Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

9 món ngon vang danh đất Nam Định

Ngoài phở bò, Nam Định còn nổi tiếng với món bún đũa, xôi xíu, bánh nhãn và kẹo sìu châu...

Xem thêm: Những món ăn ngon chỉ có ở Hà Tây xưa

Nam Định tuy có diện tích không lớn nhưng văn hóa ẩm thực rất phong phú, với những món ăn đơn giản, mộc mạc như chính con người.

Phở bò


Nhiều du khách khi du lịch Nam Định nhớ đến món phở bò gia truyền ngon nổi tiếng, đặc biệt là phở bò áp chảo. Ngày nay món ăn được phổ biến rộng rãi ra toàn quốc nhưng ở Nam Định phở bò vẫn có nét đặc trưng không thể lẫn. Bánh phở Nam Định sợi nhỏ mềm, nước dùng ngọt thơm với bí kíp riêng của từng gia đình. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng rồi vớt ra ngay để giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Phở Đán phố Hai Bà Trưng, phở Tại đường Điện Biên, phở bò xốt vang quán Xuyến ngõ Văn Nhân, phở bò cụ Tặng phố Hàng Tiện... đều là những quán phở gia truyền ngon nổi tiếng Nam Định.

Bánh xíu páo

Bánh xíu páo là một trong những thức quà ngon, rất dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách, nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong

Xíu páo có vỏ như bánh nướng nhưng mềm và thơm hơn, có thể bóc ra từng lớp mỏng. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền của mỗi gia đình. Để bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián và thơm nức. Đã từ lâu bánh xíu páo luôn là món quà sáng quen thuộc của rất nhiều thế hệ học sinh Thành Nam.

Xôi xíu

Món xôi xíu Nam Định là món ăn gồm xôi trắng dùng kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng và nước sốt sệt sệt thơm đặc biệt. Một bát xôi được dọn ra vẫn còn nghi ngút khói. Trộn đều xôi lên, thưởng thức một miếng bạn sẽ cảm nhận ngay được nhiều hương vị hòa quyện, dẻo thơm của nếp, lạp xưởng ngậy bùi, xá xíu mềm ngọt, sốt thịt thơm mùi tiêu. Những phố nổi tiếng với món xôi xíu nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Hàng Sắt… là gợi ý cho bạn.

Nem nắm Giao Thủy

Đặc sản này được nhiều du khách mua về làm quà

Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến. Ngay sau khi mổ, miếng thịt còn nóng hổi được chế biến ngay, tuyệt đối không được đặt xuống đất hay rửa bằng nước lạnh thịt mất độ dẻo, ngon. Sau khi lọc bì và nạc riêng rẽ, phần thịt nạc được luộc chín tới hoặc còn hơi tái, rồi thái to bản, dọc thớ những phải thật mỏng, rồi dùng sống dao dần cho mềm. Còn phần bì, được làm lông bằng nước nóng, luộc rồi lạng mỏng, thái nhỏ sao cho dài, trắng và đều. Nem được vo nắm tròn và gói lại nên khi ăn phải làm tơi ra và cuốn vào lá sung hoặc chấm mắm trực tiếp.

Bún đũa

Bún đũa Nam Định trông gần giống bánh canh ở miền Nam, với sợi to như đầu đũa, trắng muốt, là món ăn thường được bày bán ở vỉa hè. Nước dùng dành cho bún đũa là vị riêu cua, hơi chua, béo ngậy và ngọt đậm. Nồi riêu cua bao giờ cũng đượm màu vàng của mỡ phi hành, chút gạch cua óng ánh, một ít ớt khô chưng. Mặt nồi riêu bao giờ cũng nổi chìm lập lờ từng mảng gạch cua, mới trông đã thấy xôm xốp, ngọt ngào. Bún đũa ăn kèm rau mùa nào thức nấy, có thể là rau muống, rau cải hay rau rút... hoặc thêm một ít giá sống. Những địa chỉ quen thuộc cho món ăn này là ở chợ Ngõ Ngang, chợ Rồng hay phố Hàng Đồng.

Bánh nhãn

Tên gọi bánh nhãn không phải do làm từ nhãn tươi, mà xuất phát từ hình thù của bánh, vàng và tròn như quả nhãn, được làm từ những nguyên liệu truyền thống như gạo nếp Hải Hậu, trứng gà, đường kính, mỡ lợn... Gạo nếp xay hoặc giã thành bột, trộn với trứng gà tươi, nặn thành từng viên nhỏ và chiên vừa lửa, với đường trắng tạo thành "lớp áo" bên ngoài. Bánh có vị thơm của trứng, vị ngọt dẻo của nếp, vỏ ngoài hơi giòn giòn, là món ăn chơi rất thú vị khi thưởng thức cùng trà.

Bánh cuốn làng Kênh

Bánh cuốn làng Kênh được làm từ gạo dẻo, bột không được ngâm quá lâu vì bánh sẽ chua, nhão, khi tráng thoa một lớp bột mỏng nhưng đều. Muốn bánh có độ dai, mỏng và giòn, để lâu bánh không bị cứng thì pha một lượng nhỏ bột dong. Trước đây khi tráng bánh người ta thường xếp bánh trên lá sen hoặc lá chuối trông rất ngon mắt và chấm không với nước mắm. Ngày nay, khi ăn người ta thường cho thêm vài lát chả quế thơm để đậm vị. Món ăn qua bao đời vẫn được người làng Kênh gìn giữ để hương vị không đổi theo thời gian, chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất.

Kẹo sìu châu

Kẹo sìu châu gần giống kẹo lạc nhưng thơm ngon hơn

Theo người dân Nam Định, tên kẹo Sìu Châu đã có từ lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo có tiếng ở bến sông Vị Hoàng. Nguyên liệu làm kẹo rất đơn giản gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Vừng và lạc được rang chín sẽ tách vỏ, sẩy cho thật sạch. Nấu đường với mạch nha trên bếp to lửa, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho tất cả quyện lấy nhau. Đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để chống dính và cán mỏng, cắt thành từng miếng nhỏ cho vừa miệng. Để nấu được kẹo, người thợ cần phải có đôi tay tinh tế, biết điều chỉnh nhiệt độ của bếp và đong đếm đủ vị.

Cá nướng úp chậu

Những ngày đầu xuân năm mới, nếu vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được gia chủ mời một món ăn rất đặc biệt, đó là món cá nướng úp chậu. Cá sẽ được nướng qua sức nóng từ chiếc chậu úp lên, không phải nướng trực tiếp trên lửa như bình thường. Khi chín phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt rất chắc và ngọt.

10 món ngon Trà Vinh hút hồn du khách

Cháo ám, bún suông, bánh canh Bến Có hay chù ụ rang me... là những món ăn làm say lòng du khách khi đến với "xứ dừa" Trà Vinh.
Xem thêm: Trải nghiệm ăn trái cây và đờn ca tài tử ở Cù Lao Dài

Ẩm thực Trà Vinh mang hương vị đặc trưng của 3 dân tộc Kinh, Khơ me và Hoa.

Cháo ám: Cá lớn, mập, cắt ra từng khứa, đem luộc. Thịt được thái từng miếng cỡ bằng ngón tay rồi đem xào với mỡ hành. Sau đó, nước luộc cá được dùng để nấu cháo sao cho thật nhừ trong nồi đất lớn. Cháo phải thêm một củ hành nướng, tôm khô và khô mực nướng để nước ngọt và thơm. Cháo chín có thể cho cá vào. Trứng cá để riêng, được làm nhuyễn rồi mới đổ vào nồi. Bát cháo ám ăn đúng điệu không thể thiếu được các loại rau sống xắt nhuyễn, hành ngò, giá trụng và bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên. Giá một tô cháo ám từ 20.000 đến 25.000 đồng.

Bún suông: Món ăn này làm từ bún, chả tôm tươi. Nước lèo dùng để nấu bún suông được hầm từ xương heo, thêm mắm muối phù hợp để tạo vị ngon đậm đà. Một số người còn cho thêm tôm khô hay mực khô để tăng thêm hương vị cho nồi nước lèo. Ăn kèm với món bún này là bắp cải trắng bào xợi, hành, ngò, nước chấm tương xay, chanh, ớt,…Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng.

Bún suông Trà Vinh đậm đà hương vị của tôm. Ảnh: Xembao.

Bánh canh Bến Có: Giống như những món bánh canh khác, thành phần sợi bánh và nước súp quyết định mùi vị, độ ngon của món ăn. Sợi bánh được làm từ bột gạo để làm bánh trong, dai và hạn chế bị nở khi ngâm trong nước. Nước súp cũng không quá cầu kỳ khi được nấu từ xương heo. Người dùng có thể kết hợp bánh canh với giò heo, thịt nạc, thịt bắp, móng hay lòng... Ăn kèm là chén nước mắm chanh ớt. Chính vị đậm đà của nước chấm nguyên chất như cộng hưởng với các nguyên liệu làm cho món ăn dân dã này trở nên thơm ngon, đậm đà hơn.

Bún nước lèo: Món ăn gồm cá lóc, thịt heo quay, tôm và đặc biệt là mắm bò hóc cho vị mặn nồng và hương thơm nức mũi. Bún được làm từ lúa mùa nên rất dai và ngọt. Để tô bún đạt yêu cầu thì phải có rau ghép gồm giá sống, hẹ, bắp chuối. Một tô có mức giá phải chăng từ 20.000 đến 25.000 đồng.
Xem thêm: Đặc sản không thể bỏ qua ở miền đất mũi Cà Mau

Chù ụ rang me: Chù ụ được bắt về làm sạch, bỏ lên chảo dầu, hành, tỏi đập dập, cho nước cốt me vào và nêm nếm sao cho có vị chua ngọt vừa ăn. Thịt chù ụ rất chắc, vỏ giòn ngon chứa nhiều canxi, nếu du khách "mê" mùi vị của biển thì đây là món ăn lý tưởng và thú vị. Ngoài ra, chù ụ còn được chế biến bằng nhiều cách khác như hấp, luộc,…Một đĩa chù ụ rang me dành cho 2 người ăn khoảng 6, 7 con với giá từ 60.000 đến 70.000 đồng.

Chù ụ rang me có vị chua ngọt vừa ăn là món khoái khẩu của nhiều người

Tôm khô Vinh Kim: Món này được làm từ con tôm bạc đất vùng ven biển, nên chất lượng vượt trội hơn tôm khô vùng khác, nổi bật nhất là có màu đỏ hồng, thịt chắc có vị ngọt đậm. Tôm khô được chọn, luộc vừa lửa, phơi đúng cách và vừa nắng. Để có được một kg tôm khô thành phẩm cần đến 10 kg tôm tươi; giá hiện tại trên thị trường giao động 600.000 đến 1,2 triệu đồng một kg tùy loại.

Dừa sáp Cầu Kè: Đây là loại dừa đặc ruột, cơm dừa dày, mềm dẻo và béo hơn trái dừa thường, nước dừa trong veo như sương sa. Mỗi buồng dừa sáp thường chỉ cho vài trái sáp, những trái còn lại là dừa thường. Dừa sáp được dùng để chế biến: nước giải khát, sản xuất bánh kẹo, cơm dừa, thạch, mứt, kem, rượu vang, cơm dừa sấy khô,….Mỗi trái dừa sáp có giá từ 130.000 đến 240.000 đồng tùy chất lượng và cỡ lớn, nhỏ.

 Dừa sáp Cầu Kè cùi dày, nước trong veo.

Rượu Xuân Thạnh: Cùng với bí quyết gia truyền hàng trăm, rượu được sản xuất cầu kỳ từ gạo nếp và lên men bởi 36 vị thuốc Bắc. Nếp được nấu chín, để nguội và trộn với men, ủ kín trong 3 ngày. Tiếp theo cho nước với hàm lượng vừa đủ vào hũ cơm rượu đã ủ men và để tiếp 3 ngày nữa, sau đó đem chưng cất. Rượu Xuân Thạnh khoảng 60 độ, hương vị nồng nàn, hấp dẫn, không gây khó chịu cho người vui quá chén. Giá mỗi chai rượu 500 ml từ 38.000 đến 47.000 đồng.

Bánh tét Trà Cuôn: Món ăn này được làm từ gạo nếp, thịt, mỡ bao quanh bằng lá chuối. Gạo nếp phải vo sạch và để ráo, sau đó trộn đều với nước ép rau ngót để tạo màu và tạo mùi. Bánh được buộc vừa đủ chặt, đun lửa phải đều trong nhiều giờ liền…Giá của mỗi đòn bánh Tét Trà Cuôn từ 40.000 đến 50.000 đồng loại 900gr.

Bánh tét Trà Cuôn mỗi đòn có giá từ 40.000 đến 50.000 đồng. Ảnh:Dacsanmientay.

Nước mắm rươi: Loại mắm này chỉ cần rươi, muối và nước sạch với tỉ lệ 5:1:4, sau đó đem ủ từ 10 đến 15 ngày. Nước mắm rươi thường dùng để chấm các loại như rau, tôm, thịt luộc, cháo trắng…Mắm có màu vàng xanh, không thơm mạnh bằng mắm của Phú Yên hay Phú Quốc nhưng lại vượt trội về độ ngọt dịu. Giá cho một lít dao động từ 20.000 đến 32.000 đồng tùy vào độ đạm.

(Theo VnExpress)

Món bún suông - đặc sản đất Trà Vinh

Từng miếng chả tôm thon dài, suông đuột trông lạ mắt như quấn lấy sợi bún trắng tinh, ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức.
Xem thêm: Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm

Trà Vinh là một tỉnh có nền ẩm thực giao thoa của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Ngoài bún nước lèo, bánh canh Bến Có hay mắm bò hóc, du khách ghé qua vùng đất này còn dễ bị say lòng bởi món bún suông.

Bún suông với thành phần chính là bún, tôm và thịt ba chỉ. Đặc biệt phần hồn cốt của món ăn nằm trong những con tôm được nặn thành miếng chả dài. Để chả thêm ngon, người ta thường phải lựa những con tôm tươi và mập mạp. Tôm được đem về rửa sạch, cắt đầu đuôi và bóc vỏ.
Mỗi tô bún suông có giá từ 15.000 đến 25.000 đồng

Tỏi, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn sẽ được cho cùng tôm vào máy xay, đến khi tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành hỗn hợp sánh mịn. Lấy phần tôm trên vào tô, thêm vào hạt tiêu, muối, bột năng, bột nêm và màu dầu điều để tạo sắc vàng bắt mắt.

Món chả muốn dai nhuyễn đòi hỏi người nấu phải kỳ công quết lại nhiều lần, cuối cùng cho tất cả vào túi nilon sạch, cắt đầu bao. Phần nước dùng được ninh bởi xương heo trong nhiều giờ cho béo ngọt, khi đã nêm nếm gia vị bao gồm dầu hạt điều, muối, tiêu, bột nêm.... thì cứ thế mà nắn từ từ hỗn hợp tôm vào.

Vị nước dùng của bún suông cũng khá đặc biệt, nó không trong như các loại bún khác mà có màu ngả hơi nâu do có cho thêm me và tương hột tạo nên vị chua thanh, lại thoang thoảng mùi thơm.

Phần chả tôm dài hay ngắn là tùy theo sở thích của người nấu. Khi chả tôm đã thả hết vào nồi, sẽ được đun thêm 5 – 10 phút cho đến khi nổi trên bề mặt nước và chuyển màu vàng ươm, ấy cũng là lúc đã chín hẳn.

Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.

Du lịch Trà Vinh bạn có thể tìm gặp quán bún suông chỉ chuyên bán vào các buổi chiều tối trên đường Điện Biên Phủ hoặc quán trên đường Hùng Vương.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến