Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Tự túc du lịch Yên Tử một ngày

Lễ hội chùa Yên Tử còn kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch và du khách hoàn toàn có thể khám phá phong cảnh, di tích lịch sử cũng như vãn cảnh chùa ở đây trong một ngày.
Xem thêm: Kinh nghiệm Du lịch núi Yên Tử

Núi Yên Tử cao 1.068 m so với mực nước biển trong dãy núi Đông Triều, vùng đông bắc Việt Nam, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Tổng chiều dài đường bộ để lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) là khoảng 6.000 m với 6 giờ đi bộ liên tục qua hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi... Tuy hai tuyến cáp treo đã đi vào sử dụng, phục vụ du khách tham quan và đi lễ chùa, nhiều người vẫn muốn thử thách mình bằng hành trình leo bộ.

Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 Âm lịch.

Thời gian du lịch

Thời gian hợp lý là một ngày một đêm. Đi vào dịp lễ hội sẽ đông (nhất là những ngày tháng 1), còn những ngày khác Yên Tử vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái.

Quang cảnh trên đường leo Yên Tử. Ảnh: Trần Việt Anh

Đường đi

Bạn có thể đi du lịch Yên Tử bằng xe máy, ô tô (riêng) và cả xe buýt. Với các bạn từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh đi Yên Tử bằng xe máy thuận tiện nhất.

Từ hướng Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định bạn chỉ cần đi tới Uông Bí (đoạn ngã ba giao quốc lộ 10 và quốc lộ 8 rồi rẽ trái là tới đền Trình, sau đó rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử).

Từ hướng Hà Nội bạn đi Bắc Ninh tới quốc lộ 18, chạy thẳng sẽ tới đền Trình. Từ đây rẽ trái 10 km sẽ tới Yên Tử.

Du khách đi từ Hà Nội thường thuê theo đoàn, mua tour du lịch Yên Tử một ngày hoặc đi xe khách. Bạn bắt xe khách đi Cẩm Phả, Móng Cái… ở Hà Nội đều được, tới đền Trình ở quốc lộ 18 bảo lái xe cho xuống. Sau đó bắt tiếp xe bus 16 chỗ của công ty Tùng Lâm ở ngay quốc lộ 18 vào đến chân núi Yên Tử (10 km) giá vé 20.000 đồng/ người. Hoặc bạn đi buýt thường giá vé 10.000 đồng/ người/ lượt.

Vật dụng cần mang

Tiền: Bạn mang theo số tiền đủ dùng, tránh bị kẻ gian móc túi những ngày đông.

Giày: Bạn không nên đi giày công sở, hãy đi giày thể thao (có thể là bata) hoặc giày leo núi thì càng tốt. Đường leo bậc thang đá, có đoạn leo đường mòn và du khách có thể gửi giày, thuê dép ở chân núi.

Ba lô: Vì chỉ đi trong ngày nên bạn mang theo một ba lô nhỏ, gọn nhẹ để đựng ít đồ ăn, nước uống.

Quần áo: Khi đi chỉ cần bạn mặc trang phục gọn nhẹ, đủ ấm, nên mang áo khoác nhẹ để khi leo có thể buộc áo quanh người hoặc cho vào ba lô.

Nước: Bạn nên mua trước 2 chai 500 ml hoặc một chai 1,5 lít mang theo uống dọc đường, vì nước trên núi bán đắt gấp nhiều lần.

Đồ ăn: Một số loại đồ ăn bạn có thể mang để ăn trưa như bánh mì sữa, bánh mì giò, xôi... Ngoài ra, bạn có thể ăn trưa trên núi với xúc xích, ngô, khoai, phở… tuy nhiên giá cao hơn bình thường.

Gậy: Nếu bạn đi bộ nên mua một chiếc gậy tre dưới chân núi giá 5.000 đồng. Có cây gậy này bạn leo đỡ mất sức, đặc biệt khi xuống sẽ không bị đau khớp gối.

Quang cảnh đường leo Yên Tử vào mùa lễ hội 2016. Ảnh: Trần Việt Anh

Điểm tham quan ở Yên Tử

Chùa Trình/ đền Trình: nơi ghé vào trước khi lên Yên Tử

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử: nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Giống như trường đại học, đây không phải nơi thờ cúng nhưng bạn có thể ghé vào tham quan trước khi leo núi.

Cầu Giải Oan, chùa Giải Oan: nơi thờ các cung nữ, phi tần của vua Trần Nhân Tông. Vì quá yêu vua, muốn lên núi cầu xin vua trở lại triều đình không được, các bà đằm mình xuống suối tự vẫn.

Tháp Huệ Quang: nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông, phần còn lại được thờ ở khu đền Trần tại Nam Định.

Chùa Hoa Yên: chùa trung tâm, lớn nhất khu di tích Yên Tử. Khi xưa chùa Hoa Yên là nơi Phật Hoàng giảng đạo.

Chùa Một Mái: nơi thờ Phật Quán Thế Âm, ở đây có khe nước uống rất mát.

Chùa Bảo Sái: nơi Phật Hoàng nhập niết bàn

Chùa Vân Tiêu: nơi tu luyện của các vị tăng sỹ

An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng của một vị tu sĩ hóa đá và bức tượng Phật Hoàng bằng đồng rất lớn.

Chùa Đồng: ngôi chùa cao nhất đỉnh núi

Lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.

Tượng Phật hoàng bằng đồng rất lớn trên núi Yên Tử. Ảnh: Trần Việt Anh

Giá vé các dịch vụ ở Yên Tử

Giá vé buýt 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử: 20.000 đồng/ lượt

Giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/ lượt

Phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000 đồng/ phòng.

Phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 đồng/ giường

Dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000 đồng/ suất ăn (có cả ăn chay và ăn thường).

Giá vé cáp treo Yên Tử

Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200 m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt.

Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người

Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người

Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000 đồng/ tuyến/ người – Khứ hồi: 280.000/ người

Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).

Thời gian phục vụ cáp treo

Mùa lễ hội (từ tháng1 đến tháng 3 Âm lịch): từ 5h đến 20h hàng ngày.

Ngoài mùa lễ hội (từ tháng 4 đến tháng 12 Âm lịch): Từ 7h đến 18h hàng ngày.

Trần Việt Anh (VnExpress)

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Haiku - 'nấc thang lên thiên đường' ở Hawaii

Ở độ cao hơn 800 m, những nhịp cầu thang Haiku uốn lượn ẩn hiện trong màn mây khiến du khách có cảm giác như đang lạc vào xứ sở thần tiên.

Xem thêm: 100 năm đen tối trên hòn đảo ở Hawaii

Bậc thang Haiku là một con đường đi bộ dài nằm trên đảo Oahu, Hawaii (Mỹ). Nó giống như một chiếc thang khổng lồ gắn vào sườn núi phía nam từ thung lũng Haiku đến đỉnh Koolaus. Ở độ cao hơn 800 m, những nhịp cầu thang uốn lượn ẩn hiện trong màn mây dẫn bước du khách chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng như cõi thần tiên. Chính vì vậy mà nơi đây được ví là "nấc thang lên thiên đường" trên hòn đảo Oahu xinh đẹp.

Ban đầu, bậc thang Haiku được mở ra vào năm 1943 nhằm mục đích đưa cáp và ăng-ten nối liền hai bờ vách đá của thung lũng Haiku. Khi đó, một tòa nhà phát tín hiệu dẫn liên lạc giữa Wahiawa và trạm thông tin hải quân Haiku cũng được xây dựng trên đỉnh Puukeahiakahoe ở độ cao gần 900 m. Hệ thống ăng-ten đặc biệt này truyền tín hiệu vô tuyến với tần số rất thấp từ trạm phát điện Alexanderson có công suất 200.000 W nằm ở trung tâm thung lũng tới các tàu ngầm của Hải quân Mỹ ngoài khơi vịnh Tokyo ngay cả khi đang lặn dưới nước.

Mục đích xây dựng bậc thang Haiku đầu tiên là để hỗ trợ công việc thi công ác loại cáp và ăng ten nối liền hai bờ vách đá của thung lũng Haiku. Ảnh: travelandstories

Khi căn cứ Hải quân ngừng hoạt động vào những năm 1950, Cơ quan Bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ đã sử dụng nơi này như một hệ thống định vị Omega. Sau đó, bậc thang gỗ dần được thay thế bởi các bậc thang bằng kim loại trải dài theo những con dốc, nhà ga. Năm 1987, bậc thang cũng được đóng cửa. Mặc dù vậy, đến nay những người ưa khám phá vẫn phớt lờ biển cấm vào và liên tục tới đây chinh phục "nấc thang lên thiên đường" nổi tiếng. Vì vậy người ta cho rằng địa điểm này sẽ được mở cửa trở lại đón khách du lịch trong một khoảng thời gian không xa.

Năm 2003, cầu thang được sửa chữa với kinh phí 875.000 USD từ ngân sách của thành phố. Tuy nhiên địa điểm này vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa và được kiểm soát bởi lực lượng an ninh cho đến khi các vấn đề về quản lý được giải quyết.

Con đường dài ẩn hiện trong màn mây khiến du khách có cảm giác như đang lạc bước trong xứ sở thần tiên. Ảnh: What Scuttle Butt

Haiku bao gồm 3.922 bậc thang, chia thành các phân dải bậc cao hơn 2 m được nối liền với nhau bằng móc và gắn vào sườn núi, rồi bắt vít vào hai thanh lan can có đường kính từ 0,5 đến 0,6 m. Khoảng cách giữa các bậc thang cũng rất vừa phải để có thể leo được dễ dàng hơn. Đây không phải là cung đường leo núi hiểm trở nhất trên đảo Oahu, nhưng lại là nơi tuyệt vời để bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh núi non hùng vĩ hai bên sườn núi và thung lũng Haiku. Từ trên đỉnh cao nhất, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi khung cảnh của đường bờ biển từ Ahuimanu đến Kualoa, hồ nước Hoomaluhia hay đường mòn thung lũng Moanalua, vách núi Koolau...

Tuy nhiên, khi đến đây du khách không nên chỉ mải mê chiêm ngưỡng cảnh đẹp bởi chỉ cần sa sảy bước sai một nhịp là hành trình của bạn sẽ trở thành thảm họa. Hơn nữa, hai dải lan can mặc dù trông khá chắc chắn nhưng mọi người cũng được cảnh báo không nên dựa vào để đảm bảo an toàn.

Oahu hay Oʻahu là đảo lớn thứ ba trong trong quần đảo Hawaii và là đảo đông dân nhất ở tiểu bang Hawaii với diện tích 1545,4 km2. Hòn đảo là kết quả từ sự phun trào của hai núi lửa riêng biệt là Wai'anae và Ko'olau.

Hiện nay, Oahu trở thành một thiên đường du lịch và mua sắm với hơn 5 triệu du khách mỗi năm (chủ yếu là từ Mỹ và Nhật Bản) với những kỳ nghỉ trên quần đảo Hawaii cùng nhiều trải nghiệm đa dạng văn hóa trên đảo. Khi đến đây, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng như Waikiki, Pearl Harbor, Diamond Head, Hanauma Bay, Kāne'ohe Bay, Kailua Bay, North Shore...

Ở Oahu có đầy đủ mọi thứ từ khu resort cao cấp cho đến các khách sạn hay nhà nghỉ... phù hợp với điều kiện của mọi người. Hiện nay từ Việt Nam vẫn chưa có đường bay thẳng đến Oahu, vì vậy, khách du lịch có thể đặt vé máy bay quá cảnh ở Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc Seoul (Hàn Quốc) với giá từ hơn 700 USD trở lên (khoảng 16,5 triệu đồng).


Ngọc Mai (VnExpress)

Những con búp bê mang đi vận rủi ở Nhật Bản

Dịp lễ hội, các gia đình có bé gái sẽ trưng bày những con búp bê lộng lẫy trong trang phục truyền thống với mong muốn con gái được khỏe mạnh, xinh đẹp và hạnh phúc.
Xem thêm: 50 trải nghiệm cho du khách lần đầu đến Nhật Bản


Lễ hội búp bê Hina Matsuri hay còn gọi là ngày hội dành cho bé gái diễn ra vào ngày 3/3 hàng năm. Đây là một trong năm lễ hội theo mùa ở Nhật Bản. Vào lễ hội này, các gia đình có bé gái sẽ trưng bày những con búp bê trong trang phục truyền thống lộng lẫy và được trang trí rất đẹp với mong muốn con gái của mình được khỏe mạnh, xinh đẹp và hạnh phúc. Ảnh: Pinterest


Từ cuối tháng 2 trước khi lễ hội diễn ra, người Nhật đã bắt đầu bày búp bê cùng với hoa anh đào nở trong nhà. Bộ búp bê này được đặt trên một tấm thảm đỏ với nhiều tầng phân chia rõ ràng. Tầng cao nhất là vị trí của Vua và Hoàng hậu (Dairimina), tầng thứ hai đặt 3 cung nữ hầu rượu (San-nin kanjo), tầng thứ 3 là 5 nhạc công nam (Go-nin bayashi), tầng thứ 4 là 2 búp bê Đại thần (Zuijin), tầng thứ 5 gồm 3 búp bê hộ vệ (Sannin-jichou), tầng thứ 6 và tầng dưới cùng dùng để trang trí nhiều vật dụng khác nhau. Tuy nhiên, đối với những gia đình không cầu kỳ thì bàn búp bê Hina cũng có thể chỉ sắp xếp các tầng cơ bản ở trên cùng như tầng Vua và Hoàng hậu, tầng cung nữ và tầng đại thần. Ảnh: Aboutmauinui.com


Lễ hội Hina Matsuri bắt nguồn từ phong tục cách đây khoảng 1000 năm. Người ta đặt những vận xui vào sau lưng con búp bê bằng giấy và thả xuống sông. Đây cũng là thời điểm chuyển giao từ mùa đông sang mùa hè, vì thế người Nhật tin rằng làm như vậy thì tất cả điềm xấu sẽ được mang đi và giúp họ may mắn, khỏe mạnh. Qua thời gian, phong tục cổ này được kết hợp với thú chơi búp bê gỗ của các bé gái trong những gia đình giàu có và dần dần biến tấu thành phong tục như ngày nay. Ảnh: Redraig


Vào ngày lễ truyền thống này, các gia đình Nhật Bản thường ăn Hina-arare - một loại bánh gạo viên đủ màu sắc được phủ đường bên ngoài và chirashi-zushi - loại sushi ăn cùng rất nhiều nguyên liệu khác nhau, thường được bày cá sống lên trên. Ngoài ra, thức uống truyền thống của ngày lễ này là rượu sake làm từ gạo lên men gọi là shirozake. Ảnh: Pinterest


Ngay sau khi lễ hội Hina Matsuri kết thúc, người ta sẽ nhanh chóng cất những con búp bê này đi. Vì người dân Nhật Bản tin rằng nếu họ trưng bày búp bê Hina sang tới ngày 4/3 thì những bé gái trong gia đình mình sẽ khó lấy chồng hoặc kết hôn rất muộn. Ảnh: Goldenjipangu

Ngọc Mai (VnExpress)

Bài đăng phổ biến