Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Các quốc gia Châu Á đón Tết cổ truyền như thế nào?

Mỗi quốc gia có một phong tục đón năm mới khác nhau, người Thái té nước vào nhau để cầu may, người Trung Quốc ăn những thực phẩm mang ý nghĩa trường thọ, người Việt Nam lau dọn nhà cửa, mua muối, đi chùa,... cầu năm mới bình an, thịnh vượng với niềm hi vọng mới!

Việt Nam

Người Việt Nam đón tết Nguyên Đán với rất nhiều phong tục thú vị và quan trọng hơn, với một thái độ tích cực nhìn về năm mới. Người Việt cho rằng, những điều họ tin tưởng, làm, hoặc nói trong 3 ngày đầu năm sẽ đại diện cho những việc sẽ diễn ra trong suốt phần còn lại của năm. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi bạn luôn gặp những khuôn mặt tươi cười, những quà tặng hào phóng và những phong bao lì xì cho người già và trẻ nhỏ.

Ngày Tết ở Việt Nam là ngày đoàn tụ gia đình để thờ cúng ông bà tổ tiên và chúc mừng người thân, bạn bè một năm mới bình an, hạnh phúc

Trước Tết, nhà cửa thường được dọn dẹp sạch sẽ, mọi khoản nợ cũ phải thanh toán hết và trẻ con được mua quần áo mới để năm mới được khởi đầu một cách tích cực. Người Việt Nam thường mua các loại mứt tết, trà ngon, bánh kẹo, hoa quả và rượu để chúc Tết người thân và những người có ơn với mình. Bàn thờ tổ tiên được lau chùi, trang hoàng với mâm ngũ quả, hoa, hương, các loại đồ ăn truyền thống như bánh chưng, canh măng, giò, xôi gấc. Họ cũng thường chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng, phát tài và phát lộc.
Xem thêm: 4 lịch trình gợi ý cho dịp Tết

Trung Quốc


Tết âm lịch là một ngày lễ lớn đối trên đất nước Trung Quốc, mọi người chào đón năm mới với những món ăn mang ý nghĩa trường thọ

Năm mới ở Trung Quốc là thời gian để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, bày tỏ sự kính lễ đối với tổ tiên. Có rất nhiều phong tục được người Trung Quốc thực hiện với hi vọng mang lại may mắn. Trước khi năm mới bắt đầu, họ sẽ trả hết các khoản nợ để bắt đầu một năm không nợ nần. Một tuần trước Tết, những người đàn ông trong gia đình làm lễ cúng thần bếp. Đồ cúng thường là các thức ăn ngọt và dính, đặc biệt là mạch nha để làm hài lòng thần bếp nhưng cũng là cách để “dính” miệng thần bếp lại. Bằng cách này, ông sẽ không thể nói được bất cứ điều gì xấu mang lại tai họa cho gia đình. Mọi người mua quần áo mới để mặc. Nhà cửa được dọn dẹp, trẻ em được mừng tuổi bằng các bao lì xì màu đó có chứa tiền. Mọi người chúc nhau một năm mới nhiều tài lộc và cùng nhau ăn các món ăn có ý nghĩa trường thọ như mì hay cá (trong tiếng Trung Quốc, cá phát âm là “yu”, giống như âm của “phong phú”) và bánh niên cao làm từ gạo nếp và đường để mong một cuộc sống giàu có và ngọt ngào.
Xem thêm: 6 điểm đón xuân tuyệt đẹp ở Trung Quốc

Thái Lan

Ngày Tết ở Thái Lan có tên gọi là Songkran. Trong bốn ngày lễ hội, người dân vẩy nước thơm vào người nhau, tượng trưng cho sự trong sạch và đổi mới.

Bạn có thể thấy các hình ảnh hất nước tung tóe một cách vui vẻ vào người nhau trên đường phố Thái Lan vào những ngày đầu năm mới, nhưng ở trong gia đình, phong tục này nhẹ nhàng và chân thành hơn. Những người trẻ tuổi rót chậm rãi nước ướp cánh hoa nhài từ vai xuống lưng hoặc lên tay nngười lớn tuổi trong khi nói những lời chúc tốt lành cho năm mới. Đổi lại, các vị trưởng lão sẽ xin được thứ lỗi cho những lời mắng mỏ khắc nghiệt họ đã sử dụng trong năm qua và đưa ra một lời chúc về sức khỏe và trí tuệ đối với các thành viên ít tuổi trong gia đình. Kết thúc nghi lễ là việc buộc dây quanh cổ tay người kia trong khi đọc một lời cầu nguyện phước lành. Lễ hội Songkran còn bao gồm cả việc lau dọn nhà cửa, rửa tượng Phật bằng nước thơm, đến thăm đền chùa và mang biếu các nhà sư trái cây tươi, áo mới và những món ăn ngon.
Xem thêm: Tour du lịch Thái Lan dịp Tết Nguyên đán

Hàn Quốc

Hàn Quốc ăn mừng cả hai năm mới, nhưng năm mới theo lịch âm, hay còn gọi là Sol ở Hàn Quốc khá trầm lắng và yên tĩnh hơn các nước khác ở châu Á. Không có pháo nổ, không trang trí đầu rồng công phu hay các hoạt động vui chơi lớn, người Hàn quốc đón năm mới trong không gian gia đình, thờ cúng tổ tiên và ăn các đồ ăn ngon.


Người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống trong các buổi họp mặt gia đình hay dạo chơi vào ngày Tết

Mâm cơm truyền thống ngày tết Sol ở Hàn Quốc thường gồm bánh bao, súp dduk good hoặc mandu guk, xôi, mì, trái cây tươi với sự có mặt của đông đủ các thành viên. Món dduk good và mandu gook là hai loại bánh Người dân mặc các trang phục truyền thống, tặng tiền cho trẻ nhỏ và lũ trẻ phải cúi đầu thấp để bày tỏ lòng cám ơn.
Xem thêm: Say đắm lễ hội Hoa Jinhae - Hàn Quốc

Campuchia

Lễ hội mừng năm mới ở Cam-pu-chia có tên gọi là Thmey Chaul Chnam, thường kéo dài trong ba ngày. Trong những ngày này, mọi người phân chia thời gian để vui chơi, ăn uống, và lên chùa cầu nguyện

Tại Campuchia vào ngày đầu tiên trong dịp Tết, mọi người tập trung trước bàn thờ gia đình được trang hoàng với nến, hương, hoa, trái cây, bát nước thơm. Mọi thành viên cầu nguyện cho sức khỏe, hạnh phúc và một năm mới may mắn. Sau đó, họ tắm gội sạch sẽ và đội cỗ lên chùa biếu cho các nhà sư. Sau thời gian làm lễ tại chùa, họ cùng nhau chơi các trò chơi truyền thống và xây một ngọn núi bằng cát trong đền thờ. Ngọn núi càng cao thì mọi người càng có nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Ngày thứ hai, các gia đình tiếp tục làm lễ dâng cơm cho các vị sư, sãi ở chùa vào buổi sáng và trưa. Sau đó mọi tiếp tục đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng với một ngọn ở trung tâm tượng trưng cho vũ trụ. Ngày cuối cùng, các nhà sư sẽ ban phước cho các ngọn núi còn người dân rửa tượng Phật bằng nước thơm. Công việc này sẽ mang lại may mắn, và cuộc sống trường họ cho những người tham gia. Sau khi các bức ảnh Đức Phật được lau rửa sạch sẽ thì mọi người cũng tham gia vào việc tắm gội cho chính mình. Người già, trưởng lão, giáo viên… đều tắm với nước thơm để bắt đầu một năm mới với khuôn mặt và cơ thể sạch sẽ.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Campuchia

Singapore

Với hơn 50% dân số là người Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi người dân Singapore đón năm mới Âm lịch như một ngày lễ lớn

Theo lịch, thời gian nghỉ Tết âm lịch chính thức chỉ kéo dài trong ba ngày, nhưng người dân Singapore thường mất cả tuần nghỉ để ăn mừng, thăm hỏi người thân và bạn bè. Các cửa hàng nhộn nhịp trước Tết, phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân. Nhà cửa lau chùi sạch sẽ, quần áo mua mới để diện tết, mọi thứ đều sẵn sàng cho một năm mới tốt lành. Bữa ăn tất niên thường tăng gấp đôi về số lượng thực phẩm vì đây là thời điểm mọi thành viên trong gia đình sinh sống, làm việc và học tập từ khắp nơi trên thế giới về đoàn tụ. Giống như Trung Quốc, người Singapore ăn những món ăn có ý nghĩa may mắn, phong bao lì xì được tặng cho trẻ nhỏ. Bọn trẻ thường đặt những phong lì xì dưới gối cho đến tận ngày 15 mới mở ra. Điều này đảm bảo một năm mới may mắn, nên cũng đáng để lũ trẻ học cách chờ đợi.
Xem thêm: 10 trải nghiệm miễn phí ở Singapore

Nhật Bản

Trong thời cổ đại, người Nhật Bản cũng tổ chức đón tết Âm lịch giống Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhưng kể từ khi Nhật sử dụng lịch phương tây vào năm 1873, người Nhật đón tết Dương lịch theo Châu Âu. Tuy nhiên, các phong tục đón năm mới của người Nhật vẫn không kém các nước láng giềng về màu sắc và truyền thống.

Dù người Nhật đã chuyển sang đón năm mới theo lịch dương, nhưng không vì thế mà ngày tết của họ kém màu sắc và truyền thống hơn các nước láng giềng phía Đông

Vài ngày trước tết, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ đạc, thực phẩm, đậu khô được rải trong các phòng để xua đuổi tà ma. Trong đêm giao thường, các ngôi đền, chùa rung 108 tiếng chuông, tương ứng với số hạt trên chuỗi tràng hạt, đại diện cho những khó khăn và nỗi buồn của năm mới đang đi qua. Vào những ngày đầu năm, người dân thường đến viếng thăm đền Shinto hay các ngôi chùa Phật giáo, hoặc ra biển để chứng kiến mặt trời mọc nhằm cầu mong sức khỏe tốt lành trong suốt năm mới.
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc
(Tổng hợp)

Những lý do phải đến Hà Nội vào mùa xuân

Nếu bạn còn băn khoăn không biết có nên đến Hà Nội vào thời gian này hay không thì 5 lý do dưới đây sẽ tiếp cho bạn thêm động lực.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

1. Thời tiết ấm áp


Hà Nội xuân về ẩm ướt dịu dàng trong những cơn mưa bụi

Thời tiết của Hà Nội có 4 mùa rõ rệt, trong đó mùa thu và mùa xuân là thời điểm phù hợp nhất để đi du lịch. Nếu Hà Nội mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, mùa hè thì trời oi bức và nóng nực, mùa thu bảng lảng những cơn gió heo may se lạnh thì mùa xuân lại có những cơn mưa phùn lây rây làm nao nao lòng người.

Người ta vẫn thường nói thích Hà Nội nhất khi thu về, vì khi ấy Hà Nội là của hương hoa sữa, những con đường ngập lá vàng rơi, bầu trời xanh ngắt, nắng hanh vàng và gió heo may se lạnh… Nhưng với nhiều người lại thích Hà Nội khi xuân tới.

Nếu ghé thăm Hà Nội vào mùa xuân, bạn nên mặc thêm áo dài tay hoặc đem theo áo khoác nhẹ để tránh bị ho nhé!

2. Những làng hoa xuân đẹp ngẩn ngơ

Những làng hoa đẹp ngẩn ngơ mỗi độ xuân về. Ảnh: Caoanhtuan

Nói đến thú chơi hoa Tết, có lẽ không đâu sánh bằng Hà Nội. Con người Hà thành hào hoa tao nhã và mang nét thanh lịch của đất kinh kỳ nên thú chơi của họ cũng rất công phu. Xuân về, người Hà Nội thường rủ nhau đến những làng hoa quanh thành phố để thưởng lãm.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km, làng Tây Tựu (Từ Liêm) có nghề trồng hoa lâu đời, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên 250 triệu bông hoa. Tây Tựu nổi bật với những cánh đồng trồng hoa cúc vàng rực rỡ, xen lẫn cúc chi và hoa hồng, hoa đồng tiền. Vào ngày giáp Tết, đồng hoa violet tím, hoa layon, hoa thược dược lại có dịp khoe sắc trong tiết trời lạnh giá.

Làng đào Nhật Tân nổi tiếng từ lâu với giống đào bích cho hoa đẹp, nở đều, sắc thắm… Những ngày này, vườn đào lại tấp nập, rộn ràng hơn bởi nhiều bạn trẻ đến ngắm hoa hay chụp ảnh bên gốc đào tươi thắm. Những tà áo dài thướt tha, đèn lồng, lì xì, câu đối đỏ cùng sắc màu của các loài hoa trong vườn đào khiến người người, nhà nhà cảm nhận rõ nét hơn không khí xuân rộn ràng đang đến gần.

3. Hoa đào khoe sắc trên từng con phố


Tháng giêng, hoa đào đón xuân cùng hoa mùi già ngan ngát. Những cánh hồng yêu kiều mỏng manh trong làn mưa bụi khiến lòng người chợt thấy nao nao. Hoa đào đủ loại len lỏi trên những con phố, như mang mùa xuân về từng ô cửa, từng mái nhà.

Tết càng đến gần mà thiếu đi những cành đào thì khí xuân cũng vợi mất một nửa. Theo chân mùa xuân, những cành đào đầu tiên cũng đã có mặt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Hình ảnh đó gợi về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội rất đỗi bình yên, dịu dàng.

4. Hoa ban, hoa sữa lãng mạn

Tháng 3 Hà Nội trắng muốt mùa hoa sữa

Khi những cánh đào rụng xuống là lúc những tán hoa sưa li ti bắt đầu nở rộ và phủ trắng những tán cây xanh mướt. Bất chợt một ngày đi trên phố, bạn nhận ra hàng cây vẫn đứng lặng thầm suốt mùa đông khoác một tấm áo trắng xóa, đấy là mùa xuân đã gọi hoa sưa về. Trên các con phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Bưởi… vào mỗi độ tháng 3, hoa sưa nở trắng trời tạo nên khung cảnh vô cùng quyến rũ.

Xuân về, đường phố Hà Nội bỗng trở nên thơ mộng hơn bởi sắc màu của hoa ban tím. Thời tiết Hà Nội những ngày này ẩm ương, nồm và thất thường như con gái vậy. Những lúc ấy chỉ thèm ngủ vùi dưới một hàng ban tím để thấy tâm hồn thật bình yên.

5. Mùa xuân - mùa lễ hội

Hà Nội - mảnh đất văn hiến ngàn năm lịch sử, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá sẽ diễn ra hàng trăm lễ hội lớn nhỏ khi xuân về. Đây cũng là thời điểm Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch

Hàng loạt lễ hội truyền thống sẽ được tổ chức để tưởng nhớ những nhân vật truyền thuyết, lịch sử như: Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng) được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của Vua Quang Trung - người anh hùng kiệt xuất trong lịch sử chống giặc Thanh của dân tộc, lễ hội đền Sóc (6-7 tháng Giêng) thờ Thánh Gióng - vị thánh có công đánh đuổi giặc Ân, hội đền Hai Bà Trưng (mùng 6 tháng Giêng) tưởng nhớ công lao của hai Bà Trưng phát động khởi nghĩa nhằm đánh đuổi giặc Đông Hán, lễ hội Cổ Loa (6-8 tháng Giêng) tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi...

Đặc biệt, lễ hội Chùa Hương là lễ hội kéo dài thời gian nhất ở nước ta. Du khách đến đây không chỉ cầu phúc, cầu may, mà còn được thăm thú cảnh đẹp chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hùng vĩ, sông suối nên thơ, hang động kỳ thú.

Ngoài ra, nhiều lễ hội làng vùng ngoại thành Hà Nội cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách như lễ hội chùa Thầy, hội chùa Trăm Gian, Tây Phương, lễ hội làng Sơn Đồng (Hoài Đức), làng gốm (Bát Tràng), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông)...

Theo Timeout Vietnam

Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

Những lễ hội đầu xuân của Việt Nam

Trên khắp các vùng miền của tổ quốc, tháng Giêng, vốn được coi là tháng ăn chơi, là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội độc đáo và đặc sắc nhất trong năm như chùa Hương, Yên Tử, chọi trâu.
Xem thêm: Những điểm đến lý tưởng cho tháng 2

Lễ hội chùa Hương, Hà Nội


Hội chùa Hương diễn ra tại xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức, Hà Nội từ ngày 6 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Đến với lễ hội, du khách không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh. Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân tộc như bơi thuyền, leo núi, xem các chiếu hát chèo, hát văn…Ảnh: giacngo.
Xem thêm: Chùa Hương ngày khai hội

Hội Lim, Bắc Ninh


Là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc với nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, nấu cơm... Đặc sắc hơn cả là phần hát hội, từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông...Ảnh:dulichbinhduong.

Lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh


Đây là một lễ hội lớn ở xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Ngày khai hội được tổ chức vào ngày 10/1 âm lịch. Lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… và thu hút hàng triệu lượt khách dâng hương hàng năm. Hệ thống cáp treo 2 chặng từ bến Giải Oan đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên tới khu vực tượng An Kỳ Sinh đã được nâng cấp, đảm bảo việc vận hành trơn tru để phục vụ du khách trong năm nay. Ảnh: ditichlichsuvanhoa.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử

Hội gò Đống Đa, Hà Nội

Hội diễn ra ngày 5/1 âm lịch hàng năm tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Sau những hội trống, chiêng báo hiệu bắt đầu cuộc rước thần chiến thắng, tượng trưng biểu dương khí thế quân Tây Sơn, từ đình làng Khương Thượng về gò Đống Đa. Tham gia cuộc rước có thanh niên các làng: Khương Thương, Thịnh Hào… ăn mặc theo lễ phục hội, đi sau là cờ, biểu, lộng kiệu… và cuối đoàn rước là hình tượng “con rồng lửa” kết bằng rơm. Sau phần nghi lễ là các trò chơi dân gian vui khỏe, đua tài, đua trí như: múa rồng, múa lân, đấu vật, chơi cờ, chọi gà…Ảnh: Quý Đoàn.

Lễ hội đền Gióng, Hà Nội


Hội Gióng được tổ chức tại nhiều nơi ở Hà Nội. Trong đó, 2 lễ hội tiêu biểu là hội Gióng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, Gia Lâm - nơi sản sinh ra người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng và hội Gióng ở đền Sóc, xã Phù Linh, Sóc Sơn. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 6/1 âm lịch hàng năm và kéo dài trong 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Ảnh: trithuc9.

Lễ hội Cổ Loa, Hà Nội

 
Được tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch, lễ hội Cổ Loa diễn ra tại huyện Đông Anh nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương - người có công xây dựng nhà nước Âu Lạc, định đô tại Cổ Loa. Không chỉ có các nghi lễ tế, rước truyền thống, lễ hội Cổ Loa còn tưng bừng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh đu, đấu vật truyền thống, hát quan họ trên thuyền, bên giếng Ngọc trước cửa đền Thượng... Ảnh: yeunhiepanh.

Hội Xoan, Phú Thọ


Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng tại huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ nhằm tưởng nhớ Xuân Nương, một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng. Khởi đầu lễ hội là tiệc cầu xuân dâng Thành hoàng, theo truyền thống dọn cỗ chay, có củ mài và mật ong. Tục truyền việc mổ trâu “nồi da xáo thịt” diễn lại tích năm tướng của vua Hùng thờ thần sông mà thoát nạn, khi lên bờ tìm trâu mổ thịt, lấy da làm nồi nấu để tế thần sông. Ảnh: phuthodfa.

Lễ hội đền Trần, Nam Định


Thường gọi là Lễ khai ấn đền Trần, diễn ra từ ngày 14 tháng Giêng hàng năm tại đền Trần ở Nam Định (phường Lộc Vượng). Đây là một trong những lễ hội nhằm tri ân công đức 14 vị vua Trần. Điểm nhấn trong lễ hội là lễ khai ấn - thu hút hàng vạn người dân từ khắp mọi nơi đổ về xin ấn cầu mong một năm mới thành đạt, phát tài. Sau ngày khai ấn là các nghi thức quan trọng như lễ rước nước, tế cá…Ảnh: dulichthienthai.

Lễ hội Bà chúa Kho, Bắc Ninh


Lễ hội diễn ra ngày 14 tháng Giêng ở đền bà chúa Kho nằm tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Cuối năm trả nợ, đầu năm đi vay bà chúa Kho đã trở thành một phong tục tồn tại lâu đời tại Việt Nam. Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc". Ảnh: hoangviet.

Hội cầu ngư, Huế


Hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng tại Thái Dương Hạ, Thuận An, thành phố Huế để tưởng nhớ vị thành hoàng của làng Trương Quý Công (biệt danh của Trương Thiều), người gốc Thanh Hoá có công dạy cho dân nghèo đánh cá và buôn bán ghe mành. Trò diễn bủa lưới trong hội cầu ngư sẽ được tổ chức trước đình làng. Sau đó là cuộc đua thuyền trên phá của các xã lận cận. Kết thúc buổi lễ là bữa cơm thân mật giữa quan khách và dân làng ở địa phương. Ảnh:dulichvietnam.

Lễ hội Đền Bà Đen, Tây Ninh


Còn được gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu, được xây trên lưng chừng núi cao độ 380 m ở Tây Ninh. Đến nay, đền được trùng tu nhiều lần, và từ chân núi đi lên đã làm một con đường bậc thang cho người đi bộ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 đến rằm tháng Giêng. Hàng năm, đến ngày lễ hội đền Bà Đen, dân chúng các tỉnh đến rất đông để đến xin phước lành bà Linh Sơn Thánh Mẫu có đến cả trăm nghìn người. Ảnh:baogialai.

Vĩnh Hy (VnExpress)

Bài đăng phổ biến