Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Hình ảnh chợ nổi Việt Nam tuyệt đẹp trên báo nước ngoài

Những hình ảnh tuyệt đẹp về phiên chợ nổi ở Việt Nam cũng như một số quốc gia Đông Nam Á mới được đăng tải trên trang Amusing Planet.

Chợ nổi trên sông là một trong những nét đặc trưng của người dân vùng sông nước, nơi cả người mua và người bán đều dùng ghe thuyền làm phương tiện vận chuyển. Hình thức này đã tồn tại lâu đời và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.

Chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang)

Một số khu vực của các quốc gia Đông Nam Á nằm ở vùng đất thấp, sông nước xung quanh, đều xuất hiện hình thức chợ nổi. Nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới, khu vực này đều là rừng tậm trước khi con người tới khai hoang. Nơi con người sinh sống đều tiếp giáp với sông nên họ dùng thuyền là phương tiện di chuyển kết nối. Dù ngày nay, khi các phương tiện giao thông đã phát triển hơn, nhưng người dân vẫn có thói quen dùng thuyền bè làm phương tiện đi lại, chở hàng hóa.

Chợ nổi Cái Răng cách trung tâm thành phố Cần Thơ chừng 5km đi về hướng quốc lộ Sóc Trăng

Đây là khu chợ tự tiêu tự sản lớn nhất trong vùng

Ở Việt Nam, chợ nổi phát triển nhất thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long là Phụng Hiệp, nơi có hàng trăm thuyền ghe buôn bán tấp nập. Chợ nổi ở Việt Nam họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào thời điểm ban sáng. Trên thuyền thường chất đầy hàng hóa, nhiều nhất là trái cây nhiệt đới. Một số chợ nổi nổi tiếng ở đây có thể kể tới chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Châu Đốc, chợ nổi Cái Răng…

Ngoài Việt Nam, một số nước Đông Nam Á cũng xuất hiện hình thức chợ nổi. Nổi tiếng nhất Thái Lan là chợ nổi Damnoen Saduak, cách thủ đô nước này chừng 100 km về phía tây nam. Chợ thường mở cửa từ sáng sớm kéo dài tới tầm trưa.

Chợ nổi Damnoen Saduak, cách thủ đô Bangkok chừng 100km

Damnoen Saduak là khu chợ nổi nổi tiếng nhất Thái Lan

Chợ nổi Amphawa nằm ở huyện Amphawa, cách thủ đô Bangkok chừng 72km, không lớn như chợ nổi Damnoen Saduak, với du khách hầu hết là người Thái. Khu chợ này thường mở vào tầm tối, nhưng đôi khi một vài hàng quán cũng mở vào giờ trưa. Một số khu chợ nổi khác xung quanh thủ đô Bangkok có thể kể tới chợ nổi Wat Sai, Bang Phli – chợ nổi có lịch sử hình thành hơn 150 năm, chợ nổi Taling Chan…

Chợ nổi Amphawa gần Bangkok

Một chiếc ghe thuyền ở chợ nổi Amphawa bày bán đồ ăn

Các phiên chợ nổi của Thái Lan rất sầm uất, tấp nập người buôn bán và du khách tới tham quan

Chợ nổi Dal Lake, Srinagar, Ấn Độ.

(Theo Amusing Planet)

Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Những câu chuyện bí ẩn về Vạn Lý Trường Thành

Trên cổng thành hiện vẫn còn một viên gạch sót lại. Đó là viên gạch thừa sau tính toán chính xác về số vật liệu phải dùng để xây Gia Dục quan.
Xem thêm: 4 lộ trình du lịch Trung Quốc không thử sẽ tiếc


Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất và đá liên tục từ thế kỷ 5 TCN tới thế kỷ 16. Nó được dùng để bảo vệ đế quốc Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và những bộ tộc du mục khác. Hiện nay, đây được coi là công trình biểu tượng cho nền văn hóa Trung Quốc. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ, công trình còn được biết đến với những câu chuyện, truyền thuyết bí ẩn. Đây cũng chính là một trong những điểm thu hút lượng lớn khách du lịch hàng năm đến Vạn Lý Trường Thành tham quan.

Câu chuyện về 99.999 viên gạch ở Gia Dục Quan

Truyền thuyết nổi tiếng nhất là về Gia Dục quan (cửa ải ở phía tây Vạn Lý Trường Thành) kể về người đàn ông tên là Yi Kaizhan vào thời nhà Minh (1368-1644). Ông là một người rất giỏi về số học. Khi Gia Dục quan được lên kế hoạch, Yi Kaizhan đã tính toán cần đến 99.999 viên gạch để hoàn thành công trình này. Quan phụ trách không tin ông và phán rằng chỉ cần ông tính toán sai một viên gạch thì quân lính sẽ phải lao động khổ sai trong ba năm.

Một viên gạch thừa ra trong quá trình xây dựng Gia Dục quan đã được đặt lỏng lẻo trên cổng thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ảnh: Absolutelychinatours

Khi xây xong Gia Dục quan, một viên gạch thừa ra khiến cho quan phụ trách rất vui mừng và chuẩn bị để trừng phạt Yi Kaizhan cũng như quân lính của mình. Song Yi Kaizhan nói rằng viên gạch là do thần tiên đặt ở đó, chỉ cần xê dịch một chút thôi cũng sẽ khiến cho cả tường thành sụp đổ. Viên quan nọ không tin lời Yi, liền bỏ viên gạch xuống. Bất ngờ, cả dãy tường thành đổ sập và phải xây dựng lại từ đầu. Sau khi hoàn thành lại, viên gạch được đặt nguyên ở vị trí cũ và hiện vẫn còn trên tòa tháp Gia Dục quan.

Bên cạnh đó, cũng có một dị bản khác về câu chuyện này là Yi Kaizhan đã tính toán chính xác số gạch cần dùng, nhưng do quan phụ trách nghi ngờ nên ông đã thêm vào một viên. Cuối cùng khi Gia Dục quan hoàn thành, một viên gạch còn sót lại được đặt lỏng lẻo trên cổng thành và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Nụ cười Bao Tự ở đài Ly Sơn

Câu chuyện xảy ra vào thời Tây Chu (1122-711 TCN). Chu Hoàng hậu tên là Bao Tự, là một mỹ nữ sắc nước hương trời. Kỳ lạ là mặc dù được Hoàng đế sủng ái, nhưng Bao Tự lại không bao giờ cười.

Hoàng hậu Bao Tự sắc nước hương trời và rất được vua Chu sủng ái nhưng nàng lại chẳng bao giờ cười. Ảnh: Lieqiba

Khi đó, quanh đất nhà Chu vốn xây nhiều tháp dầu gọi là đài Ly Sơn để khi có giặc kéo đến thì đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Một viên quan hiến kế rằng việc đốt Ly Sơn có thể khiến mọi người hoảng sợ và làm cho hoàng hậu cười. Vua Chu rất tán thưởng ý tưởng đó. Khi nhìn thấy cột lửa cháy, quân chư hầu các nước liền vội vàng mang quân đến ứng cứu nhưng tới nơi mới biết là mình bị lừa. Hoàng hậu Bao Tự nhìn thấy cảnh hỗn loạn ấy thì bật thành tiếng cười lớn. Sau đó, khi kẻ thù xâm lược Tây Chu, vua Chu đốt tượng đài để yêu cầu giúp đỡ nhưng không có chư hầu đến nữa. Cuối cùng, nhà vua đã bị quân địch giết và Tây Chu sụp đổ.

Cuộc hội ngộ hạnh phúc trên pháo đài Xifeng Kou

Lính canh trên Vạn Lý Trường Thành phải làm việc quanh năm không nghỉ. Điều này không những khiến cho họ mà còn cả các thành viên khác trong gia đình đều cảm thấy buồn bã. Trong đó có một lính canh trẻ đã làm công việc bảo vệ vùng đất phía Bắc Trung Quốc dọc Trường Thành trong nhiều năm mà không được nghỉ phép. Anh chỉ còn một người cha già ở nhà ngày đêm trông ngóng.

Tượng lính canh đặt trên pháo đài Xifeng Kou. Ảnh: Wanderlust

Người cha già yếu nên sợ rằng sẽ không có cơ hội được gặp lại con trai. Vì vậy, ông đã lấy hết sức lực đi tới khu vực làm nhiệm vụ để tìm gặp con trai lần cuối. Khi tới pháo đài, ông tình cờ nhìn thấy con mình và người lính cũng nhận ra cha. Hai người hạnh phúc, ôm chầm lấy nhau trong mừng vui và cả nước mắt. Điều bất ngờ là cả hai người đều chết ngay tại đây. Để tưởng nhớ hai cha con đáng thương, người ta đã đặt tên pháo đài là Xifeng Kou (có nghĩa là "cuộc hội ngộ hạnh phúc"). Đây cũng chính là đại diện cho hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn gia đình có thành viên đi lính lúc bấy giờ.
(Theo VnExpress)

Chốn ăn chơi chính hiệu ở Nhật Bản

Là chốn tụ tập của những tay chơi sành điệu ở Nhật Bản, Dotonbori có rất nhiều nhà hàng và địa điểm vui chơi giải trí nổi tiếng rất được yêu thích.
Xem thêm: Nhật Bản - vùng đất của nụ cười và niềm tin tuyệt đối

 
Nếu so sánh Osaka với bất kỳ thành phố nào khác ở Nhật Bản cũng giống như việc so sánh giữa một món bít tết nóng hổi, thơm lừng với món gà luộc truyền thống và quen thuộc. Ví von như thế là bởi thành phố này được coi là chốn ăn chơi bậc nhất Nhật Bản, nơi tập trung các địa điểm vui chơi giải trí nổi tiếng nhất cả nước.

Dotonbori là nơi tập trung đông khách du lịch cả trong và ngoài nước nhất ở Osaka. Thị trấn này trải dài từ cầu Dotonboribashi, dọc theo kênh đào Dotonbori đến cầu Nipponbashi ở quận Namba. Vào buổi tối, nơi đây biến thành một vầng sáng rực rỡ bởi ánh đèn neon từ các biển quảng cáo và màn hình kỹ thuật số.


Trước kia, người ta chỉ biết đến Dotonbori là địa điểm quay nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim "Black rain" nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay thị trấn này đã trở thành chốn tụ tập của những tay chơi sành điệu chính hiệu ở Nhật với cuộc sống về đêm ồn ào, đường phố đông đúc và tràn ngập ánh sáng của màn hình, biển hiệu. Có thể nói nơi đây chính là trái tim của Osaka bởi vô số quán bar, show biểu diễn giải trí, quán karaoke và cả những cửa hàng ăn uống luôn chật kín khách.


Dotonbori được mệnh danh là thành phố Kuidaore, có nghĩa là "ăn đến sạt nghiệp" trong tiếng Nhật. Điều này đủ có thể chứng minh niềm đam mê bất tận của người dân ở đây đối với ẩm thực. Khu phố ẩm thực ở đây có rất nhiều nhà hàng, quán ăn đa dạng nhưng món được yêu thích nhất phải kể đến là takoyaki, yakisoba, yakiniku, ramen và sushi. Khi đi qua con phố đâu đâu cũng thơm lừng mùi đồ ăn hấp dẫn, chắc chắn du khách sẽ không kìm lòng được mà ghé vào bên đường để làm dịu đi "cơn biểu tình của vị giác".
Xem thêm: Du lịch Nhật Bản qua các món ăn đặc sắc


Nếu như ở những nơi khác như TokyoKyoto, không khí khiến cho người ta muốn hòa mình vào thì ở Osaka mà tiêu biểu là Dotonbori, màu sắc và âm thanh xung quanh lại khiến cho con người ở đây muốn trở nên thật nổi bật. Ở đây cũng có rất nhiều sự kiện và chương trình nghệ thuật thu hút rất đông người dân Nhật Bản cũng như du khách nước ngoài tham gia.


Trên con kênh Dotonbori còn có những tour tham quan thị trấn bằng thuyền máy và mọi người đứng trên cầu Ebisu để chụp ảnh cùng với biểu tượng người đàn ông Glico nổi tiếng của thị trấn. Cây cầu này cũng là nơi mà từ đó thanh niên nhảy xuống con kênh và cùng nhau bơi lội ăn mừng mỗi khi đội bóng chày của địa phương, Hanshin Tigers, chiến thắng. Vài năm trước, chính quyền địa phương có kế hoạch biến con kênh dài 800 mét này thành một bể bơi ngoài trời. Tuy nhiên, người dân ở đây kịch liệt phản đối bởi du khách đến đây vui chơi vào ban đêm thường đi tiểu xuống dòng nước và nhiều thói quen xấu khác của chính người dân. Sau đó, kế hoạch đã bị hủy bỏ.

Những biểu tượng đặc trưng nhất ở Dotonbori là mô hình cua khổng lồ ở nhà hàng Kani Doraku, người đàn ông Glico và chú hề Kuidaore

Mô hình cua khổng lồ dài 6,5 mét được thiết kế vào năm 1960. Con cua này được điều khiển bằng hệ thống máy, không đứng yên mà có thể chuyển động càng và mắt để làm tăng thêm sự sinh động. Trong khi đó, người đàn ông Glico trên đường đua xanh là biểu tượng của hãng kẹo Glico, đã được thay đổi vài lần để chào mừng sự kiện như World Cup và cổ vũ tinh thần cho đội bóng chày Hanshin Tigers của địa phương.

Du khách hòa mình với các lễ hội hóa trang Halloween.
 
(Theo VnExpress)

Bài đăng phổ biến