Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Ba món gỏi hải sản đắt khách mùa hè

Gỏi làm từ sứa biển, cá nhệch hay mực là món ăn rất dễ làm và hấp dẫn thực khách bởi hương vị lạ miệng.

Xem thêm: 12 món ngon trứ danh đất Phan Thiết

Du lịch biển vào mùa hè, bạn đừng quên thưởng thức những món gỏi dân dã nhưng đã trở thành đặc sản ở miền biển.

Gỏi sứa

Sứa không chỉ là loại thực phẩm quen thuộc của người miền biển mà còn là đặc sản có mặt trong các nhà hàng từ bình dân đến sang trọng.

Với những người hay dị ứng hải sản, cũng cần cân nhắc khi ăn gỏi sứa. Ảnh:suabien

Sứa có nhiều tua, trong suốt, chứa nhiều nước, sống nhiều nhất ở những vùng cồn, vịnh, biển lặng sóng. Người dân miền biển thường chế biến thành gỏi giòn sần sật, với vị chua ngọt của nước trộn.

Có nhiều nguyên liệu để làm gỏi, như kết hợp sứa cùng dưa chuột, cà rốt hay làm gỏi sứa xoài xanh... Mỗi loại gỏi đều có các gia vị, rau thơm khác nhau để món ăn trở nên lạ miệng.

Để gỏi ngon, khâu quan trọng nhất là nước gỏi, được pha đường, gia vị, giấm, bột ngọt và ớt thái nhỏ nhưng phải gia giảm sao cho dậy vị chua ngọt, cay cay, vừa ăn. Món này rất thích hợp ăn vào mùa hè, thường có nhiều ở các vùng biển như Nha Trang, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Gỏi nhệch

Cá nhệch cùng họ với lươn nên mình trơn nhẫy, thường sống ở nơi nước mặn hoặc nước lợ. Khoảng tháng 2, tháng 3 là vào mùa nhệch, những con cá trơn, dài và rất hung dữ, đánh bắt không dễ dàng.

Gỏi nhệch thường ăn kèm với lá đinh lăng rất bùi và ngọt. Ảnh: Vũ Bảo

Người dân miền biển thường chế biến thành nhiều món như nấu canh chua, rán, kho... nhưng ngon nhất vẫn là làm gỏi. Món ăn này hấp dẫn nhiều thực khách sành ăn. Để làm món gỏi nhệch ngon, không bị tanh, cá sau khi bắt về lấy nước vôi, nước tro, hay lá tre tuốt sạch chất nhờn rồi mổ dọc sống lưng lọc xương, xắt thành từng lát mỏng. Thính phải là chọn loại gạo nếp thơm ngon được rang lên và giã nhỏ, mịn rồi trộn cùng với thịt cá.

Gỏi nhệch được chấm với nước mắm gừng, tỏi, ớt, mì chính và hạt tiêu, ăn kèm với các loại lá như mùi tàu, đinh lăng, mơ, sung hay bánh đa vừng... Khi ăn thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt của cá, vị bùi của thính kết hợp với vị thơm thơm của các loại lá hòa quyện khiến ăn một lần nhớ mãi.

Gỏi nhệch có ở nhiều nơi nhưng ngon nổi tiếng phải kể đến vùng Kim Sơn (Ninh Bình), Nga Sơn (Thanh Hóa).

Gỏi mực

Mực là loại thực phẩm được yêu thích bởi vị ngon ngọt và lành tính, có thể chế biến được nhiều món như hấp, xào, chiên, nấu lẩu... Cách chế biến mực thành gỏi rất được ưa chuộng do nhanh, dễ làm và giữ được hương vị của mực.

Gỏi mực ăn giòn, ngọt là món hấp dẫn thực khách khi tới vùng biển. Ảnh: hotdeal

Để món gỏi mực ngon phải chọn mực lá, mực ống còn tươi nguyên, vừa đánh bắt từ biển, đem hấp với gừng cho thơm rồi thái khoanh vừa ăn. Nếu là mực lá phải khía để cho mực ngấm gia vị, lại đẹp mắt, sau đó ngâm trong một bát nước lạnh, mực sẽ giòn ngon.

Các loại rau củ dùng để chế biến gỏi mực cũng cần sơ chế và tẩm ướp cho vừa miệng. Người ta thường làm gỏi mực với dưa chuột, cà rốt. Nước trộn gỏi được trộn từ nước mắm, đường, tỏi, giấm, chanh tươi gia giảm cho vừa miệng. Vị thơm của mực hấp gừng sẽ hòa cùng các loại rau củ và nước trộn đậm đà làm nên một món ăn hấp dẫn.

Gỏi mực thường có nhiều ở các vùng biển như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nha Trang, Vũng Tàu...

(Theo VnExpress)

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Thổ Nhĩ Kỳ - quê hương của ông già Noel và hoa tulip

Ông già Noel là người sinh ra ở vùng Patara của Thổ Nhĩ Kỳ và đất nước này mới chính là quê hương của hoa tulip, không phải Hà Lan như mọi người thường nghĩ tới.

Xem thêm: Những điều chỉ người Thổ Nhĩ Kỳ mới hiểu
Đất nước nối liền hai châu lục Á - Âu còn vô số điều thú vị khác để du khách khám phá bởi lịch sử lâu đời và thiên nhiên tươi đẹp.

Một trong những khu chợ cổ lớn nhất thế giới

Grand Bazaar (hay Kapalı Çarşı) ở Istanbul là một khu chợ có từ năm 1455, sau khi đế chế Ottoman đánh chiếm thành phố Constantinopolis. Trải qua nhiều thế kỷ, khu chợ được mở rộng tới 61 con đường với hơn 3.000 cửa hàng. Hiện tại Grand Bazaar rộng khoảng 31.000 m2. Khu chợ này được tạp chí du lịch Travel +Leisure bình chọn là điểm đến hấp dẫn nhất năm 2014 vì thu hút hơn 91 triệu du khách tới tham quan, mua sắm.
Một góc nhỏ của khu chợ Grand Bazaar

Món tráng miệng làm từ thịt gà

Một trong những món ăn đặc trưng từ thời Ottoman là tavuk göğsü (pudding làm từ ức gà). Món ăn có sự kết hợp đặc biệt của thịt gà luộc, sữa, đường và quế.

Nguồn gốc của ông già Noel

Thánh Nicholas (Santa Claus) được sinh ra tại vùng Patara, phía đông nam bờ biển Lycian, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một nơi rất xa Bắc Cực và ngoài vị thánh Nicholas còn rất nhiều người khác cũng có gốc từ đất nước này như thánh Paul, nhà tiên tri Abraham...

Cội nguồn loài hoa tulip

Không có thông tin về những cây tulip đầu tiên lớn lên ở đâu, tuy nhiên thời Ottoman đã phổ biến loài hoa này và đưa tới các nước châu Âu. Có suy đoán là hạt giống của hoa tulip đầu tiên được gieo khi một sứ giả Flemish tới gặp vua Süleyman của đế quốc Ottoman vào thế kỷ 16 rồi đem về Hà Lan.

Hơn 130 đỉnh núi cao hơn 3.000 m

Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều dãy núi đặc biệt, khách du lịch mùa đông có thể tới để du ngoạn, khám phá và tận hưởng ở hàng tá khu nghỉ dưỡng. Palandöken nằm ở phía đông tỉnh Erzurum, là nhọn núi cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ với độ cao 3.125 m, đồng thời là địa điểm trượt tuyết tự nhiên dài nhất châu Âu.

Đường hầm vượt qua các châu lục

Istanbul có thể là thành phố lớn nhất châu Âu, tuy nhiên một nửa địa phận nằm ở châu Á. Ý tưởng về một đường hầm dưới nước qua eo biển Bosphorus nối liền hai khu vực của Istanbul được đưa ra lần đầu tiên vào năm 1860 dưới triều đại của Quốc vương (Sultan) Abdulmecid. Thành phố Istanbul chính là nơi đặt đường hầm Tünel dài 573 m khánh thành từ năm 1875. Đây là tuyến đường hầm cổ thứ 3 thế giới sau tuyến đường sắt của London (1863) và Athens (1869).

Đấu vật với dầu olive là môn thể thao quốc gia

Hai người đàn ông cường tráng, tưới dầu olive lên cơ thể và vật lộn với nhau dưới trời nắng. Đây là một bộ môn thể thao truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ có từ 654 năm trước và vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Trung tâm của thế giới

Bạn có thể bay tới bất cứ đâu từ sân bay Istanbul Atatürk. Các hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ có tới 260 điểm đến khởi hành từ đây.

Cứ 10 ngày một loài cây mới được phát hiện

Thổ Nhĩ Kỳ có 10.000 loài cây và 80.000 loài động vật nên đất nước này được xếp vào 35 điểm đến có đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Nơi đây thật sự là một điểm đến cuốn hút đối với các du khách yêu thích khám phá thiên nhiên.

Loài hoa Fritillaria ở Thổ Nhĩ Kỳ

(Theo Matadornetwork)

10 điều tạo nên khác biệt của vùng Biển Đen tại Thổ Nhĩ Kỳ

Là một vùng đất ven biển nhưng người dân lại "chuộng" lên núi và có khả năng sáng tạo ngôn ngữ theo tiếng chim hót.

Xem thêm: Những điều thú vị về Thổ Nhĩ Kỳ

Văn hóa, địa lý của vùng Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ rất khác với Istanbul hay phía bờ Địa Trung Hải. Tuy nhiên, nhiều du khách thường lầm tưởng khu vực này có nhiều điểm tương đồng với các vùng lân cận.

Bạn đã không còn ở trong đất nước của kebab nữa

Món muhlama làm từ bột ngô
Hãy tạm cất những hiểu biết về đồ ăn Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên khi du khách đặt chân đến đây. Vùng Biển Đen có nền ẩm thực độc đáo riêng dựa trên những thực phẩm địa phương như rau xanh, ngô, những sản phẩm từ sữa, đậu, nấm hương dại, và nhiều thức ngon khác. Trong một đêm lạnh thấu xương trên núi, du khách có thể ấm bụng với món muhlama làm từ bột ngô, phô mai và bơ trộn đều; hay karalahana çorbası - món súp từ cải xoăn và đậu; hoặc món bánh ngọt nhiều lớp Laz böregi béo ngậy trứng sữa.

Không phải cái gì to cũng tốt, nhất là cá

Loài cá được ưa chuộng nhất tại đây là cá cơm, có tên gọi là “hamsi” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng được ngư dân vùng Biển Đen đánh bắt từ cuối thu đến hết mùa đông, loại hải sản thơm ngon này được ấp ủ suốt chặng đường đến Istanbul. Người bản xứ thường rắc bột ngô và chiên cá cơm, song họ cũng nấu loại hải sản này với các món cơm, trứng omelet, bánh thịt nướng sữa casserole hay bánh mì ngô.

Vẻ đẹp của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ
Cá cơm thậm chí còn tạo cảm hứng cho một điệu nhảy truyền thống

Điệu nhảy này mô phỏng đường bơi khéo léo của những đàn cá cơm nhỏ khi chúng bơi trên biển hoặc ngay cả khi mắc vào lưới của ngư dân.

Đây là một miền đất còn nhiều nét hoang dã

Sói, chim cắt và gấu còn xuất hiện nhiều tại khu rừng rộng ven biển, nơi cư trú của một lượng lớn những loài động thực vật hoang dã, bao gồm cả những loài đang bị đe dọa. Đây cũng là nơi sở hữu ngôi làng Camili nằm trong thung lũng Machakheli (thuộc tỉnh Artvin), khu bảo tồn sinh quyển được UNESCO công nhận. Không chỉ vậy, nơi đây cũng là địa điểm trekking lý tưởng cho du khách với dãy núi Kaçkar hiểm trở.

Sống trên núi luôn là lựa chọn lý tưởng

Mặc dù vùng đất này được gọi là miền Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ, song nó vẫn được các dãy núi bao bọc. Mùa đông tuyết luôn phủ kín, những yayla (trong tiếng Thổ có nghĩa là khu nghỉ dưỡng) nằm rải rác trên núi cao khoảng 1.500 m so với mặt nước biển. Những triền núi trỗi dậy đầy sức sống với các thảm thực vật sặc sỡ vào mùa xuân. Người dân thường kéo đến đây vào những tháng có tiết trời ấm áp. Họ sẽ mang theo những đàn gia súc để chăn thả và cả tổ ong để nuôi qua mùa hè. Miền đất này cũng thích hợp cho các hoạt động dã ngoại và leo núi.

Bề dày lịch sử và văn hóa đa dạng

Mặc dù không nổi tiếng như những di sản văn hóa vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) thuộc miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Biển Đen vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền văn hóa của đất nước này. Người Hy Lạp, La Mã, Mông Cổ, Armenia, Georgia, Genova và những cư dân khác từng sinh sống tại đây, để lại những công trình kiến trúc cổ như nhà thờ, lâu đài, các lăng mộ và tu viện mà ngày nay du khách vẫn có thể ghé thăm. Tại tỉnh Artvin, du khách còn có cơ hội tham dự buổi biểu diễn của Maçahel Polyphonic Choir, một nhóm các nam ca đứng tuổi với mong muốn bảo tồn những bài hái dân ca Georgia cổ.

Với lễ đấu bò, con người không tham gia trực tiếp

Người Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Biển Đen không có truyền thống đấu bò như Tây Ban Nha. Giống như trò đấu lạc đà truyền thống của miền duyên hải Aegean, lễ hội đấu bò của người dân nơi đây sẽ gồm 2 con bò tót tham chiến, con nào đẩy được đối thủ ra khỏi vòng tròn trước sẽ thắng cuộc. Những chủ nuôi sẽ phải chăm sóc bò trong nhiều năm trước khi giao đấu để chúng đủ khỏe mạnh và cường tráng.

Miền đất dồi dào mật ong

Với hơn 150 loài cây tính riêng trên diện tích núi Kaçkars, thảm thực vật phong phú cho phép dân địa phương dễ dàng nuôi ong. Nhưng trước khi thưởng thức bất cứ một thìa mật ong nào, du khách cần chắc chắn nó đã qua xử lý. Những chú ong chỉ hút riêng mật của một loại hoa đỗ quyên tại đây sẽ cho ra thứ “mật điên”, gây chóng mặt, ảo giác nhẹ và nhiều triệu chứng khác cho hệ thần kinh chỉ với một liều lượng nhỏ.

Người dân địa phương luôn chào đón du khách nồng hậu. Ảnh: Matador

Dân bản địa yêu chim và sáng tạo ngôn ngữ phỏng theo tiếng hót

Những người nuôi chim ưng tại vùng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ vốn nổi tiếng với khả năng bắt và thuần hóa dễ dàng loài vật này. Họ sử dụng loài chim này trong mùa săn chim cút kéo dài không lâu, sau đó thả chúng về tự nhiên. Những người chủ tạm thời sẽ đưa thú cưng của họ đi khắp mọi nơi, họ còn tổ chức giao lưu hội nuôi chim ưng tại các quán cà phê.

Trong khi đó, ngôi làng nhỏ có tên Kuşköy (thuộc tỉnh Giresun) là nơi khởi sinh ra ngôn ngữ huýt sáo, một loại hình giao tiếp độc đáo của một vài cộng đồng người miền núi trên thế giới. Người làng tạo nên những âm thanh gần giống từ và câu tiếng Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách huýt sáo. Trước khi có sự xuất hiện của điện thoại di động, cách thức giao tiếp này rất hiệu quả khi họ cần liên lạc ở khoảng cách xa trên những sườn đồi.

Người dân địa phương rất thông mình, dí dỏm và tốt bụng

Việc di chuyển đồ đạc khá khó khăn ở một nơi có địa thế hiểm trở như vùng Biển Đen Thổ Nhĩ Kỳ. Người dân đã tự dựng lên những đường cáp treo để di chuyển và vận chuyển hàng hóa theo đường trên không. Du khách có thể sẽ phải bất ngờ khi thấy nhân viên khách sạn đưa hành lý của mình lên thẳng khách sạn trên núi bằng đường cáp treo. Không chỉ khéo léo như vậy, người dân địa phương cũng rất cởi mở, thân thiện và luôn sẵn lòng giới thiệu với du khách nền văn hóa đặc trưng của miền đất này.

(Theo matadornetwork)

Bài đăng phổ biến