Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tạc tượng gỗ dân gian - nghệ thuật độc đáo của Tây Nguyên

Tạc tượng gỗ dân gian là một loại hình nghệ thuật độc đáo, lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ mai một.
Xem thêm: Về nơi trái tim Tây Nguyên kiêu hùng
 
Tỉnh Kon Tum có trên 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%. Trong kho tàng văn hóa của người dân nơi đây, ngoài cồng chiêng, không thể không nhắc đến tạc tượng gỗ dân gian.

Tượng gỗ dân gian ở Kon Tum là nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, nhưng cũng rất dung dị. Hầu hết các bức tượng gắn với những hình ảnh sinh hoạt đời thường: phụ nữ giã gạo, dệt vải, đàn ông săn bắn, cả gia đình đi rẫy, già làng, chơi nhạc cụ, uống rượu cần…

Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Chính sự sáng tạo của nghệ nhân, cùng với ảnh hưởng của văn hóa và nếp sống, nên mỗi bức tượng gỗ đều rất độc đáo và mang đậm phong cách của mỗi dân tộc.


Nếu các nghệ nhân ở huyện Đăk Tô thường tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên… thì các nghệ nhân ở huyện Sa Thầy lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng; trong khi đó, các nghệ nhân ở huyện Đắk Glei lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau.

Nghệ nhân A Đếch, tổ trưởng tổ nghệ thuật dân gian huyện Đắk Glei chia sẻ, ông học hỏi từ cha mình nghề tạc tượng gỗ. Hình mẫu ông hướng đến là phụ nữ, bởi theo ông, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Cũng theo nghệ nhân A Đếch, tạc tượng gỗ không chỉ nhằm lưu lại nét sinh hoạt, văn hóa độc đáo của dân tộc mình, mà còn giúp đồng bào có những niềm vui sau những ngày lên nương làm việc mệt nhọc.

Nghệ nhân A Nếp, sinh sống tại huyện Đắk Glei, cho biết, tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Nguyên nhân chính là do ngày nay lớp trẻ bận rộn làm kinh tế, cộng với ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nên rất ít người theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này.

 
Trước thực trạng này, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian như: tổ chức vinh danh các nghệ nhân tạc tượng; thường niên tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam…

Trong các hoạt động đó thì liên hoan tạc tượng gỗ dân gian là một hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nghệ nhân cũng như của người dân.

Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, qua đó góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tô mì một sợi độc đáo ở Nhật Bản



Nhà hàng rất đông khách và luôn trong tình trạng cháy hàng nên nếu muốn thưởng thức tô mì một sợi chỉ có ở Tawaraya, bạn phải đặt chỗ trước khá lâu.

Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc


Udon là một trong những món mì được yêu thích nhất ở xứ sở hoa anh đào, cùng với soba và ramen, tất cả làm nên thương hiệu mì Nhật Bản nổi tiếng khắp thế giới. Khi thưởng thức, mỗi thực khách đều có một cảm nhận khác nhau về từng loại nhưng đối với những người thích ăn sợi mì to được cán theo kiểu truyền thống thì udon chính là lựa chọn số một.

Udon được làm từ bột lúa mì, sợi khá dày, dày nhất trong các loại mì ở Nhật. Sợi mì có đường kính thông thường khoảng một cm, cỡ bằng cây đũa. Tuy nhiên, khi đến với nhà hàng Tawaraya ở Kyoto, thực khách sẽ được trải nghiệm mì udon hoàn toàn khác bởi mỗi bát mì ở đây chỉ có một sợi và kích thước "khổng lồ" của nó cũng sẽ khiến bạn phải kinh ngạc. Nhiều thực khách còn chia sẻ họ chưa từng thấy sợi mì nào to và dài như vậy.


Sợi mì "khổng lồ" đến nỗi chỉ cần duy nhất một sợi là đã đầy cả bát


Tuy có kích thước đặc biệt nhưng sợi mì không hề nhũn nát mà rất mềm và dai do được đun sôi một cách đặc biệt. Cũng giống như các cửa hàng mì khác ở Nhật, đầu bếp ở Tawaraya làm mì tươi vào mỗi buổi sáng và sử dụng hết trong ngày. Tuy nhiên kể từ khi cho ra mắt loại mì mới độc đáo này, nhà hàng luôn trong tình trạng cháy hàng từ rất sớm. Vì vậy, nếu không muốn tới đây và phải ra về với dạ dày trống rỗng thì bạn nên đặt chỗ từ trước.

Ngoài sự mới lạ về kích thước sợi, món mì udon ở nhà hàng Tawaraya vẫn giữ nguyên được hương vị truyền thống với phần nước súp được nêm nếm đơn giản bằng một chút vị mặn. Khi ăn, hương thơm cùng sự thanh khiến cho thực khách luôn muốn ăn mãi không thôi.


Từ khi cho ra mắt loại mì một sợi mới lạ, nhà hàng luôn trong tình trạng "cháy hàng", vì vậy khách khi đến đây phải đặt chỗ từ sớm. Ảnh: Kyoto.com


Nhà hàng Tawaraya nằm gần bến xe buýt Tengu-mae. Nếu muốn đến đây, thực khách có thể bắt tuyến xe buýt số 50 hoặc 101 từ Kyoto, rất thuận tiện. Ở đây cũng có thêm thực đơn bằng tiếng Anh để khách nước ngoài có thể dễ dàng chọn món nếu không biết tiếng Nhật. Nhà hàng mở cửa từ 11h đến 16h hàng ngày, trừ thứ ba.

(Theo VnExpress)

Nhum nướng mỡ hành - đặc sản của biển Nam Du

Nhum nướng mỡ hành và cháo nhum là những món ăn không còn xa lạ với dân du lịch biển nhưng ở mỗi vùng, nhum lại có sức hấp dẫn và hương vị riêng.
Xem thêm: Kinh nghiệm 3 ngày khám phá đảo ngọc Phú Quốc

Dưới đây là hai món ăn làm từ nhum biển (cầu gai) mà du khách không nên bỏ qua ở Nam Du.

Nhum nướng mỡ hành

Nhum thường sinh sản vào tháng 3 - 6 âm lịch nên nếu đi vào thời điểm này, du khách có thể thưởng thức nhum đầu mùa rất thơm ngon. Tại Nam Du, những người đi biển lành nghề thường biết những hộc, gành đá mà nhum cư trú để bắt. Bắt nhum phải đúng cách, nếu không sẽ bị nguy hiểm vì gai đâm.

Người đầu bếp sẽ cắt hết gai, rửa sạch, cắt đôi nhum ra và đặt lên bếp nướng. Nhum có phần thịt màu trắng hồng nhạt, ăn bùi bùi. Tuy mỗi con nhum có kích thước khá to nhưng phần thịt lại không nhiều.

Khi chín phần thịt nhum có màu vàng bắt mắt, đi kèm với màu xanh của hành lá và ánh lửa hồng. Ảnh: Minh Đức

Để món ăn đúng vị, người ta không quên bỏ hai thành phần cơ bản nhất là hành lá và mỡ, kèm theo một chút lạc vào trong con nhum để nướng cùng. Khi mỡ xèo xèo và phần thịt nhum ngả vàng, kèm với mùi thơm đặc trưng của hành thì món ăn đã hoàn thành. Tùy vào khẩu vị mà bạn để nguyên hoặc cho thêm chút muối chanh. Món nhum nướng mỡ hành vừa có vị bùi của nhum, vừa kết hợp được vị ngậy của mỡ hành, vị thơm của lạc. Hành trình khám phá Nam Du sẽ thiếu trọn vẹn nếu bạn không thưởng thức món ngon này.

Cháo nhum

Bạn sẽ được thưởng thức món cháo nhum trong mọi tour du lịch đến Nam Du. Những con thuyền vừa rời đảo lớn thì những ghe chở nhum đã sẵn sàng để phục vụ du khách.

Sau khi làm sạch, người đầu bếp nạo phần thịt nhum ra. Đó là phần thường bám vào thân, tạo thành các múi. Để làm được món cháo ngon, người ta phải sử dụng nhum tươi mới bắt. Vì vậy, thưởng thức bát cháo nhum ngay trên thuyền sẽ là một trải nghiệm ẩm thực thú vị và đúng điệu cho du khách ghé tới Nam Du.

Một bát cháo nhum trên thuyền sau buổi tham quan quần đảo Nam Du là sự lựa chọn hợp lý và món ăn đầy bổ dưỡng cho bạn. Ảnh: Minh Đức


Để hương vị thêm đậm đà, người đầu bếp sẽ ướp chung phần thịt nhum với các loại gia vị như tiêu, hành. Sau đó, các nguyên liệu sẽ được chiên qua để tăng thêm mùi vị và hòa quyện với nhau rồi đổ vào nồi cháo đang sôi, khuấy đều và múc nhanh ra bát ăn khi còn nóng. Đây được coi là món ăn giàu chất dinh dưỡng và thơm ngon lạ miệng.

Sau vài giờ khám phá và bơi lội trên bãi biển, một bát cháo nhum nóng hổi, thơm dậy mùi với nhiều hương vị sẽ khiến bạn quên đi mệt mỏi, vừa thưởng thức và tận hưởng khung cảnh biển Nam Du.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến