Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2016

El Nido lộn xộn, dễ thương và hấp dẫn đến nghẹt thở

El Nido chẳng sầm uất như Boracay, không ồn ào như Phuket, Samui... mà cứ bình dị, sơ sài nhưng dễ làm xiêu lòng lữ khách.
Xem thêm: Những trải nghiệm đặc trưng và ít tốn kém ở Manila

Tôi phải lòng biển trời Philippines từ chuyến đi Boracay mấy năm về trước nên tự hứa với lòng mình là nhất quyết phải đi tiếp những vùng biển xinh đẹp khác của đất nước thân thiện này và điểm đến kế tiếp của tôi chính là vùng biển El Nido.

El Nido là một điểm đến được đánh giá cao trên Tripadvisor.

Từ TP HCM, tôi bay đi Manila của hãng hàng không Cebu Pacific lúc rạng sáng, đến Manila tôi tiếp tục bay chuyến nội địa đến Puerto Princesa - thủ phủ của tỉnh Palawan. Và từ Puerto Princesa, tôi không ở đó chơi trước mà bắt xe đò đi ngay đến El Nido nằm cách Puerto Princesa khoảng 300 km và xe chạy mất 6 tiếng đồng hồ.

Đường đi từ Puerto Princesa tới El Nido nghe nói những năm trước chưa làm nên gập ghềnh đi cực lắm, tuy nhiên lần này tôi đi đường xá đã đổ bê tông khá tốt rồi nên đi cũng ngắn thời gian hơn và đỡ mệt. Khung cảnh hai bên đường cũng đẹp, lúc thì núi đồi, lúc thì biển xanh, khi thì những ruộng lúa, cánh đồng dừa nghiêng ngả... nên nhìn ngắm khá thích và đường ít xe cộ nên xe chạy cũng không lo nguy hiểm, duy chỉ có đường quanh co ngoằn nghoèo nên bảo đảm ai bị say xe thì rất dễ nôn.

Đến El Nido là đã chiều nhưng nắng vẫn còn gắt lắm. Nhìn cái bến xe đầy bụi bặm làm tôi nhớ tới Vang Vieng bên Lào. Đón xe tri-cycle hết 50 peso (khoảng gần 25.000 đồng) về nhà trọ, tôi bỏ đồ đó và cùng mấy người bạn đi dạo ngay.

Trong mắt tôi, El Nido là một cái làng nhỏ ven biển lộn xộn mà dễ thương, thân thiện và hấp dẫn đến ngẹt thở. Ngôi làng ven biển ấy có vài con đường qua lại đi không thể nào lạc và một bãi biển nhỏ với những hàng quán đơn giản, mộc mạc, rất thân quen với tất cả mọi du khách tới đây. El Nido chẳng sầm uất như Boracay, không ồn ào như Phuket, Koh Samui... mà cứ bình dị, sơ sài nhưng dễ làm xiêu lòng lữ khách. Hình như mọi người trong ngôi làng này họ biết nhau cả, họ gặp nhau chào hỏi, cười nói vui vẻ và du khách cũng đi chút xíu là gặp lại nhau nên thấy hình như ai cũng quen nhau hết.

Biển ở Philippines nói chung và El Nido nói riêng trong vắt và xanh ngắt.
Buổi chiều ở El Nido mát rượi, gió biển thổi vào từng cơn xua đi cái nóng của cả ngày dài ngập ánh mặt trời. Hàng quán ven biển và cả con đường chính của El Nido cũng bắt đầu xôn xao đón khách. Không có cảnh chèo kéo, không có người đứng trước quán mời mọc vồn vã như những nơi khác. Ở El Nido bạn yên tâm thư thả chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp rồi gọi cho mình thứ thức ăn, nước uống đã chọn rồi ung dung ngồi ngắm cảnh trời đất ngoài kia giao nhau để rồi cảnh hoàng hôn tuyệt vời trên biển hiện ra từ từ khiến ai cũng ngây ngất, đắm say.

Sớm mai trong mắt tôi có lẽ là lúc tấp nập nhất ở làng El Nido nhỏ bé này. Tôi dậy sớm thả bộ dọc bãi biển. Biển sớm mai yên như hồ không chút gợn sóng. Tôi bắt gặp những người ngư dân đi đánh bắt sớm, chuyển cá vào rồi những người khác xách từng xô cá cùng với cái cân nhỏ đi bán cá dạo. Một vài người của các quán ăn, khách sạn ven biển vác cào ra cào rác cho bãi cát của bờ biển. Thanh niên thì khuân nước uống, xăng dầu, thức ăn hay thuyền kayak... lên tàu thuyền để chuẩn bị đón khách đi các đảo nhỏ tắm biển lặn biển... theo tour trong ngày bởi đa số khách đến El Nido là đi các tour ra đảo nhỏ gần đó chứ không phải như ở Boracay là có thể tắm ngay tại bãi.

Sẽ có 4 tour căn bản đi đảo tại El Nido mà đi đâu tại đây bạn cũng sẽ thấy chào bán. Đó là tour A, B, C và D. Theo đa số kinh nghiệm của những người đi trước cũng như ý kiến của người bán tour thì nếu bạn chỉ có hai ngày để đi tour ra biển ở đây thì nên chọn tour A và C là hay nhất vì có nhiều bãi biển đẹp nằm ẩn giữa các ngọn núi đá, nhiều lagoon rất hay nằm thật bí ẩn khiến bạn không khỏi bất ngờ. Còn những ai mê lặn thì có thể đi tour B và D thêm hoặc bạn cũng có thể kết hợp theo ý mình. Tôi không có nhiều thời gian để đi hết cả 4 tour nên đã chọn tour A và C theo chỉ dẫn. Thiệt tình là đã đi nhiều biển nhưng phải nói biển ở các đảo của El Nido quá đẹp. Nước trong kinh khủng và có quá nhiều bãi tắm đẹp rất bất ngờ.

Có nhiều trò chơi trên biển cho bạn.

Cả nhóm chúng tôi ai nấy cũng đều mê mẩn và ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của biển nơi đây. Biển đã đẹp rồi, cá còn nhiều nữa chứ. Người dân nơi đây bảo tồn thiên nhiên rất tốt. Họ không hề xả rác và luôn khuyên du khách hãy nhớ kỹ điều đó vậy nên kiếm đỏ con mắt ở đây cũng không thấy một cái túi ni lông hay vỏ chai nước suối nào trôi bồng bềnh. Điều này càng làm tôi ngưỡng mộ tinh thần bảo vệ môi trường của họ. Họ ở xa xôi, họ chỉ có điện một ngày từ 14h chiều đến 6h sáng. Internet thì chập chờn lúc mạnh lúc yếu, không tìm thấy cảnh những nam thanh nữ tú sành điệu lướt smart phone tràn ngập như xứ mình, ấy vậy mà ý thức không xả rác, ý thức giữ môi trường sạch đẹp của họ làm tôi thấy rất phục. Một lần nữa nhận ra rằng đâu cần phải học cao, đâu cần phải sống ở môi trường hiện đại... thì mới có ý thức cao đâu phải không.

Các tour đi đảo ở El Nido cũng rất tốt. Hầu hết xuất phát lúc 9h sáng và kết thúc lúc 17h chiều và bao ăn bữa trưa. Họ không nấu sẵn thức ăn trong đất liền như các tour đi biển ở mình mà ra đảo mới nấu nướng để thức ăn được nóng và tạo cảm giác ngon miệng cho du khách. Tất cả đều rất sạch sẽ, gọn gàng và rác thải của chuyến đi, của bữa ăn trưa được họ gom lại tất cả rồi mang về đất liền. Các món ăn cũng đơn giản chỉ là thịt nướng, cá nướng, cà tím nướng cùng món tráng miệng xoài và thơm... nhưng ăn khá ngon.

Phải nói biển ở đây cá nhiều vô cùng và chúng rất dạn. Rất nhiều cá nhào vào rỉa chân du khách, chúng bơi thành từng đàn đủ màu rất đẹp, snorkeling ở đây để ngắm cá đủ màu sắc trong làn nước trong vắt là trải nghiệm mà ai đi El Nido về sẽ chẳng thể nào quên.

Ở El Nido, việc ăn uống hơi hạn chế vì đơn điệu và ít có sự lựa chọn. Buổi tối lang thang chỉ có vài nơi bán hải sản ở ven biển cùng một số nhà hàng bán món Tây và vài quán ăn kiểu địa phương có vị hơi mặn hơi khó ăn. Ở đây không có nhiều hàng rong như các vùng biển bên Thái, bên Cam... mà thỉnh thoảng có mấy đứa nhóc tay xách thùng xốp đi bán hột vịt lộn miệng rao "ba lô, ba lô" gì đó mà thôi.

Ở làng El Nido, khách trú ngụ đa số là dân đi balô ít tiền chứ khách giàu sang họ đều ở các resort ngoài các đảo cả. Nghe nói giá resort cũng cao và dịch vụ cũng tốt lắm. Du khách ở resort họ không đi xe đò ngồi 6 tiếng từ Puerto Princesa như tôi mà họ đi máy bay loại nhỏ 19 chỗ của hãng Island Transvoyager (ITI) với giá khá mắc từ Manila thẳng qua sân bay Lio nằm cách El Nido vài dặm khỏe re.

Những chiếc thuyền truyền truyền thống ở Philippines.

El Nidio bụi bặm, quê mùa chẳng tiện nghi nhưng đầy ấn tượng. Ấn tượng về con người thân thiện hiền hòa khiến tôi thấy quen thuộc như mình đang đi về nơi nào đó rất quen thân... cứ thong dong mà đi thả bước lang thang, cứ chui rúc qua mấy con hẻm nhỏ xíu để ra biển giữa trời tối thui mà chẳng có gì lo lắng sợ hãi... Bởi gặp ai cũng thấy họ cười vui vẻ, hỏi gì cũng được chỉ tận tình... nên tự nhiên thấy có cảm giác như mình đang đi "về quê" chứ chẳng phải đang đi đến một vùng biển đảo xa lạ nào. Và đây cũng chính là lý do để El Nido đứng đầu trong top những vùng biển đáng đến ở châu Á do Tripadvisor bình chọn năm qua.

Ngày cuối cùng ở El Nido tôi dậy rất sớm rồi rời phòng trọ thả bộ loanh quanh ngôi làng nhỏ này lần cuối trước khi nói lời chào tạm biệt El Nido để lên xe đò ngồi 6 tiếng lắc lư trên con đường cong quẹo trở về Puerto Princesa. Tôi đi ra hướng biển để ngắm vịnh Bacuit sớm mai yên bình có những con tàu đang neo chờ đến giờ đưa khách đi tour ra đảo... những con tàu kiểu đặc trưng Philippines có hai càng hai bên sớm nay nhuộm màu nắng ban mai đẹp quá, chốc chốc chúng khẽ lắc lư theo từng con gió nhỏ ngoài đại dương xa xôi thổi vào. Một ngày mới nhộn nhịp đang tới, những người dân thân thiện làng El Nido lại sẽ bắt đầu những công việc thân thuộc hàng ngày của họ còn tôi sẽ về Puerto để tiếp tục những ngày lang thang Palawan còn lại của mình.

El Nido không hào nhoáng, El Nido chẳng sang trọng và cũng chẳng tiện nghi gì nhưng trong tôi nó là ngôi làng tôi có cảm tình nhiều nhất ở những vùng biển tôi đã đi qua...

Vài lưu ý cho chuyến đi El Nido:

- Cebu Pacific rất hay bán vé giá rẻ. Hãy book vé từ TP HCM/Hà Nội tới Manila rồi book vé nội địa đi Puerto Princesa. Có thể ở chơi Puerto Princesa trước rồi đi El Nido sau, sau đó từ El Nido về thẳng sân bay. Tuy nhiên cần canh giờ bay sao cho phù hợp. Máy bay của Cebu Pacific giá rẻ nhưng máy lạnh rất tốt nên mọi người nhớ mang theo áo gió mỏng hay mền mỏng mà trùm chống lạnh nhé.

- Từ Puerto Princesa đi El Nido và ngược lại đi xe đò. Xe van máy lạnh thì giá 600-700 peso/người/chiều (khoảng ngoài 300.000 đồng). Xe bus không máy lạnh rẻ hơn nhưng đi chậm hơn. Xe van chạy sẽ dừng lại để ăn trưa và đi restroom. Đường đi khá cong quẹo nên ai say xe thì cẩn thận. Vé xe có thể mua tại ga đến sân bay hoặc ra ngoài đi tricycle chừng 50 peso (25.000 đồng) đến travel agent gần đó mua vé đi. Xe van sẽ đón bạn tại đại lý du lịch. Từ El Nido về có thể nhờ nhà trọ book vé hoặc book cái quầy vé ở El Nido rất dễ.

- Tri-cycle từ bến xe về khách sạn là 50 peso/xe.

- Nếu có điều kiện thì book vé máy bay của Island Transvoyager (ITI) giá chừng 163 USD/ chiều đến thẳng El Nido từ Manila.

- Nên nhớ là phí sân bay ở Philippines không bao gồm trong vé máy bay nên phải mua riêng, nhớ để dành 550 peso để mua vé phí phục vụ sân bay khi bay về từ Manila.

- Nhà trọ ở El Nido đa số nằm trong làng, không book trên Agoda mà email thẳng cho họ và đặt cọc tiền 50% qua paypal. Tôi ở Bulskamp Inn: [email protected] yên tĩnh, gần nhiều quán ăn và phòng sạch sẽ, service tốt nhưng toilet hơi nhỏ chút. Giá phòng tùy mùa.

- Có khá nhiều nhà trọ và những khu nhà nhỏ khác quanh đó ở dọc bờ biển, trong phố... nên xem review trên Tripadvisor trước cho chắc ăn.

- Nếu có điều kiện thì book các resort ngoài đảo rất đẹp. Nếu book được cái Treetop ngủ ở trên cây thì hay nhưng cái này luôn full vì có 2-3 phòng thôi.

- Có thời gian thì thuê xe máy chạy nhìn cảnh cũng rất đẹp. Có những bãi biển ở xa nghe nói rất hay ho.

- Ăn ở quán The Alternative đẹp, chỗ ngồi hay; seafood ở Aplaya Restro ngon rẻ; Pizza Altrove Trattoria; Cafe ở The Art Cafe, Coco Bar hay Pukka Bar; Pasta quán Lucky Alofa; nhớ uống mango shake vì xoài ở Philippines rất thơm ngon.

- Mua sim 3G từ sân bay Manila luôn cho chắc, có các gói khác nhau từ 250 peso nhưng gói 600 peso được gọi điện thoại, dùng 3G unlimited trong 5 ngày.

- Đổi tiền ở sân bay Manila cao hơn ở El Nido, ở Puerto Princesa có một chỗ đổi tiền giá cao của ngân hàng gần mall Robinson nhưng không mở 2424/24. Các nơi khác giá không cao bằng ở Manila.

- Nhớ mang kem chống nắng, aftersun lotion, nón, kiếng mát không thì rất nóng.

- Nhớ mang dép nhựa có quai sau theo vì lúc đi đảo có nhiều nơi phải đi bộ dưới nước mà có rất nhiều san hô dễ đâm vào chân.

- Theo người dân thì thời gian đi El Nido tốt nhất là từ tháng 2 tới tháng 5 hàng năm vì biển đẹp, nắng đẹp.

Bài và ảnh: Thiện Nguyễn

Lên đường đi Boracay vào thời điểm đẹp nhất năm

Sáu tháng đầu năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để tới Philippines khi mùa mưa bão chưa đến, trong đó đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cebu Philippines

Muốn khám phá Boracay nhưng bạn phân vân không biết lên kế hoạch thế nào và lo lắng chi phí sẽ đắt đỏ, hãy tham khảo thông tin dưới đây để có thể nhanh chóng đến được hòn đảo thiên đường xinh đẹp này của đất nước Philippines nhé.

Nước biển xanh ngắt ở Boracay.

Vé máy bay

Điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi du lịch Philippines đó chính là thời điểm. 6 tháng đầu năm sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để đến đất nước vạn đảo khi không bị ảnh hưởng bởi bão, trong đó đẹp nhất là từ tháng 2 đến tháng 5.

Cebu Pacific Air là hãng máy bay giá rẻ duy nhất khai thác các chuyến bay từ Hà Nội và TP HCM đến thủ đô Manila của Philippines. Bạn có thể dễ dàng tự đặt vé trên website của hãng. Ở chặng Hà Nội - Philippines, Cebu Pacific Air có chuyến bay khởi hành vào 1h sáng và về lúc 22h20. Các chuyến bay xuất phát từ TP HCM với giờ tương tự và chuyến về lúc 22h50. Hiện tại, Cebu Pacific khai thác chặng bay này tất cả các ngày trong tuần.

Hàng năm, Cebu Pacific có khoảng vài đợt khuyến mãi lớn với giá vé 1 Peso (đơn vị tiền tệ của Philippines) hoặc 1 USD. Thông thường, giá vé tổng cộng cho chuyến bay khứ hồi từ Hà Nội là 116 USD và TP HCM là 82 USD.

Ngoài hãng giá rẻ Cebu Pacific Air, bạn còn có thể bay bằng Vietnam Airlines và Philippines Airlines (chỉ có từ TP HCM).

Di chuyển

Sân bay Caticlan.

Boracay là một hòn đảo nhỏ thuộc tỉnh Aklan, cách thủ đô Malina của Philippines hơn 300 km về phía Nam. Trên đảo Aklan có 2 sân bay là Caticlan và một sân bay quốc tế ở thành phố Kalibo. Để đến đảo Boracay, bạn sẽ phải bay thêm một chặng nội địa từ thử đô Manila với thời gian khoảng một tiếng.

Các hãng khai thác chặng nội địa ở Philippines thường có Cebu Pacific, AirAsia, Philippines Airlines, Tiger Air và Zest Air. Giá vé rẻ khứ hồi cho chặng này từ 1 đến 2 triệu đồng. Bạn nên thường xuyên kiểm tra website của các hãng để tìm được giá vé rẻ nhất.

Điểm khác nhau giữa hai sân bay là Caticlan thì ngay gần bến tàu ra đảo Boracay trong khi đó nếu xuống Kalibo, bạn phải mất thêm gần 2 tiếng đi ôtô đi đến bến tàu. Tùy vào hãng hàng không mà bạn sẽ tới một trong hai sân bay này. Dù chỉ là sân bay nội địa nhỏ nhưng do lợi thế gần Boracay hơn nên giá vé đến Caticlan bao giờ cũng đắt hơn nhiều so với giá vé đến sân bay quốc tế Kalibo, đặc biệt là chiều về.

Sau khi đến bến tàu, bạn sẽ đi thuyền sang Boracay và mất khoảng 20 phút. Nếu chưa yên tâm về việc tự đi, bạn có thể chọn hãng vận chuyển nổi tiếng Southwest, họ sẽ có dịch vụ trọn gói đưa bạn về đến khách sạn với giá dao động từ 500 Peso đến 1.000 Peso (1 Peso bằng khoảng 500 đồng). Giá này có hoặc không bao gồm phí bến và môi trường. Bạn nên vào trang web southwesttoursboracay.com để tham khảo trước. Đại lý bán vé của hãng ở ngay đối diện tại hai sân bay.

Bạn cũng có thể giảm được chi phí này đáng kể bằng cách tự đi. Nếu từ Kalibo, bạn có thể tự mua vé xe bus (200 Peso) ra thẳng bến tàu để di chuyển ra Boracay. Từ sân bay Caticlan thì bạn chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ ra bến tàu. Trước khi lên tàu, bạn chỉ cần vào quầy mua phí môi trường (75 Peso), phí bến tàu (100 Peso) và vé thuyền (25 Peso). Nếu tính tổng cộng chi phí, bạn sẽ chỉ phải trả nửa số tiền so với việc chọn đi Southwest.

Sau khi sang đảo, bạn sẽ thuê xe Tricycle (một loại xe gắn máy 3 bánh chở được 3-4 người) để về khách sạn. Giá đi từ bến tàu về khách sạn gần D’mall (trung tâm du lịch ở Boracay) từ 20 đến 30 Peso/khách.

Khách sạn

Boracay được chia làm 3 khu vực chính là Station 1, Station 2 và Station 3 hoặc chia theo hai phía bãi biển là White Beach và Bulabog nằm đối diện nhau. Bạn nên ở phía White Beach vì biển xanh trong và cát trắng mịn hơn. Ở White Beach thì Station 1 là nơi để chơi các trò cảm giác mạnh trên biển và gần bến tàu, Station 2 tập trung các dịch vụ ăn uống giải trí, khu mua sắm D’mall và chợ hải sản D’talipapa trong khi đó Station 3 yên tĩnh hơn và có nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Khách du lịch khi đến Boracay thường chọn Station 2 vì đây là nơi nhộn nhịp nhất và tập trung các dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm tấp nập suốt đêm.

Để tìm khách sạn, bạn có thể vào các trang web như Booking, Agoda để lựa chọn. Boracay không nhiều nhà nghỉ dạng dorm (giường tầng tập thể), hầu hết đều là phòng đôi, nếu đi tập thể, bạn nên lưu ý khi chọn phòng cho phép ở 3-4 người. Giá khách sạn ở đây không quá đắt, với khoảng 500.000 đồng/đêm là bạn đã có một căn phòng nghỉ thoải mái, sạch sẽ. Muốn rẻ hơn, bạn có thể thuê các guesthouse nằm trong trong ngõ nhỏ, không có điều hòa hoặc bình nóng lạnh.

Ăn uống

Món sinh tố xoài nổi tiếng và ngon ở Boracay.

Ở Boracay có rất nhiều nền ẩm thực dành cho du khách, từ những món ăn truyền thống của Philipines đến các món ăn Âu, Á, Phi. Con đường nhỏ dọc bãi biển Boracay là hàng dài những nhà hàng, những tiệm bánh ngọt, cà phê san sát nhau với nhiều thương hiệu nổi tiếng của thế giới, đủ để bạn thỏa thích lựa chọn.

Món ăn truyền thống của Phillipines thường chế biến từ gà nên nhà hàng phục vụ món ăn này khá nhiều. Một số quán ăn truyền thống Phillipines nổi tiếng có Andoks Chicken, Mang Isanal, Smoke… Bạn cũng sẽ bắt gặp nhiều nhà hàng Italy với loại bánh Pizza nổi tiếng.

Khi đến Boracay, bạn chắc chắn sẽ không thể bỏ qua hải sản. Bạn có thể trực tiếp vào chợ hải sản D’talipapa, mua đồ và nhờ nhà hàng nấu hoặc lựa chọn buffet ở các nhà hàng với giá tiền từ 400 đến 800 Peso. Hải sản ở Boracay vô cùng phong phú và giá không đắt, đặc biệt là tôm hùm.

Ở Boracay nổi tiếng có món sinh tố xoài – Mango Shake và bạn nên thử thức uống này ở rất nhiều hàng quán với giá 60-100 Peso/cốc, nổi tiếng có Jonas Milkshakes. Ngoài ra, còn có món chè truyền thống Halo Halo của Phillipines.

Vui chơi

Bãi biển cát trắng, nước xanh trong.

Hòn đảo Boracay nhỏ xinh với chiều dài chỉ khoảng 7 km và chiều ngang 2 km nhưng lại nằm trong top 10 những bãi biển đẹp nhất châu Á, top 25 của thế giới. Chính vì vậy, điều đầu tiên bạn cần trải nghiệm khi đến hòn đảo này là tắm biển. Những bãi cát trắng mịn, nước biển xanh biếc nhìn thấy tận đáy sẽ khiến bạn ngay lập tức muốn đắm mình trong không gian được ví như thiên đường này.

Ngoài tắm biển, Boracay không thiếu các hoạt động khác để bạn tiêu tốn thời gian của mình. Nổi tiếng nhất có tour quanh đảo - Hoping Island, giá khoảng 1.500 - 1.800 Peso/người (750.000 đến 900.000 đồng). Với gói tour này, bạn sẽ ra ngoài khơi để lặn biển, được ăn một bữa trưa và thăm các đảo nhỏ như Magic Island, Crocodile, Crystal Cove trong khoảng 4-5 tiếng… Bạn có thể dễ dàng mua tour ở các đại lý tour trên đảo, tại khách sạn bạn ở hay những người dân rao bán ngay trên đường.

Các trò chơi dưới nước cũng hấp dẫn không kém như Helmet Diving - lặn biển dưới nước, Banana Boat - đi thuyền chuối, Snorkling - lặn biển, Fly Fish, Parasailing - bay dù... Ngoài ra, bạn có thể ngắm hoàng hôn trên thuyền buồm, lướt sóng và thả diều ở bãi biển Bulabog, nhảy cầu ở mũi Ariel’s point, lái xe ATV đi quanh đảo, xem các màn trình diễn múa lửa, chơi Zipline, xăm hình Henna hay tết tóc…

Bạn cũng có thể thuê xe Tricycle đi một vòng quanh đảo hoặc lên MT.Luho (giá vé 120 Peso/người) để ngắm toàn cảnh đảo ở trên cao.

Mua sắm

Khu mua sắm chính ở Boracay chính là D’mall. Ở đây có nhiều mặt hàng phong phú như quần áo, giày dép, đồ lưu niệm… với nhiều kiểu dáng và giá cả phải chăng. Một lựa chọn khác ngoài D’mall là khu D'talipapa, ngoài các nhà hàng chế biến hải sản, nơi đây cũng có nhiều cửa hàng nhỏ bán đồ lưu niệm với giá cả rẻ hơn ở D’mall. Khi đi bộ trên con đường ven biển, bạn cũng có thể mua đồ ở những quán nhỏ ven đường.

Một số lưu ý khi du lịch ở Boracay

Chợ hải sản nổi tiếng ở Boracay.

- Đơn vị tiền tệ chính ở Philippines là Peso (PHP), bạn nên mang USD sang để đổi. Tỷ giá vào 1 Peso = 482 đồng VND. Bạn có thể đổi tiền tại sân bay quốc tế Ninoy Aquino ở Manila hoặc những tiệm đổi nhỏ ở Boracay.

- Bạn nên nhớ để lại tiền để đóng phí ở sân bay khi về: Chặng nội địa Caticlan (200 Peso) và chặng quốc tế sân bay Ninoy Aquino (550 Peso).

- Một lưu ý khi bạn chọn bay nội địa của hãng Cebu Pacific Air thì hành lý xách tay chỉ được 5 kg (các hãng khác là 7 kg) và hành lý ký gửi chỉ tối đa là 10 kg đối với tất cả các hãng, do máy bay cho chặng này là máy bay nhỏ ATR. Các hãng kiểm tra hành lý rất gắt gao và phí quá cân hành lý sẽ bị tính rất đắt.

- Tình hình an ninh ở Boracay khá tốt, thường xuyên có bảo vệ đứng canh gác ở các nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đi về quá khuya.

- Người dân Philippines nói chung và ở đảo Boracay nói riêng đều rất thân thiện và tốt bụng, dù làm du lịch đã lâu nhưng ít thấy có cảnh chèo khéo hay lừa khách. Tuy nhiên, giá cả thường bị nói thách và bạn hãy cứ mạnh dạn trả giá xuống một nửa hoặc 1/3.

- Khi di chuyển từ tàu lên bến thuyền ở Boracay, sẽ có một số người đàn ông chủ động mang hành lý cho bạn. Bạn hãy dứt khoát không cần nhờ vì sau đấy họ sẽ đòi tiền tip.

- Bạn nên dành thời gian đi bộ dọc bãi biển từ Station 1 đến Station 3 để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của hòn đảo này.

- Hãy nhớ mang những đồ cần thiết để đi biển, đặc biệt là đồ bảo hộ cho các thiết bị điện tử ở dưới nước bởi bạn sẽ cần chúng khi lặn biển.

- Bạn đừng quên chụp ảnh với biểu tượng đặc trưng của Boracay là tảng đá Willys Rock ở Station 1.

- Hãy hòa mình vào không khí vô cùng vui nhộn tại nhà hàng Sea Breeze Cafe vào mỗi tối khi các đầu bếp sẽ có màn nhảy tập thể cùng nhau.

- Bạn có thể thoải mái xem múa lửa mà không mất tiền, một số quán có sự đầu tư hơn về các màn biểu diễn thì bạn cần mua đồ uống của họ. Bạn cũng nên dành thời gian ngồi một quán cà phê và nghe nhạc sống vì các ban nhạc ở Boracay chơi rất hay.

Chu Anh

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Ăn ngon, chơi vui mà rẻ ở Sihanoukville - Koh Rong

Được mệnh danh là đảo thiên đường của Campuchia, đảo Koh Rong sẽ hoàn toàn chinh phục bạn bởi phong cảnh và sự vui tươi của nơi đây.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Sihanoukville bằng xe máy

Sihanouk Ville và Kohrong thuộc miền nam Campuchia, gần Thái Lan và đảo Phú Quốc Việt Nam. Sihanoukville là bờ biển còn Kohrong là đảo. Biển Sihanoukville khá đẹp, có nhiều hoạt động vui chơi đến tận nửa đêm. Koh Rong thì tuyệt đẹp, được mệnh danh là đảo thiên đường, có biển xanh, cát trắng, nắng vàng, thêm nữa là lối xây nhà sàn sơn đủ màu sắc rất đẹp, hoạt động phong phú thâu đêm suốt sáng khiến du khách khi đến đều không muốn rời khỏi đây. Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn có chuyến du lịch tới Sihanoukville và Kohrong được thuận tiện hơn:

Koh Rong với view từ Bungalow của Highland Beach.

Tiền tệ

Campuchia bị lệ thuộc nhiều vào đồng ngoại tệ. Hai loại tiền tệ sử dụng song song tại đây là USD và Riel (KHR) và USD có phần phổ biến hơn. 1 USD tương đương khoảng 4.000 KHR (2/2015). Do đó để dễ tính toán và không bị thiệt, bạn cứ đổi sang tiền USD trước. Tiền Việt Nam đồng chỉ sử dụng được tại biên giới Mộc Bài.

Di chuyển

Đi bằng ô tô khách (xe buýt):

- Từ quận 1, TP HCM đến Mộc Bài đi xe khách mất 2 tiếng

- Từ Mộc Bài đến Phnom Penh đi xe khách mất 4 tiếng

- Từ Phnom Penh đến Sihanoukville đi xe khách mất 6 tiếng

- Từ Sihanoukville đến đảo Koh Rong đi tàu cao tốc chỉ mất 40 phút còn đi tàu chậm thì mất 2 tiếng.

Vì riêng ngồi xe khách đã kéo dài đến 12 tiếng nên bạn cần sạc đầy pin điện thoại và mang sạc dự phòng, chuẩn bị sẵn các đồ giải trí để không bị nhàm chán khi ngồi trên xe.

Hướng dẫn đặt vé và chỗ ở

Đặt vé xe TP HCM-Sihanouk:


Nếu bạn ở TP HCM, hãy đến phòng vé tại 301 Phạm Ngũ Lão, quận 1. Có nhiều hãng xe để bạn lựa chọn. Từ TPHCM đi Sihanouk mất 12 tiếng (chuyển xe tại Phnom Penh) nên chọn xe ghế ngồi điều hòa và có nhà vệ sinh trên xe. Giá vé: 500.000 đồng chiều đi và 400.000 đồng chiều về. Bạn nhớ mang theo hộ chiếu khi đặt vé.

Đặt chỗ ở:


Bạn có thể tìm kiếm trên trang Agoda, Booking để tìm phòng với giá cả phù hợp. Nếu chủ yếu chơi ở Koh Rong thì để tiết kiệm chỉ cần chọn Guest House tầm 10 -15 USD/đêm tại Sihanouk còn ở Koh Rong thì đặt Bungalow có view nhìn ra biển giá 50 USD/đêm. Nếu đặt qua mạng, bạn nhớ in ra mang theo để check-in phòng.


Màu xanh ngọt ngào của bầu trời và nước biển tại đảo Koh Rong.

Book vé tàu đi Koh Rong:


Khi đến Sihanouk, bạn hãy hỏi những người lái xe tuktuk tại đây chỗ đặt vé đi Koh Rong tên "Dive Center". Bạn chọn giờ khởi hành, gồm có 3 chuyến trong ngày: 8h, 11h và 16h là chuyến cuối cùng.

Có 2 loại phương tiện là Speed Ferry (tàu nhanh, 25 USD khứ hồi, đi trong 40 phút) và Slow Boat (tàu chậm, 15 USD khứ hồi, đi trong 2 tiếng). Thoạt nghe đi trong 40 phút có vẻ ít nhưng đó là khoảng thời gian rất kinh khủng vì dễ bị say sóng. Tùy vào thể trạng mà thời gian phục hồi của bạn đến đâu. Nếu là phụ nữ, sức khỏe bình thường thì cũng cần mất khoảng một tiếng để khỏe lại sau khi bước ra khỏi tàu cao tốc.

Lịch trình


Ngày 1:


Di chuyển từ TP HCM HCM đến Sihanoukville (7h-19h), nghỉ ngơi buổi tối tại Sihanouk.

Ngày 2:


- 11h - 11h40: đi tàu ra đảo Koh Rong.

- 12h: đến đảo, bạn nên đặt luôn chuyến về cho ngày hôm sau, sau đó đi ngắm cảnh quanh đảo.

- 16h - 17h: đến công viên Rope chơi các trò cảm giác mạnh.

- 17h - đêm: đi bộ ngắm cảnh, ăn uống.

Ngày 3:


- 12h: check-out hotel và nghỉ ngơi tại bờ biển

- 16h-16h40: đi tàu về Sihanoukville

- 17h: check-in hotel, nghỉ ngơi và tiếp tục dạo chơi

Ngày 4:


- 7h: trả phòng khách sạn và về Phnom Penh

-13h: có mặt tại Phnom Penh, kiểm tra và đặt chuyến về TP HCM

-15h-19h: từ Phnom Penh về TP HCM.

Bờ biển Sihanouk ban đêm.

Điểm vui chơi ở Sihanoukville và Koh Rong


Sihanoukville:


Trung tâm của Sihanoukville là tượng 2 con sư tử, khá gần bờ biển. Mọi hoạt động nhiều nhất khu vực đều diễn ra xung quanh 2 con sư tử này. Bạn nên xem bản đồ khi đặt khách sạn để dễ đi lại và vui chơi, không phải chi quá nhiều phí cho Tuktuk.

Nên ở gần đường Serendipity Rd. nếu thích náo nhiệt và nhiều hoạt động hơn. Ví dụ như nhà nghỉ có tên Invito Cambodia Hotel, tại đường Serendipity Rd. cách bờ biển và bến tàu 3 phút đi bộ. Tầng trệt là nhà hàng còn phòng của khách ở tầng 2 trở lên. Giá phòng là 10 USD/đêm, sạch sẽ, có quạt, thoáng mát, có wifi tại tầng trệt.

Xung quanh khu vực bờ biển Sihanoukville có rất nhiều hàng quán với đa dạng văn hóa ẩm thực từ châu Âu đến châu Á. Hầu hết nhà hàng đều đặt menu phía trước, bạn có thể tham khảo giá trước khi bước vào.

Dọc bờ biển Sihanouk gần bến tàu có rất nhiều các quán bar-pub với hoạt động thâu đêm suốt sáng. Khách du lịch ở đây khá "quậy". Họ có thể đấu vật, thi nhảy thoát y... hầu hết là người châu Âu, châu Mỹ, người châu Á đa phần là Việt Nam và Trung Quốc sẽ đứng bên ngoài cỗ vũ.

Các quán bar đều sử dụng ghế bành tròn có lót đệm nằm rất sướng. Họ thường bỏ nến vào trong bình nước được cắt đôi có chứa cát rất dễ thương và lung linh. Bạn có thể gọi một ly nước và nằm cả ngày ở đây cũng chẳng ai nói gì vì người Campuchia rất hiền.

Vào thời điểm Tết Âm Lịch, các quán bar tự mua pháo bông và bắn ngay tại bờ biển khu vực của họ để hút khách. Nếu thích, bạn có thể mua một vài cây pháo bông loại tiểu với giá 3-5 USD/cây cho một lần chơi được vài phát.


Một góc quán Pub sát biển của đảo Koh Rong.

Koh Rong:


Gợi ý một Bungalow đẹp nhìn ra biển là Highland Beach. Đây là một nhà sàn biệt lập, phòng ở sạch sẽ xây toàn bằng gỗ, nhà vệ sinh sạch, có quạt, ban công nhìn ra biển, không wifi. Với view này, bạn tha hồ chụp ảnh đẹp. Vị trí Highland Beach không gần biển, nó nằm trên đồi cách bờ biển 5-7 phút đi bộ và đường đi khá dốc, nhưng lại gần nơi chơi các trò cảm giác mạnh (cách khoảng 3 phút đi bộ).

Giá Bungalow của Highland Beach đặt trên Agoda là 50 USD/đêm, check-in lúc 12h, check-out 10h nhưng bạn có thể xin nhân viên cho ở đến 13h vì bận tắm biển. Tuy nhiên, giá đặt trực tiếp chỉ khoảng 30 USD/đêm, nếu muốn tiết kiệm, bạn có thể đến đây rồi đặt nhưng khá rủi ro vì sẽ có khả năng không còn phòng trống.

Ngoài Bungalow trên cũng có khá nhiều nhà nghỉ giá mềm hơn tầm 15 USD/đêm thậm chí có lều cho 2 người ở sát bờ biển chỉ 6 USD/đêm, sẽ mang lại cho bạn cảm giác “Robinson” và hoang dã hơn. Một đặc điểm của Campuchia là muỗi rất nhiều và rất to, nhất là khu gần biển. Bạn có thể chuẩn bị kem chống muỗi cho chuyến đi của mình.

Một góc khác của đảo Koh Rong.


Khi đến một nơi gọi là “đảo thiên đường” thì bạn còn muốn chơi gì làm gì nữa? Bạn chỉ cần nằm ườn ra, ăn, ngủ, tắm biển, phơi mình dưới ánh nắng mặt trời, hưởng thụ, hưởng thụ và hưởng thụ... Ban đêm thỉnh thoảng bạn sẽ được thưởng thức vài màn hát guitar của khách Tây và biểu diễn các tiết mục với dụng cụ...

Chơi trò cảm giác mạnh thám hiểm công viên Rope


Đặt vé:


Đặt vé tại Dive Center: 20 USD/ người trả cùng với vé tàu (tổng cộng vé tàu và vé chơi game: 25 USD + 20 USD = 45 USD). Nếu đến đảo bạn mới mua thì giá chơi trò này là 35 USD/người

Thời gian: chơi trong 1 tiếng bắt đầu từ các mốc giờ: 9h30 - 10h30 - 13h30 và 16h.

Các thông tin khác:


- Trò chơi không dành cho người sợ độ cao, phụ nữ có thai hoặc bị các bệnh về tim mạch.

- Tuỳ theo số lượng người mua vé mà nhóm bạn dao động 2-5 người. Hướng dẫn là một chàng người Nga hoặc Campuchia, giỏi tiếng Anh. Hướng dẫn viên sẽ giới thiệu với bạn có bao nhiêu chặng phải vượt qua và chính bạn phải là người thực hiện, họ chỉ hướng dẫn cách để bạn vượt trạm. Có khoảng 15 trạm và chơi trong 1 tiếng. Càng về sau, độ cao càng tăng. Cao nhất là 170 m.

- Nên tập trung nghe chỉ dẫn về các vấn đề an toàn và đừng đùa giỡn trên cao để chuyến đi được trọn vẹn niềm vui.


Chặng Flying barrel của thử thách mạo hiểm.

Các chặng cơ bản làm toát mồ hôi như:


- Zip-line (giống tarzan trượt trên không)

- Flying barrel (ngồi trong lồng rồi trượt)

- Rope V-Bridge (đi trên sợi dây hình chữ V)

- Zig-Zag Bridge (đi trên mấy miếng gỗ đặt so le và đong đưa)

Ăn uống


Ăn uống tại Campuchia khá đa dạng vì du nạp của nhiều nước, thức ăn địa phương là các món Khmer. Một số món giống Việt Nam (hủ tiếu), một số món giống Thái Lan (tom yum), Kebap (bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ), còn có cả bánh kếp...

Món ăn khá ngon nhưng không lạ và rẻ như ở Bangkok, mặt bằng giá tương đương tại Việt Nam. Trung bình giá món ăn/uống: nước cam 1 USD, coca 2 USD, củ sắn vỉa hè 0,5 USD, hủ tiếu 2 USD, mỳ xào 2,5 USD, BBQ 5 USD, tom yum 4,5 USD.

Gà nướng BBQ và thập cẩm có giá 5 USD/đĩa.

Về dân địa phương và các du khách khác


Người Campuchia thì hiền nhưng không có khiếu hài hước và khá thụ động. Khả năng tiếng Anh của họ hầu hết chỉ đếm được số. Trong mỗi nhà hàng/quán ăn đều có ít nhất một người giỏi tiếng Anh.

Các khách du lịch hầu hết là Nga, một số đến từ Hoa Kỳchâu Âu, ít người da đen, châu Á có Trung Quốc và Việt Nam. Khách du lịch từ Nga rất nhiều thậm chí các bảng hiệu và menu đều để 3 thứ tiếng là Campuchia, Anh và Nga. Chủ và quản lý nhiều nhà hàng cũng là người Nga và thậm chí có người đã và đang sống tại Campuchia một thời gian dài. Người Nga nhận thức được điều này nên họ tự cho mình quyền ưu tiên, hống hách và bất lịch sự. Bạn nên hạn chế tiếp xúc vì họ có thể kéo cả nhóm đến cãi nhau với bạn chỉ vì giành giật một miếng bánh kếp.

Một số khách du lịch Tây Âu khác đi theo chương trình của tổ chức phi chính phủ NGO (Non-Governmental Organization), họ đến để làm từ thiện, liên quan đến giáo dục và nâng cấp cộng đồng, họ thấy vui và nảy sinh tình cảm tại đây nên một số đã gắn kết khá lâu với hòn đảo này.

Tổng chi phí cho chuyến đi (2 người)


- Vé xe bus đi và về: (500.000 + 400.000) x 2 = 1.800.000 đồng

- Vé tàu + game High Point: 45 USD x 2 = 1.800.000 đồng

- Highland Beach Bungalow 1 ngày: 1.200.000 đồng

- Nhà nghỉ tại Sihanoukville 2 ngày: 600.000 đồng

- Ăn uống 4 ngày: 2.000.000 đồng

- Đi lại: 300.000 đồng

- Tổng: 7.700.000 đồng cho 2 người

Giá tour hiện nay là 4.500.000 đồng/người, với chương trình của tour thì bạn sẽ không đi Koh Rong mà ngắm núi Tà Lơn từ Sihanouk.

Bài và ảnh: Zoey Hoa

Bài đăng phổ biến