Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Về Mỹ Tho ăn hủ tiếu, ghé Cần Thơ ăn bánh cóng, tiện dừng chân ở Bạc Liêu chén cơm ba khía muối rồi mua chút bánh pía làm quà ở Sóc Trăng.
Ngoài đặc sản là sông ngòi và kênh rạch chằng chịt, miền Tây còn nổi tiếng bởi những món ăn khiến du khách "đi dễ khó về".

Cá lóc nướng trui Vĩnh Long

Cá lóc nướng cuốn với bánh tráng là món ăn tuyệt hảo

Ngoài đặc sản trái cây bốn mùa, cá lóc nướng trui đậm vị đồng quê là món ăn du khách không nên bỏ lỡ khi về Vĩnh Long. Cá lóc nướng trui được nướng theo kiểu "rừng rú" nhưng ăn một lần là ghiền bởi phải khéo tay và nướng đúng điệu thì cá ăn mới thơm, thịt mới ngọt.

Dùng một que tre tươi chuốt nhọn đầu rồi đâm xuyên từ miệng đến đuôi cá. Sau đó cắm que xuống đất, phủ rơm lên và đốt. Thoạt tiên trông có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng nướng được cá ngon mà không bị khét hoặc sống. Phải phủ rơm vừa đủ, rơm ít cá sẽ sống, khi ăn có mùi tanh còn rơm nhiều quá cá khét thì ăn bị đắng.

Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới, thịt trắng phau được bao bọc bởi lớp vảy cháy xém. Cá lóc nướng trui thường dùng với bánh tráng, rau thơm, khế, húng lủi, giá sống, chuối chát, dưa leo... và chấm kèm với nước mắm tỏi ớt, me.
Hủ tiếu khá phổ biến tại đồng bằng sông Cửu Long, song hủ tiếu Mỹ Tho là danh bất hư truyền, bởi dù chỉ ăn một lần cũng làm người ta nhớ mãi. Món ăn được nấu từ sợi hủ tiếu khô cùng với nước lèo từ thịt bằm nhỏ, lòng và xương tủy heo. Hủ tiếu Mỹ Tho được ăn kèm với giá, hẹ, xà lách và một số loại rau sống khác. Nước chấm đi kèm là nước tương tỏi ớt pha chút giấm đường, giúp tô hủ tiếu thêm thơm ngon, bắt mắt.

Một tô hủ tiếu ngon thì sợi hủ tiếu phải trong và dai, không bị bở hay mềm. Hủ tiếu Mỹ Tho ngày nay có mặt khắp mọi nơi ở miền Tây, song về Tiền Giang thì phải ăn món này mới đúng điệu.
Xem thêm: Lịch trình ba ngày du ngoạn Tiền Giang dịp năm mới

Canh chua cá linh bông điên điển Đồng Tháp

Lẩu cá linh ăn cùng bông điên điển là món ăn yêu thích của du khách

Bông điên điển là loài cây mọc hoang đặc trưng ở miền Tây. Bông hoa nhỏ, màu vàng, thường được chế biến theo kiểu luộc hay xào tỏi. Nhưng bông điên điển ngon nhất vẫn là khi được nấu món canh chua với cá linh mùa nước nổi. Cá linh bằng ngón tay, thân có nhiều xương, vảy cá cứng. Từ khoảng tháng 11 âm lịch, nước rút, lúc này cá về nhiều ăn không hết, ngoài nấu canh chua, người dân tích trữ, ủ thành nước mắm ăn dần.

Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm, giòn và bùi của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt... khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
Xem thêm: Lẩu mắm hủng hỉnh miền sông nước

Kẹo dừa Bến Tre


Kẹo dừa Bến Tre vốn nổi tiếng từ lâu bởi nơi đây được mệnh danh là xứ dừa với những cánh đồng dừa bạt ngàn bất tận. Về Bến Tre không những được uống nước dừa thả ga, du khách còn có dịp thưởng thức món kẹo dừa thơm ngon, béo ngậy.

Nguyên liệu chính để làm kẹo dừa là cơm dừa khô, nếp, đường và đậu phộng. Ngày nay kẹo dừa phong phú về chủng loại bởi đã được người dân sáng tạo ra nhiều hương vị như kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa cacao... để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách.
Xem thêm: Bánh ướt ngọt - món ăn chơi ở tỉnh Bến Tre

Bánh cống Cần Thơ

Bánh cống ăn kèm rau cải, xà lách

Cái tên lạ tai của loại bánh này xuất phát từ hình dáng như cái cống sâu. Bánh cống là một món ăn dân dã của người Cần Thơ với nguyên liệu chính từ bột, thịt băm, đậu xanh và tôm tươi.

Khi chế biến, bột bánh trộn đều với đậu xanh, thịt băm (đã được xào chín trước đó) và cho vào khuôn, để tôm tươi lên trên, sau đó đem cho vào chảo dầu nóng chiên đến khi chín thì vớt ra. Bánh cống ăn nóng để giữ độ giòn và thơm, thường ăn kèm với rau sống như cải xanh, xà lách, diếp cá... và chấm nước mắm tỏi ớt.
Xem thêm: Những món ăn níu chân thực khách khi đến Cần Thơ

Rượu đế Gò Đen, Long An

Rượu đế Gò Đen là đặc sản nổi tiếng của Long An nói riêng và của miền Tây nói chung. Tên gọi Gò Đen của loại rượu này xuất phát từ địa danh ba 3 xã Mỹ Yên, Long Hiệp và Phước Lợi của huyện Bến Lức. Đây là địa danh tập trung nhiều lò nấu rượu nhất từ hơn 100 năm trước.

Rượu đế Gò Đen được nấu 100% từ nếp nguyên chất và men gia truyền để đảm bảo không cồn và vị thơm, ngon, ngọt khi uống. Bí quyết để rượu thơm ngon và chất lượng nằm ở khâu chọn nếp, thường là nếp cái, nếp mỡ hay nếp than được trồng tại địa phương. Vì thế, rượu đế Gò Đen là loại thức uống mà du khách không nên bỏ qua khi du lịch về Long An.
Xem thêm: Một ngày lang thang ở làng nổi Tân Lập

Ba khía muối Bạc Liêu

Không phải ngẫu nhiên mà loài ba khía đi vào âm nhạc với bài hát Anh ba khía. Bởi lẽ loài ba khía là thực phẩm dân dã, hình dáng không đẹp nhưng thịt thì ngon ngọt, đặc trưng cho ẩm thực miền Tây.

Đặc biệt, món ba khía muối là món ăn không thể bỏ qua khi đến xứ sở của công tử Bạc Liêu. Ba khía muối mua ở chợ về đem gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh. Đợi ba khía ngấm gia vị tầm 30 phút là có thể ăn được. Dân sành ăn thường trộn ba khía sẵn để hôm sau mới ăn cho thấm hết gia vị, ăn sẽ đậm đà hơn. Ba khía muối ăn với cơm là hết sảy, nước ba khía mằn mặn ứa ra hòa trộn với vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt rất thú vị.
Theo Ngoisao

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

8 điểm đến nổi tiếng tại Phan Thiết

Phan Thiết (Bình Thuận) có nhiều điểm du lịch thú vị và tuyệt đẹp mà không phải trả bất cứ một khoản chi phí nào.
Xem thêm: 12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Bạn sẽ cảm thấy thoải mái, vui vẻ trải nghiệm các điểm đến không tốn 1 đồng xu tại Phan Thiết dưới đây, nhưng nên nhớ vẫn cần một chút kinh phí cho việc đi lại, ăn uống và nghỉ ngơi nhé.

Lầu Ông Hoàng


Nếu ai yêu thích thơ ca và biết nhiều đến các nghệ sĩ thì Lầu Ông Hoàng là một nơi lý tưởng để ghé qua. Đây từng là nơi hẹn hò giữa nhà thơ Hàn Mặc Tử nổi tiếng cùng người tình của mình là Mộng Cầm. Chính vì vậy Hàn Mặc Tử có nhiều bài thơ viết về địa danh này. Biết đâu đến đây ta sẽ tìm được một chút thơ ca để tạo nên gia vị cho cuộc sống.

Biển Đồi Dương

Đồi Dương là một bãi tắm đẹp và đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Phan Thiết. Tại đây, dọc bờ biển là hàng loạt các quán cà phê dưới tán những cây phi lao. Ngồi nhâm nhi cà phê vào những buổi chiều, người ta có cảm giác thoải mái với gió biển và không khí của biển.

Kéo dài gần 3 km, bãi biển tuy không rộng nhưng khá dài với hình thái bãi tắm thoải dần ra biển, dòng nước trong xanh, cát trắng mịn, nằm ở trung tâm thành phố nên rất thuận lợi đối với du khách và người dân trong việc tắm biển, vui chơi giải trí hàng ngày.

Hòn Ghềnh


Hòn Ghềnh hay còn gọi là Hòn Lao - một trong những hòn đảo mới được biết đến nên vẫn giữ nét hoang sơ vốn có. Tận mắt chứng kiến làn nước xanh trong, có thể nhìn rõ những rặn san hô màu sắc dưới biển mang đến những trải nghiệm kỳ thú và khó có thể quên trong lòng du khách. Bên cạnh đó tại Hòn Ghềnh có rất nhiều các ghềnh đá, các tảng đá nhiều hình thù đẹp mắt, độc đáo vô cùng.

Bãi Rạng

Nếu muốn tắm biển khi đến với Phan Thiết thì đừng quên ghé qua Bãi Rạng hay còn được gọi là biển Rạng. Bãi Rạng với cảnh sắc thiên nhiên tươi mát được bao phủ bởi hàng dừa dày đặc cùng làn nước trong xanh nên lúc nào cũng đông đảo khách đến tắm biển và thưởng thức hải sản, nhất là món cá chuồn xanh ngọt lịm. Cảm giác nằm trên bãi biển và ngắm nhìn những rặng dừa sai quả sẽ thật thích thú và ấn tượng.

Bàu Trắng - Bàu Sen


Bàu Trắng, Bàu Sen là hai hồ nước ngọt thiên nhiên được bao bọc bởi các đồi cát trắng mênh mông vô cùng tận. Vào mùa hè, hoa sen nở rộ tạo một phong cảnh non nước hữu tình tại Bàu Trắng, còn có tên gọi khác là Bàu Ông. Còn Bầu Sen với diện tích rộng, nước xanh trong cùng những động cát mịn trắng đẹp như một thiên đường vậy.

Đồi Cát Bay

 
Đồi Cát Bay là một trong những địa danh mê hoặc biết bao du khách bởi cảnh sắc tuyệt đẹp của những bãi cát kết hợp với nhiều màu sắc khác nhau tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo, mê hoặc lòng người. Dưới ánh nắng, màu cát trở nên lung linh, lấp lánh sẽ giúp bạn có cho mình những bộ ảnh cực đẹp tại đây.

Suối Tiên


Được mệnh danh là “Bồng lai tiên cảnh” tại Phan Thiết, Suối Tiên được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng và chứng thực lời đồn trên. Suối Tiên có làn nước xanh, trong với những nhũ đá nhiều màu sắc cùng nhiều hình thù đẹp, độc đáo. Tận hưởng một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp có suối, có đá, có thung lũng cát và cây xanh sẽ cho bạn nhiều kỷ niệm khó quên.

Làng chài Mũi Né

Cuộc sống của ngư dân luôn khiến nhiều người tò mò và muốn khám phá. Đến với làng chài Mũi Né, cách thị trấn Mũi Né về phía Bắc khoảng 3 km. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến đời sống của người dân chài với các hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc tuyệt đẹp nơi đây với hàng trăm thuyền đánh cá đủ các màu sắc đậu trên mặt nước, khu chợ nhỏ với hàng dừa xanh mát trải dài cùng bãi biển có nhiều vỏ sò còn vương lại trong quá trình đánh bắt của người dân.

Vĩnh Hy tổng hợp

4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm ở biên giới với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Xem thêm: Hành trình 2 ngày khám phá Đồng Tháp

Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho bạn thấy rõ nét nhất về văn hóa, con người và thiên nhiên vùng biên Châu Đốc.

Rừng tràm Trà Sư

Đi xuồng vào rừng tràm Trà Sư

Khu du lịch rừng tràm Trà Sư cách trung tâm Châu Đốc khoảng 25 km. Nếu bạn đi nhóm 3-5 người, vé giá sẽ là 65.000 đồng một người, sau đó được ngồi tắc ráng rồi chuyển qua điểm đi ghe chèo tay. Từ đây, những nhân viên chèo ghe hồn hậu sẽ chở bạn tham quan rừng tràm trong vòng 1 - 1h30 phút. Không gian xanh mát với vạt bèo ngập tràn mặt nước, trên cao là tán tràm che bóng, xung quanh còn có những con cồng cộc, cò, sếu... đi kiếm mồi.

Sau thời gian tham quan, bạn quay lại điểm trung chuyển của ghe chèo tay và tắc ráng. Khu vực này có dịch vụ ăn uống trưa. Bạn có thể thưởng thức những món lẩu, canh chua đặc trưng miền tây mùa nước nổi. Du khách muốn nhìn ngắm toàn cảnh rừng tràm thì leo lên đài quan sát ngay tại đây.

Miếu Bà Chúa xứ núi Sam

Miếu Bà nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.

Làng người Chăm Châu Giang

Một ngôi nhà sàn người Chăm nằm ngay cạnh bến đỗ xe buýt ở Châu Giang, Châu Đốc. Ảnh: Hương Chi

Từ trung tâm Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang, giá vé là 5.000 đồng/người và xe máy. Đây là một trong những điểm dừng thú vị với những người thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và con người Chăm. Không khí đời sống thanh bình, người dân vẫn còn ăn mặc trang phục truyền thống và gìn giữ nhiều nét đẹp dân tộc mình.

Tới làng Chăm Châu Giang du khách được chiêm ngưỡng các nhà thờ xây theo phong cách Hồi Giáo với thánh đường lớn, hay các ngôi nhà sàn đặc trưng văn hóa Chăm. Một số nhà trong làng còn làm bánh bông lan thủ công với khuôn đồng, kỹ thuật dùng than nóng để làm chín bánh. Nếu đi về phía Tân Châu, bạn còn tìm tới được những người gìn giữ nghề dệt truyền thống.

Thú vị nhất là dịp làng có đám cưới, bạn sẽ quan sát, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Chăm.

Chợ biên giới Tịnh Biên

Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan với Campuchia khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia. Đi vòng quanh chợ bạn có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt, không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng... Nếu cái nắng vùng biên làm bạn mệt mỏi, các hàng chè, nước, ăn uống nằm bao quanh chợ sẽ là điểm nghỉ chân thích hợp. Một trái dừa nước lớn giá 10.000 - 15.000 đồng hoặc 5.000 - 10.000 đồng một chai nước thốt nốt sẽ xua tan mệt mỏi. 

Biển chỉ dẫn hướng đi Tịnh Biên và cửa khẩu hải quan qua Campuchia. Ảnh:Hương Chi

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến