Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Đầu bếp Mỹ: “Chuyến đi tới Việt Nam thay đổi cuộc đời tôi”

Anthony Bourdain, đầu bếp khiêm MC nổi tiếng người Mỹ, chia sẻ những cảm xúc rất thật trong chuyến thăm tới các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Xem thêm: 9 địa điểm ở Việt Nam khiến khách Tây đi mãi vẫn "say như điếu đổ"
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ tạp chí du lịch Condé Nast Traveller, Anthony Bourdain, đầu bếp khiêm chuyên gia ẩm thực và cũng là MC nổi tiếng người Mỹ, có những chia sẻ về chuyến đi của ông khám phá nhiều vùng đất mới. Tại đây, ông đưa ra cảm nhận riêng của mình về điểm đến ưa thích, nền ẩm thực địa phương và nhiều điều thú vị khác.


Đầu bếp Mỹ thưởng thức món ăn vỉa hè ở chợ Đông Ba, Huế

Khi được hỏi về điều ấn tượng nhất trong các chuyến đi, đầu bếp Anthony chia sẻ: “Tôi phát cuồng về khu vực Đông Nam Á. Tôi yêu hương vị, cảnh đẹp và con người ở Việt Nam, MalaysiaIndonesia. Với chuyến đi lần đầu tới Việt Nam, điều này đã thay đổi cuộc đời tôi. Có lẽ do mọi thứ đều mới lạ, khác biệt những gì tôi lớn lên. Món ăn, văn hóa, cảnh quan đều không tách rời nhau, và như tới từ một hành tinh khác”.

Một vài món ăn Huế ông thưởng thức trong bữa tối

Đặc biệt, nam đầu bếp người Mỹ có niềm đam mê với những món ăn đường phố. Ông cho biết: “Tôi thích ẩm thực đường phố, cho dù ở Mexico hay Việt Nam chăng nữa. Những quầy hàng trên đường ở châu Á hay châu Mỹ Latin đều hấp dẫn. Một số món ưa thích của tôi như phở Việt Nam, cơm gà Hải Nam Singapore hay tacos của Mexico đều có hương vị rất tuyệt vời”.

Đặc biệt, ông bày tỏ sự yêu thích với phở Việt và món bún bò Huế

Đầu bếp Anthony trong chuyến đi tới Huế năm 2014, ông có dịp tới thăm các gian hàng ở chợ Đông Ba để thưởng thức một tô bún bò đậm chất Huế. Ông nhận thấy “đây là món súp ngon nhất thế giới”, được chế biến khá phức tạp với nước dùng hầm từ xương.

Trong chuyến đi của mình, Anthony có cơ hội trải nghiệm với nhiều khách sạn khách nhau, nhưng ông vẫn ấn tượng nhất với những khách sạn cổ thời thuộc địa ở Đông Nam Á như Metropole Hà Nội, Majestic Sài Gòn hay Grand Hotel d'Angkor tại Angkor Wat.

Đây không phải là lần đầu MC kỳ cựu người Mỹ dành nhiều lời có cánh và sự thiện cảm với đất nước con người nước Việt. Trước đó, ông từng có bài báo mang tựa “Muốn được biết nhiều hơn về Việt Nam” đăng trên một tờ báo Anh.

Việt Hà(Theo cntraveler)

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Tháng 4 về An Giang ngắm hoa ô môi khoe sắc

Ô môi của miền Tây Nam bộ tuy không sang chảnh như hoa hồng nhưng lại đẹp dịu dàng và rực rỡ không thua mai anh đào của Đà Lạt.
Xem thêm: 4 điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc

Có nhiều lý giải về cái tên ô môi, người thì bảo là vì khi ăn quả hái từ trên cây, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang màu đen thẫm (đen trong tiếng Hán là ô). Có người thì cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Cây ô môi có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc họ Vang, thân cao lớn từ 10 đến 20 m, cành lá xum xuê và cụm hoa chỉ nở rộ khi lá đã rụng. Hoa ô môi mọc thành từng chùm, xếp thưa và có màu hồng phơn phớt, buông thõng một cách hững hờ trên những kẽ lá đã rụng.
 
Miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân ngắm sắc hoa ô môi. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Bông ô môi đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân miền Tây từ lâu với bài hát Bông ô môi nổi tiếng, hay đi vào những lời thơ giản dị, gần gũi như chính những con người miệt sông nước:

Mùa hoa ô môi đẹp nhất, tươi thắm nhất là vào cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa vừa vội vàng đến lại tất tả đi. Trong cái nắng chói chang của trời tháng ba, sắc hoa ô môi rực lên một màu hồng vừa thanh tao, vừa nhã nhặn, làm vơi bớt đi cái nắng oi ả miệt đồng bằng. Những con đường trồng nhiều ô môi ngợp sắc hồng, rực rỡ đến nổi tưởng chừng chỉ có hoa mà không có lá. Mùa hoa ô môi kéo dài nhiều tháng, sắc hồng bao phủ cả vùng trời của những miền quê êm ả.

Khi đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, bạn sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp “lãng mạn như phim Hàn”. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja.

Ô môi của miền Tây Nam bộ, tuy không sang chảnh như hoa hồng, hoa huệ, nhưng lại đẹp dịu dàng không thua hoa anh đào của xứ Đà Lạt. Ngày nay, người ta thường trồng cây ô môi để làm cảnh, phần vì cây cho hoa đẹp, phần vì cây dễ trồng, dễ sống. Về miền Tây, hầu như nơi nào cũng có ô môi bởi loài cây này vốn mọc hoang, dễ thích nghi với nhiều môi trường sống. Thế nhưng để tận hưởng hết cái vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của ô môi thì chỉ có miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) là nơi lý tưởng nhất để du khách dừng chân.

Du khách đến địa bàn thành phố Long Xuyên, sau đó chạy thẳng theo tỉnh lộ 943, đường vào Núi Sập, đến đoạn gần ủy ban nhân dân xã Vĩnh Trạch, sẽ tận mục sở thị vẻ đẹp lãng mạn như phim Hàn với hai hàng cây ô môi nở rộ hai bên đường. Nhiều du khách từng ngang qua đây xuýt xoa nói rằng, ô môi là một loài cây trổ bông một cách hết mình. Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành, thậm chí nhiều đến nổi không nhìn thấy tán cây đâu nữa.

Nhìn từ xa, vòm cây như một ngọn đuốc hồng cao lớn, hiên ngang. Trước đây ở Long Xuyên còn có địa danh phà Ô Môi, xưa kia là khu vực có rất nhiều cây ô môi. Thế nhưng ngày nay nơi đó đã không còn loài cây này nữa. Vì ô môi là cây mọc hoang, chưa được trồng nhiều để kinh doanh du lịch. Thế nên ngoài khu vực xã Vĩnh Trạch, du khách về An Giang cần có sự chỉ dẫn của “thổ địa” dân địa phương để tìm ngắm những cây ô môi trổ hoa rực rỡ.

Bông ô môi nhỏ nhưng dày đặc, oằn trĩu cả thân cành. Ảnh: Hiếu Nguyễn Vja

Ô môi không chỉ đẹp khi nở hoa, chỉ để khoe sắc cho đời mà trái ô môi khi khô là một món ăn hấp dẫn, nhất là với bọn trẻ. Sau khi nở hoa gần một năm, trái ô môi mới bắt đầu khô. Trái ô môi dài, thô trông như những chiếc gậy đen lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài khoảng năm, sáu tấc. Mỗi cơn gió qua, trái ô môi lại khua vào nhau thành tiếng lộp cộp như một bản nhạc hòa tấu của đồng quê. Ô môi khô khi ăn có vị ngòn ngọt, cay nồng, hương vị thơm quyện đặc trưng khó lẫn vào đâu được.

Đến An Giang mùa tháng 3, ngoài ngắm bông ô môi nở rộ, du khách còn có thể tham quan, du lịch nhiều địa danh khác như núi Cấm, rừng tràm Trà Sư hay thăm vương quốc mắm ở chợ Châu Đốc.
 
(Theo NgoiSao)

Về Bắc Bộ ngắm hoa trẩu nở rộ dịp tháng 4

Ở miền núi Bắc Bộ, hoa trẩu là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết và tinh khôi, thường nở rộ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Xem thêm: Mùa hoa mận bung nở trên cao nguyên Mộc Châu

Cây trẩu còn có nhiều tên gọi khác là dầu sơn, mộc đu thụ, ngô đồng, thiên niên đồng... mọc nhiều ở khu vực Đông Nam Á và miền Nam Trung Quốc. Cây trẩu mọc hoang, sinh sống và phát triển ở những vùng đất khô ráo như trong rừng thưa hoặc ven rừng rậm. Ở Việt Nam, cây trẩu được trồng ở nhiều nơi từ đồng bằng cho đến miền núi một số tỉnh như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... Hoa nở rộ vào mỗi độ tháng 4 về.

Cây trẩu ra hoa mỗi độ cuối tháng 3 đến tháng 4, tập trung 1 số tỉnh phía Bắc. Ảnh: mytour

Trẩu là loài cây cao lớn, chiều cao trung bình từ 8 đến 15 m, thân nhẵn. Lá trẩu to bản dài khoảng một gang tay, xòe thành ba dẻ, mặt trên lá có nhiều lông tơ rậm. Hoa trẩu thuộc loại hoa đơn tính, màu trắng và ở giữa có màu hung đỏ tía. Hoa mọc thành chùm và khi nở có mùi khá thơm, phảng phất trong những cơn gió chiều nhè nhẹ.

Trái trẩu to cỡ quả trứng, hơi nhọn đằng chỏm và tròn đằng cuống. Vỏ trái trẩu nhăn nheo, có lông tơ và bề mặt vỏ có những rãnh dọc ngang. Khi trẩu chín thì thường chuyển sang màu vàng. Mỗi trái thường có ba hạt, có hình bầu dục, sần sùi. Hạt trẩu được dùng để ép lấy dầu pha sơn, có giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, khô dầu trẩu còn được sử dụng làm phân bón, có tác dụng tương đương như thuốc trừ sâu.

Hằng năm, vào độ cuối tháng 3 đến tháng 4, hoa trẩu nở rộ, điểm tô cho núi rừng một vẻ đẹp tinh khôi, trong trẻo và một hương thơm dịu ngọt, làm say đắm lòng người. Với người dân Bắc Bộ, hoa trẩu không chỉ là một loài hoa dại, mà đó là một người bạn hoa, mang đến biết bao hương sắc ngào ngạt cho núi rừng, cây cỏ.

Hoa trẩu vốn không kiêu sa, lộng lẫy như những loài hoa khác. Ảnh: hachi8

Hoa trẩu, cái tên nghe có vẻ thô kệch, nhưng lại e lệ hé nụ dưới những chùm lá to bản màu xanh thẫm. Nếu hoa không mọc thành chùm để khoe hương lẫn sắc, hẳn đứng từ xa khó thể nào chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mong manh, dịu dàng của hoa trẩu. Nhờ có sự che chở của những tán lá rộng, vẻ đẹp nửa kín nửa rộ của hoa mới mang đến sự thích thú, tò mò cho du khách.

Hoa trẩu vốn không kiêu sa, lộng lẫy như những loài hoa khác ở cả hình dáng bên ngoài lẫn tên gọi nhưng điều khiến hoa trở nên nổi bật khi đứng cạnh hoa xoan, hoa gạo, hoa đỗ quyên cùng nở vào mùa này chính là hương thơm không thể lẫn vào đâu được. Hương hoa trẩu bay xa trùm phủ lên xóm làng, núi rừng, lẩn khuất trong từng hốc cây ngọn cỏ, bay lên cả mái nhà hay vấn vương trên mùi tóc của những người con gái dân tộc đi rừng lấy củi. 

Hoa nở khắp mọi ngả đường, từ bên hiên nhà của những bản làng thôn xóm… Ảnh: hachi8

Tháng 4, về Bắc Bộ không quá khó để tìm ngắm hoa trẩu. Hoa nở khắp mọi ngả đường, từ bên hiên nhà của những bản làng thôn xóm đến cạnh những con đường mòn dẫn núi. Hoa nép mình bên những tán lá xanh rộng lớn, âm thầm kết nụ, âm thầm nở hoa, tỏa hương thơm quyến rũ làm mê đắm lòng người. Mùa hoa trẩu tháng 4 cũng là mùa của những phiên chợ tình yêu.

(Theo NgoiSao)

Bài đăng phổ biến