Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

8 điều cần biết về Tết truyền thống của người Hàn Quốc

Cách chào hỏi, tặng quà hay những nghi lễ đầu tiên trong ngày khởi đầu của năm mới là những điều cần thiết trong Seollal - ngày Tết truyền thống ở xứ ở kim chi.

Xem thêm: Chuseok - Tết Trung thu cổ truyền của người Hàn Quốc

Nếu bạn chuẩn bị đi du lịch Hàn Quốc dịp Tết, làm theo những điều sau đây sẽ giúp bạn được cộng đồng địa phương yêu quý.

Lời chào năm mới

Thông thường, khi người Hàn Quốc nói chúc mừng năm mới, câu nói sẽ mang ý nghĩa “chúc bạn nhận được nhiều may mắn và hạnh phúc trong năm mới”. Nó được phát âm là: sae hae bok manhi bah doo seh yo.

Cách tặng quà

Trước Seollal một tuần, người Hàn Quốc thường bận rộn mua sắm quà cho người thân và bạn bè. Những món quà phổ biến bao gồm thịt, bộ quà tặng hoặc tiền mặt. Bên cạnh đó là những món quà phổ thông hơn như cá, hoa quả tươi, nhân sâm, mật ong, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đồ dùng cá nhân, cá khô và hangwa (một loại bánh truyền thống Hàn Quốc).

Nhân sâm là một loại quà phổ biến trong dịp năm mới với người Hàn Quốc. Ảnh:seoulistic

Nếu bạn muốn tặng tiền mặt, các ngân hàng phát hành các gói quà tặng tiền mặt, bao gồm những tờ tiền mới từ nhiều nước trên thế giới.

Tín ngưỡng dân gian

Người Hàn Quốc tin rằng các hồn ma đến trần thế để đánh cắp giày trong dịp năm mới. Những linh hồn sẽ chọn đôi giày vừa với chân họ và mang đến vận rủi cho người chủ của đôi giày trong cả năm. Vì thế, mọi người thường giấu giày ở những nơi an toàn.

Điều nên làm vào buổi sáng năm mới

Theo phong tục truyền thống, người Hàn Quốc sẽ mua bokjori (rá vo gạo bằng tre) và treo lên tường để mang đến may mắn cho gia đình. Người ta tin bạn mua bokjori càng sớm, may mắn đến với gia đình bạn sẽ càng nhiều.

Trong dịp này, người dân cũng mặc những bộ Hanbok sặc sỡ và đẹp nhất với nguyện ước cho một tương lai tươi sáng. Sau đó, họ sẽ ghé thăm gia đình, họ hàng để cùng nhau ăn mừng ngày lễ.

Charye - phong tục thờ cúng tổ tiên

Charye là nghi lễ cầu nguyện cho sự bình yên và sức khỏe của tổ tiên. Một bàn charye được sắp xếp với nhiều loại hoa quả đủ hình dáng, màu sắc tươi sáng. Người Hàn Quốc cũng có quy tắc bày biện trên bàn thờ riêng, gọi là Jesa Whiz.

Nghi lễ charye của người Hàn Quốc với bàn thờ tổ tiên. Ảnh: jakwave

Các món ăn truyền thống được đặt lên bàn thờ bao gồm canh bánh gạo, mì khoai lang với thịt và rau, sườn lợn sốt, bánh quy truyền thống, hoa quả và nhiều món khác. Sau khi lễ charye kết thúc, mọi người sẽ cùng nhau ăn các món truyền thống với hy vọng những điều tốt đẹp của tổ tiên sẽ được truyền lại cho họ.

Ăn canh bánh gạo Tteokguk

Người dân xứ sở kim chi có thói quen ăn Teokguk - canh bánh gạo vào buổi sáng Seollal đầu tiên với gia đình. Mọi người có thói quen hỏi nhau đã ăn bao nhiêu bát Tteokguk vì họ quan niệm, bạn sẽ lớn thêm một tuổi nếu ăn thêm một bát tteokguk.

Sebae - nghi thức cúi đầu chào

Sau bữa ăn, con cháu trong gia đình sẽ cúi đầu kính cẩn và tặng quà cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, những người lớn tuổi sẽ tặng con cháu phong bao lì xì (sebaedon). Nam và nữ có cách cúi đầu khác nhau. Sebae không đơn thuần chỉ là cái cúi chào mà còn là một nghi thức quan trọng trong dịp năm mới.

Các hoạt động gia đình

Với các thành viên trong gia đình, họ thường cùng nhau chơi Yutnori (trò thả 4 que gỗ trên một bàn kẻ ô sẵn), đá cầu, bắn cung và thả diều. Ngoài ra, mọi người có thể cùng quây quần và xem phim.

Người Hàn Quốc chơi đá cầu trong dịp năm mới. Ảnh: visitkorea

Minh Đức (VnExpress)

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Nhà hàng trong hang động ở Italy đẹp nghẹt thở

Được ngồi thưởng thức bữa tối ở đây, dưới ánh đèn lung linh, nghe tiếng sóng vỗ rì rào như trong những bộ phim lãng mạn là mơ ước của rất nhiều người.
Xem thêm: Các nhà hàng hướng biển lãng mạn trên thế giới

Nhà hàng kiêm khách sạn Grotta Palazzese được xây ngay trong lòng hang động đá vôi hình vòm thuộc thị trấn Polignano a Mare, miền nam Italy.


Đây từng là nơi sinh sống của người tiền sử từ thời đồ đá rồi trở thành thuộc địa của Hy Lạp.


Sau đó khi về lại với Italy, nó được biến thành nơi tụ tập của giới quý tộc địa phương.




Từ những năm 1700, hang động này thường xuyên diễn ra các bữa tiệc sang trọng mà cho đến ngày nay cũng khó có thể tái hiện được.


Tới đây, bạn sẽ được tận hưởng không khí lãng mạn khi ngồi ăn tối trong ánh đèn lung linh, dưới chân là sóng vỗ rì rào.


Đồng thời còn có rất nhiều hoạt động giải trí khác cũng thú vị không kém như tắm biển hay lướt sóng, chèo thuyền kayak, lượn lờ thám hiểm bằng ca nô dành cho du khách.




Khung cảnh của nhà hàng như bước ra từ những câu chuyện cổ tích khiến cho bất kỳ ai cũng mong muốn được một lần bước chân tới và chìm đắm giữa chốn thần tiên như thực như mơ này.


Theo Boredpanda

12 điều bạn sẽ nhớ sau chuyến du lịch Buôn Ma Thuột

Đến với phố núi Buôn Ma Thuột du khách không thể quên được mùa hoa cà phê trắng muốt, những ngọn thác hùng vỹ hay chuyến khám phá hồ Lak trên thuyền độc mộc.

Xem thêm: 8 trải nghiệm hấp dẫn chỉ có ở Tây Nguyên

Buôn Ma Thuột không phải là một thành phố nổi tiếng về du lịch, nhưng đối với những ai yêu thích không khí nhẹ nhàng, dễ chịu nhất định sẽ thương nhớ nơi này chỉ sau một chuyến đi. Không quá đông đúc như Đà Lạt, phố núi có một sức hút riêng, một nét đẹp không thể lẫn vào đâu được.

Cưỡi voi ở Buôn Đôn

Du khách thích thú khi cưỡi voi vượt sông. Ảnh: vietnamtourism

Nếu không ghé qua Bản Đôn để cưỡi voi là một thiếu sót. Đây là địa danh nổi tiếng về việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Đến đây bạn sẽ được trải nghiệm cưỡi voi vượt sông Serepok, băng rừng quốc gia Yok Don hay cưỡi voi tham quan cuộc sống của người dân trong các buôn làng. Làm bạn với voi qua sự hướng dẫn của những cô bé M’Nông cũng là một cảm xúc khó tả.

Ngắm dòng Serepok hiền hòa

Dòng Serepok chảy sang đất Campuchia trước khi nhập vào sông Mekong để sau đó con sông lớn này trở lại Việt Nam. Dòng sông dài 406 km có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn hoang sơ là những điểm nổi bật hấp dẫn khách du lịch. Serepok được hợp lại từ hai dòng Krông Knô và Krông Ana. Điều lạ nữa là hai dòng chảy song song, nhưng một dòng thì quanh năm đỏ ngầu, còn dòng kia lúc nào cũng xanh trong vời vợi.

Đắm mình trên những con thác hùng vĩ

Thác Dray Nur hùng vĩ. Ảnh: PV Hương

Huyền thoại Serepok đã tạo ra những con thác hùng vĩ như Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ, Bảy Nhánh, Krong Kmar, Bìm Bịp… là những điểm du lịch hấp dẫn. Để khám phá hết những ngóc ngách của các con thác này, bạn phải mất ít nhất hai ngày leo trèo tốn nhiều sức lực. Tuy nhiên, những gì bù đắp lại cho bạn chính là khung cảnh đẹp của đại ngàn với những dòng thác tung bọt trắng xóa ngày đêm. Hãy len lỏi xuống chân thác, bạn sẽ tìm được các hốc đá rất an toàn để đắm mình trong dòng nước mát lạnh mà không sợ ai phát hiện. Sẽ là một trải nghiệm khó quên trong đời khi bạn hòa mình giữa thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng lúc ráng chiều.

Những khu vườn quốc gia mênh mông

Rừng cây mùa thay lá. Ảnh: ST

Đắk Lắk có hai khu vườn quốc gia nổi tiếng là Yok Don và Chư Yang Sin, ngoài ra còn có khu bảo tồn quốc gia Nam Ka và Ea So. Vườn quốc gia Chư Yang Sin có phong cảnh ngoạn mục với hơn 40 dãy núi cao, thấp khác nhau, có nhiều sườn dốc, những thảm rừng mênh mông và nhiều suối, ghềnh, thác đan xen, trùng điệp. Trong đó, dãy Chư Yang Sin chia vườn thành hai khu Bắc - Nam là dãy núi cao nhất, với đỉnh cao 2.442 m.

Đỉnh Chư Yang Sin được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Tây Nguyên, sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Còn Yok Don lại là một trong những khu bảo tồn tự nhiên lớn nhất của Việt Nam, nơi sinh sống của nhiều loài thú lớn như bò rừng, bò tót, trâu rừng, voi, khỉ, vượn, hổ, báo, công, gà lôi, diều hâu… Đây còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên như Ê đê, M’Nông…

Những đồi hoa cà phê

Hoa cà phê nở trắng đồng. Ảnh: Tiểu Duy

Rong ruổi trên những con đường ở Buôn Ma Thuột, không khó để bắt gặp những cánh đồng cà phê bạt ngàn. Nếu đi vào tầm khoảng trước hoặc sau Tết âm lịch, bạn sẽ được chứng kiến vũ điệu của hoa cà phê nở trắng muốt trải dài trên những con đồi nhỏ. Chưa gặp hoa mà mùi hương thoang thoảng đã xộc vào mũi khiến bất cứ ai cũng phải xao xuyến. Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn ong bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn rợp trời. Hương sắc hoa cà phê là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan du khách chưa xa đã nhớ.

Đi thuyền độc mộc trên hồ Lak

Mưu sinh trên hồ Lak. Ảnh: Trần Minh Hoàng

Không chỉ hấp dẫn bởi truyền thuyết, đến hồ Lak bạn sẽ cảm nhận được nét hoang sơ, yên bình. Nhìn từ xa, hồ uốn khúc một dải lụa thiên thanh, mềm mại và quyến rũ. Lại gần, nước hồ xanh thẳm phản chiếu mọi cảnh vật xung quanh. Mùa mưa, nước lên cao và trong vắt tạo thành một khoảng không gian rộng lớn. Muốn tận hưởng hết nét thi vị, bạn có thể lênh đênh trên những chiếc thuyền độc mộc hay ngồi trên lưng voi dạo ngang qua mặt hồ. Ngồi trên thuyền, bạn có thể nhìn thấy những chú cá bơi lượn dưới hồ, nghe tiếng nước khua vào hai bên mạn thuyền, tiếng cá đớp mồi giữa không gian trong lành khiến bạn trút bỏ hết phiền muộn của cuộc sống thường nhật.

Hồ Ea Kao chiều lộng gió

Hồ Ea Kao chiều buông nắng. Ảnh: Tiểu Duy

Hồ nằm cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 12 km, thuộc địa phận xã Ea Kao. Điều thú vị là nơi đây có công trình thủy lợi vận hành từ năm 1983 nhưng đến nay không gian hồ Ea Kao vẫn mang đậm nét hoang sơ. Dưới lòng hồ là hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài cá, tôm nước ngọt. Xung quanh hồ là những dãy núi đồi trập trùng cùng hệ thực vật phong phú. Dù đi vào khoảng thời gian nào, Ea Kao cũng trở thành điểm đến lý tưởng để người dân và du khách tới ngoạn cảnh và thư giãn. Đặc sản được dân địa phương truyền tai nhau chính là món chuối chiên đầu đường Y Wang. Ra đến hồ, bạn gọi một ly nước mía, cắn một miếng chuối chiên và thưởng thức hoàng hôn buông xuống giữa lòng hồ mới cảm nhận hết sự bình yên.

Những quán cà phê san sát nhau

Không thể thiếu tách cà phê quen thuộc. Ảnh: Tiểu Duy

Có lẽ Buôn Ma Thuột là thành phố sau Sài Gòn có nhiều quán cà phê. Các quán cà phê mọc lên san sát nhau khiến cho bất kỳ du khách nào lần đầu tiên đến đây cũng bị choáng ngợp. Ở thành phố được coi là thủ phủ cà phê này, việc mời đi uống cà phê là một nét văn hóa, một phong cách sống. Không dễ để phân định cà phê ở đâu là ngon nhất trong hàng trăm hàng quán lớn nhỏ. Chỉ biết rằng, đêm ở Buôn Ma Thuột, được ngồi cùng bạn bè bên ly cà phê đặc quánh, ấm nóng giữa không gian đậm chất núi rừng Tây Nguyên, đó quả là một trải nghiệm khó quên.

Kiến trúc bảo tàng Đắk Lắk

Một phần kiến trúc cửa kính trong suốt tại bảo tàng Đắk Lắk. Ảnh: Tiểu Duy

Trong số những điểm tham quan ở Buôn Ma Thuột, có một nơi mà bạn không thể bỏ qua trong hành trình của mình là Bảo tàng Đắk Lắk. Được xây dựng ngay trên chính Biệt điện Bảo Đại, đây là một công trình kiến trúc theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống. Bảo tàng gồm hai tầng và được bố trí thành 3 không gian trưng bày với 3 nội dung lớn: Đa dạng sinh học, Văn hóa dân tộc và Lịch sử. Nổi bật nhất ngoài khuôn viên bảo tàng là hai cây long não đối xứng hai bên với chu vi gốc trên 8 m và tán lá bao trùm hơn 200 m2.

Thành phố về đêm

Buôn Ma Thuột về đêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Phụ Hồ Phố Núi

Buôn Ma Thuột về đêm có rất nhiều thứ để nói. Nổi bật hơn cả là khu tượng đài chiến thắng và khu chợ đêm. Khu chợ đêm trên đoạn đường Điện Biên Phủ, Nơ Trang Lơng… thu hút khá đông khách hàng bởi đa dạng mặt hàng, giá cả phù hợp, không khí nhộn nhịp, tươi mới. Người ta đến chợ không chỉ mua sắm, mà còn tụ họp bạn bè, vui chơi, thưởng thức ẩm thực hay dạo phố… Bên cạnh đó, con đường ẩm thực Y Jút về đêm cũng nhộn nhịp không kém. Bạn có thể thưởng thức sữa đậu nành hoặc sữa bắp nóng hổi giữa cái lạnh nhè nhẹ của phố núi.

Cảnh sát giao thông

Cảnh sát giao thông. Ảnh: Báo Giao Thông

Đừng bất ngờ khi chỉ vừa đến địa phận tỉnh Đắk Lắk là bạn phải tập trung khi tham gia giao thông bởi công an ở đây nhiều không thua gì cà phê Ban Mê. Càng vào trung tâm, công an càng nhiều. Những lỗi vi phạm thường thấy là chạy lấn tuyến hoặc chạy quá tốc độ quy định. Bởi thế, kể cả người dân lẫn khách du lịch đều phải tuân thủ luật giao thông một cách nghiêm túc. Rất khó bắt gặp người địa phương không đội mũ bảo hiểm, chở ba hay chạy lạng lách đánh võng. Đây cũng là một điểm sáng của phố núi mà các thành phố khác nên học tập.

Nhịp sống chậm rãi, bình yên

Vẻ đẹp yên bình của phố núi. Ảnh: PT

Điều cuối cùng, Buôn Ma Thuột khiến người ta thêm yêu và muốn quay lại nhiều lần bởi nhịp sống không vội vàng của người dân ở đây. Mọi thứ đều rất tự nhiên và nhẹ nhàng như chính những gì vốn có của phố núi. Con người Buôn Ma Thuột thân thiện, thẳng thắn nhưng không thiếu sự khéo léo khi giao tiếp với khách du lịch. Không chỉ vậy, họ còn sẵn sàng tư vấn nhiệt tình cho khách du lịch nên đi chơi những địa điểm nào, phương tiện gì là hợp lý và giá tốt nhất với thái độ chân thành và nụ cười thân thiện.

Theo Ivivu

Bài đăng phổ biến