Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Số phận bi thảm của kiến trúc sư thiết kế nhà thờ St. Basil

Sau khi hoàn thành kiệt tác St. Basil, Ivan Bạo chúa đã ra lệnh cho kiến trúc sư tự chọc mù hai mắt để không bao giờ có thể tạo ra được tác phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai.

Xem thêm: 10 điểm đến luôn trong trái tim người yêu nước Nga
 
Nhà thờ St. Basil nằm giữa lòng thủ đô Moscow, phía nam Quảng trường Đỏ và gần cung điện Kremlin. Năm 1555, để kỷ niệm chiến thắng ở Kazan và Astrakhan, Ivan Bạo chúa - Sa hoàng đầu tiên của Nga đã ra lệnh cho kiến trúc sư Barma và Postnik Yakovlev xây dựng nhà thờ thật tráng lệ với tháp chóp hình củ hành, trên đỉnh có cây thánh giá bằng gạch đỏ. Nhà thờ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1561. Tại thời điểm đó, đây là tòa nhà cao nhất Moscow, còn hiện tại là một trong 7 kỳ quan hấp dẫn du khách nhất nước Nga.

Nhà thờ St. Basil vẫn đứng vững sau nhiều thăng trầm lịch sử. Ảnh: Nightcitylights.

Ban đầu, nhà thờ St. Basil chỉ có 8 tòa tháp, mỗi tòa tượng trưng cho một cuộc tấn công vào Kazan. Tuy nhiên, đến năm 1588, tòa tháp thứ 9 được xây dựng với mục đích lưu giữ hài cốt vị linh mục Chính thống giáo người Nga Basil. Từ đó, nhà thờ được gọi là nhà thờ St. Basil (nhà thờ Thánh Basil).

Lịch sử nhà thờ St. Basil hầu như luôn bị che mờ trong huyền thoại và truyền thuyết, trong đó nổi bật là câu chuyện xoay quanh vị kiến trúc sư đã thiết kế nên kiệt tác vĩ đại này.

Kiến trúc tinh xảo bên trong nhà thờ. Ảnh: Spbrossiltour.

Truyền thuyết kể rằng sau khi nhà thờ hoàn thành, Ivan Bạo chúa đã ra lệnh cho hai kiến trúc sư phải tự chọc thủng mắt mình để họ không bao giờ có thể tạo ra được tác phẩm tuyệt vời hơn trong tương lai. Tuy nhiên, việc có một hay hai kiến trúc sư đằng sau nhà thờ St. Basil cho tới nay vẫn còn gây tranh cãi. Theo tài liệu từ Cơ quản quản lý di sản Nga, hai người đó có tên là Barma và Postnik Yakovlev, nhưng nhiều học giả nghiêng về ý kiến 2 cái tên này chỉ đề cập đến một người duy nhất.

Câu chuyện về nhà thờ St. Basil không chỉ xoay quanh vị kiến trúc sư mù mà còn cả những thời khắc thăng trầm trong lịch sử tòa kiến trúc vĩ đại, đỉnh điểm là hai lần suýt bị đánh sập.

Lần đầu tiên là khi Napoleon nhìn thấy và bị mê mẩn bởi vẻ đẹp của nhà thờ, đã quyết định đưa toàn bộ khối kiệt tác về Paris. Tuy nhiên khi biết ý tưởng không thể thực hiện, Napoleon ra lệnh hủy hoại nơi này. May mắn thay, vào thời điểm thuốc nổ châm ngòi, một cơn mưa lớn bất ngờ trút xuống dập tắt mồi lửa và nhà thờ St. Basil thoát nạn.

Lần hai là khi Stalin quyết định phá hủy nhà thờ nhằm tái quy hoạch Quảng trường Đỏ. Tuy nhiên, vào giờ phút chuẩn bị giật sập thì kiến trúc sư Baranovsky dọa sẽ cắt cổ tự tử ngay tại nhà thờ và gửi thư đến Stalin. Sau đó Stalin nghĩ lại và chỉ bỏ tù Baranovsky 5 năm. 

Ngày nay, Nhà thờ St. Basil là một trong 7 kỳ quan hấp dẫn nhất nước Nga. Ảnh:All photography blog.

Các cơ quan bảo tồn di sản bắt đầu để tâm đến Nhà thờ St. Basil vào cuối những năm 1800. Việc tu sửa đã được lên kế hoạch nhưng liên tục bị trì hoãn do vấn đề về tài chính. Cho tới năm 1899, Hoàng đế Nicholas II nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn giá trị lịch sử nên đã cho lắp hệ thống làm ấm không khí vào năm 1908 và hệ thống nước nóng vào năm 1913.

Năm 1990, nhà thờ St. Basil chính thức trở thành một phần di sản văn hóa thế giới cùng điện Kremlin và Quảng trường Đỏ do UNESCO công nhận. Ngày nay, vào những dịp lễ lớn, nhà thờ St. Basil là nơi cử hành thánh lễ cho công chúng tham gia.
 
(Theo VnExpress)

Ý nghĩa của kiệt tác 'Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine'

Toàn cảnh bức tranh 'The Rape of Sabine Women' là hình ảnh những phụ nữ ở Sabine với gương mặt hốt hoảng, đang bị đàn ông thành Roma mang vác hoặc bế đi.
Xem thêm: Ẩn tình sau bức tranh ông già ngậm bầu ngực cô gái trẻ

Du khách tới bảo tàng nghệ thuật Louvre, Paris, Pháp thường bị thu hút bởi một bức tranh có tiêu đề gây sốc The Rape of Sabine Women (Cưỡng đoạt thiếu nữ thành Sabine). Trong tiếng Anh, từ "rape" có nghĩa là cưỡng bức, cưỡng đoạt và mang ý nghĩa tiêu cực, khiến không ít du khách là phụ nữ khi nhìn thấy đều cau mày khó chịu.

Tuy nhiên, với bức tranh này, nó lại mang một ý nghĩa khác. Từ "rape" ở đây được dịch từ chữ "raptio" của tiếng Latin, mang ý nghĩa là "bắt cóc" hay "chiếm đoạt".

Bức tranh The Rape of Sabine Women của Nicolas Poussin.

Bức tranh được lấy cảm hứng từ một câu chuyện nằm trong chuỗi huyền thoại về lịch sử thành Rome. Theo truyền thuyết La Mã, người sáng lập ra Rome là Romulus, có một người em trai là Remus. Mẹ của họ là Silvia, con gái vua Numitor, bị người chú là Amulius cướp ngôi và bắt nàng đi tu. Vẻ đẹp của Silvia khiến thần chiến tranh Mars xiêu lòng và sau đó, nàng đã sinh hạ cho thần hai cậu con trai. Amulius khi hay tin, sợ rằng hai đứa trẻ này lớn lên sẽ trả thù cho ông ngoại nên lệnh bỏ giỏ trôi sông Tiber. Giỏ mây chở hai đứa trẻ khi tạt vào bờ thì bắt gặp một con sói cái. Thay vì giết hại, nó lại cho anh em Romulus bú sữa và nuôi nấng. Sau đó, hai vợ chồng người chăn cừu trong một lần vô tình đi làm, bắt gặp cảnh hai đứa trẻ đang bú sữa sói cái nên cảm động, đã đem về nuôi nấng rồi đặt tên chúng là Romulus và Remus.

Năm tháng qua đi, cậu bé uống sữa sói ngày nào đã trở thành những chàng trai khỏe mạnh, tài năng. Cả hai sau này đã lật đổ Amulius và lấy lại ngôi vua cho ông ngoại. Sau đó, cả hai quyết định thành lập một thành phố cho riêng mình và địa điểm được chọn là nơi sói cái đã nuôi dưỡng họ. Romulus vạch ranh giới và bắt đầu xây tường quanh ngọn đồi Palatine, ra lệnh không ai được vượt ra ngoài ranh giới. Nhưng Remus lại không tuân theo mệnh lệnh của anh và bị chém đầu. Tên thành phố là Roma.

Tại thành phố này, Romulus chào đón tất cả mọi người, kể cả những người chạy trốn và sống ngoài vòng pháp luật. Vì không đủ đàn bà để làm vợ cho những người này, nên người đứng đầu Roma lập mưu để bắt cóc phụ nữ, con gái của bộ lạc bên cạnh mang tên Sabine. Romulus cho bày tiệc và mời các gia đình người Sabine tới dự. Trong bữa tiệc, khi được lệnh của Romulus, những người đàn ông Sabine không để ý thì người của Romulus chạy ùa đến và bế thốc phụ nữ Sabine chạy đi. Vua của Sabine giận dữ nên gây chiến với Romulus. Khi mà cuộc chiến còn đang tiếp diễn thì những người đàn bà có chồng và có con với người ở Roma cũng đã thích ứng với cuộc sống mới, họ cầu khẩn hai bên ngưng chiến, nhờ đó chiến tranh kết thúc.

Bức tranh The Intervention of the Sabine Women của họa sĩ Jacques-Louis David.

Câu chuyện cưỡng đoạt phụ nữ Sabine là nguồn cảm hứng của nhiều họa sĩ nổi tiếng thời bấy giờ. Một trong những kiệt tác được nhiều người biết đến nhất thuộc về họa sĩ Nicolas Poussin được trưng trong bảo tàng Louvre, của Paul Rubebs tại National Gallery London. Hai bức tranh nổi tiếng này họa lại cảnh cưỡng bắt. Bức nổi tiếng thứ ba là The Intervention of the Sabine Women (Sự can thiệp của phụ nữ Sabine) của họa sĩ Jacques-Louis David, cũng được treo tại Louvre. Bức tranh này miêu tả cảnh vợ Romulus (con gái người đứng đầu Sabine) đứng dang tay ngăn chồng và cha đánh nhau, trên mặt đất là một đám trẻ em đang nằm, bò.

Ngày nay, du khách khi tới Rome cũng có thể chiêm ngưỡng một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác, cũng có liên quan đến câu chuyện này. Đó là Capitoline She Wolf - khắc họa hình ảnh hai đứa trẻ đang bú sữa sói cái. Đây cũng được coi là một trong những biểu tượng của thành Rome.

Bức tượng nổi tiếng Capitoline She Wolf được trưng bày tại bảo tàng Capitoline Museums, Rome, Italy. Ảnh: Wiki.

Theo Livescience, Lourve là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới và là nơi sở hữu một trong những bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng nhất trong lịch sử. Do đó, du khách khó có thể chiêm ngưỡng tất cả tác phẩm trong một lần tham quan. Tráng lệ, phù hoa và ấn tượng mạnh mẽ là những cụm từ được du khách nhắc đến nhiều nhất khi ghé thăm nơi này. Bảo tàng nằm dọc theo bờ sông Seine, Paris.

Ban đầu, bảo tàng được xây dựng như một pháo đài vào năm 1190, và được trùng tu vào thế kỷ 16 như một cung điện để phục vụ hoàng gia. Những năm sau đó, nơi đây liên tục được mở rộng. Diện tích hiện tại là hơn 60.000 m2.

Năm 1793, vua Louis XIV chuyển toàn bộ nơi ở của hoàng gia tới Versailles, và Louvre trở thành bảo tàng nghệ thuật, trưng bày các bộ sưu tập, hiện vật của hoàng gia. Dưới thời Napoleon, bảo tàng được đổi tên thành bảo tàng Napoleon. Tuy nhiên, sau sự thất bại tại Waterloo, bảo tàng trở lại như cái tên ban đầu. Bộ sưu tập của Louvre bao gồm các đồ cổ Ai Cập, tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại, đồ trang sức, vương miện cùng nhiều hiện vật của quý tộc Pháp.

Giờ mở cửa: Bảo tàng mở cả tuần, trừ thứ ba, từ 9h sáng đến 18h. Vào thứ 4 và 6 mở cửa tới 21h45. Bảo tàng đóng cửa vào một số ngày lễ như năm mới, quốc tế lao động và Giáng sinh.

Bảo tàng mở cửa miễn phí cho người dưới 18 tuổi, những người khuyết tật và người đi kèm chăm sóc họ, những người đang nhận trợ cấp xã hội (phải xuất trình được giấy tờ chứng minh). Du khách có thể mua vé online hoặc trực tiếp. Giá vé vào khoảng 15 euro.

(Theo VnExpress)

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Quang cảnh TP HCM vào top ảnh du lịch đẹp nhất thế giới

Những nóc nhà nhiều sắc màu ở TP HCM, bình minh đẹp đến "nghẹt thở" ở Tuscany hay hình ảnh đám đông người Ấn Độ trong lễ hội Holi đều lọt vào danh sách cuối cùng của cuộc thi ảnh du lịch 2016 do National Geographic tổ chức.
Xem thêm: Những hình ảnh ấn tượng nhất trong cuộc thi ảnh của National Geographic
 

Bức ảnh về những nóc nhà rực rỡ sắc màu ở TP HCM, Việt Nam, được chụp từ phòng khách sạn ở tầng 12 của nhiếp ảnh gia Singapore, King Fung Wong.



Nhiếp ảnh gia David Nam là tác giả bức ảnh sinh động về cảnh những thanh niên nhảy qua lại hai chiếc tàu hỏa ở Bangladesh. David cho biết anh bắt gặp khoảnh khắc này tại ga tàu Tongi, rất đông người dân đang vội vã để trở về nhà sau khi tham gia lễ hội Bishwa Ijtema.



Bức ảnh thần tiên này là kết quả của khoảnh khắc kỳ diệu trên đỉnh núi Sonchaux, Thụy Sĩ vào ngày mây phủ dày, chỉ để lộ một khu vực nhỏ những tòa nhà và cây cối. Tác giả bức hình này là nhiếp ảnh gia Boukhechina Malik.



Màn đêm buông xuống, khung cảnh một khu chợ chật kín các gian hàng trở nên sống động với những sắc màu và ánh đèn rực rỡ. Nhiếp ảnh gia Kajan Madrasmail là người đã chụp được hình ảnh này tại Bangkok, Thái Lan.



Nhiếp ảnh gia Claudio Ceriali chớp lấy khoảnh khắc xuất thần này tại lễ hội màu Holi ở Ấn Độ. Đây là dịp để mọi người tổ chức lễ ăn mừng và chào đón mùa xuân, họ hát những bài dân ca và nhảy các điệu truyền thống mô tả lại nguồn gốc lễ hội.



Vùng Pavlodar, đông bắc Kazakhstan, những người chăn ngựa đang đưa đàn ngựa của họ tớ một bãi quây để nghỉ tối. Những người Kazakhs phải trông coi lũ ngựa suốt ngày để tránh khỏi tai mắt của kẻ trộm hoặc động vật ăn thịt như sói xám. Bức ảnh này là tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Mỹ Ryan Bell.



Một trong những cảnh đẹp đến "nghẹt thở" được chụp lại và đăng trong cuộc thi của National Geographic là bức ảnh bình minh ở Tuscany, Italy. Đây là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Giovanni Modesti.



Một con ngựa vằn cô đơn giữa cánh đồng phủ đầy hoa vàng là khoảnh khắc mà nhiếp ảnh gia Yuval Ofek chớp được khi đang tham quan Vườn quốc gia Serengeti, Tanzania.




Thực hiện bức ảnh vào một ngày quang mây, từ trên cao, Joe Murphy cho biết, anh gặp may khi máy ảnh của anh ổn định và thời tiết rất ủng hộ. Trong hình là cây cầu The Bay ẩn hiện giữa khung cảnh cùng với cầu Cổng Vàng phía xa xa.



Manish Mamtani đã lái xe vào sáng sớm từ nhà nghỉ St. Mary để ngắm bình minh tại hồ Two Medicine thuộc Vườn quốc gia Glacier, bang Montana, Hoa K. Bầu trời khi ấy quang mây, mặt hồ phẳng lặng như mặt gương phản chiếu những tia nắng sớm màu đỏ soi vào núi Sinopah. Vào buổi sáng lặng gió đó, những lớp đá cuội nhiều màu nằm ở ven hồ cũng có thể thấy rất rõ bằng mắt thường.

(Theo VnExpress) 

Bài đăng phổ biến