Phố cổ Hội An tuy nhỏ, dạo một vòng hết phố chỉ mất nửa buổi. Nhưng lưu lại phố cổ Hội An một đôi ngày có thể vẫn chưa đủ thời gian thưởng thức hết đặc sản ẩm thực Hội An. Có nhiều món ngon nên thưởng thức nơi Cảng thị Faifo xưa sầm uất vang bóng một thời này.
Xem thêm: Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội
Xem thêm: Đến Hội An đừng quên 5 món ngon phố Hội
Những món đặc sản đặc trưng của phố Hội phải kể đến cao lầu, bánh bao bánh vạc, và cơm gà Hội An. Những món ăn vặt ở phố cổ cũng khá phong phú, đặc sắc như xíu mà, bánh tráng đập, hến xào, nem lụi, bánh xèo, chè bắp…
Thưởng thức ẩm thực là một trải nghiệm được lòng du khách ở phố cổ Hội An
Nói đến ẩm thực Hội An không thể bỏ qua món cao lầu. Đây phải nói mà một trong những món tiêu biểu riêng có ở phố Hội. Để có được sợi cao lầu, những người nhà nghề ngâm gạo nước tro đã được lọc kỹ, rồi xay thành nước bột. Dùng nước bột này lọc qua vải nhiều lần cho đến khi chỉ còn bột ráo và dẻo. Bột này được cán mỏng thái thành sợi đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để có sợi cao lầu có màu nước tro đặc trưng. Ăn kèm với cao lầu là thịt xá xíu, những miếng ram nhỏ làm từ miếng bột cao lầu khô đem rán, rau sống, nước tương (ở địa phương gọi là xì dầu), tương ớt.
Cao lầu Hội An
Thưởng thức món cao lầu nhiều người vẫn hỏi sao món đặc sản này có cái tên lạ vậy. Theo người dân địa phương sống lâu năm kể lại ngày trước món cao lầu có tên là mì gỗ, món này trước kia thường phục vụ cho người dân sống trong phố thị nên có thể cái tên cao lầu có xuất xứ gắn liền với những ngôi nhà phố. Lại có lý giải món cao lầu có thể liên quan tới thú cao lâu (thưởng thức ca nhi đàn hát).
Món thịt xá xíu đậm vị nước tương nảy sinh giả thuyết đây là món ăn của người Hoa nhưng người Hoa ở phố cổ cho rằng món này không phải món Tàu. Sợi mì cao lầu lại giống với sợi mì lạnh Udon của Nhật Bản nhưng vị cũng khác. Nên chỉ có thể nói cao lầu là đặc sản ở Hội An. Nhất là, nước tro ngâm gạo làm bột cao lầu nghe đâu phải lấy từ tro củi ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An), và nước ngâm lấy từ nước giếng Ba Lễ - nước giếng nổi tiếng là không phèn và mát lành. Ở Hội An có rất nhiều tiệm cao lầu ngon từ tiệm phố đến những gánh nhỏ dọc phố ẩm thực ven sông.
Nếu như món cao lầu chế biến khô có thể chưa thật hợp khẩu vị với du khách đến từ nhiều nơi, thì món được thực khách ưng bụng nhất ở đô thị cổ này là món cơm gà Hội An. Cơm gà Hội An đặc biệt ở hạt cơm khô vừa tới và béo. Để nấu cơm gà phải chọn được loại gạo thơm, dẻo. Gạo vo sạch xong để ráo rồi đảo qua chảo sơ trước khi cho vào nồi nước nấu cơm. Nước dùng nấu cơm là nước luộc gà mới cho ra hạt cơm có beo béo, dậy mùi thơm. Để có đĩa cơm gà ngon “đúng điệu” phải chọn gà tơ thả vườn, thịt mềm, thơm. Gà luộc xong đem xé miếng nhỏ trộn với rau răm, hành tây, gia vị.
Cơm gà phố Hội
Ăn kèm còn có nước chế biến từ lòng mề, tim cật gà, đu đủ bào, tương ớt, nước tương, một lát chanh tùy khẩu vị thực khách. Bên cạnh còn có chén nước dùng từ nước gà luộc, nhiều tiệm “biến tấu” chén nước dùng thêm đậm đà với một ít rau thơm, hay một chút trứng đảo nóng dậy mùi thơm cho nước dùng.
Ở Hội An có nhiều tiệm cơm gà có tiếng. Lâu đời nhất phải kể tới cơm gà Bà Buội. Nhiều người dân địa phương hay du khách nhiều lần trở lại Hội An cũng “kết” món cơm gà Bà Hương ở kiệt (hẻm) Sica trên đường Lê Lợi, cơm gà Bà Minh trên đường Lý Thường Kiệt (đối diện sân vận động Hội An), hay cơm gà Bà Nga ngay giao lộ Nguyễn Huệ - Phan Châu Trinh (gần thư viện Hội An)…
Một trong những món đặc sản không nên bỏ qua khi đến Hội An nữa là bánh bao bánh vạc (hay còn có tên gọi là bông hồng trắng - dịch theo tên gọi dành cho khách phương Tây). Vỏ bánh làm bằng bột gạo được lọc nhào nặn kỳ công để cho ra vỏ bánh mềm, khi đã hấp xong, vỏ bánh vẫn trong suốt nhìn được rõ cả nhân bên trong. Bánh bao có nhân thịt tôm giã nhuyễn, tạo hình như một đóa hoa trắng nhỏ xinh nên bánh còn có tên gọi là bông hồng trắng. Bánh vạc có tạo hình gần như bánh bột lọc, nhân bên trong gồm thịt heo thái nhỏ, nấm mèo, hạt giá, lá hành được xào chín sơ trước khi bọc vỏ bánh và cho vào nồi hấp..
Bánh bao bánh vạc (bông hồng trắng)
Ở Hội An hầu như các nhà hàng, quán ăn phục vụ thực khách trong khu phố cổ đều có món này. Nhưng chủ lò bánh có được bí quyết gia truyền, cung cấp bánh cho các nhà hàng, quán ăn ở Hội An chỉ có một tiệm Bông hồng trắng nằm trên đường Nhị Trưng, đoạn gần giáp với giao lộ Nhị Trưng - Lý Thường Kiệt.
Ngoài những món ăn no bụng, Hội An còn nhiều món ăn chơi ngon miệng ở những hàng quán vỉa hè. Du khách đến phố cổ biết tiếng đều thử ăn món xíu mà (chí mà phù, chè mè đen) của ông Ngô Thiểu trên đường Nguyễn Trường Tộ, đoạn vỉa hè giáp tường bao sân vận động thành phố. Ông Ngô Thiểu nay đã già yếu. Con cháu nối nghiệp ông vẫn duy trì gánh xíu mà nhỏ giản dị ven đường mà ít khi thưa khách. Gánh chỉ bán từ khoảng 9h - 12h trưa là hết xíu mà.
Xíu mà (chí mà phù, chè mè đen)
Xíu mà vốn là chè mè đen, món ăn của người Hoa, vẫn thường thấy bày bán ở các khu đông người Hoa kiều ở các thành phố lớn như Sài Gòn. Nhưng chén xíu mà Hội An không lỏng mà đặc sánh có vị ngọt bùi, beo béo, thơm lựng.
Nguyên liệu chế biến xíu mà gồm có gạo nếp hương, mè đen, nhân dừa xay nhuyễn, đường, và thanh địa thuốc bắc... Nhưng làm sao để chế biến món xíu mà ngon, dậy mùi thơm lựng là bí quyết của ông Ngô Thiểu, nay chỉ được chỉ bày cho truyền nhân là người trong gia đình.
Nhiều địa chỉ ăn vặt nên bỏ túi khi đến Hội An nữa là quán bánh xèo, nem lụi Bà Bé ở hẻm giếng Bá Lễ trên đường Phan Chu Trinh (đoạn gần Rạp chiếu bóng thành phố), qua cầu Cẩm Nam sang làng bánh tráng đập dập, hến xào, chè bắp với dãy dài hàng chục quán chuyên bán các món này ở đây.
Khánh Hiền (DanTri)