Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Ba quán mì tôm đặc biệt trong lòng phố cổ Hà Nội

Mì chua ngọt, mì gà tần hay mì tim cật giản dị nhưng chế biến khác đi đôi chút, làm hương vị thêm hấp dẫn.
Xem thêm: Những món ăn vặt đầy mê hoặc đất Hà thành

Gói mì mang hình ảnh hai con tôm đỏ, giấy bìa vàng từ lâu đã là một phần ký ức của nhiều thế hệ 7X cho tới 9X. Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hơn, nhiều cao lương mĩ vị hơn nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen ăn các món chế biến từ mì gói.

Ngay trong lòng phố cổ Hà Nội, bạn có thể tìm thấy 3 quán mì tôm được chế biến cầu kỳ hơn đôi chút, dù đơn giản nhưng luôn đông khách vào bất kể khung giờ nào.

Mì chua ngọt Hàng Tre

Mở cửa được tầm nửa năm nhưng quán mì tim chua ngọt ở góc phố Hàng Tre đã có lượng khách rất đông, thường tập trung trước giờ làm buổi sáng. Vẫn là gói mì quen thuộc nhưng chủ quán đã chế biến thêm tim cật và rau cải để ăn no bụng hơn. 
 
Bếp chế biến của quán được đặt ngay ở vỉa hè cho khách ăn yên tâm. Ảnh:Nguyên Chi

Chủ quán sở hữu một bí quyết về món dấm tỏi để chế biến nước dùng, cho mùi vị thơm, chua chua ngọt ngọt, không ngấy cho bát mì đơn giản. Tim cật được xào qua cho chín tới, rau cải cũng được chủ quán thêm vào khá hào phóng nên một bát mì đầy đủ ở đây là no bụng cho một bữa sáng.

Ai đến quán lần đầu cũng sẽ thấy quen bởi đây chính là địa chỉ bánh tráng trộn nổi tiếng trên phố Hàng Tre, nhưng chủ quán tranh thủ bán mì tim vào buổi sáng. Điểm đặc biệt là phần bếp chế biến được đặt ngay trước cửa ra vào, sát vỉa hè. Nào nồi đun dấm tỏi, chảo xào tim cật, nồi nước dùng, tất cả đều bày ngay trước mắt khách ăn, nên bạn có cảm giác yên tâm hơn về khâu vệ sinh.

Khách ăn ngồi ngay trên vỉa hè, chỉ vài chiếc bàn nhựa và mấy chiếc ghế con con nhưng khách đã quen thì luôn tìm tới.

Mì gà tần Hàng Bồ

Không phải quảng cáo nhiều, cư dân trong phố hầu như không ai không biết tới quán mì gà tần ngồi dọc ngã tư Lương Văn Can - Hàng Bồ. Dẫu chẳng có quán xá tử tế, vài chiếc bàn đặt sát đường, ngồi dọc theo vỉa hè chật hẹp của 2 góc phố thì quán mì ở đây hàng chục năm vẫn chẳng khi nào vắng khách, trở thành một trong những biểu tượng của ẩm thực phố cổ. Cứ hễ chủ quán nghỉ bán một hôm hay chuyển địa điểm là giới trẻ mê ăn quà vặt ở Hà Nội lại được phen xôn xao.

Quán mì gà tân nổi tiếng ở góc phố Lương Văn Can. Ảnh: Yến Hoa

Quán chẳng cần biển hiệu, khách quen cứ thế tới, tự biết để xe ở đâu, ngồi vào bàn mà không cần nhân viên đon đả đón khách. Cái thú ăn quà vặt ở Hà Nội là vậy, nhiều khi phải tự phục vụ từ bưng bê đến dắt xe nhưng một khi đã nghiện thì chẳng ai nề hà.

Bát mì ở đây có giá không hề rẻ nhưng hương vị rất ngon nên thương hiệu cứ thế hình thành. Món ăn được tạo thành từ hai nguyên liệu chính, một là nồi gà tần thuốc bắc thơm thoang thoảng đặc trưng với thịt gà, rau ngải cứu, táo tàu, hạt sen, kỳ tử... Nước dùng có vị ngọt của thịt gà, kết hợp với vị đắng nhè nhẹ của các vị thuốc bắc, màu nâu sậm, bốc khói nghi ngút. Thịt gà chắc, thơm ngon, chấm với muối tiêu chanh càng gia tăng vị hấp dẫn của bát mì tưởng như giản dị.

Mì tim Hàng Khoai

Quán mì tim phố Hàng Khoai đông khách về khuya. Ảnh: Tô Nhật Hoàng

Quán mì tim bà Hồng phố Hàng Khoai tuy không được quảng cáo rầm rộ nhưng lại rất đông khách. Quán mở từ khá lâu nhưng theo nhiều thực khách thì chất lượng không hề thay đổi. Bát mì ngọt đậm vị ngọt từ nước luộc thịt, ninh xương, miếng tim dai dai, cuống tim sần sật, rau cải ăn kèm cho đỡ ngán. Chỉ vậy mà dù phải ngồi ở vỉa hè thì cũng chẳng ai phàn nàn. Quán mở từ sẩm tối tới khuya nên có lượng khách không nhỏ là cánh đàn ông sau giờ làm, nghỉ chơi sau trận bóng đá đêm hay các bạn trẻ đi chơi về khuya.

(Theo Ngoisao)

Trà xương sườn nổi tiếng Singapore

Món Bak Kut Teh - trà xương sườn không chỉ là một vị thuốc bổ mà còn có hương vị thơm ngon nên rất phổ biến và được ưa chuộng ở Singapore.
Xem thêm: 4 món ăn trưa cực hút khách ở đảo quốc Sư tử

Bak Kut Teh có nghĩa là trà xương sườn, một món ăn rất quen thuộc và được ưa chuộng ở Singapore. Tuy vậy, đây thực chất lại là một món canh, trong đó sườn heo được hầm trong nhiều giờ cùng nước sốt có tỏi, hành, tiêu với một chút bí quyết nêm các loại thảo mộc và gia vị khác như đinh hương, quế, mùi... Tất cả thành phần hoà quyện một cách hài hoà với nhau, làm nên món súp có hương vị thơm dịu, ngọt thanh mà vẫn rất đậm đà. Món ăn này cũng có thể ăn kèm với cơm trắng hoặc bún, quẩy và rau xanh, thường được dùng làm bữa sáng hoặc tối.
 
Bởi thành phần các nguyên liệu chính và cách chế biến mà món ăn được đặt tên là Bak Kut Teh, có nghĩa là trà xương sườn. Ảnh: Yourcoastalbend

Có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của Bak Kut Teh. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) và được du nhập vào Singapore từ thế kỷ 19 bởi người Mân Nam. Bên cạnh đó lại có ý kiến khác là món trà xương sườn ra đời từ thời xa xưa ở Singapore.

Tương truyền, một người ăn xin đói khổ tới một tiệm mì thịt heo để xin đồ ăn. Lúc ấy, chủ quán tuy cũng rất khó khăn và thiếu thốn nhưng vẫn động lòng thương cảm. Ông lấy một vài mảnh xương heo còn sót lại ninh lên, nêm vào đó các loại gia vị bình dân mà ông dùng như hồi hương, hạt tiêu để tăng thêm hương vị và tạo cho món ăn có màu như nước trà. Kể từ đó, trà xương sườn ra đời và trở thành món ăn rất phổ biến trong tầng lớp lao động nghèo khó ở Singapore. Bởi được chế biến từ những nguyên liệu rẻ tiền nhưng nó lại có nguồn dinh dưỡng và năng lượng dồi dào đủ để cung cấp cho họ trong cả một ngày dài lao động mệt nhọc.

Món ăn tuy được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản và rẻ tiền nhưng lại có nguồn dinh dưỡng cao. Ảnh: Singapore.com

Khi ăn Bak Kut Teh, để tăng thêm hương vị, người Singapore thường dùng xì dầu có thêm tỏi, ớt băm nhỏ để làm sốt chấm. Ngoài ra trà ô long cũng được uống kèm bởi nó sẽ làm dịu đi độ ngậy và béo của sườn heo, khiến cho món ăn không bị ngán. Hiện nay ở Singapore có hai loại Bak Kut Teh phổ biến nhất là Teochew và Klang. Nước dùng chính là điểm khác biệt giữa hai loại canh này. Trong khi Teochew Bak Kut Teh có vị cay và nồng đặc trưng thì Klang Bak Kut Teh lại có phần nước dùng đậm sánh do có nhiều thảo dược hơn bình thường.

Khi đến Singapore, du khách có thể tìm thấy cửa hàng phục vụ Bak Kut Teh ở bất cứ đâu nhưng những địa chỉ có món ăn này ngon nhất là trên phố Beach Road, New Bridge hay đường Poh Seng.
 
(Theo VnExpress)

Những điều mê tín của các nước trên thế giới

Nhai kẹo cao su ban đêm sẽ giống như nhai thịt người chết, huýt sáo trong nhà triệu hồi ma quỷ hay kiêng ăn thịt dê vì sợ mọc râu là những điều mê tín khó hiểu trên thế giới.
Xem thêm: Những quy định kỳ quặc nhất thế giới

Để tránh những phiền toái không cần thiết khi đi du lịch, du khách nên ghi nhớ một số điều mê tín phổ biến trên thế giới dưới đây.

Ai Cập: cầm kéo nhưng không cắt bất kỳ thứ gì sẽ đem lại xui xẻo, hay người đầu tiên nhìn thấy cú hoặc nghe thấy tiếng cú kêu sẽ gặp điều bất hạnh.

Trung Quốc: Người Trung Quốc cực kỳ kiêng kỵ số 4 bởi nó phát âm gần giống như chữ “chết”. Đó cũng là lý do thang máy trong các tòa nhà Trung Quốc thường không có tầng 4. Nhiều nơi còn bỏ cả tầng 14 hay 24…

Người Trung Quốc sợ tất cả những gì liên quan đến số 4. Ảnh: Today Foundout

Xem thêm 13 phong tục ở Trung Quốc có thể khiến du khách sốc
 
Pháp: Nếu vô tình giẫm lên phân ở Pháp thì hãy xem bạn bị dính chân trái hay phải, bởi chân trái là may mắn trong khi chân phải tượng trưng cho điềm xui.
 
Lithuania: Huýt sáo trong nhà là triệu hồi ma quỷ từ địa ngục.

Nhật Bản: Khi bạn đi qua một ngôi mộ, hãy gập ngón tay trỏ xuống. Điều này sẽ bảo vệ bố mẹ bạn khỏi cái chết. Ngoài ra, cắm đôi đũa trên bát cơm tượng trưng cho việc đem đến những điều không may mắn.

Thổ Nhĩ Kỳ: Người Thổ Nhĩ Kỳ kiêng nhai kẹo cao su vào ban đêm bởi khi màn đêm buông xuống, kẹo sẽ trở thành thịt người chết.

Nga: Chim “ị” vào xe ô tô hay của cải sẽ đem đến sự giàu có cho chủ nhân. Ngoài ra, tặng hoa màu vàng được xem như lời nguyền cho mối quan hệ bởi chúng tượng trưng cho sự phản bội và không chung thủy.

Tây Ban Nha: Người Tây Ban Nha tin rằng thứ 3 ngày 13 mới là ngày xui xẻo.

Rwanda: Phụ nữ nơi này kiêng ăn thịt dê bởi họ tin đấy là nguyên nhân mọc râu trên mặt.

Đức: chạm cốc nước lọc (mà không phải bia hay rượu) nghĩa là bạn đang mong người kia chết đi.
 
 
Brazil: đánh rơi ví tiền xuống đất là điềm xui báo hiệu bạn sắp bị nghèo đi. Ảnh:shutterstock.

Hà Lan: Mượn muối nhà hàng xóm được xem như điềm xui xẻo còn hát trên bàn ăn tượng trưng cho việc bạn đang ca hát cho quỷ dữ.

Hoa Kỳ: Giẫm lên vết nứt vỉa hè tượng trưng cho việc bạn làm gãy lưng của mẹ mình.

Anh: Người dân nơi đây tin việc đặt giày mới lên bàn là đem lại xui xẻo cho gia đình.

(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến