Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

10 phong tục, lễ nghi bạn cần biết trước khi du lịch Thái Lan

Thái Lan nổi tiếng là đất nước Phật Giáo lâu đời với hàng nghìn lễ nghi, phong tục. Trước khi đi du lịch đến xứ sở chùa Vàng, bạn cần biết 10 phong tục, lễ nghi sau đây để tránh gặp phải những rắc rối và phiền phức khi bạn ở đất nước xinh đẹp này.
Xem thêm: 10 hòn đảo Thái Lan đẹp, đồ ăn ngon và đi lại dễ

1. Phong tục chào hỏi


Thái Lan là một đất nước xinh đẹp có nền văn hóa giàu có với rất nhiều truyền thống lâu đời, thú vị và một xã hội luôn đặt sự tôn trọng Phật giáo lên hàng đầu. Chào, cảm ơn hay tạm biệt ai đó đã đi vào truyền thống Thái với cái gọi là Wai. Đây là một động tác chắp tay lại, giống như khi cầu nguyện, đưa lên ngực hoặc đầu và cúi đầu chào. Phong tục, cử chỉ Wai được áp dụng ở mọi nơi trên Thái Lan và là dấu hiệu bày tỏ lòng kính trọng cũng như chào đón hoặc cảm ơn.

2. Lòng tôn kính đối với Hoàng gia


Hoàng gia là nền tảng trong văn hóa Thái Lan, những người trong hoàng gia luôn được người dân Thái Lan kính trọng nhất. Sẽ là một sai lần lớn nếu bạn có những nhận xét xấu về đức Vua hay bất kì ai trong hoàng tộc, dù chỉ là đùa. Hình ảnh của nhà Vua được dùng để tô điểm cho rất nhiều nơi. Một trong những phong tục khác của Thái là phải đứng khi hát bài “hoàng ca” ở các sự kiện thể thao, phim ảnh hay các sự kiện công khai khác.

Nếu bạn đi du lịch Thái Lan, khi họ hát bài hát “Hoàng ca” bạn nên dừng lại giữ trật tự để tỏ lòng tôn kính.

3. Bài hát quốc ca


Thái Lan là đất nước tôn kính Phật giáo và Hoàng gia, nên tất cả những gì liên quan đến đất nước họ đều được tôn trọng. Bài hát quốc ca của họ được phát hai lần mỗi ngày. Bài hát quốc ca Thái Lan mỗi khi được phát lên thì mọi người dân dù đang ở đâu cũng phải ngừng lại, đứng thẳng với niềm tự hào dân tộc.

4. Cẩn thận với cái đầu và chân bạn


Mọi bộ phận trên cơ thể người đều có ý nghĩa riêng trong nền văn hóa Thái. Người Thái rất coi trọng cái đầu, đây là nơi linh thiêng nhất của một người, tùy tiện chạm vào đầu ai đó là sự vô lễ và sỉ nhục to lớn. Chân là nơi “kém giá trị” nhất, và họ coi là bất lịch sự nếu bạn để chân cao hơn đầu một ai đó, đặc biệt là khi người đó có địa vị xã hội cao hơn. Nguyên tắc này cũng ảnh hưởng nhiều đến cách người Thái ngồi, chân của họ không bao giờ chĩa vào người đối diện. Chĩa hay chạm vào bất cứ cái gì bằng chân đều là mất lịch sự.

Một trong những phong tục nhạy cảm khác mà khách du lịch cần phải biết là cởi giày trước khi vào các công trình tôn giáo hay nhà của bất cứ ai. Hay là giẫm chân lên trên đồng bath Thái có hình quốc vương sẽ bị khiển trách tại quốc gia này.

5. Chú ý cách ăn mặc


Vì là một đất nước Phật giáo lâu đời nên người Thái hay đánh giá thông qua diện mạo và bề ngoài của con người. Bạn nên ăn mặc gọn gàng để thể hiện lòng kính trọng đối với tôn giáo của họ, việc bạn ăn vận luộm thuộm được xem như không tôn trọng họ và sẽ khiến họ phật ý. Các khu vực tôn giáo rất nhạy cảm về việc ăn mặc. Đến đây bạn phải kín đáo, những người mặc quần ngắn, váy ngắn, áo dây, áo ba lổ có thể bị từ chối vào các đền chùa đến khi nào có sự thay đổi phù hợp.

6. Kiềm chế cảm xúc

Trong cuộc sống hàng ngày, người dân Thái Lan thường chú ý giữ cho cuộc sống luôn được vui vẻ. Do vậy tại “đất nước của những nụ cười” thể hiện cảm xúc tích cực trong các giao tiếp xã hội cũng rất quan trọng trong văn hóa Thái. Giận dữ là điều không thể tha thứ ở Thái Lan, nếu ai đó bắt đầu nóng giận, họ thường bỏ đi để bình tĩnh lại. Trong phong tục Thái Lan, nếu không cho đối tác thấy được sự nóng tính thay vì sự đàng hoàng có thể dẫn đến kinh doanh thua lỗ và nhận được cái nhìn xa lánh từ các đồng nghiệp.


Vậy nên rèn luyện tính kiên nhẫn là cách tốt nhất áp chế cơn nóng giận. Thậm chí khi thông báo một tin xấu hay rơi vào một tình huống khó khăn, nụ cười vẫn có thể nở trên môi của những người liên quan. Khi gười Thái giải quyết sự bất đồng, các lỗi nhỏ họ sẽ nói “Mai pen rai” (Không có gì đâu mà); khi một người nói “mai pen rai” thì có nghĩa là sự việc không hề quan trọng, có thể coi là không có va chạm nào và sẽ không làm ai đổi nét mặt cả. Ở Thái Lan, một nụ cười với những người nghèo khó được xem như đang thể hiện sự tử tế với những ai trong cuộc.

Một điều mà bạn cũng cần lưu ý là không nên thể hiện tỉnh cảm quá thân mật trước mặt người khác, như thế là không tôn trọng nền văn hóa tôn kính của đất nước họ. Ở Thái Lan, người ta chỉ thường thấy bạn bè nắm tay nhau, còn các cặp đôi rất ít khi làm thế trừ khi họ đang ở những nơi Tây hóa.

7. Màu sắc trang phục của người dân Thái Lan trong tuần


Một trong những phong tục rất hay của đất nước Thái Lan, bắt nguồn từ truyền thuyết mỗi ngày trong tuần đều đại diện cho một màu cụ thể bắt. Không phải tất cả đều tuân theo phong tục này nhưng bạn dễ thấy nhiều người mặc màu vàng vào thứ Hai để chào mừng sự ra đời của nhà vua hay màu xanh dương vào thứ Sáu để chào mừng ngày hoàng hậu ra đời.

8. Ăn uống lịch sự

Trong mỗi bữa ăn của người Thái đều có đầy đủ các dụng cụ và có công dụng riêng nhưng bạn nên thử tìm ra cái nào phù hợp với món mình đang ăn. Ví dụ, khi ăn bún có thể dùng đũa và khi ăn cơm có thể dùng muỗn và nĩa. Thức ăn trong nhà hàng thường được phục vụ trong dĩa lớn, từ đây mọi người mới lấy về chén của mình. Họ xem những người lấy nhiều thức ăn và ăn nhanh là những người thô lỗ. Một trong những truyền thống khác của Thái là chừa lại một ít thức ăn trên dĩa ở cuối bữa ăn để nói rằng đã ăn đủ và không cần dọn thêm thức ăn nữa.

9. Mặc cả

Người Việt ta thường có thói quen mặc cả mỗi khi mua hàng hóa gì đó, người Thái cũng có thói quen như vậy. Những nơi có giá niêm yết thường là nhà hàng và siêu thị, nhưng ở những nơi không có nhãn giá, như chợ, hay lúc thuê xe đạp, nên mặc cả để có giá tốt nhất. Cũng nên nhớ rằng, tip không phải là hành động phổ biến, không ai mong chờ điều này cả, vì thế bạn đừng lạm dụng quá khi đi du lịch.

10. Quà tặng


Khi tặng quà ở Thái Lan, món quà không bao giờ được gói trong giấy màu xanh lá, đen và xanh dương vì những màu này liên quan đến đám tang. Tương tự như vậy, không bao giờ chọn hoa vạn thọ hay cẩm chướng vì hai loại hoa này cũng gợi nhớ đến đám tang. Theo văn hóa Thái, những món quà tốt nhất là chocolate, các loại hoa phù hợp hoặc là trái cây.
Sưu tầm

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

Điều cần biết khi 'săn' hoa hướng dương ở Nghệ An

Dù không thu phí ở các cánh đồng hoa hướng dương tại Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn, Nghệ An, khách đến tham quan vẫn phải đi theo đoàn và có tính tổ chức.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch mùa hoa hướng dương, cải trắng ở Đà Lạt

Nghĩa Đàn là một huyện vùng núi nằm phía bắc của tỉnh Nghệ An, cách Vinh 90 km và Hà Nội khoảng 300 km. Vài năm gần đây, Nghĩa Đàn được biết đến là địa điểm lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh bên cánh đồng hoa hướng dương. Vườn hoa nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh. Đến đây bạn sẽ được thả mình trong không gian yên bình của đồng hoa rộng bất tận và chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè.

Thời gian hoa nở

Hoa hướng dương nở vào hai mùa trong năm, tháng 3-4 và tháng 11-12. Thời gian này là lúc hoa nở rộ và đẹp nhất, nên bạn có thể bắt đầu hành trình đến Nghĩa Đàn.

Cánh đồng hoa hướng dương cách thành phố Vinh khoảng 100 km

Di chuyển

Nếu bạn đi xe riêng từ Hà Nội, di chuyển tới Xuân Mai, rẽ trái vào đường mòn Hồ Chí Minh, từ đây chạy thẳng khoảng 200 km là sẽ tới. Nếu đi xe khách, bạn đến bến Mỹ Đình, Nước Ngầm để bắt xe về Nghĩa Đàn. Thời gian di chuyển khoảng 4-5 giờ, giá vé 150.000 - 160.000 đồng.

Từ TP HCM, bạn có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa về Vinh rồi đi tiếp.

Nếu đang ở Vinh, bạn có thể di chuyển bằng xe máy, xe khách hoặc thuê xe đến Nghĩa Đàn. Từ Vinh, bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường Hồ Chí Minh rẽ phải, chạy theo đường mòn là tới.

Ăn nghỉ

Cuối tháng 11, đầu tháng 12 là thời điểm khách du lịch đến tham quan vườn hoa rất đông vì vậy bạn nên đặt phòng trước. Du khách có thể qua đêm tại các nhà nghỉ ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm hoặc thị trấn Thái Hòa, bởi đó là những vị trí gần với vườn hoa hướng dương. Nếu không bạn có thể quay về Vinh để nghỉ.
 
Đi du lịch Nghệ An bạn sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản ở đây như cháo lươn, nhút, tương Nam Đàn, mùng muối, cà muối … Khi về, bạn có thể mua kẹo cu đơ để về làm quà cho người thân

Tham quan

Sau khi tham quan, chụp ảnh cánh đồng hoa hướng dương, bạn có thể ghé thăm các địa điểm xung quanh như cánh đồng trồng cỏ Mombasa, cánh đồng ngô ngút tầm mắt với hệ thống tưới tiêu hiện đại, trại bò sữa... Ngoài ra, bạn cũng nên đến Kim Liên để thăm quê Bác.

Cánh đồng hoa thu hút rất đông khách đến chụp ảnh, đặc biệt là cuối tuần. Ảnh:Tuấn Đào

Lưu ý

Cánh đồng hoa hướng dương được trồng để phục vụ chăn nuôi nên du khách được tham quan, chụp ảnh tự do. Vì vậy khi đến hãy giữ gìn, bảo vệ cánh đồng hoa để mọi người cùng được thưởng ngoạn.

Nếu đi xe riêng, hãy đỗ xe theo đúng chỉ dẫn để có lối đi cho mọi người. Không để giấy tờ, tư trang, tiền bạc trong cốp xe để tránh một số kẻ trộm, móc cốp... Tự bảo quản vật dụng mang theo, đề phòng kẻ xấu lợi dụng lúc đông người để lấy cắp.

Khi thuê thang hoặc chụp ảnh, ăn uống, bạn nên hỏi giá trước khi sử dụng tránh trường hợp bị chặt chém.

Vì thời tiết hiện giờ đang nắng nóng bất thường, bạn cần chuẩn bị nón, mũ, ô để bảo vệ sức khỏe.

Khi đến tham quan trang trại bò, cánh đồng cỏ Mombasa, bạn phải đi theo đoàn du lịch, không đi cá nhân, đây là quy định của ban quản lý cánh đồng hoa. Khi đến đó sẽ có hướng dẫn viễn du lịch dẫn bạn đi tham quan.

Võ Tuyết (VnExpress)

7 lễ hội Việt Nam được giới thiệu trên báo Anh

“Lấp lánh ánh đèn, rộn ràng những con đường tấp nập người qua lại vô cùng náo nhiệt - hãy cùng chúng tôi điểm lại những dịp lễ tết thú vị của Việt Nam”, đó là lời mở đầu trong bài viết của tạp chíWanderlust nổi tiếng, Anh.

Và đây là bảy lễ hội Việt Nam được Wanderlust mô tả gửi tới bạn đọc.

1. Lễ hội đèn lồng Hội An

Phố cổ Hội An nổi danh với các kiến trúc cổ kính, đôi bờ sông náo nhiệt là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hằng tháng vào những ngày trăng tròn, ánh đèn điện sẽ được tắt đi, xe cộ không được phép qua lại trên nhiều đoạn đường, nhường chỗ cho hàng nghìn ánh đèn lồng lung linh tỏa sáng.

Hòa cùng bầu không khí lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực phong phú và âm nhạc du dương. Tuyệt vời nhất là lễ hội này tổ chức suốt cả năm.
Xem thêm: 7 đặc điểm của Hội An mê hoặc du khách Tây

2. Hội Chử Đồng Tử


Được đặt tên theo một trong bốn vị “tứ bất tử” của Việt Nam, lễ hội diễn ra tại đền thờ Chử Đồng Tử ở xã Dạ Hoa và Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Trong lễ hội có tổ chức múa rồng múa lân, biểu diễn võ thuật, hát chèo để tưởng nhớ đến thánh Chử Đồng Tử, người đã có công phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.

Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 12-3.

3. Lễ hội chùa Thầy


Lễ hội chùa Thầy tổ chức từ ngày 11 đến 13-4 là lễ hội để tưởng nhớ về nhà sư Từ Đạo Hạnh ở huyện Quốc Oai, Hà Nội với những màn múa rối nước độc đáo và những đoàn tăng lữ tuần hành của các nhà sư chùa Thầy.

Trong suốt cuộc đời mình, nhà sư Từ Đạo Hạnh đã hết mình hành y, tích đức giúp nhân dân trong vùng. Ông còn là người đã phát minh nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Xem thêm: Những điều cần chú ý khi đi du lịch Hà Nội

4. Festival Huế


Festival Huế là sự kiện diễn ra hai năm một lần nhằm tưởng nhớ về những giá trị truyền thống tại cố đô Huế. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, ngâm thơ, các buổi trưng bày đầy màu sắc, hòa nhạc, chơi trống và xem các bộ phim lịch sử.

Festival Huế tổ chức từ ngày 20-4 đến 3-5.
Xem thêm: Núm đuôi xào nghệ và cá ngạnh um măng ở Huế

5. Ngày đất nước thống nhất

Đây là dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc thống nhất, 30-4-1975.

Vào ngày này, có rất nhiều lễ hội được tổ chức khắp Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM được trang hoàng với các biểu ngữ, cờ quạt, đèn đường sặc sỡ.

Vì đây là ngày nghỉ lễ chung, rất nhiều người cũng tranh thủ về thăm gia đình.

6. Lễ Vu lan


Là lễ hội phố biến khắp cả nước, đây là dịp để gia đình, người thân kề cận bên nhau, tưởng nhớ về người đã khuất, cúng mâm cơm và dâng hoa. Một trong những địa điểm tập trung nhiều nhất vào thời điểm này là chùa Vĩnh Nghiêm.

Lễ hội diễn ra vào ngày rằm tháng 7 hằng năm.

7. Tết Trung thu


Tết Trung thu là một trong những lễ hội quan trọng nhất để thể hiện tình cảm gia đình tại Việt Nam. Đây là lúc các bậc cha mẹ bù đắp cho con cái sau những ngày mùa bận bịu. Ngày nay vào dịp này, trẻ em sẽ được nhận quà, còn người nông dân mừng một mùa vụ bội thu.

Được tổ chức vào dịp trăng tròn - thể hiện sự viên mãn, giàu có - người dân thường ăn bánh trung thu (loại bánh nướng tròn có thịt, trứng muối, trái cây khô, các loại hạt khô).

Bài đăng phổ biến