Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Độc lạ món "gà ăn mày"

Cái tên thoạt nghe lạ tai, nhưng “gà ăn mày” lại là món ăn nổi tiếng ở Giang Tô, Triết Giang (Trung Quốc). Với vị thơm ngọt đậm, “gà ăn mày” có thể chinh phục bất cứ thực khách nào.
Xem thêm: Khám phá thế giới ẩm thực Trung Quốc
Tên gọi đơn giản có phần lạ tai, nhưng món ăn “gà ăn mày” mang hương vị rất đặc biệt và cách chế biến không kém phần độc đáo. Đằng sau món ăn kèm theo tích chuyện khá thú vị.

Tương truyền, vào thời điểm cuối thời Minh đầu nhà Thanh, một gã ăn mày lang thang trên hè phố Giang Tô đã liều mình ăn trộm con gà của nhà dân vì quá đói. Khi gã đang lúi húi nhóm lửa làm gà, bất ngờ, Hoàng thượng và các cận thần tiến tới. Quá hoảng loạn, gã vội vàng lấy lá sen bọc kín gà rồi phủ đất sét ở bên ngoài. Sau đó, gã quẳng con gà vào đống lửa. Không ngờ chính sự vô tình này đã tạo nên cách chế biến gà rất độc đáo.

“Gà ăn mày” từng được đưa vào thực đơn trong cung vua và trở thành món ăn nổi tiếng tới tận ngày nay. Món ăn trở thành nét hấp dẫn ẩm thực của người Hàng Châu, quyến rũ cả du khách nước ngoài khi lần đầu được thưởng thức.

Ngày nay, món gà được chế biến cầu kỳ hơn trước, nhưng vẫn đảm bảo hương vị thơm ngon không kém gì xưa kia. Sau khi làm sạch, gà được ướp cùng nước tương, hoa hồi, dầu đinh hương, tiêu, quế, muối, đường.

Gà được bọc kín đất sét

Trong lúc chờ gà ngấm gia vị, người nấu bếp bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu nhồi bụng gà gồm thịt lợn, tôm, gừng, hành củ… Tất cả nguyên liệu được xào chin thơm rồi nhét vào bụng gà, khâu kín.


Sau đó nướng chín trực tiếp trong lửa

Tiếp đó, người ta sẽ bọc gà bằng lá sen. Khâu này rất quan trọng, cần chú ý không để hở bất cứ phần nào của con gà. Rồi cuối cùng, đất sét mới được đắp bên ngoài. Loại đất sét sử dụng phải có độ dẻo dính, không quá lỏng hay quá đặc, có thể lấy ở đồng ruộng hay ao hồ.


Cuối cùng, bọc gà đất sét được nướng trực tiếp ngoài lửa. Tới khi phần đất nứt ra, thịt gà tỏa mùi thơm nức cũng là lúc món ăn đã sẵn sàng để thưởng thức.


Gà nướng đất sét kiểu miền Tây

Món “gà ăn mày” cũng không quá xa lạ với người dân miền Tây Nam Bộ ở Việt Nam. Ở đây, món ăn cũng được gọi với cái tên giản dị “gà bọc đất sét”. Cách chế biến không khác nhau quá nhiều, nhưng đều giữ nguyên vị thơm ngọt, đậm đà nguyên vị.

Chủ Nhật, 1 tháng 5, 2016

Mãn nhãn với những phố mua sắm đẹp nhất châu Âu

Châu Âu không chỉ có những công trình kiến trúc đồ sộ, cổ kính hay hoành tráng, hiện đại mà còn sở hữu những điểm đến lý tưởng của những tín đồ mua sắm. Dưới đây là những đại lộ mua sắm đẹp nhất châu Âu để cho bạn lựa chọn.Xem thêm: Những lễ hội ẩm thực mùa hè nổi tiếng nhất châu Âu

1. Đại lộ Champs-Elysées, Paris, Pháp


Nằm ở quận 8 ở Paris, đại lộ Champs-Elysées với chiều dài gần 2km sẽ làm hài lòng bất kỳ tín đồ mua sắm sành điệu nào. Đây dường như là thế giới của giới thượng lưu khi hội tụ hầu hết các thương hiệu xa xỉ trên thế giới như Hugo Boss, Cartier, Montblanc, Louis Vuitton, Yves St Laurent, Chanel và Dior… Tuy nhiên, nhiều du khách đến với đại lộ Champs-Elysées không nhằm mục đích mua sắm mà chỉ đơn giản là được tham quan, chiêm ngưỡng con đường với lối kiến trúc cổ kính tuyệt đẹp này. Vào dịp lễ Giáng sinh, đại lộ Champs-Elysées sẽ được trang hoàng lộng lẫy với hàng triệu bóng đèn các loại, du khách đến đây sẽ được tham gia những hội chợ sôi động và thưởng thức những màn trình diễn âm nhạc tuyệt vời của các nghệ sĩ đường phố.
Xem thêm: 5 điều cần nhớ để tránh lạc đường tại Paris

2. Phố Shambles, York, Anh quốc


Hình thành từ thế kỷ đầu thời kỳ Trung cổ, phố Shamples nằm ở trung tâm thành phố York, Vương quốc Anh được mệnh danh là con phố Trung cổ được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu. Trước kia con phố này là khu phố buôn bán sầm uất với những mặt hàng chính như lợn, bò, cừu… Con phố đã được sửa sang, tu bổ vào những năm 1400, nhưng vẫn giữ nguyên phong cách kiến trúc đặc trưng thời Trung cổ với những bức tường thô, nhà cửa san sát thiết kế bằng gỗ sồi, đường lát gạch..

Giờ đây phố Shamples không còn là điểm kinh doanh buôn bán thịt nữa mà trở thành một địa danh du lịch hấp dẫn của thành phố York với những cửa hàng bán đồ lưu niệm, sách, bánh…
Xem thêm: Du lịch Anh bằng phương tiện gì?

3. Phố Prince, Edinburgh, Scotland

 

Phố Prince (Edinburgh) là một trong những con phố mua sắm thanh lịch và mang tính biểu tượng nhất trên thế giới.

Nổi tiếng là một điểm mua sắm hút khách bậc nhất thế giới kể từ đầu những năm 1800, đến nay Prince vẫn có sức cuốn hút với những tín đồ mua sắm và du khách đến tham quan. Đến đây, bạn sẽ tìm thấy các cửa hàng bách hóa lớn, các nhà hàng đặc sản, các tòa nhà lịch sử (như khách sạn Balmoral) và cả những khu vườn đô thị xinh đẹp nơi khách có thể nghỉ chân sau khi mua sắm.

4. Phố Nine, Amsterdam, Hà Lan


Nằm ở quận Jordaan, phố Nine được tạo thành từ ba con đường duyên dáng đan xen với các kênh rạch. Đây thực sự là thế giới danfhc ho những tín đồ thời trang. Nơi đây có rất nhiều các cửa hàng bán tất cả mọi thứ từ đồ trang sức làm bằng tay cho đến thời trang cổ điển sang trọng.

Khu phố này cũng sở hữu một số cửa hàng độc đáo mà bạn sẽ không thể tìm thấy bất cứ nơi nào khác, ví như một cửa hàng cắt tóc rộng gấp đôi so với một phòng trưng bày nghệ thuật hay những quán café có lối kiến trúc độc đáo nằm ngay sát bên kênh.
Xem thêm: Ngôi làng không có lối đi ở Hà Lan

5. Phố Maria Theresien,Innsbruck, Áo


Đây là một trong những đường phố sầm uất nhất và chắc chắn thu hút nhiều khách ghé thăm nhất tại thành phố Innsbruck. Đặt tên theo Hoàng hậu Maria Theresa, đường phố nhộn nhịp này là nơi sở hữu những cửa hàng lớn nhỏ trải dài từ Khải Hoàn Môn đến Old Town (Altstadt). Trong mùa hè năm 2009, một phần của đường phố được cải tạo hoàn toàn và được thiết kế dành riêng cho người đi bộ .

Ngoài ra, con phố này còn có nhiều di tích ấn tượng khác gắn với lịch sử của Innsbruck, bao gồm cả Cột St Anne , Vòm khải hoàn và nhà nguyện Thánh George . Kết hợp với một loạt các nhà hàng ngoài trời, quán cà phê, cửa hàng… Maria- Theresien là nơi lý tưởng để du khách mua sắm, đi dạo, thư giãn và hòa mình vào lịch sử của Innsbruck .

6. Phố Galeries Royales Saint-Hubert, Brussels, Bỉ


Đây là một không gian mua sắm nổi tiếng đã được xây dựng vào năm 1846. Bạn sẽ tìm thấy các quán cà phê, cửa hàng và thậm chí cả một rạp chiếu phim ở đây. Đây gần như là con phố mua sắm đầu tiên ở châu Âu. Đường phố này còn nổi tiếng với các di tích và các tòa nhà có lối kiến trúc cổ kính. Ngày nay nó vẫn là một trung tâm mua sắm lớn với các cửa hàng cao cấp, đồ nội thất cổ, các cửa hàng sôcôla sang trọng và một bộ sưu tập các nhà hàng và quán cà phê độc lập.

7. Những đường phố nhỏ hẹp ở Venice, Ý


Ít ai biết rằng thành phố nổi tiếng thơ mộng như Venice cũng là một điểm mua sắm hấp dẫn không nên bỏ qua ở châu Âu. Đi qua những khu du lịch chính của Venice, bạn sẽ có cơ hội khám phá các tuyến đường nhỏ hẹp thú vị với các cửa hàng đặc sản độc đáo bán các sản phẩm địa phương, đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, và dĩ nhiên có cả các cửa hàng quần áo thời trang, giày dép...
Xem thêm: 20 điều thú vị về Italy

8. Phố Placa, Dubrovnik, Croatia

 

Phố Placa được xây dựng vào thế kỷ 12, được lát đá vào năm 1468, sau đó được phục hồi, tu bổ sau trận động đất 1667. Đây là con phố mua sắm nổi tiếng của thành phố Dubrovnik, Croatia. Nơi đây còn là điểm hẹn của những cửa hàng và quán café, đồng thời là địa danh có bề dày lịch sử có chứa nhiều di tích quan trọng.

9. Phố Kramgasse, Bern, Thụy Sĩ


Bern là thủ đô của đất nước Thụy Sĩ, nổi tiếng bởi sự đa dạng về các con phố, các công trình kiến trúc, di tích lịch sử thời Trung cổ. Trong đó, một trong những công trình được tham quan nhiều nhất là Einteinhaus, ngôi nhà số 49, phố Kramgasse. Đó là ngôi nhà của nhà Vật lý vĩ đại Albert Einstein đã sống từ năm 1903 đến 1905, là khoảng thời gian ông công bố những phát minh quan trọng của mình. Ngôi nhà này giờ đây như là nhà bảo tàng trưng bày nhiều bức chân dung của cả gia đình và các nhà khoa học một thời.

Ngoài địa danh lịch sử này, con phố còn có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách như: nhà hát nhỏ, rạp chiếu bóng Kellerkino, nhiều tòa nhà xinh đẹp và 3 đài nước… Kramgasse cũng là con đường du khách thường lui tới để mua những đồ lưu niệm, đồ cổ hoặc những vật phẩm để trang trí phòng khách hay làm quà tặng.
Xem thêm: Mùa thu Thụy Sĩ - nơi đẹp nhất châu Âu

(Theo Globalgrasshoper)

Mắm cua - ngửi ghê ghê, ăn dễ mê

Nhiều người mới ngửi lắc đầu, bịt mũi rồi vội né xa chẳng khác gì Tây ăn bún đậu mắm tôm, nhưng khi đã "chịu được mùi" là ghiền lúc nào không hay.
Xem thêm: 12 món ngon ăn là mê của đất Bình Định

Miền đồng “xứ nẫu” Bình Định có một loại mắm độc nhất vô nhị, đó là mắm cua. Người dân đi làm đồng mà bắt được con cua, con rạm là lập tức đem về làm mắm. Sau khi rửa sạch, bỏ yếm, toàn bộ con cua được cho vào cối giã thật nhuyễn, rồi dùng nước sạch để lọc tách xác bã khỏi phần nước cua. Nước này được trút vào nồi hoặc chậu, đậy kín và cứ để thế qua đêm cho “lên tuổi” hay “bị ử” như cách gọi của người dân địa phương.

Sau một đêm “lên tuổi”, nồi nước cua xuất hiện một mùi khăn khẳn khá khó ngửi, giống như bã cua để ngoài trời nắng vài tiếng mùa hè vậy. Nguồn gốc của thứ mùi đặc trưng này là do chất đạm trong thịt cua bị phân hủy. Giờ chỉ cần bắc nồi to, phi hành khô cho thơm và vàng, rồi đổ nước cua vào chưng thành mắm.

Do đã được “lên tuổi” nên sẽ xảy ra hiện tượng kết tủa thành gạch trong quá trình chưng mắm cua. Sau khi hoàn thành, nồi mắm cua sẽ có màu nâu đặc trưng của mắm, trên bề mặt loang loáng ánh đỏ của gạch cua, và tỏa thứ mùi khiến người chưa quen “phát sợ” còn người đã quen thì tứa nước miếng đầy khoang miệng.

Húp thử một muôi nhỏ mắm cua, bạn sẽ thấy nồng nàn hương vị ‘thôi thối” nhưng lại ngầy ngậy, beo béo. Bạn sẽ hỏi: Mắm cua ăn thế nào? Đơn giản là mắm cua dùng để ăn kèm cơm hay chan bún đều “lợi hại mức độ tối đa” cả.

Múc một bát mắm cua nóng ra, sau đó dùng để chấm rau luộc hay rau sống, ăn kèm cơm nóng. Đơn giản thế thôi nhưng nồi cơm bị thổi bay lúc nào không biết. Vào những hôm mưa rả rích, “xứ nẫu” buồn đến nẫu cảnh, nẫu người, miệng có khi chỉ thèm một tô cơm trắng nóng hổi ăn với mắm cua và rau lang luộc. Hoặc chỉ cần dùng mắm cua chan vào bát bún tươi, bẻ thêm vào quả ớt xanh thì ăn chẳng biết đâu là điểm dừng. Mắm cua là món ăn dân dã nhưng sức gây nghiện của nó nhờ cái mùi chẳng kém gì mùi mắm tôm với dân Bắc hay mùi thơm của trái sầu riêng với người Nam.
Bún mắm cua ăn dễ ghiền. Ảnh: Eccook

Dọc theo con đường Tây Sơn Thượng Đạo, băng qua con đèo An Khê, mắm cua lên Pleiku để biến hóa thành một thứ đặc sản chỉ có ở Phố Núi: Bún mắm cua. Ở đây, bún mắm cua được chế biến cầu kỳ hơn, tuy nhiên, hồn cốt của món ăn này là mắm cua thì không thay đổi phương thức chế biến.

Một gánh bún mắm cua thường có một nồi mắm cua luôn được giữ sôi liu riu trên bếp than, bên trong có măng le khô thái mỏng, lập lờ những quả trứng vịt đã luộc chín và bóc vỏ. Ngoài ra còn có thịt ba chỉ đã xào săn, nem chua, chả (giò) heo hoặc bò, bóng (bì) heo chiên phồng và muôn vàn rau sống…

Bún tươi, sau khi trụng nước sôi, được trút vào tô, rồi lần lượt bên trên là quả trứng vịt, vài miếng thịt ba chỉ xào săn, một khẩu nem chua hoặc chả, vài miếng bóng heo chiên phồng, giá đỗ. Sau cùng, một muôi mắm cua kèm măng le sẽ được chan lên tô bún để hoàn tất công đoạn chế biến. Tô bún được bưng ra bàn kèm rổ rau sống gồm xà lách, ngổ, húng quế, húng bạc hà, bắp chuối.

Múc một thìa tương ớt đỏ cay xè cho vào, kế đó là thìa mắm nêm rồi khéo léo dùng đũa trộn đều tô bún để mọi nguyên liệu thấm đẫm mắm cua và tương ớt. Ăn bún kèm các loại rau sống và vài tép tỏi tươi, bạn sẽ được hưởng một thứ đồ ăn có hương vị mạnh mẽ và dữ dội.

Vị mắm cua mằn mặn nhưng béo nồng, măng bùi bùi, rau sống tươi mát, ớt cay xé, tỏi thơm nồng, bì heo chiên giòn rụm… Hiếm có thứ bún mắm nào trên đời lại nồng nàn, đậm đà, quyến rũ như bún mắm cua Pleiku. Cái giá cho một tô bún mắm cua hấp dẫn như thế chỉ là 10.000 đồng. Quá rẻ cho một món đặc sản.

Một hàng bún mắm cua ở phố Núi Pleiku. Ảnh: Parsley

Rất nhiều người khi tới Phố Núi đã lắc đầu quầy quậy khi mới ngửi thấy mùi mắm cua, thế nhưng, sau khi đã “chịu mùi”, họ lại tâm đắc với thứ mắm có mùi thơm ngất ngây, mặn mòi, đậm đà này.

Nếu đến Phố Núi, bạn hãy cố gắng “vượt qua sợ hãi” để thưởng thức món bún mắm cua “thối” này. Bạn có thể tìm thấy quán bán bún mắm cua ở đường Phùng Hưng vào buổi chiều hoặc cổng chợ đêm ở trung tâm thành phố Pleiku, nơi có bán bún mắm cua từ tối đến khuya muộn. Biết đâu, bạn sẽ trở thành tín đồ mới của thứ đặc sản “mới ngửi thì ghê ghê, hễ ăn được là mê” này.

(Theo Ngoisao)

Bài đăng phổ biến