Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Sydney tháng 3, mùa thu tím màu tím hoa mua

Tháng 3, xứ sở chuột túi bắt đầu chuyển từ hạ sang thu. Trong khi đi tìm nàng thu với tà áo vàng óng đỏ chưa kịp xuất hiện, tôi lại lạc bước giữa màu hoa mua tím đến xao lòng.
Xem thêm: Sydney mùa phượng tím
Những cây hoa mua bung nở trong công viên Centennial Park - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn

Giã từ mùa hạ nóng bức nhưng ngọt ngào hoa trái, Sydney đang chuẩn bị đón mùa thu. Nhưng tháng 3 đã qua mà nàng thu với tà áo vàng óng đỏ vẫn chưa chịu xuất hiện. Thậm chí dư âm của chị hạ cháy vẫn mang nắng nóng trải khắp mọi nơi.

Nhưng nhờ vậy mà trời mây vẫn xanh trong và những chiếc lá vẫn chưa có dấu hiệu rời xa cành...

Trong một ngày cuối tuần đi tìm nàng thu, tôi lại gặp sắc tím biếc của những cây hoa mua ở công viên Centennial Park. Giữa màu hoa mua xứ Úc tím sẫm ấy, tôi lại nhớ cành hoa tím nhỏ bé trong sân vườn nhà, loài hoa mua xứ Việt.

Những bông hoa mua tím đậm, cánh dày, thân cao to, khác hẳn loài hoa mua tím dân dã Việt Nam với màu tím phớt, mọc thành bụi ven đường và được xếp vào hàng hoa dại nhưng lại xuất hiện trong rất nhiều lời ca gần gũi với người dân quê Việt: "Hoa mua ai bán mà mua"...

Thật ra, mùa thu Úc không có nhiều hoa cho lắm. Vì các loài hoa như đào, mơ, hồng, tulip, cúc, mimosa... đều đã nở vào mùa xuân. Còn một số hoa đặc trưng khác như phượng tím, trắng, đỏ thì đã nở vào mùa hè.

Còn lại, mùa thu là mùa lá đỏ và là mùa của nho chín, dâu và cherry đỏ mọng tại các khu vườn trái cây như Bacchus Marsh, Sunny Ridge... nơi khách du lịch hay lui tới.

Tại các khu vườn này, khách sẽ được phát cho một cái giỏ, tạp dề, kéo để đi thu hoạch. Và tại khu vực nhà hàng, bạn sẽ được cung cấp mọi dụng cụ cần thiết để nấu mứt dâu, làm bánh nhân cherry.

Tuy nhiên, giá vào cửa các khu vườn để làm người thu hoạch khá cao so với thu nhập của người Úc trung bình vì đây là những khu được trồng riêng, dành riêng cho du khách.

Còn không, cứ đi tham quan rồi vào nhà mát ngồi nhấm nháp ly rượu nho thơm ngon hay gọi món là những món ngọt mùa thu đầy dinh dưỡng được làm từ quả chín là đã quá tuyệt rồi.

Vì thế, trong khi nàng thu chưa tới, chưa chịu thay tà áo đỏ rực rỡ, còn chị hạ vẫn cứ rải nắng vàng nóng khô, thì những bụi cây hoa mua tím ngát nở bung như những chiếc dù tím đầy sắc lãng mạn trong công viên Centennial Park luôn làm những lữ khách như tôi cảm thấy đất trời như dịu lại.

Xem thêm: Những điều cần biết trước khi đến Sydney

Chờ thêm vài tuần nữa, chờ chút nữa để có thể rạo rực bước trên lá vàng khô...


Những cây hoa mua được chăm sóc rất tốt trong công viên Centennial Park - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn


Màu hoa tím sẫm như lấn át các vườn hoa - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn


Những cành hoa mua trong vườn nhà - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn



Cây hoa mua ở những ngôi nhà ven đường - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn


Một góc mùa thu xứ sở chuột túi - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn


Cầu vồng mùa thu - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn
Mùa thu Sydney, những chiếc lá thu hiếm hoi bắt đầu rơi - Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn

Loài hoa mùa thu của Úc

Hoa mua tím thuộc chi Mua hay chi Muôi (danh pháp khoa học Melastoma) là một chi thực vật trong họ Mua (Melastomataceae). Chi này có khoảng 50 loài phân bổ khắp Đông Nam Á, Ấn Độ và Úc, và đang có sự xem xét về danh pháp.

Do có hoa đẹp nên được đem trồng khắp nơi, nhưng do có những vùng trồng tràn lan nên các cây hoa mua mọc hoang vẫn "bị" chính quyền địa phương coi là cỏ dại, như tại Hawaii và một số nơi ở Mỹ.

Hoa mua tím thường bị lầm tưởng là hoa sim, một loài hoa còn nổi tiếng hơn nhờ bài thơ và bản phổ nhạc Màu tím hoa sim, nhưng thực tế hai loài này khác nhau rõ rệt.

Các loài hoa mua nhìn rất giống nhau, chỉ phân biệt ở lá, trái và lông. Màu thì từ đậm đến nhạt. Riêng hoa mua Việt Nam (có tên khoa học là Melastoma candidum) là loại cây bụi sống khỏe trên đất cát, đất đồi bạc màu.

Có thể thấy chúng mọc hoang hay được trồng làm hàng rào trên khắp vùng đất Việt từ Bắc chí Nam.


Tuấn Nguyên (Theo TuoiTreOnline)

Tiệm bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An

Được giới thiệu rất nhiều trên Foursquare hay TripAdvisor, bánh mì Phượng dường như không còn xa lạ với bất kỳ du khách nào từng đặt chân đến Hội An.
Xem thêm: Những món ngon được lòng du khách ở Hội An

Ngoài cao lầu, mì quảng, bánh tráng đập, cơm gà..., bánh mì cũng được coi như một đặc sản ở Hội An. Với những chiếc bánh luôn nóng, thịt và pate thơm ngon, nước sốt pha chế theo công thức riêng và cách sắp xếp, phối hợp rau củ riêng, bánh mì Phượng là địa chỉ bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm thành phố này.

Tiệm bánh mì Phượng lúc nào cũng đông khách từ sáng sớm đến tối mịt, đông nhất vẫn là những vị khách ngoại quốc. Ảnh: hoian24h

Nằm trên đường Phan Chu Trinh, tiệm bánh không bao giờ vắng bóng người. Vào đêm muộn, bạn có khi phải xếp hàng đứng đợi để mua ổ bánh mì vì có rất nhiều người cũng tìm đến thưởng thức. Một điều thú vị, khách chủ yếu của quán là người nước ngoài. Họ say sưa và thích thú với những chiếc bánh mì có hương vị khác lạ khó mà tìm được ở nơi nào khác trên Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến là thực đơn đa dạng của tiệm bánh mì ngon nổi tiếng này. Với hàng chục loại nhân khác nhau như: phô mai, thịt xông khói, chả thịt, xúc xích,... thực khách sẽ không khó để chọn cho mình một loại ưa thích. Điều đặc biệt khiến ổ bánh mì nơi đây níu chân du khách là các loại nước sốt được pha chế theo công thức chỉ có riêng ở tiệm Phượng.

Các loại rau ăn kèm trong ổ bánh mì cũng không kém phần đa dạng so với các loại nhân. Có rất nhiều thứ được cho vào ổ bánh mì như: dưa leo, dưa muối, rau quế, ngò, hành,... Chính sự cầu kỳ và phong phú này đã khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn và không hề thấy ngán.

Miếng thịt quyện hòa cùng nước sốt có vị mặn vừa phải, độ tươi giòn từ các loại rau đã tạo nên cái ngon đặc sắc cho ổ bánh mì mang tên Phượng. Có lẽ bởi vậy, nơi đây luôn nhận được những lời khen ngợi của du khách khắp nơi và xuất hiện nhiều trên các trang báo du lịch nước ngoài.
Ổ bánh mì được hoàn thành chỉ trong vòng vài phút, luôn bắt mắt với màu xanh của rau, màu hồng, đỏ, ngà của các loại thịt, chả, thêm chút nước sốt. Ảnh: Google

Bên cạnh đó, đứng xếp hàng trước tiệm, bạn sẽ được dịp quan sát đôi tay thoăn thoắt của chị Phượng và những người nhân viên trong khi miệng liên hồi hỏi thực khách dùng gì. Trong không gian êm đềm của phố cổ, cái không khí sôi động, giọng nói ngọt ngào cũng góp phần tạo nên sự thu hút đối với du khách.

Cắn miếng bánh, bạn sẽ khó quên khi cảm nhận được độ giòn rụm của vỏ bánh mì vẫn còn ấm, các loại nhân đậm đà và vị nước sốt được chế biến riêng. Giá của một ổ bánh mì ở đây dao động từ 10.000 đến 20.000 đồng tùy thuộc vào loại bánh bạn yêu cầu.

(Theo VnExpress)

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Phở khô ngon trứ danh ở phố núi Pleiku

Du khách không thể bỏ qua món phở khô Gia Lai giống tìm phở bò, bún thang Hà Nội, đến Huế phải ăn bún bò giò heo và ở miền Nam phải thưởng thức hủ tiếu.
Xem thêm: 12 điều bạn sẽ nhớ sau chuyến du lịch Buôn Ma Thuột

Có lẽ với người Pleiku (Gia Lai) phở khô không chỉ là món ăn nổi tiếng mà còn là niềm tự hào. Đến Pleiku, bạn dễ dàng tìm thấy các cửa hàng phở khô trên khắp phố phường.

Phở khô có phần bánh phở cùng nước dùng tách riêng để tùy vào khẩu vị của thực khách mà lựa chọn ăn khô hay ướt. Một phần phở khô bao gồm phở, nước dùng và nhiều loại rau ăn kèm. Về cơ bản, những nguyên liệu chính sẽ giống nhau, chỉ tùy vào các vùng mà có thể thay đổi loại rau và hương vị nước dùng. Món ăn này cũng phổ biến ở các tỉnh Tây Nguyên khác như Kon Tum, Đắk Lắk.

Gọi là phở nhưng sợi của phở khô không giống các món phở Bắc mà thiên về sợi mì hủ tiếu. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sợi phở săn và dai hơn vì khi để trong bát, sợi không bị nát. Khi thực khách gọi món, người đầu bếp sẽ chần phở qua để món ăn không bị dai hay vón cục. Chọn được phở ngon và chần đúng cách đã quyết định một phần thành công của món ăn.

Phở khô gà là lựa chọn được nhiều thực khách yêu thích

Phở khô thường ăn với hai nguyên liệu chính là thịt gà và thịt bò. Bên cạnh đó, món ăn sẽ không trọn vẹn nếu thiếu hành khô, rau sống và lạc. Khi ăn, bánh phở và các nguyên liệu sẽ được trộn đều lên với tương đen, xì dầu, tương ớt tùy thuộc vào khẩu vị của thực khách. Tương đen là gia vị không thể bỏ qua khi ăn phở khô, tuy có chút ngọt nhưng vẫn giữ được vị mặn của nước tương. Mùi thơm của tương, vị cay của tương ớt hòa trong những hương vị riêng biệt của xà lách, ngò gai, giá đỗ tươi, húng quế tạo nên một bát phở khô kích thích cả vị giác, khứu giác và thị giác người ăn.

Quan trọng không kém bánh phở là nước dùng phải đảm bảo trong và có vị ngọt nhẹ từ nước hầm xương hay nước luộc thịt gà. Để bát nước dùng trong, người chế biến phải vớt bọt liên tục khi nấu. Nêm gia vị cho nước dùng cũng quyết định độ thành công của món ăn. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng có những bí quyết riêng khiến cho nước dùng ngon đúng kiểu, không nhạt nhưng không mặn hay ngọt sắc. Người ăn có thể chan vào bánh phở hoặc để nguyên, vừa ăn phở vừa xì xụp nước dùng và tấm tắc khen.

Chính vì để riêng phở và nước nên phở khô ở Pleiku còn được biết đến với tên "phở khô hai tô". Dù món ăn đã được phổ biến rộng rãi và có thể tìm thấy ở nhiều tỉnh thành nhưng chỉ có ở Pleiku, Gia Lai thì bạn mới được ăn tô phở khô vừa đúng hương vị, vừa hợp không gian nhất. Một tô phở thường có giá 35.000 đồng.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến