Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2016

Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng

Tháng 3 về báo hiệu sự bung nở trắng muốt của những đồi hoa cà phê và lễ hội đua voi rộn ràng trên vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột ví như trái tim Tây Nguyên kiêu hùng. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để du khách đến thăm các buôn làng – cái nôi văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, nơi vang vọng tiếng di sản văn hóa cồng chiêng, nhịp nhàng điệu xoang quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài…

Về với trái tim Tây Nguyên kiêu hùng để đắm mình trong vũ điệu cồng chiêng quanh ánh lửa bập bùng bên nếp nhà rông, nhà dài.

1. Buôn Đôn

Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km, Buôn Đôn được biết đến là nơi nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng có một không hai ở Đông Nam Á. Đến với Buôn Đôn, bạn sẽ được khám phá đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc M’Nông, Ê đê… một cách khác biệt khi ngồi trên lưng các chú voi. Một con voi có thể chở 2 - 3 người, voi sẽ đưa các bạn đi vòng quanh buôn để tham quan và thử một chút cảm giác mạnh bằng việc vượt sông Sêrêpôk.

Du khách sẽ có cơ hội xem Lễ hội đua voi sôi động ở Buôn Đôn.

Nằm ngay bên bờ sông Sêrêpôk, khu mộ cổ của các Gru (dũng sĩ săn voi) Buôn Đôn xưa là nơi bạn không thể bỏ qua. Đây cũng chính là nơi yên nghỉ của vua săn voi Khunjunob, một nhân vật lịch sử có thật đã trở thành một huyền thoại của vùng Bản Đôn.

Một điểm du lịch thu hút khách tham quan khác của Buôn Đôn là cầu treo bắt qua dòng sông Sêrêpôk. Đây là một cây cầu du lịch được ghép lại từ những thanh tre già, có sự trợ lực của hệ thống cáp treo được gắn kiên cố với hai bờ sông, vắt qua cây si cổ thụ giữa lòng sông Sêrêpôk. Cầu bắt đầu từ bên bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Buôn Đôn và bắc qua một đảo nổi giữa dòng sông. Bước chân trên cầu, được tận hưởng cảm giác lắc lư, tròng trành luôn đem đến sự hứng khởi cho du khách.

Ghé thăm nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào ở Buôn Đôn.

Nhà cổ hơn 100 tuổi của người Lào cũng là điểm du lịch đặc sắc nhất ở Buôn Đôn. Được chính thức khởi công vào ngày 7-10-1883, ngôi nhà do một nghệ nhân người Lào là Khavivôngsao nổi tiếng về ngành mộc khởi xướng xây dựng. Căn nhà gồm 3 gian, thiết kế theo kiến trúc chùa tháp đặc trưng của hai nước Lào – Thái với mái hình chóp nhọn, đặc biệt toàn bộ căn nhà đều được làm bằng gỗ, cả phần mái cũng được lợp bằng gỗ cà chít vô cùng công phu, tỉ mỉ. Sàn nhà lại được thiết kế theo kiểu nhà sàn của người Ê-đê, hai đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của chùa tháp Lào, hoạ tiết và hoa văn cũng được trang trí theo tín ngưỡng người Lào…

2. Buôn Ako Dhong

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km, buôn Ako Dhong hay vẫn thường gọi là Cô Thôn quyến rũ du khách bởi những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Ê đê được bảo lưu gần như nguyên vẹn và khung cảnh vườn cà phê trắng muốt thơ mộng vào mỗi dịp tháng 3 xen lẫn với màu xanh rì của những vườn cây ăn trái, khu rừng nguyên sinh cuối buôn giữa lòng đô thị hiện đại bậc nhất Tây Nguyên. Người ta vẫn rỉ tai nhau đến Ako Dhong để nghe về câu chuyện chàng trai Ama Hrin của hơn 60 năm trước đã bắt tay vào công cuộc biến buôn làng Ê đê này trở thành buôn giàu mạnh nhất Tây Nguyên như thế nào.

Kiến trúc nhà dài cổ độc đáo của người Ê đê ở Buôn Ako Dhong

Phải nói không ngoa rằng đặt chân đến buôn Ako Dhong, du khách sẽ có cảm giác như lạc vào khung cảnh trong bức danh họa nào đó. Trong buôn có khoảng 30 ngôi nhà dài truyền thống của dân tộc Ê đê có vài chục năm tuổi làm bằng gỗ cà chít, giáng hương cứng chắc và bóng láng không thể mục mọt xen lẫn với những ngôi biệt thự mái ngói đỏ tươi mô phỏng theo nếp nhà dài của tổ tiên truyền lại. Một trong những ngôi nhà dài được làm hoành tráng nhất, dài nhất, đẹp nhất, nhiều gỗ quý nhất ở Ako Dhong chính là nhà dài Yang Sing với tổng chi phí khoảng 3 tỷ đồng.

Thưởng thức những buổi diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan làm từ một thân cây trong nhà dài cổ

Nhà dài là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong một đại gia đình người Ê đê theo chế độ mẫu hệ. Cứ mỗi lần gia đình có con gái lấy chồng, ngôi nhà sẽ được cơi nới thêm chiều dài. Dựa vào các thanh đòn tay được đẽo thủ công từ những thân gỗ nguyên cây dài cả chục mét, người ta có thể biết ngôi nhà đó đã được nối dài bao nhiêu lần và có bao nhiêu người con gái đã đi lấy chồng.

Những người phụ nữ Ê đê ở buôn Ako Dhong vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống để dệt nên những trang phục, túi xách với hoa văn độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc

Trước cửa ngôi nhà dài có 2 cầu thang đi lên, một câu thang đực dành cho con trai trông thô ráp, một cầu thang dành cho mẹ, con gái và khách gọi là thang cái được điêu khắc kỳ công với biểu tượng đôi bầu vú căng tròn mang hàm ý ca ngợi sự trường tồn của giống nòi cộng đồng người Ê đê. Số bậc thang thường là 5 hoặc 7 vì người Ê đê quan niệm số lẻ mang lại nhiều may mắn hơn.

Vẻ đẹp “nghẹt thở” ở Thác Vợ (Dray Nur) có gốc từ thượng nguồn sông Sêrêpôk

Tại phòng tiếp khách Gah của những ngôi nhà dài này, hàng đêm sẽ có các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và kể khan (sử thi) trên chiếc ghế Kpan to khỏe dài đến 10 – 12 mét từ một thân cây lớn nhuốm màu thời gian, bên chiếc trống lớn Hgơr, những chiêng núm Mdu và Ana, những chiêng bằng Char, Knati, Hlliang, Khớc, Hluê liang, Mdu khớc diết,… Bên cửa sổ những ngôi nhà dài, những người phụ nữ Ê đê đang mải miết bên khung cửi, dệt thổ cẩm với đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt đưa thoi, kéo sợi, từng họa tiết hoa văn sống động. Tất cả như tái hiện lại chất huyền thoại hoành tráng trong sử thi Đam San xa xưa với khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, trong tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng.

Chùa Khải Đoan lớn nhất thành phố Buôn Mê Thuột và là ngôi chùa cuối cùng tại Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến
 
(Theo DanTri)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

Đến thăm quê hương hoa anh đào

Xuất hiện ở Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng rộng rãi khắp đất nước trước thời tiền sử, hoa anh đào đã trở thành dấu ấn văn hóa đặc sắc của xứ sở mặt trời mọc và các lễ hội ngắm hoa Hanami hàng năm thu hút đến gần 5 triệu lượt du khách tham gia đã chứng minh sức hấp dẫn của loài hoa này.


Nhiều người tin rằng hoa anh đào có nguồn gốc từ nơi nào đó thuộc dãy Himalayas. Các học giả suy đoán loại cây này đã du nhập vào Nhật Bản từ vài nghìn năm trước và được trồng phổ biến trên toàn nước Nhật trước thời tiền sử. Trải qua nhiều thế kỷ lai giống, hiện Nhật đã có hơn 300 loài cây hoa anh đào khác nhau.


Theo bản ghi sớm nhất được tìm thấy thì lễ hội ngắm hoa anh đào hay còn gọi là Hanami trở thành phổ biến trong suốt thời kỳ Heian (năm 794 – 1185) khi mà các hoàng đế và thành viên hoàng gia bắt đầu tổ chức các bữa yến tiệc dưới những gốc cây anh đào. Những buổi tiệc hoàng gia này đã mở đường cho hàng loạt các bữa tiệc ngắm hoa được tổ chức rộng rãi sau đó của mọi thành viên, tầng lớp trong xã hội Nhật Bản. Nhiều thế kỷ sau, các cây hoa anh đào vẫn được coi là biểu tượng văn hóa linh thiêng của quốc gia và truyền thống Hanami vẫn được duy trì gần như nguyên dạng.


Từ tháng 3 đến tháng 4, thậm chí đến đầu tháng 5 hằng năm, dường như hoa anh đào ngự trị cả không gian thơ mộng của đất nước Nhật Bản. Hai tuần lễ vàng là thời điểm hoa anh đào nở rộ đẹp nhất ở bất kỳ thành phố nào, từ Tokyo đến Osaka hay Kyoto...


Ngày khai hội Hanami sẽ chỉ được thông báo khi những cây anh đào biểu tượng ở đền Yasukuni bắt đầu nở hoa. Thời điểm diễn ra lễ hội Hanami cũng là khi người dân Nhật Bản tạm gác lại công việc để hòa mình vào những bữa tiệc ngoài trời, uống rượu sake, ăn bánh sakura, ca hát, giao lưu, trò chuyện cả ngày lẫn đêm và không quên chụp ảnh dưới những tán hoa anh đào nở rộ. Người Nhật còn truyền tai nhau rằng, nếu cánh hoa rơi vào chén rượu sake của ai đó, người đó có thể gặp may mắn cả năm.


Tuy nhiên, không chỉ ở Nhật Bản mà hoa Anh đào nở rộ bên bờ tả ngạn sông Potomac, quanh hồ Tidal Basin, khu tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln và công viên bên ngoài tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ của thành phố Washington DC của Mỹ; gần tháp Eiffel, Pháp hay tại sân vận động Olympic Munich, Đức; Công viên Côn Minh (Trung Quốc)…và khắp mọi miền của đất nước Hàn Quốc, cũng trở thành sự kiện hấp dẫn nhiều du khách kéo về chiêm ngưỡng và lưu lại khoảng khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên.
(Theo DanTri)

'Con đường cà phê' ngắm biển thú vị ở Hàn Quốc

Nếu muốn trải nghiệm du lịch biển Hàn Quốc không chỉ đơn thuần tắm biển và ăn hải sản, hãy đến Anmok để tận hưởng trải nghiệm cà phê ngắm biển độc đáo.
Xem thêm: Du lịch Hàn Quốc với mùa hoa Anh Đào

Gangneung là thành phố trực thuộc khu vực Gangwon ở phía đông bắc Hàn Quốc. Nơi đây được biết đến với hàng loạt bãi tắm lớn nhỏ trải dọc đường ven biển phía đông từ bắc xuống nam như Sokcho, Gyeongpodae, Donghae, Anmok, Jeongdongjin… Về cơ bản, những bãi tắm này đều giống nhau, nước biển xanh và sạch, tuy nhiên tùy thuộc vào mức độ nổi tiếng mà lượng khách du lịch có thể nhiều hoặc ít. Nếu muốn tắm biển, bạn có thể lựa chọn bất cứ bãi tắm nào ở Gangneung.


Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm du lịch biển ở Hàn Quốc không chỉ đơn thuần gồm tắm biển và ăn hải sản (hoạt động bạn có thể làm ở bất kỳ bãi biển nào trên thế giới), hãy đến với Anmok để tận hưởng cảm giác cà phê ngắm biển độc đáo.

Khu vực cảng Anmok còn có tên gọi khác là “con đường cà phê Anmok” hay “con đường cà phê Gangneung”. Những năm 1990, xung quanh bãi biển Anmok chỉ có những máy bán cà phê tự động, nhưng từ khi đó, người Hàn đã bắt đầu mua cà phê từ những thiết bị này để vừa đứng nhâm nhi, vừa nhìn ra đại dương mênh mông.

Những năm gần đây, Anmok bắt đầu đình đám vượt trội vì có vô số quán cà phê hội tụ, ngồi cà phê ngắm biển ở “con đường cà phê” cũng được liệt kê vào danh sách những việc “nên làm - cần làm - phải làm” khi đến Gangneung. Dù đi du lịch theo nhóm hay lang thang một mình, đã đến Gangneung, người ta nhất định sẽ không bỏ qua hoạt động tưởng như chẳng có gì đặc biệt nhưng lại rất đặc biệt này.

Bên cạnh những thương hiệu quen thuộc phủ sóng khắp Hàn Quốc như Starbucks, Bene, Hollys Coffee, Angel-in-us… người ta dễ dàng tìm được hàng chục tiệm cà phê bánh ngọt khác nhau nằm dọc con đường dẫn ra hai ngọn hải đăng đỏ và trắng ở cảng Anmok. Từ những quán cà phê hiện đại mang phong cách Hàn Quốc điển hình với cửa kính sáng choang, đèn vàng ấm áp như L.Bean, AM, Coffee Cupper…, đến những quán cà phê nhạc sống rộn ràng như Kikrus, hoặc quán cà phê bắt mắt với vẻ ngoài và tên gọi vùng đất Santorini của Hi Lạp, tất cả đều góp phần làm nên một “con đường cà phê” rất riêng của Hàn Quốc.

Các quán cà phê đều có view nhìn ra biển đẹp tuyệt vời.

Thông thường, những quán cà phê này đều có từ hai tầng trở lên. Để thuận lợi cho mục đích ngắm biển, tầng 2 và tầng 3 (đặc biệt là khu vực ban công hoặc khu vực sát cửa kính) luôn kín chỗ so với tầng 1. Sự kết hợp hài hòa giữa biển xanh cát trắng, tiếng sóng rì rào, cà phê đắng và bánh ngọt sẽ tạo nên bữa tiệc thỏa mãn giác quan cho những khách du lịch muốn bỏ quên cuộc sống bận rộn, lười biếng thả trôi bản thân cùng thiên nhiên.

Một số hướng dẫn về trải nghiệm cà phê ngắm biển ở Gangneung:

Đi lại: Từ bến xe khách Seoul (Central City hoặc East Seoul) ngồi xe hơn 2 tiếng rưỡi tới Gangneung. Từ bến xe khách Gangneung, tìm xe bus số 202-1, 302, 303-1, 503, xuống ở bến Anmok (thời gian di chuyển từ 30 đến 40 phút).

Thời gian hoạt động: Các cửa tiệm cà phê ở Anmok thường mở cửa vào khoảng 8 - 9h30 sáng và đóng cửa vào 1 - 2h đêm. Khoảng thời gian vắng khách nhất thường là sáng sớm, đông khách nhất là trưa và chiều, sau các bữa ăn.


Menu và giá cả: Tập hợp đầy đủ các loại đồ uống quen thuộc như các loại cà phê, nước ép hoa quả, trà sữa… Bánh ngọt ở đây cũng khá đa dạng với strawberry, cherry cake, tiramisu, choux cream, green grape tart, blueberry tart… Giá cả chung cho cả đồ uống và bánh ngọt là từ 4.000 won trở lên (1.000 won tương đương 20.000 VND).

Do ôtô được phép đỗ ở ven biển nên nếu có thể, hãy nhanh chân chọn chỗ ở khu vực tầng 2 và tầng 3, nếu không trải nghiệm cà phê ngắm biển của bạn sẽ bị đổi thành cà phê ngắm… ôtô.

So với các quán cà phê bình thường thuộc con đường dọc ven biển, Hollys Coffee nằm ở vị trí đặc biệt hơn hẳn (mỏm đất nhô ra biển), nên du khách có thể cân nhắc lựa chọn quán cà phê này để có tầm nhìn khác lạ hơn.

HanaZ (theo NgoiSao)

Bài đăng phổ biến