Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Tháng 4 về An Giang ngắm hoa ô môi khoe sắc

Ô môi của miền Tây Nam bộ tuy không sang chảnh như hoa hồng nhưng lại đẹp dịu dàng và rực rỡ không thua mai anh đào của Đà Lạt.
Xem thêm: 4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Có nhiều lý giải về cái tên ô môi, người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ Vang, thân cao lớn từ 10 đến 20 m, cành lá xum xuê và cụm hoa chỉ nở rộ khi lá đã rụng. Hoa ô môi mọc thành từng chùm, xếp thưa và có màu hồng phơn phớt, buông thõng một cách hững hờ trên những kẽ lá đã rụng.
 
Miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân ngắm sắc hoa ô môi. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Bông ô môi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây từ lâu với bài hát Bông ô môi nổi tiếng, hay đi vào những lời thơ giản dị, gần gũi như chính những con người miệt sông nước:

Mùa hoa ô môi đẹp nhất, tươi thắm nhất là vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa vừa vội vàng đến lại tất tả đi. Trong cái nắng chói chang của trời tháng ba, sắc hoa ô môi rực lên một màu hồng vừa thanh tao, vừa nhã nhặn, làm vơi bớt đi cái nắng oi ả miệt đồng bằng. Những con đường trồng nhiều ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nổi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá. Mùa hoa ô môi kéo dài nhiều tháng, sắc hồng bao phủ cả vùng trời của những miền quê êm ả.

Khi đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, bạn sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp “lãng mạn như phim Hàn”. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Ô môi của miền Tây Nam bộ, tuy không sang chảnh như hoa hồng, hoa huệ, nhưng lại đẹp dịu dàng không thua hoa anh đào của xứ Đà Lạt. Ngày nay, người ta thường trồng cây ô môi để làm cảnh, phần vì cây cho hoa đẹp, phần vì cây dễ trồng, dễ sống. Về miền Tây, hầu như nơi nào cũng có ô môi bởi loài cây này vốn mọc hoang, dễ thích nghi với nhiều môi trường sống. Thế nhưng để tận hưởng hết cái vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của ô môi thì chỉ có miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân.

Du khách đến địa bàn thành phố Long Xuyên, sau đó chạy thẳng theo tỉnh lộ 943, đường vào Núi Sập, đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp lãng mạn như phim Hàn với hai hàng cây ô môi nở rộ hai bên đường. Nhiều du khách từng ngang qua đây xuýt xoa nói rằng, ô môi là một loài cây trổ bông một cách hết mình. Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành, thậm chí nhiều đến nổi không nhìn thấy tán cây đâu nữa.

Nhìn từ xa, vòm cây như một ngọn đuốc hồng cao lớn, hiên ngang. Trước đây ở Long Xuyên còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Vì ô môi là cây mọc hoang, chưa được trồng nhiều để kinh doanh du lịch. Thế nên ngoài khu vực xã Vĩnh Trạch, du khách về An Giang cần có sự chỉ dẫn của “thổ địa” dân địa phương để tìm ngắm những cây ô môi trổ hoa rực rỡ.

Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja

Ô môi không chỉ đẹp khi nở hoa, chỉ để khoe sắc cho đời mà trái ô môi khi khô là một món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ. Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài khoảng năm, sáu tấc. Mỗi cơn gió qua, trái ô môi lại khua vào nhau thành tiếng lộp cộp như một bản nhạc hòa tấu của đồng quê. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.

Đến An Giang mùa tháng 3, ngoài ngắm bông ô môi nở rộ, du khách còn có thể tham quan, du lịch nhiều địa danh khác như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư hay thăm vương quốc mắm ở chợ Châu Đốc.
 
(Theo NgoiSao)

Về Bắc Bộ ngắm hoa trẩu nở rộ dịp tháng 4

Ở miền núi Bắc Bộ, hoa trẩu là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết và tinh khôi, thường nở rộ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Xem thêm: Mùa hoa mận bung nở trên cao nguyên Mộc Châu

Cây trẩu còn có nhiều tên gọi khác là dầu sơn, mộc đu thụ, ngô đồng, thiên niên đồng... mọc nhiều ở khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Cây trẩu mọc hoang, sinh sống và phát triển ở những vùng đất khô ráo như trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Ở Việt Nam, cây trẩu được trồng ở nhiều nơi từ đồng bằng cho đến miền núi một số tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Hoa nở rộ vào mỗi độ tháng 4 về.

Cây trẩu ra hoa mỗi độ cuối tháng 3 đến tháng 4, tập trung 1 số tỉnh phía Bắc. Ảnh: mytour

Trẩu là loài cây cao lớn, chiều cao trung bình từ 8 đến 15 m, thân nhẵn. Lá trẩu to bản dài khoảng một gang tay, xòe thành ba dẻ, mặt trên lá có nhiều lông tơ rậm. Hoa trẩu thuộc loại hoa đơn tính, màu trắng và ở giữa có màu hung đỏ tía. Hoa mọc thành chùm và khi nở có mùi khá thơm, phảng phất trong những cơn gió chiều nhè nhẹ.

Trái trẩu to cỡ quả trứng, hơi nhọn đằng chỏm và tròn đằng cuống. Vỏ trái trẩu nhăn nheo, có lông tơ và bề mặt vỏ có những rãnh dọc ngang. Khi trẩu chín thì thường chuyển sang màu vàng. Mỗi trái thường có ba hạt, có hình bầu dục, sần sùi. Hạt trẩu được dùng để ép lấy dầu pha sơn, có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, khô dầu trẩu còn được sử dụng làm phân bón, có tác dụng tương đương như thuốc trừ sâu.

Hằng năm, vào độ cuối tháng 3 đến tháng 4, hoa trẩu nở rộ, điểm tô cho núi rừng một vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo và một hương thơm dịu ngọt, làm say đắm lòng người. Với người dân Bắc Bộ, hoa trẩu không chỉ là một loài hoa dại, mà đó là một người bạn hoa, mang đến biết bao hương sắc ngào ngạt cho núi rừng, cây cỏ.

Hoa trẩu vốn không kiêu sa, lộng lẫy như những loài hoa khác. Ảnh: hachi8

Hoa trẩu, cái tên nghe có vẻ thô kệch, nhưng lại e lệ hé nụ dưới những chùm lá to bản màu xanh thẫm. Nếu hoa không mọc thành chùm để khoe hương lẫn sắc, hẳn đứng từ xa khó thể nào chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mong manh, dịu dàng của hoa trẩu. Nhờ có sự che chở của những tán lá rộng, vẻ đẹp nửa kín nửa rộ của hoa mới mang đến sự thích thú, tò mò cho du khách.

Hoa trẩu vốn không kiêu sa, lộng lẫy như những loài hoa khác ở cả hình dáng bên ngoài lẫn tên gọi nhưng điều khiến hoa trở nên nổi bật khi đứng cạnh hoa xoan, hoa gạo, hoa đỗ quyên cùng nở vào mùa này chính là hương thơm không thể lẫn vào đâu được. Hương hoa trẩu bay xa trùm phủ lên xóm làng, núi rừng, lẩn khuất trong từng hốc cây ngọn cỏ, bay lên cả mái nhà hay vấn vương trên mùi tóc của những người con gái dân tộc đi rừng lấy củi. 

Hoa nở khắp mọi ngả đường, từ bên hiên nhà của những bản làng thôn xóm… Ảnh: hachi8

Tháng 4, về Bắc Bộ không quá khó để tìm ngắm hoa trẩu. Hoa nở khắp mọi ngả đường, từ bên hiên nhà của những bản làng thôn xóm đến cạnh những con đường mòn dẫn núi. Hoa nép mình bên những tán lá xanh rộng lớn, âm thầm kết nụ, âm thầm nở hoa, tỏa hương thơm quyến rũ làm mê đắm lòng người. Mùa hoa trẩu tháng 4 cũng là mùa của những phiên chợ tình yêu.

(Theo NgoiSao)

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Muốn ăn ngon rẻ ở Đà Nẵng, nhất định phải ghé 7 "Bà" này

Bạn có biết thành phố Đà Nẵng xinh đẹp này có rất nhiều quán ăn nổi tiếng bắt đầu bằng chữ “Bà…” dân dã và thân quen không?
Xem thêm: 10 điểm đến miễn phí và bổ ích ở Đà Nẵng

1. Mì Quảng Bà Mua

Quán Bà Mua nằm ở 95A Nguyễn Tri Phương là một trong những quán nổi tiếng nhất về món mỳ Quảng tại Đà Nẵng. Đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho người bản xứ yêu thích món ăn dân dã này mà còn là địa chỉ được in trên rất nhiều sách, cẩm nang du lịch dành cho du khách. Quán mở cửa phục vụ từ 6 giờ 30 đến 21 giờ 30.
 
Mì Quảng bà Mua rất đa dạng.

Menu quán rất đa dạng với đủ gà, bò, tôm, trứng, lươn, cá lóc, vịt xiêm… nên rất thoải mái cho bạn lựa chọn. Tô mì dọn ra rất ghi điểm bởi màu sắc đẹp mắt, thơm phức, sợi mì dẻo, nước lèo ngọt, thơm đặc trưng, bánh tráng giòn tan cùng các loại rau đa dạng đủ khiến bất cứ ai ăn một lần cũng nhớ mãi.

Những bát mì Quảng thơm ngon và mang hương vị riêng giúp quán bà Mua nổi tiếng hơn

Bên cạnh yếu tố chất lượng, có lẽ mức giá trung bình chỉ 25 đến 30 ngàn/ tô mỳ đã giúp cho từ lúc mở cửa đến lúc đóng, quán lúc nào cũng đông khách. Không gian quán sạch sẽ, thoáng mát, có sức chứa lớn nên đây cũng điểm lý tưởng để tổ chức các buổi sinh nhật, liên hoan...

Bên cạnh món mì Quảng chủ đạo, quán cũng có bán thêm bánh tráng cuốn thịt heo giá 35.000 đồng/ đĩa

2. Quán bún mắm Bà Thuyên

Một trong những đặc sản khác cũng rất nổi tiếng ở Đà Nẵng chính là bún mắm nêm, và để ăn được tô bún mắm ngon, nhiều người nhất định phải ghé Bà Thuyên mới ưng ý bởi tô bún ở đâyrất thơm ngon, đậm đà. Nhiều người đã từng ăn bún mắm Bà Thuyên nói rằng đã ăn ở đây rồi, thì không muốn ăn ở nơi khác nữa bởi sự hài hoà trong các từng nguyên liệu như miếng thịt heo quay giòn rụm đến mít non thái nhỏ dai ngọt, cũng như hương vị mắm nêm thơm mà đậm đà đúng kiểu miền Trung...

Tô bún mắm heo quay với màu sắc hấp dẫn

Chưa kể món đu đủ bào sợi mỏng dầm chua ngọt giúp cho tô bún mắm nêm thêm đậm đà mà ít ngán. Cầu kỳ như vậy nhưng một tô bún mắm nêm Bà Thuyên giá chỉ 20 đến 40 ngàn đồng, tuỳ to lớn hay nhỏ. Có lẽ bởi đồ ăn ngon và sạch sẽ mà quán Bà Thuyên dù nhỏ nhưng lượng khách ở đây rất đáng để ghen tị, thậm chí lại có nhiều khách quen qua hơn 30 năm bán hàng.

3. Quán bánh xèo Bà Dưỡng

Quán bánh xèo, nem lụi Bà Dưỡng tính đến nay đã hơn 30 năm tuổi, mặc dù nằm khuất trong ngõ nhưng luôn tấp nập cả dân địa phương lẫn khách du lịch tìm đến thưởng thức. Công thức làm bánh xèo ở đây thoạt nhìn không có gì đặc biệt nhưng ở mỗi công đoạn lại có những cầu kỳ riêng để cho ra những chiếc bánh ăn một lần là nhớ mãi. Bột bánh xèo được làm từ gạo ngon của Quảng Nam, ngâm chừng 4 tiếng, xay thành bột, pha lõng với bột nghệ để tạo màu. Bánh phải đổ bằng lửa than, rau ăn kèm có đủ rau sống, đồ chua, nem lụi phải làm từ thịt tươi ngon.

Bánh xèo - nem lụi Bà Dưỡng

Ngoài bánh xèo, nem lụicũng là món được mọi người thưởng thức khi đến quán. Nem lụi làm từ thịt heo và giò sống được tẩm ướp cùng các loại gia vị thấm đều trong xiên thịt. Nem lụi có thể ăn không hoặc ăn kèm với bánh xèo đều rất ngon. Nem lụi có giá 5.000 đồng/ cây.

Ở đây cũng có thêm nem lụi khá ngon với giá 5 ngàn đồng

Bạn có thể cuốn bánh xèo cùng nem lụi ăn cho thêm đậm đà, có chất

4. Quán bánh bèo, nậm, lọc Bà Bé

Quán Bà Bé là một trong những điểm phải ghé qua ăn thử khi tới Đà Nẵng. Quán chuyên về các món bánh đặc sản miền Trung như bánh bèo, bánh nệm, bánh lọc nhưng nổi tiếng nhất là bánh bèo. Bánh bèo ở đây mềm được phủ sốt thịt nấu lên trên ăn kèm với nước chấm pha rất vừa miệng.

Quán luôn trong tình trạng rất đông khách

Một khay bánh bèo có 6 bát, cùng với nước chấm pha vừa miệng nên ăn nhiều không thấy chán. Giá 2.500đồng/ bát

Ngoài ra, quán còn có món bánh lọc và bánh nậm cũng ngon. Bánh lọc ở đây dẻo, phần nhân có tôm cùng nước chấm khá vừa miệng, giá 1.500 đồng/ cái. Bánh nậm lúc nào cũng hết sớm, làm từ bột gạo cùng vị ngọt của tôm thịt, giá 3.500 đồng/ cái. Bánh ngon, giá hợp lý nên đây là địa chỉ ăn vặt rất được tín nhiệm ở Đà thành, vì thế mà tốc độ bán hàng rất nhanh, khoảng 3 giờ mới mở bán hàng mà trung bình chỉ khoảng 7 giờ đã hết, thậm chí nhiều hôm còn hết sớm hơn, do vậy nếu muốn ăn, bạn đừng đi muộn nhé.

Bánh lọc ở đây dẻo, phần nhân có tôm cùng nước chấm khá vừa miệng. Giá 1.500 đồng/ cái

5. Quán nem lụi Bà Ngọc (Huế)

Quán nằm trên đường Đống Đa, nổi tiếng với nem lụi, bò lá lốt, bánh xèo và bún thịt nướng. Nem lụi và bò lá lốt ở đây ngon, đồ ăn làm trực tiếp nên lúc nào cũng nóng hổi, tươi mới. Các loại rau sống cũng đa dạng để chống ngán cho thực khách, khi ăn hãy ghém thật nhiều rau rồi cuốn cùng thịt rồi chấm với nước chấm pha chế theo công thức riêng của quán để cảm nhận vị ngon của nem.

Nem lụi

Vào những ngày se lạnh hay mưa mà được thưởng thức món nem lụi nóng hổi và vị ớt cay nồng thì quả không có gì bằng. Điểm cộng của quán này là địa điểm dễ tìm, không gian khá rộng rãi, thoáng mát, nhân viên phục vụ rất thân thiện. Quán mở của từ 8 giờ đến 22 giờ, giá chỉ 5.000 đồng/ cây.

6. Quán ốc Bà Mỹ

Nằm ở 30 Hoàng Hoa Thám, ngay đường vào nhà ga Đà Nẵng, đây là quán ốc được nhiều bạn trẻ ưa thích bởi các món ngon. Nổi tiếng nhất ở đây là món ốc hút, những con ốc nhỏ nhưng cay và nước đậm đà, ăn tuy cay xuýt xoa nhưng đã miệng, nếu thích có thể ăn thêm cùng bánh đa nướng, món nộm tăng thêm hương vị hơn.

Những nồi ốc nóng hổi, đậm đà nhìn rất hấp dẫn. Giá 1 đĩa to 2 người ăn là no chỉ 30.000 đồng

Ngoài ốc hút, quán còn có thêm món ốc bươu và mít trộn cũng rất ngon. Điểm cộng của quán này là dù chỉ là quán vỉa hè nhưng đồ ăn ngon, các cô bán ở đây rất vui tính và chiều khách, thậm chí đến chú giữ xe nhiệt tình. Giờ mở cửa của quán ốc bà Mỹ từ 4 giờ đến 21 giờ, trong suốt thời gian mở cửa, quán lúc nào cũng đông.

Ốc hút cay, nóng

Ốc bươu hấp dẫn

7. Bánh tráng tương, báng tráng đập Bà Tứ

Bánh tráng tương, bánh tráng đập là những món bánh hết sức dân dã và quen thuộc với người dân miền Trung. Bánh tráng đập gồm 2 lớp bánh tráng nước vàng khá mỏng và ở giữa là lớp bánh tráng mỏng, mềm, dẻo. Tuy bánh khá đơn giản nhưng ăn một lần sẽ nhớ mãi bởi sự độc đáo và chính hương vị của sự đơn giản ấy.

Bánh tráng đập mềm dẻo cùng hương vị mắm nêm thơm ngon giúp món ăn trở nên đặc biệt hơn

Quán bà Tứ nổi tiếng với món bánh tráng đập ngon nên hầu như lúc nào cũng đông khách. Bánh ở đây ngoài tươi mơi,s mềm dẻo, còn đặc biệt bởi hương vị mắm nêm pha chế đặc biệt, có hành phi giòn cùng một ít dứa và dầu ăn. Giá bánh ở đây cũng rất rẻ từ 3 ngàn đến 5 ngàn đồng/ cái. Quán mở cửa từ 14 đến 21 giờ.
 
(Theo Trí thức trẻ)

Bài đăng phổ biến