Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Khám phá Hong Kong trong 3 ngày

Đi lại ở Hong Kong khá dễ dàng nên dù chỉ có 3 ngày, bạn vẫn có thể đi hầu hết các địa điểm nổi tiếng, mà không cần quá vội vã.
Xem thêm: Địa chỉ cho bữa ăn khuya ở Hong Kong

Chuyến du lịch Hong Kong với khoảng thời gian trong 5 ngày, tuy nhiên ngày đầu tiên đến sân bay muộn và ngày cuối cùng ra sân bay từ trưa nên nếu tính ra, chúng tôi chỉ có 3 ngày trọn vẹn để khám phá Hong Kong. Nhìn qua, khoảng thời gian này khá ít ỏi nhưng thực tế biết cách sắp xếp hợp lý thì bạn hoàn toàn có thể đến tất cả những nơi nổi tiếng ở Hong Kong. Dưới đây là lịch trình chi tiết của chúng tôi trong chuyến đi vừa qua.

Một địa điểm được nhiều du khách "check in" vì từng xuất hiện trên các phim truyền hình

Ngày 1

Xuống sân bay Quốc tế Hong Kong vào khoảng 21h. Bắt xe buýt A21 (giá vé 33 HKD) về khu Mong Kok. Xe đi mất khoảng 1 tiếng để về đến đường Nathan (khu vực nổi tiếng dành cho khách du lịch bụi, ở đảo Cửu Long).

Nhà nghỉ Apple Inn nằm trong toà nhà Sun Hing Building, số 607 Nathan Road.

- Đi bộ mất khoảng 5 phút để ra chợ đêm Ladies Market.

- Ăn tối và mua sắm.

Ngày 2

Tàu điện lên The Peak mà bạn không nên bỏ lỡ

- Ăn sáng ở quán Kam Wah Cafe tại 47 đường Bute (cắt ngang đường Nathan) với trà sữa nóng, bánh trứng và bánh dứa. Quán mở cửa rất sớm từ 6h30, trong khi đó các quán ăn, nhà hàng ở Hong Kong mở cửa rất muộn, thông thường từ 10h.

- Thăm đền Sik Sik Yuen Wong Tai Sin (Huỳnh Đại Tiên) ở trạm MRT Wong Tai Sin. Cửa ra B2 và đi bộ mất khoảng 3 phút.

- Buổi trưa ăn tại quán Hello Kitty Chinese Cuisine (Lee Loy Mansion, 332-338 đường Canton). Di chuyển đến trạm MRT Austin, cửa ra B2.

- Đi phà từ đảo Cửu Long sang đảo Hong Kong. Di chuyển đến trạm MRT East Tsim Sha Tsui, Exit cửa L6 và đi thẳng ra bến phà Star Ferry, mua vé phà đến bến phà Central (bến phà Central hoạt động đến 10h30 tối còn bến phà Wanchai là 15h30 chiều). Vé phà trả bằng thẻ Octopus khoảng 2,5 HKD.

- Đi ra trạm tàu điện Peak Tram để lên núi The Peak (Thái Bình) ngắm cảnh Hong Kong về đêm. Đến bến phà Central, tìm bến xe buýt và đợi xe 15C. Mua vé khứ hồi Peak Tram với giá 40 HKD khứ hồi, giá vé một lượt là 28 HKD. Bạn có thể chọn đi xe buýt lên thẳng núi. Bắt xe Bus 15 ở trạm bus Square, gần trạm MTR Hong Kong, cửa ra D.

- Mua vé thăm quan Sky Terrace 428 với giá 48 HKD. Bạn có thể mua kết hợp cả 2 lượt Peak Tram và vé lên thăm quan Sky Terrace 428 với giá 83 HKD.

- Ăn tối tại Mak's Noodle với món mì thịt và gân bò (50 - 60 HKD/bát).

- Ngắm cảnh đêm Hong Kong từ núi Thái Bình

- Ra Lan Quế Phường chơi (Trạm MTR Central Station, cửa ra D2)

- Từ đảo Hong Kong, bạn có thể đi tàu điện ngầm hoặc phà về lại Mong Kok hoặc phải chọn taxi nếu quá muộn.

Ngày 3

Cầu thang cuốn Mid Levels dài nhất thế giới

- Đi cầu thang cuốn dài nhất thế giới Mid Levels (trạm Central - cửa C), thăm đền Man Mo (MTR Central, cửa ra D2), ra quán Strabucks cổ nhất Hong Kong ở đường Duddell.

- Qua Tai Cheong Bakery ăn bánh trứng (32 đường Lyndhurst Terrace)

- Tối ăn ngỗng quay ở Yung Kee (32-40 đường Wellington) hoặc Yat Lok (34-38 đường Stanley)

- Xem biểu diễn ánh sáng ở cảng Victoria, ngắm tháp đồng hồ.

- Ăn đêm ở One Dimsum (Kenwood Mansion, 15 đường Playing Field, Prince Edward); ăn đồ tráng miệng ở quán Yee Shun Dairy (513 đường Nathan); uống nước dừa ở King of Coconut (gần đường Ladies Street, đối diện quán Starbucks)

Ngày 4

- Ăn sáng ở Café De Coral

- Khám phá đảo Đại Nhĩ Sơn với Ngong Ping 360 (có thể thay thế bằng Ocean Park hoặc Disneyland vì cùng đảo). Mua vé cáp treo, lúc đi Cabin đáy kính và lúc về Cabin thường giá 240 HKD.

- Ăn tối món Chilli Crab và mì ngỗng quay ở Hing Kee (180 đường Nathan).

- Tối ăn đêm, mua sắm ở khu Temple Street Night Market (Trạm MTR Jordan, cửa A).

Ngày 5

Vé xe buýt tại Hong Kong

- Bắt xe buýt A21 ra lại sân bay. Xe sẽ dừng ở cả Terminal 1 và 2 nên bạn hãy xem trước hãng hàng không của mình xuất phát từ đâu.

- Trả lại thẻ Octopus

Giá tiền quy đổi: 1 HKD khoảng 3.000 VND
Theo NgoiSao

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Núm đuôi xào nghệ và cá ngạnh um măng ở Huế

Hai món ăn có tên gọi lạ tai gắn liền với cuộc sống người Huế đã trở nên không thể thiếu trong bữa cơm đãi khách quý khi tới nhà.
Xem thêm: Những món bánh canh miền Trung bạn nên thử

Bánh bèo, bánh lọc hay bánh canh cá lóc đã quá quen thuộc thì hai món ăn đậm vị cay sau đây sẽ giúp bạn có trải nghiệm gần gũi hơn với ẩm thực của người dân xứ Huế.

Cay nồng núm đuôi xào nghệ

Với cái tên khá lạ lẫm với du khách đến Huế, món ăn này gây sự tò mò. Núm đuôi ở đây là phần ruột già trong bộ lòng heo, được rửa thật sạch với muối hạt, thái miếng khoảng 1 cm. Có thể thêm gan heo thái mỏng, huyết heo. Phần gia vị của món ăn này khá cầu kỳ. Rau răm rửa sạch, băm nhỏ, hành tây bóc vỏ thái miếng, lá hẹ rửa sạch cắt khúc 5 cm, ớt trái cắt khoanh. Nghệ rửa sạch, gọt vỏ và giã nát.

Cách chế biến đòi hỏi người đứng bếp thật nhanh tay, sao cho các nguyên liệu đều chín vừa tới, đảo đều nhưng không bị nát. Trên chảo nóng, cho dầu ăn, phi hành băm, cho núm đuôi, gan heo vào xào săn rồi nêm ít muối, nước mắm, bột ngọt vào đảo đều, thêm phần huyết heo vào xào nhẹ tay. Trút phần nghệ đã giã nát vào chảo. Tiếp theo cho hết phần hành tây, rau răm cùng lá hẹ. Cuối cùng cho bún tươi vào để lửa nhỏ và trộn đều tay.

Núm đuôi xào nghệ có màu vàng đặc trưng từ nghệ. Ảnh: Má Lúm

Khi múc ra đĩa, món núm đuôi xào nghệ có màu vàng đều của nghệ, vị hơi the và mùi thơm xen lẫn của nghệ cũng như lá hẹ, rau răm, đặc biệt là vị cay nồng đặc trưng của món ăn xứ Huế.

Đậm đà cá ngạnh um măng

Cá ngạnh hình dáng như cá trê nhưng trắng và nhỏ hơn. Loài cá ngạnh của Huế thường thích sống ở các khe suối nước chảy nên dân địa phương gọi là cá ngạnh nguồn. Khi sơ chế, cá được làm sạch ruột cẩn thận không được để mất buồng trứng vàng ươm, chỉ cần cắt bỏ hai ngạnh nhọn bên mang, giữ lại vây và đuôi để thấy nguyên dạng con cá; sau đó ướp nước mắm, hành, tiêu... trong 15 phút trước khi nấu.

Măng chua để um chủ yếu là măng giang, hái về lột bớt vài lần vỏ ngoài, cắt khúc ngắn rồi cắt dọc thành lát mỏng. Ngâm măng vào thau nước lạnh có pha chút muối chừng nửa ngày là vớt ra, xả qua nước lạnh, rồi thả vào hũ nước vo gạo đậm đặc. Khi đó măng tươi sẽ thành măng chua, một nguyên liệu không thể thiếu của các món um, canh chua của người Huế.

Cá ngạnh um măng có màu sắc ngon mắt. Ảnh: Má Lúm

Cách um món này khá đơn giản, cho cá ngạnh vào, rim đến khi thịt cá săn lại, bỏ tiếp măng chua, chuối chát, trộn đều để thấm gia vị. Đổ hỗn hợp trên vào nồi nước đang sôi, cho thêm khế, cà chua, trái thơm vào, đun lửa liu riu.

Khi múc ra bát, rắc thêm hành ngò và hạt tiêu xay, sẽ thấy mùi thơm ngào ngạt tỏa ra. Cá ngạnh um măng ăn kèm bún tươi và rau sống, khi ăn cảm nhận thịt cá ngạnh mềm và béo, có vị chua cay khó quên.

Nếu muốn thưởng thức hai món ăn dân dã này, hãy tìm đến các quán ăn ở đường Trần Huy Liệu (gần Đại Nội) hoặc đường Trịnh Công Sơn. Núm đuôi xào nghệ giá 30.000 - 40.000 đồng một đĩa, cá ngạnh um măng giá 40.000 - 50.000 đồng một tô.

Má Lúm (VnExpress)

100 năm đen tối trên hòn đảo ở Hawaii

Ít ai biết rằng hòn đảo xinh đẹp Molokai thuộc quần đảo Hawaii trước đây đã từng là nhà tù giam giữ bệnh nhân bị phong trong suốt hơn 100 năm.
Xem thêm: Công viên có quá khứ đen tối ở Hawaii

Đảo Molokai là hòn đảo lớn thứ 5 trong quần đảo Hawaii, Hoa Kỳ, nổi tiếng như một thiên đường hoang sơ thu hút hàng trăm nghìn du khách. Thế nhưng ít ai biết rằng nơi đây đã từng là nơi chứa bệnh nhân phong trong suốt một thế kỷ và từ chối sự có mặt của người lạ từ vùng khác tới.

Bờ biển phía bắc của đảo là một khu vực hẻo lánh bao quanh bởi những vách đá cao, hiểm trở và gần như tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Năm 1800, bệnh Hansen (bệnh phong) bùng phát và không có thuốc chữa. Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới tạo ra những vùng thuộc địa để chuyển người bệnh tới sống. Năm 1866, Molokai được vua Kamehameha V lựa chọn để làm chỗ ở cho bệnh nhân phong nhằm giảm thiểu sự lây lan ra bên ngoài. Khi đó, khu vực được chọn là Kalaupapa trên đảo Molokai.

Hòn đảo Molokai xinh đẹp đã từng là nỗi ám ảnh của hơn 8.000 người trong suốt một thế kỷ. Ảnh: Richard A. Cooke/Corbis

Trong khoảng thời gian đầu tiên, Kalaupapa không có nhà, thức ăn hay bất kỳ vật dụng gì trên đảo. Người bệnh bị bỏ lại và buộc phải tự lo cho mình. Norman Leahy, hướng dẫn viên của Father Damien Tours cho biết. “Các bệnh nhân được đưa tới bằng thuyền. Họ bị tống lên một chiếc thuyền dài trước lối vào đảo và phải tự bơi vào bờ. Những người không làm theo sẽ bị ném xuống biển”.

Nơi người bệnh tới sinh sống là một thung lũng ẩm ướt và mưa quanh năm, khiến họ chết rất nhanh. Họ không có bất kỳ một sự bảo vệ nào và phổi thì rất yếu.

Năm 1873, 7 năm sau ngày thuộc địa ra đời, Cha Damien de Veuster (người sau này được phong Thánh vì việc làm vĩ đại của mình) đã tới định cư ở đây và bắt đầu xây dựng nhiều tòa nhà kiên cố cùng bệnh viện phục vụ người bệnh, nay đã trở thành một thị trấn. Tuy nhiên, 16 năm sau, Cha Damien mắc bệnh phong trong quá trình làm việc và qua đời.

Cha Damien dành cả cuộc đời chăm sóc cho bệnh nhân mắc phong tại Kalaupapa và cuối cùng qua đời vì chính căn bệnh này. Ảnh: William Brigham/Wikimedia

Năm 1940, thuốc chữa trị bệnh phong đã được nghiên cứu và phát hiện, tuy nhiên lệnh cô lập người bệnh vẫn tiếp tục cho đến năm 1969, kể cả với trẻ nhỏ. “Nhiều người trong số đó bị tổn thương nặng nề. Bất kỳ ai bị chuẩn đoán mắc bệnh sẽ không được phép trở về nhà để nói lời tạm biệt. Họ ngay lập tức bị đưa lên thuyền và chuyển đến các thuộc địa hay những khu vực cô lập mà Kalaupapa là một trong số đó. Trong suốt nhiều năm, họ không được gặp người bên ngoài, không bao giờ được nhìn thấy hay chạm vào những người thân yêu thêm một lần nào nữa" - Alicia, người từng chăm sóc bệnh nhân trên Kalaupapa chia sẻ.

Khu vực này hiện trở thành một phần của Công viên Lịch sử quốc gia. Nhiều bệnh nhân sau khi được chữa khỏi vẫn lựa chọn sống tiếp tại đây. Nhiều năm sau đó, một nhà thầu đã xây dựng khu nghỉ mát 5 sao trên hòn đảo, biến Molokai thành điểm du lịch mới. Đồng thời, người dân địa phương cũng quyết tâm không bao giờ để tình trạng độc ác trong quá khứ diễn ra thêm một lần nào nữa.

Dù đã mang một diện mạo mới những người dân trên Molokai sẽ không bao giờ quên lịch sử đen tối từng diễn ra tại đây. Ảnh: Castleresorts

Hải Thu (VnExpress)

Bài đăng phổ biến