu trắng phau tròn căng ngọt lịm được chế biến ngon miệng.

Theo hướng ngược lại bạn sẽ đến biển Vàm Láng cách thị xã 12 km. Chợ Vàm Láng là chợ đầu mối phong phú hải sản và giá cả khá “mềm”. Sau khi thăm chợ biển, bạn có thể đến làng Kiểng Phước để xem bảng sắc phong thần do vua Gia Long ban tặng và xem bộ xương cá ông không còn nguyên vẹn ở đình làng Vàm Láng. Dọc đường đi, bạn có thể ghé xã Phú Tân huyện Gò Công Đông để tham quan lũy Pháo Đài, một công trình quân sự phòng thủ kỳ vĩ do Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chỉ huy xây dựng để đánh thực dân Pháp những năm giữa thế kỷ 19.

Ngày 2: Tham quan Mỹ Tho


Tại Mỹ Tho có một số điểm tham quan bạn không nên bỏ qua. Chùa Vĩnh Tràng ở đường Nguyễn Trung Trực thuộc ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, xây dựng đầu thế kỷ 19 có đậm nét kiến trúc Á - Âu.


Chùa Vĩnh Tràng mang trong mình hai lối kiến trúc Á - Âu độc đáo. Ảnh: Phước Bình.


Nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho ở 32 Hùng Vương được xây vào năm đầu thế kỷ 20 mang phong cách Tây Âu. Đền Điều Hòa số 101 Trịnh Hoài Đức vốn là nơi nghỉ chân của các quan triều Nguyễn khi đi công cán địa phương. Đình là nơi bảo tồn nhiều di tích vật thể và phi vật thể ở Tiền Giang. Ở đây còn có sân khấu hát tuồng theo phong cách ngày xưa khá thú vị để tìm hiểu.

Cách thành phố Mỹ Tho khoảng 9 km, trại rắn Đồng Tâm là nơi bạn được tận mắt nhìn thấy hơn 400 chủng loài rắn từ không độc đến cực độc. Từ trại rắn đi thẳng 7 km theo tỉnh lộ 864 là đến khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút. Đây là nơi ghi dấu trận đại chiến chống quân Xiêm của Nguyễn Huệ xa xưa.

Ngoài việc tham quan nhiều nơi, bạn đừng quên thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho đậm đà hương vị đặc trưng. Sợi hủ tiếu dai mềm, nước lèo vừa có vị ngọt thanh của xương hầm vừa có vị mằn mặn của tôm khô, hòa quyện lại không chỉ đem đến cảm giác ngon miệng mà còn đọng lại một ấn tượng khó quên trong lòng du khách.


Hủ tiếu Mỹ Tho, đặc sản khó quên. Ảnh: Phước Bình.

Ngày 3: Du ngoạn trên sông Tiền


Du khách đã đến miền Tây thì không thể không đi chợ nổi. Nếu thích các hoạt động mua bán tấp nập, muốn cảm nhận không khí nhộn nhịp của hàng trăm xuồng ghe chở đầy ắp các loại trái cây, bạn nên đến chợ nổi Cái Bè từ lúc sáng tinh mơ. Tuy nhiên vào ban chiều, bạn có thể quan sát được cuộc sống của những con người lam lũ trên ghe thuyền, ngắm một chợ nổi chìm trong hoàng hôn đầy thơ mộng và lay động nhiều cảm xúc.

Từ chợ nổi, du khách có thể ghé thăm các làng nghề truyền thống ven sông như lò làm kẹo, lò làm bánh tráng, lò làm cốm, thủ công mỹ nghệ, lò nung gạch… Sau đó dừng chân nghỉ ngơi ở Cù lao Tân Phong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những vườn trái cây trĩu quả. Thiên nhiên đã ưu đãi cho xã cù lao ở huyện Cai Lậy này nên khí hậu ở đây trong lành, đất đai trù phú màu mỡ.

Theo dòng sông Tiền, du khách còn có thể khám phá cồn Long - Lân - Quy- Phụng. Được mệnh danh là tứ linh, các cồn này đã tạo nên một bức tranh sông nước quyến rũ luôn hấp dẫn du khách. Cùng nằm giữa sông Tiền, nhưng cồn Long và cồn Lân thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, trong khi cồn Quy và cồn Phụng thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.

Cồn Long là nơi chuyên nuôi thủy sản trên bè và sửa chữa ghe tàu vì gần cảng cá Mỹ Tho. Ngoài ra, ở đây rất dễ bắt gặp những miệt vườn cây trái sum suê. Đến cồn Long, du khách được thỏa sức thưởng thức những đặc sản nổi tiếng từ sầu riêng, chôm chôm, sơ-ri cho tới ổi không hạt, cam, xoài, vú sữa.


Đến Tiền Giang chưa ghé chợ nổi Cái bè coi như chưa đi. Ảnh: Phước Bình.


Cồn Lân hay còn gọi là cồn Thới Sơn, là cồn lớn nhất trong số 4 cồn trên sông Tiền. Chèo đò theo những con rạch nhỏ quanh co, uốn lượn với hai hàng dừa nước là một kỷ niệm đẹp ghi dấu khó quên. Tại đây, bạn còn có thể tận hưởng đời sống dân dã khi được vào vườn hái trái cây, tận mắt nhìn ngôi nhà vườn ba gian, năm gian đặc trưng của miền Tây. Nghe câu vọng cổ mùi mẫn giữa khung cảnh thanh bình nơi đây chắc hẳn là một trải nghiệm lạ lẫm khó quên trong hành trình khám phá Tiền Giang của bạn.

Ăn uống


Đến miệt vườn ven sông Tiền, bạn hãy thử thưởng thức món cá bống dừa kho sệt trong nồi đất, rắc thêm tiêu xay và cho vào muỗng mỡ nước trước khi nhắc xuống khỏi bếp, ăn với cháo trắng hoặc cơm nếp. Hương vị đó đảm bảo bạn sẽ khó lòng quên được. Bên cạnh đó, bánh giá, ốc gạo Tân Phong, chuối quết dừa, mắm còng, gỏi nham là những món bạn không thể không nếm qua.

Quà mua về


Mua một chai mật ong về làm quà cho người thân sau những chuyến đi. Ảnh: Phước Bình.


Đặc sản mắm tôm chà hoặc mắm tôm chua Gò Công ăn kèm thịt ba rọi luộc cuốn với rau sống và bún tươi sẽ cho gia đình bạn những bữa ăn đổi vị độc đáo. Ngoài ra, bạn còn có thể mua tôm khô ở chợ hải sản hoặc nhiều loại trái cây ngon về làm quà như vú sữa Lò Rèn, quýt Cái Bè, bưởi da xanh, bánh khô, mật ong…

Phước Bình

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Du xuân ở khắp mọi miền đất nước

Ngắm sương mù trong khung cảnh lãng mạn của Hạ Long, thả bộ trên những con đường nhỏ hẹp uốn lượn thấm đẫm hương trầm ở Hội An hay xuôi về miền Tây ghé chợ nổi... mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách dịp năm mới.
Xem thêm: Lễ hội xuân tại đất võ Bình Định

Ấm áp ngày Tết Hà thành

Tết là dịp để du khách cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của Hà Nội. Sắc xuân tràn ngập trên phố phường với màu xanh của cây cối, lá dong, màu đỏ của đào bích, sắc hồng của đào phai, vàng tươi của quất, bưởi, phật thủ, cam đường...

Đón Tết ở Hà Nội, bên cạnh việc thưởng thức những món ăn cổ truyền trong mâm cỗ ngày Tết, du khách đừng quên ghé Văn Miếu để cảm nhận không khí rất náo nhiệt của những người đến xin chữ cầu may.

Ngày Tết cũng trở nên ấm áp hơn với sắc đỏ, vàng của giấy viết, của những nét chữ ông đồ và vẻ tươi vui hân hoan của người xin được chữ như ý muốn, cầu mong một năm mới an khang, vạn sự như ý.

Xin chữ đầu năm - một trong những phong tục đẹp ngày Tết.

Ngắm sương mù ở “núi trên biển”

Vào những ngày giao mùa, Hạ Long khoác trên mình một vẻ đẹp trầm lặng và bình yên đến quyến rũ. Giữa cái se lạnh nhẹ nhàng, đứng từ trên boong tàu nhìn về phía xa thấy dải sương lơ lửng đang sà xuống mặt nước, chỉ có những đảo đá nhô lên mờ mờ ảo ảo đẹp nao lòng.

Khung cảnh lãng mạn trên vịnh Hạ Long

Đến Hạ Long, du khách còn được chiêm ngưỡng cuộc sống của những ngư dân làng chài. Đó là hình ảnh nam giới đánh bắt vào mỗi sớm mai, phụ nữ nhóm lửa nấu bữa sáng cho gia đình. Những làn khói bay lên hòa quyện cùng sương mờ bên ánh lửa le lói tạo cho du khách một cảm giác ấm lòng, như xua tan cái lạnh của không gian.
Xem thêm: Vịnh Hạ Long lọt top 10 điểm câu cá thú vị nhất thế giới

Êm đềm phố Hội

Những ngày đầu năm, về phố cổ Hội An thả bộ trên những con đường nhỏ hẹp uốn lượn theo dòng sông Hoài trong không gian thấm đẫm mùi hương trầm để cảm nhận không khí Tết ấm cúng.

Giữa nhịp sống hiện đại, những nét văn hóa truyền thống ngày Tết vẫn vẹn nguyên trong mỗi nếp nhà, góc phố ở đô thị cổ Hội An. Đó là rước lễ vật cầu mùa của cư dân làng rau Trà Quế, thi làm đồ gốm ở làng gốm Thanh Hà hay tập hát bả trạo, cầu ngư của ngư dân các vùng quê biển. Trên phố cổ có nhiều trò chơi dân gian như hô bài chòi, đập niêu đất…

Trong không gian thanh lặng, du khách có thể ghé thăm các hội quán, nhà cổ; đến các ngôi chùa để trao gửi ước nguyện an lành, cùng thưởng thức những món ăn dân dã và ngắm phố cổ lung linh trong ánh đèn lồng huyền ảo.
Xem thêm: 15 bức ảnh Hội An nhìn là yêu

Du xuân sắm Tết

Ghé chợ nổi miền Tây những ngày trước Tết, từ sáng sớm, ghe thuyền đã tấp nập đổ về làm rộn rã cả vùng sông nước. Du khách không cần ghé vào từng ghe để xem hàng họ bán những gì, chỉ cần chèo chậm, thong thả ngang qua chợ, cứ nhìn các nhánh cây bẹo buộc ở đầu ghe, trên cây treo gì thì ghe bán thức ấy. Tại đây, du khách có thể mua sắm vô vàn sản vật miền Tây để chuẩn bị cho ngày Tết, từ gạo cho đến rau của quả, trái cây tươi ngon, cho đến các loại thủy hải sản.

Rộn rã không kém là khung cảnh những ngày cuối năm tại các làng hoa ở Sa Đéc. Dọc theo bờ sông Tiền, hàng trăm nghìn bông hoa đủ chủng loại được thương lái đưa đi các tỉnh, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền khiến không gian nơi đây tràn ngập sắc xuân. Du khách sẽ thấy nhiều loại hoa với mùi thơm quyến rũ, cảm giác như được thả lòng, được tự do chiêm ngưỡng, hít thở bầu không khí trong lành do con người và thiên nhiên nơi đây mang lại.

Sắc xuân ở làng hoa Sa Đéc.

Đêm đông Đà Lạt với 5 trải nghiệm đáng nhớ

Ban ngày bạn đã thăm Langbiang, thung lũng tình yêu... thì buổi tối ở Đà Lạt và nhất là vào mùa đông càng đặc biệt hơn khi "săn" ảnh vườn hoa đêm, ăn các món ấm nóng như bánh tráng nướng hay ly sữa đậu nành.
Xem thêm: Những điều cần biết về Festival Hoa Đà Lạt 2015

5 gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn có những kỷ niệm đáng nhớ khi ghé thăm xứ sở ngàn hoa.

Đi dạo chợ đêm

Chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: Ngoisao

Là một nơi hoạt động náo nhiệt, chợ Đà Lạt về đêm trở thành điểm hẹn cho những du khách thích mua sắm quần áo, tìm hiểu ẩm thực địa phương hoặc đơn giản là dạo chơi giữa không khí lạnh giá. Lang thang khu chợ và hòa mình vào nhóm khách du lịch túm tụm thưởng thức đặc sản, hoặc tìm mua một chiếc khăn quàng cổ làm quà cho người thân. Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ của bạn vào mùa đông phố núi Đà Lạt.

Thưởng thức bánh tráng nướng, sữa đậu nành

Món bánh tráng nướng luôn hấp dẫn thực khách khi tới đây. Ảnh: Má Lúm

Đây là hai món trứ danh làm nên “thương hiệu” của mùa lạnh xứ này. Có rất nhiều loại bánh tráng, đa dạng về nhân cho bạn lựa chọn như trứng cút, xúc xích, khô bò, phô-mai... Bánh nướng trên than hồng, sau khi nướng chín và giòn đều, bạn có thể gấp lại làm đôi hoặc để nguyên chiếc. Bánh tráng nướng được dân xê dịch truyền tai nhau nên thử ở chợ Đà Lạt, hoặc đường Nguyễn Văn Trỗi, ngã ba Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật.... Mỗi chiếc chỉ với giá 10.000 - 15.000 đồng.

Sữa đậu nành nóng hổi được bán 5.000 đồng một ly ở khắp mọi nơi ở Đà Lạt, trong chợ, ven đường, hay cả trong chính khách sạn bạn ở.

Uống cà phê, gặp gỡ dân xê dịch

Quán cà phê với những góc ấn tượng ở thành phố ngàn hoa. Ảnh: Má Lúm

Nếu còn phân vân về lịch trình ngày mai hoặc muốn gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng sở thích du lịch bụi, hãy ghé quán Phượt cafe. Vài cái bàn, các góc đơn giản tự làm, cưa, vẽ… là thành nơi những người mê du lịch, nhiếp ảnh dừng chân mỗi khi đến thành phố sương mù.

Quán nằm trên đường Phạm Ngũ Lão, do hai chàng trai 8X mở ra, một phượt thủ mê nhiếp ảnh đã “tung hoành” Nam Bắc và một chàng trai chơi xe độ có tiếng ở Đà Lạt. Họ như những “từ điển sống” về Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên, nhiệt tình chia sẻ, hỗ trợ khi dân xê dịch cần thông tin.

Ngắm Đà Lạt từ trên cao với Dalat Nights

Ngắm vẻ thơ mộng của Đà Lạt từ trên cao là một trải nghiệm thú vị. Ảnh: DNC

Bước chân ban ngày lang thang khắp Đà Lạt, tối đến bạn có thể tìm một nơi ngắm nhìn xứ hoa huyền diệu và nên thơ. Quán nằm trên ngọn đồi cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, giáp ranh giữa chân đèo Prenn và bến xe liên tỉnh.

Những đêm sương dày, từ trên cao nhìn xuống đèn thành phố lập lờ khuất trong sương như ảo mộng. Gọi một ly cà phê nóng, lắng nghe tiếng đàn nhẹ nhàng, và thu vào tầm mắt thành phố mộng mơ, chỉ vậy thôi cũng đủ làm bạn say lòng.

“Săn” ảnh vườn hoa đêm

Ánh sáng từ mhững thung lũng hoa mê hoặc lòng người. Ảnh: Má Lúm

Những cái tên như làng hoa Vạn Thành, Thái Phiên... đã quá đỗi quen thuộc với cảnh sắc rực rỡ ban ngày. Buổi đêm, khi các luống hoa được thắp đèn, từ trên cao nhìn xuống, như những thung lũng ánh sáng mê hoặc. Ra khỏi trung tâm Đà Lạt 3 km, hãy đi vòng theo cung đường đèo, chọn điểm dừng và “săn” những khoảnh khắc huyền ảo của vườn hoa về đêm.

Má Lúm

Bài đăng phổ biến