Nhiều du khách khi d
u lịch Nam Định nhớ đến món phở bò gia truyền ngon nổi tiếng, đặc biệt là phở bò áp chảo. Ngày nay món ăn được phổ biến rộng rãi ra toàn quốc nhưng ở Nam Định phở bò vẫn có nét đặc trưng không thể lẫn. Bánh phở Nam Định sợi nhỏ mềm, nước dùng ngọt thơm với bí kíp riêng của từng gia đình. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng rồi vớt ra ngay để giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Phở Đán phố Hai Bà Trưng, phở Tại đường Điện Biên, phở bò xốt vang quán Xuyến ngõ Văn Nhân, phở bò cụ Tặng phố Hàng Tiện... đều là những quán phở gia truyền ngon nổi tiếng Nam Định.
Bánh xíu páo
Bánh xíu páo là một trong những thức quà ngon, rất dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách, nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong
Xíu páo có vỏ như bánh nướng nhưng mềm và thơm hơn, có thể bóc ra từng lớp mỏng. Nguyên liệu làm bánh chủ yếu gồm bột mì, thịt, trứng, bột, mỡ lợn và một số gia vị đặc trưng tùy theo cách làm gia truyền của mỗi gia đình. Để bánh ngon, người ta thường ướp thịt lợn thăn với tỏi băm, ngũ vị hương, dầu hào, mật ong rồi đem rán cho đến khi chuyển sang màu cánh gián và thơm nức. Đã từ lâu bánh xíu páo luôn là món quà sáng quen thuộc của rất nhiều thế hệ học sinh Thành Nam.
Xôi xíu
Món xôi xíu
Nam Định là món ăn gồm xôi trắng dùng kèm với thịt xá xíu, lạp xưởng và nước sốt sệt sệt thơm đặc biệt. Một bát xôi được dọn ra vẫn còn nghi ngút khói. Trộn đều xôi lên, thưởng thức một miếng bạn sẽ cảm nhận ngay được nhiều hương vị hòa quyện, dẻo thơm của nếp, lạp xưởng ngậy bùi, xá xíu mềm ngọt, sốt thịt thơm mùi tiêu. Những phố nổi tiếng với món xôi xíu nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Hàng Sắt… là gợi ý cho bạn.
Nem nắm Giao Thủy
Đặc sản này được nhiều du khách mua về làm quà
Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến. Ngay sau khi mổ, miếng thịt còn nóng hổi được chế biến ngay, tuyệt đối không được đặt xuống đất hay rửa bằng nước lạnh thịt mất độ dẻo, ngon. Sau khi lọc bì và nạc riêng rẽ, phần thịt nạc được luộc chín tới hoặc còn hơi tái, rồi thái to bản, dọc thớ những phải thật mỏng, rồi dùng sống dao dần cho mềm. Còn phần bì, được làm lông bằng nước nóng, luộc rồi lạng mỏng, thái nhỏ sao cho dài, trắng và đều. Nem được vo nắm tròn và gói lại nên khi ăn phải làm tơi ra và cuốn vào lá sung hoặc chấm mắm trực tiếp.
Bún đũa
Bún đũa Nam Định trông gần giống bánh canh ở miền Nam, với sợi to như đầu đũa, trắng muốt, là món ăn thường được bày bán ở vỉa hè. Nước dùng dành cho bún đũa là vị riêu cua, hơi chua, béo ngậy và ngọt đậm. Nồi riêu cua bao giờ cũng đượm màu vàng của mỡ phi hành, chút gạch cua óng ánh, một ít ớt khô chưng. Mặt nồi riêu bao giờ cũng nổi chìm lập lờ từng mảng gạch cua, mới trông đã thấy xôm xốp, ngọt ngào. Bún đũa ăn kèm rau mùa nào thức nấy, có thể là rau muống, rau cải hay rau rút... hoặc thêm một ít giá sống. Những địa chỉ quen thuộc cho món ăn này là ở chợ Ngõ Ngang, chợ Rồng hay phố Hàng Đồng.
Bánh nhãn
Tên gọi bánh nhãn không phải do làm từ nhãn tươi, mà xuất phát từ hình thù của bánh, vàng và tròn như quả nhãn, được làm từ những nguyên liệu truyền thống như gạo nếp Hải Hậu, trứng gà, đường kính, mỡ lợn... Gạo nếp xay hoặc giã thành bột, trộn với trứng gà tươi, nặn thành từng viên nhỏ và chiên vừa lửa, với đường trắng tạo thành "lớp áo" bên ngoài. Bánh có vị thơm của trứng, vị ngọt dẻo của nếp, vỏ ngoài hơi giòn giòn, là món ăn chơi rất thú vị khi thưởng thức cùng trà.
Bánh cuốn làng Kênh
Bánh cuốn làng Kênh được làm từ gạo dẻo, bột không được ngâm quá lâu vì bánh sẽ chua, nhão, khi tráng thoa một lớp bột mỏng nhưng đều. Muốn bánh có độ dai, mỏng và giòn, để lâu bánh không bị cứng thì pha một lượng nhỏ bột dong. Trước đây khi tráng bánh người ta thường xếp bánh trên lá sen hoặc lá chuối trông rất ngon mắt và chấm không với nước mắm. Ngày nay, khi ăn người ta thường cho thêm vài lát chả quế thơm để đậm vị. Món ăn qua bao đời vẫn được người làng Kênh gìn giữ để hương vị không đổi theo thời gian, chiều lòng được cả những vị khách khó tính nhất.
Kẹo sìu châu
Kẹo sìu châu gần giống kẹo lạc nhưng thơm ngon hơn
Theo người dân Nam Định, tên kẹo Sìu Châu đã có từ lâu đời và gắn liền với một cửa hàng làm kẹo có tiếng ở bến sông Vị Hoàng. Nguyên liệu làm kẹo rất đơn giản gồm lạc, vừng, đường, mạch nha. Vừng và lạc được rang chín sẽ tách vỏ, sẩy cho thật sạch. Nấu đường với mạch nha trên bếp to lửa, khi hỗn hợp đường sôi lên thì cho lạc và vừng vào đảo đều tay sao cho tất cả quyện lấy nhau. Đổ hỗn hợp kẹo còn nóng lên khay có bột nếp để chống dính và cán mỏng, cắt thành từng miếng nhỏ cho vừa miệng. Để nấu được kẹo, người thợ cần phải có đôi tay tinh tế, biết điều chỉnh nhiệt độ của bếp và đong đếm đủ vị.
Cá nướng úp chậu
Những ngày đầu xuân năm mới, nếu vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được gia chủ mời một món ăn rất đặc biệt, đó là món cá nướng úp chậu. Cá sẽ được nướng qua sức nóng từ chiếc chậu úp lên, không phải nướng trực tiếp trên lửa như bình thường. Khi chín phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt rất chắc và ngọt.