Tháng 3 về báo hiệu sự bung nở trắng muốt của những đồi hoa cà phê và lễ hội đua voi rộn ràng trên vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ví như trái tim Tây Nguyên kiêu hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến thăm các buôn làng – cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi vang vọng tiếng di sản văn hóa cồng chiêng, nhịp nhàng điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài…
Về với trái tim Tây Nguyên kiêu hùng để đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài.
1. Buôn Đôn
Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km, Buôn Đôn được biết đến là nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á. Đến với Buôn Đôn, bạn sẽ được khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… một cách khác biệt khi ngồi trên lưng các chú voi. Một con voi có thể chở 2 - 3 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Sêrêpôk.
Du khách sẽ có cơ hội xem Lễ hội đua voi sôi động ở Buôn Đôn.
Nằm ngay bên bờ sông Sêrêpôk, khu mộ cổ của các Gru (dũng sĩ săn voi) Buôn Đôn xưa là nơi bạn không thể bỏ qua. Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của vua săn voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn.
Một điểm du lịch thu hút khách tham quan khác của Buôn Đôn là cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Cầu bắt đầu từ bên bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và bắc qua một đảo nổi giữa dòng sông. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho du khách.
Ghé thăm nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào ở Buôn Đôn.
Nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào cũng là điểm du lịch đặc sắc nhất ở Buôn Đôn. Được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883, ngôi nhà do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Căn nhà gồm 3 gian, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp đặc trưng của hai nước Lào – Thái với mái hình chóp nhọn, đặc biệt toàn bộ căn nhà đều được làm bằng gỗ, cả phần mái cũng được lợp bằng gỗ cà chít vô cùng công phu, tỉ mỉ. Sàn nhà lại được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của chùa tháp Lào, hoạ tiết và hoa văn cũng được trang trí theo tín ngưỡng người Lào…
2. Buôn Ako Dhong
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km, buôn Ako Dhong hay vẫn thường gọi là Cô Thôn quyến rũ du khách bởi những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê được bảo lưu gần như nguyên vẹn và khung cảnh vườn cà phê trắng muốt thơ mộng vào mỗi dịp tháng 3 xen lẫn với màu xanh rì của những vườn cây ăn trái, khu rừng nguyên sinh cuối buôn giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất Tây Nguyên. Người ta vẫn rỉ tai nhau đến Ako Dhong để nghe về câu chuyện chàng trai Ama Hrin của hơn 60 năm trước đã bắt tay vào công cuộc biến buôn làng Ê đê này trở thành buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên như thế nào.
Kiến trúc nhà dài cổ độc đáo của người Ê đê ở Buôn Ako Dhong
Phải nói không ngoa rằng đặt chân đến buôn Ako Dhong, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào khung cảnh trong bức danh họa nào đó. Trong buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê có vài chục năm tuổi làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt xen lẫn với những ngôi biệt thự mái ngói đỏ tươi mô phỏng theo nếp nhà dài của tổ tiên truyền lại. Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng.
Thưởng thức những buổi diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan làm từ một thân cây trong nhà dài cổ
Nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Cứ mỗi lần gia đình có con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài. Dựa vào các thanh đòn tay được đẽo thủ công từ những thân gỗ nguyên cây dài cả chục mét, người ta có thể biết ngôi nhà đó đã được nối dài bao nhiêu lần và có bao nhiêu người con gái đã đi lấy chồng.
Những người phụ nữ Ê đê ở buôn Ako Dhong vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống để dệt nên những trang phục, túi xách với hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc
Trước cửa ngôi nhà dài có 2 cầu thang đi lên, một câu thang đực dành cho con trai trông thô ráp, một cầu thang dành cho mẹ, con gái và khách gọi là thang cái được điêu khắc kỳ công với biểu tượng đôi bầu vú căng tròn mang hàm ý ca ngợi sự trường tồn của giống nòi cộng đồng người Ê đê. Số bậc thang thường là 5 hoặc 7 vì người Ê đê quan niệm số lẻ mang lại nhiều may mắn hơn.
Vẻ đẹp “nghẹt thở” ở Thác Vợ (Dray Nur) có gốc từ thượng nguồn sông Sêrêpôk
Tại phòng tiếp khách Gah của những ngôi nhà dài này, hàng đêm sẽ có các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan to khỏe dài đến 10 – 12 mét từ một thân cây lớn nhuốm màu thời gian, bên chiếc trống lớn Hgơr, những chiêng núm Mdu và Ana, những chiêng bằng Char, Knati, Hlliang, Khớc, Hluê liang, Mdu khớc diết,… Bên cửa sổ những ngôi nhà dài, những người phụ nữ Ê đê đang mải miết bên khung cửi, dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa thoi, kéo sợi, từng họa tiết hoa văn sống động. Tất cả như tái hiện lại chất huyền thoại hoành tráng trong sử thi Đam San xa xưa với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng.
Chùa Khải Đoan lớn nhất thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến
(Theo DanTri)