Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Perhentian - thiên đường biển cả Malaysia

Bờ biển dài, làn nước biển xanh trong cùng không khí trong lành sẽ đưa bạn ra khỏi những xô bồ của cuộc sống thường nhật. Là nơi tuyệt vời để "trốn nóng" trong không khí ói bức của mùa hè
Xem thêm: Hành trình 4 ngày khám phá Malaysia

Perhentian là một nhóm đảo nhỏ tuyệt đẹp nằm ở vùng biển phía đông bắc của Malaysia (gần biên giới Thái Lan) thuộc tỉnh Terengganu. Trong tiếng Malaysia cái tên Perhentian có nghĩa là "stopping point" (nghĩa là điểm dừng lại).

Có hai hòn đảo chính ở Perhentian là Perhentian Besar (đảo lớn) và Perhentian Kecil (đảo nhỏ). Kecil thu hút nhiều dân du lịch bụi hơn vì có nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Chỗ ở cũng rẻ và đa dạng từ bình dân đến cao cấp, trong khi đó ở Besar đắt hơn, phù hợp với những gia đình đi du lịch, hoặc những người muốn được hưởng thụ sự yên tĩnh thư thái, tránh xa những bữa tiệc tùng của dân du lịch bụi bên bờ biển như trên đảo Kecil.

Giá một cặp vé khứ hồi từ bến cảng Kuala Besut ra đảo Perhentian là 70 RM.

Thời gian thích hợp để đi

Thời gian thích hợp nhất để đi du lịch đảo Perhentian là từ đầu tháng 3-4 đến cuối tháng 10. Từ tháng 11 đến cuối tháng 2 là thời điểm biển động, thời tiết xấu nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn trên đảo đều đóng cửa không hoạt động.

Cách đi đến Perhentian từ Kuala Lumpur

Bạn có thể book vé máy bay của hãng hàng không Air Asia từ Kuala Lumpur đến sân bay Kota Brahu, đặt trước một tháng khoảng 20 USD khứ hồi còn vé thường chỉ vào khoảng 30-40 USD khứ hồi.

Khi tới sân bay Kota Brahu, bạn phải bắt Airport Taxi để đến bến cảng Kuala Besut (cách Kota Brahu 60 - 70km về phía nam). Giá vé của một taxi chở được tối đa 4 người đến Kuala Besut là 78 RM. Thời gian di chuyển khoảng một tiếng đồng hồ.

Ở sân bay chỉ có taxi 4 chỗ và không có loại 7 chỗ, vì thế để tiết kiệm chi phí nếu các bạn nên đi theo nhóm 4 người. Nếu chẳng may nhóm bạn bị lẻ người thì hãy đứng ở quầy bán vé taxi sau khi đáp chuyến bay xuống Kota Brahu để tìm những người cùng đi xuống Kuala Besut, thương lượng với họ cho đi cùng xe và chia sẻ chi phí taxi. Rất dễ kiếm những người như vậy vì nhiều người bay từ Kula Lumpur đến Kota Brahu là để đi Perhentian. Với chiều về từ Kuala Besut đến sân bay Kota Brahu bạn cũng áp dụng tương tự để giảm chi phí taxi.

Hàng ngày, có 3 chuyến đi từ Perhentian về Kuala Besut xuất phát lúc 8 giờ, 12 giờ và 16 giờ.

Từ bến cảng Kuala Besut, các bạn vào văn phòng bán vé cano cao tốc để mua vé đi ra đảo Perhentian. Một cặp vé khứ hồi ra đảo là 70 RM. Vé này không có ngày giờ, bạn đi lúc nào thì người bán vé sẽ tự dẫn bạn đi. Chuyến tàu đi ra đảo sẽ có rất nhiều tuỳ thuộc vào lượng khách ra đảo là bao nhiêu người ta sẽ sắp xếp tàu. Khoảng cách di chuyển từ đất liền đến Perhentian khoảng 19km và mất từ 30 đến 45 phút đi cano.

Nếu bạn dừng ở Long beach - Perhentian Kecil thì bạn phải mất thêm 2 RM mỗi người để đi lên một thuyền nhỏ từ vị trí cano đỗ để vào bờ, lý do là biển ở Long Beach nông và cũng không có cầu cảng nên cano không thể tiến sâu vào được bờ. Nếu bạn không muốn mất chi phí 2 RM này thì bạn có thể bảo người lái cano cho dừng lại ở Coral Bay, sau đó đi bộ xuyên rừng theo đường mòn đến Long Beach. Bạn mất khoảng 10 phút đi bộ và đường không quá khó khăn.

Chiều về từ Perhentian về Kuala Besut có 3 thời điểm xuất phát là 8h, 12h và 16h. Các bạn chú ý giờ của chuyến bay để sắp xếp thời gian quay lại đất liền. Quy trình quay về cũng tương tự như lúc đi ra tuỳ vào vị trí bạn xuống. Bạn nên chuẩn bị trước 20 phút thời điểm xuất phát trên để có thể bắt đầu hành trình.

Chỗ ở tại Perhentian

Dân du lịch bụi thường chọn Long Beach tại Perhentian Kecil để ở vì bãi biển này đẹp, sôi động với nhiều quán bar bên bờ biển và chỗ ở cũng rất phong phú. Sunrise Guest house ngay chính giữa và sát mặt biển Long Beach có giá thuộc loại rẻ nhất, với giá 100 RM mỗi đêm, có thể ở 5 người. Thời gian có điện từ 6h tối hôm trước đến 9h sáng hôm sau, phòng tắm dùng chung. Phòng không sạch sẽ lắm nhưng vị trí tuyệt vời, ở trung tâm, ban công nhìn thẳng ra biển. Tuy là guest house nhưng bạn hoàn toàn có thể thanh toán bằng credit card với 5% phụ phí.

Ngoài chỗ ở bình dân thì các bạn có thể chọn chỗ tốt hơn như Tropical Inn Resort, Bubu Resort ở Long Beach hay Shangrila Resort ở Coral Bay.

Đừng quên bôi thật nhiều kem chống nắng ở vùng lưng và cổ trước để không bị đau rát khi kết thúc tour bởi ánh nắng ở đây rất khắc nghiệt.

Hoạt động vui chơi giải trí

Nước biển ở Perhentian rất trong, xanh và sạch. Thêm vào đó, vùng biển này được bảo tồn bởi lệnh cấm đánh bắt cá cũng như các loài sinh vật biển nên hệ sinh thái ở đây hết sức phong phú và sinh động, rất thích hợp cho các trò chơi lặn biển (ping) hay snokerling (lặn với ống thở trên mặt nước).

Tour ping cho người mới chơi chưa có chứng chỉ hay chưa từng lặn có giá từ 120 đến 200 RM một người tùy số lượng người. Tốt nhất là bạn nên đi theo nhóm 4 người thì sẽ tiết kiệm được chi phí thuê người hướng dẫn, người thứ 5 sẽ phải thêm một giáo viên với giá khá đắt.

Tour snokerling quanh đảo có 2 lựa chọn, giá khoảng 40 RM một cho tour ngắn 2-3h và 50 RM một người cho tour dài 5-6h. Với tour này, bạn có thể ngắm san hô, các loài cá nhiều màu sắc, ngắm rùa biển và thậm chí là cá mập loại nhỏ dưới làn nước trong xanh.

Khi đi tour này, bạn nên chuẩn bị máy ảnh chống nước để không phải tiếc nuối những khoảnh khắc tuyệt vời dưới đáy biển. Và đừng quên bôi thật nhiều kem chống nắng ở vùng lưng và cổ để không bị đau rát khi kết thúc tour bởi ánh nắng ở đây rất khắc nghiệt.

Ăn uống

Ăn uống tại Long beach tại nhà hàng bình dân cho món cơm rang rơi vào khoảng 79-120 RM một người. Rẻ nhất là ăn tại Mama shop, thuộc Fishing Village trên đảo nhỏ. Đồ ăn chỉ 6-10 RM một món nhưng rất ngon. Đặc biệt bạn nên thử món Pataya Fire Rice (trứng tráng cuộn cơm rang ở bên trong) được nhiều thực khách ưa chuộng.

Một RM hiện quy đổi khoảng 6.800 đồng.
 
(Theo NgoiSao)

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Bánh xèo vào top món đường phố được yêu thích nhất

Bánh xèo là một trong những món ăn Việt Nam tham gia Đại hội ẩm thực đường phố 2016 (WSFC) tổ chức tại Manila, Philippines.
Xem thêm: Tiệm bánh mì nổi tiếng thế giới ở Hội An

Bánh xèo, Việt Nam

Phan Thị Thu Loan là đầu bếp mang đến WSFC 2016 những chiếc bánh xèo ngon nhất được nấu bằng khuôn đất sét trên bếp củi. Chị Loan cho biết" "Nếu tôi nấu bằng phương thức và bếp hiện đại hơn, bánh xèo không thể ngon như vậy nữa". Bánh được ăn kèm với các loại rau thơm, nêm nếm hương vị bằng bát nước chấm pha từ công thức đặc biệt.

Hyderabad Biryani, Ấn Độ

WSFC 2016 thu hút tới 73.000 người tới để thưởng thức, tìm hiểu về những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Hyderabadi Biryani là một trong số đó, món ăn bao gồm nhiều thành phần như cơm basmati, gà, chanh, sữa chua, gia vị cay, hành chiên, rau mùi...

Hoy Tord, Thái Lan


Đây là một món hải sản của Thái Lan, chế biến như món trứng tráng. Hoy Tord khi làm xong sẽ có vỏ chín giòn rụm bên ngoài và phần nhân thì mềm dai bên trong.

Cơm gà Zhu Hou, Trung Quốc


Có xuất xứ ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, món cơm gà này tuy đơn giản nhưng được rất nhiều thực khách ưa thích. Đầu bếp trẻ Xu Jing Ye phục vụ món cơm gà kèm với nước sốt Foshan làm theo công thức đã có 120 năm tuổi chế từ đậu tương, đường, vừng và xì dầu.

Mì Laksa, Malaysia


Mì Laksa hay Assam Laksa là một món súp hải sản cay và chua, trứ danh cho ẩm thực đường phố ở Malaysia. Không nơi nào phục vụ món này ngon hơn là các trung tâm ẩm thực ở thành phố Penang.

Churros Sundae, Mỹ


Chiếc xe bán Churros Locos đến từ bang Oregon, Mỹ được chủ nhân người Mỹ - Mexico, Daniel Huerta và Isabel Sanchez đem tới Manila tham gia WSFC 2016. Họ là những người vừa có công việc chính ban ngày, vừa mở xe hàng bán món ăn vặt ngoài giờ làm vì đam mê nấu ăn. Churros là một loại bánh rán ngọt phổ biến ở các nước như Tây Ban Nha, Pháp, Philippines, Bồ Đào Nha, Mỹ Latinh.

Sate Maranggi, Indonesia

Trong 5 ngày WSFC 2016 diễn ra, gian hàng của Indonesia đã bán được tới 125.000 que thịt Sate Maranggi. Đây là một món ăn rất đặc trưng với các nguyên liệu chính là thịt bò nướng bằng than, ăn kèm salad gồm ớt, giấm gạo và cà chua.

Kway Chap, Singapore

 
K.F. Seetoh, một thành viên sáng lập WSFC cho biết ẩm thực đường phố Singapore "có thể thu về một tỷ USD mỗi năm, một con số đáng kinh ngạc giúp cho 40.000 người dân nước này có công việc".

Món Kway Chap của đầu bếp Melvin Chew làm từ thịt lợn, lòng lợn nấu cùng với tương đậu nành và những miếng mỳ lớn. Món ăn vẫn giữ được nét truyền thống nhưng cũng đi kèm sự mới lạ khi Melvin kết hợp với kiểu trình bày cơm bento của Nhật.

(Theo CNN)

Du lịch miệt vườn bốn mùa trái ngọt

Một số làng quê Việt Nam đang áp dụng mô hình "Một làng, một sản phẩm" (One Village One Product - OVOP) kết hợp phát triển du lịch vườn cây ăn trái, bước đầu gặt hái kết quả tích cực.
Xem thêm: Món ngon miền Tây no căng mà vẫn thèm
Dưới cái nắng vàng phương Nam, khách du lịch tấp nập vào thăm khu vườn cây trái ở làng Cái Mơn (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre). Đây là làng quê đậm chất Nam Bộ, với những dòng kênh xanh, những mái nhà nhỏ đơn sơ và những con đường đất len lỏi qua những vườn cây lúc lỉu trái ngọt.

Đặc sản địa phương

Cái Mơn là một trong những địa phương ở Việt Nam đã áp dụng mô hình "Một làng, một sản phẩm" (OVOP) với bốn mùa quả ngọt. Người dân ở đây chuyên cung cấp cây giống xoài cát, sầu riêng, măng cụt và một số loài cây có múi khác.

Là đất nước nhiệt đới, Việt Nam sở hữu nhiều loại hoa quả có giá trị mà ít nước có được. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích cây ăn quả cả nước hiện đạt hơn 843.700 ha, trong đó cây ăn quả nhiệt đới ở các tỉnh phía Nam chiếm 466.700 ha, dẫn đầu là Tiền Giang, kế đến là Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre...

Có nhiều chủng loại cây ăn quả nổi tiếng cả trong và ngoài nước như mít nghệ Tiền Giang, xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu Cao Lãnh, bưởi Tân Triều, bưởi Da xanh (Bến Tre), bưởi Năm Roi (Vĩnh Long), thanh long, sầu riêng Chín Hóa, nhãn tiêu Da bò, chôm chôm nhãn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cam và quýt Lai Vung (Đồng Tháp), cam sành Vĩnh Long, nho Ninh Thuận…

Do Giáo sư Morihiko Hiramatsu, cựu Tỉnh trưởng tỉnh Oita (Nhật Bản) khởi xướng vào cuối thập kỷ 1970, phong trào “Một làng, một sản phẩm” có ba nguyên tắc phát triển cơ bản: hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu, tự tin sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Sự thành công của phong trào đã lôi cuốn không chỉ địa phương ở Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia khác tìm hiểu và áp dụng. Theo ông Tadashi Ando, Giám đốc điều hành Ủy ban Xúc tiến phát triển quốc tế phong trào OVOP, trong ASEAN thì Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản đặc biệt ưu tiên cho việc quảng bá phát triển kinh tế vì “khá tương đồng về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và văn hóa với Thái Lan, nước đã rất thành công trong việc phát triển mô hình OVOP”, ông nói.

Hương bưởi

Làng bưởi Tân Triều ở xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 40 km, với những vườn bưởi sai trĩu quả, không khí mát lành, khung cảnh yên bình tĩnh lặng, là điểm đến lý tưởng cho một chuyến đi chơi cuối tuần.

Bưởi Tân Triều ngon có tiếng từ lâu, nhưng để đưa trái bưởi làm phong phú thêm bản đồ ẩm thực Việt Nam, thì có lẽ chỉ sau khi một nông dân là ông Huỳnh Minh Huệ (Năm Huệ) khai trương khu vườn bưởi du lịch sinh thái của ông.

"Quê mình có cái gì hay thì mình cứ dựa vào đó mà làm, ắt sẽ ra thôi" - lão nông nói giản dị với nụ cười hồn hậu.

Suốt mười mấy năm qua, khu vườn nhỏ của ông Năm Huệ đã trở thành điểm du lịch sinh thái độc đáo. Làng Tân Triều với những khu vườn bưởi trĩu cành từ đó cũng thu hút được nhiều khách du lịch.

Những ngày cuối tuần, có rất đông du khách từ TP. Hồ Chí Minh và các nơi khác, kể cả từ miền Bắc, về đây ngoạn cảnh. Du khách được sống giữa thiên nhiên trong lành, hưởng niềm vui giản dị như ra vườn hái bưởi, xem người dân làm rượu bưởi tại nhà, ngồi câu cá, chèo thuyền ngắm cảnh, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức món ăn thôn dã…

Một chốn đi về

Hiện nay, nhiều địa phương ở miền Tây Nam Bộ đang phát triển mạnh loại hình du lịch miệt vườn, đưa du khách đến thăm những làng quê dân dã với rất nhiều vườn cây ăn quả. Bạn được lang thang trong những vườn cây trái thiên nhiên, tự tay hái quả chín trên cành để thưởng thức nhiều loại quả đặc sản vừa ngon vừa lành.

"Những vườn cây trái miền Tây đã trở thành thương hiệu và hễ nhắc đến du lịch trái cây, du khách thường nghĩ ngay đến miền Tây Nam Bộ", anh Trần Minh Tuệ, du khách từ Hà Nội nhận xét.

Theo anh Tuệ, du khách đi tour du lịch miệt vườn có cơ hội tìm hiểu thêm về các loại cây quả, cách chăm sóc, phân biệt cây, hái quả, thưởng thức trái cây tươi ngon và có thêm kiến thức bổ ích cho cuộc sống.

Bài đăng phổ biến