Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

9 nguyên tắc ứng xử khi đến Nhật

Nhật là đất nước tương đối cô lập giữa đại dương. Nhiều du khách sẽ cảm thấy một số nguyên tắc ứng xử ở xứ sở mặt trời mọc khá kỳ lạ.

1. Luôn tháo giày khi vào nhà

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, cần phải biết đầu tiên khi du lịch Nhật Bản. Nếu có người mời bạn vào nhà, đừng quên tháo giày và đặt trên kệ ở lối ra vào.


Xem thêm: 10 mẹo để tránh sốc văn hóa khi du lịch

2. Ưu tiên phụ nữ là điều không phổ biến

Cử chỉ lịch thiệp có nguồn gốc từ phương Tây, khi đàn ông luôn nhường phụ nữ đi trước, giữ cửa thang máy…rất hiếm thấy ở Nhật Bản.
Du khách nữ khi bước đến cửa một tòa nhà, nơi một người đàn ông Nhật vừa đi ra, đừng mong đợi họ sẽ giữ cửa mở để chờ bạn vào. Tất nhiên, không phải mọi người đàn ông Nhật Bản đều như vậy.

3. Cúi chào liên tục


Đây được xem là hành động lịch sự tối thiểu. Cúi đầu thể hiện bạn tôn trọng người đối diện, thay cho lời chào.

4. Luôn xếp hàng

Chen hàng là một trong những cử chỉ thô lỗ tại xứ sở Phù Tang. Ngay cả khi có việc gấp như sắp trễ tàu, người Nhật đều tuân thủ nguyên tắc này một cách tuyệt đối.

5. Trường đại học là sàn diễn thời trang

Giới trẻ, sinh viên các trường đại học ở Nhật Bản rất quan tâm đến trang phục. Nhiều sinh viên, nhất là nữ giới, đi học với váy và giày cao gót như đang đi dự một buổi tiệc.

6. Có riêng đội ngũ nhồi nhét người vào tàu cao tốc


Tàu hỏa, tàu cao tốc ở Nhật Bản đặc biệt đông đúc vào buổi sáng và những giờ tan tầm. Các trạm dừng có một đội ngũ riêng, có nhiệm vụ đẩy, nhồi nhét hành khách vào các toa xe để tàu khởi hành đúng giờ.

Xem thêm: Bí kíp để có chuyến du lịch châu Á vui vẻ

7. Luôn nói Itadaki masu trước khi ăn

Cụm từ Itadaki masu là một lời mời, phép lịch sự cơ bản trước khi bắt đầu bữa ăn. Hãy đặt tay lên ngực và nói câu này trước khi cầm bát đũa. Ngoài ra, sau khi ăn xong, du khách có thể nói Gochiso sama, như một lời cảm ơn.

8. Tạo tiếng động khi ăn mì


Xì xụp húp một bát mì được xem là cử chỉ lịch sự tại Nhật Bản, cho thấy thực khách rất thích món ăn này. Tuy nhiên, du khách chỉ nên tạo tiếng động khi ăn mì nước bằng một cái bát/tô.

9. Ăn bạch tuộc sống

Bạch tuộc sống là món ăn rất được người Nhật yêu thích. Khi con vật bị cắt thành nhiều phần, cơ thể nó vẫn chuyển động. Đừng ngần ngại chấm một cái vòi đang ngoe nguẩy vào nước tương và ăn ngay.
Ngoài ra, các món ăn sống tại Nhật Bản còn bao gồm mực, tôm, bào ngư...


Theo Wasa-bi, Zing

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Lên núi lửa ở Gia Lai ngắm hoa dã quỳ

Là ngọn núi lửa đã tắt từ hàng triệu năm, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah, Gia Lai) đang trở thành điểm đến mới lạ với du khách thích khám phá mùa hoa dã quỳ.


Chư Đăng Ya, theo tiếng của người J'rai có nghĩa là củ gừng dại. Ngày nay, nơi đây còn mang dấu tích của núi lửa từng hoạt động hàng triệu năm với miệng núi hình phễu, những viên nham thạch lẫn trong đất đỏ bazan màu mỡ. 


Khởi hành từ thành phố Pleiku, du khách đi khoảng 30 km về hướng đông bắc sẽ tới xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này chính là con đường hoa dã quỳ dẫn tới chân núi lửa.



Điểm nhấn của núi lửa Chư Đăng Ya chính là sắc vàng rực rỡ của loài hoa dã quỳ. Nơi đây, du khách sẽ dễ bắt gặp, làm quen với những đứa trẻ tinh nghịch ở buôn Plơi Iagri, một làng cổ của người J'rai dựng dưới chân núi.


Từ tháng 11 trở đi là mùa hoa dã quỳ bung nở trên khắp Tây Nguyên. Ở Chư Đăng Ya, hoa dã quỳ bung nở sặc sỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi bởi thứ đất đỏ phì nhiêu nuôi dưỡng cây cối.


Dã quỳ là loài hoa gắn với truyền thuyết tình yêu của đồng bào Tây Nguyên. Hoa thường nở vào cuối tháng 10 đến hết tháng 12 hàng năm.


So với những nơi khác ở Gia Lai, nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1-2 độ do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Miệng núi không có nước và cũng không ai mang được nước lên lên đây nhưng hoa cỏ, cây cối trên núi vẫn xanh tươi.


Theo những bậc cao niên ở buôn Plơi Iagri, từ thời Pháp thuộc, sườn núi lửa Chư Đăng Ya được tận dụng để trồng cà phê nhưng sau năm 1970, một trận hỏa hoạn đã thiêu trụi toàn bộ đồn điền cà phê. Ngày nay, đất đai trên núi được chia đều cho nông dân trong xã để canh tác hoa màu như bí đỏ, khoai lang, dong riềng...


Một nhánh cây khô nổi bật giữa sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. 


Người dân thu hoạch củ dong riềng, một trong những loại cây trồng chủ đạo ở giữa miệng núi lửa vì chịu được khô hạn.



Bí đỏ và khoai lang được xem là sản vật nổi tiếng ở Chư Đăng Ya. Theo người dân địa phương, từ nhiều năm, nhờ đất đỏ bazan trên núi nên củ quả trồng được đều tươi tốt, đậm đà, ngọt bùi hơn so với những nơi khác. 


Những đứa trẻ J'rai mang gùi lên rẫy dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya. 


Không chỉ có hoa dã quỳ, khi lên đỉnh Chư Đăng Ya, du khách sẽ có dịp khám phá những bãi cỏ xanh ngút ngàn, giống như đi giữa thảo nguyên.


Theo Vnexpress

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2016

Mê mẩn thành phố cổ nguyên vẹn dưới đáy hồ đẹp đến khó tin

Bạn có hay tồn tại một thành phố 1.300 tuổi được mệnh danh là “Atlantis của Phương Đông” đến nay vẫn nguyên vẹn dưới đáy hồ nhân tạo.

Thiên Đảo Hồ là một hồ nước nhân tạo nằm ở tỉnh Thuần An, Chiết Giang, Trung Quốc. Hồ nước được hình thành từ năm 1959 khi chính phủ quyết định xây dựng trạm thủy điện ở sông Tân An và đã "chôn giấu" một thành phố cổ kỳ vĩ nơi đáy hồ. 


Đúng như tên gọi, Thiên Đảo gồm 1.078 các hòn đảo lớn và vài nghìn đảo nhỏ hơn nằm rải rác trên khắp lòng hồ. Thiên Đảo có diện tích là 573 km vuông và có dung lượng nước lưu trữ 17,8 km khối. Các đảo trong hồ có tổng diện tích vào khoảng 86km vuông.

Hồ Thiên Đảo nổi tiếng vì vẻ đẹp hùng vĩ nhưng ít ai biết rằng, sự kỳ vĩ đó không chỉ dừng lại ở trên mặt hồ mà còn ẩn giấu ở phần dưới đáy hồ.


Chính nỗ lực thăm dò đáy hồ Thiên Đảo lần đầu tiên vào năm 2001 đã giúp các chuyên gia phát hiện ra một số công trình kiến trúc ở đáy hồ, với 265 vòm bao gồm cổng ra vào và các công trình cầu cống.

Sau nhiều lần thăm dò sau đó, đội thợ lặn Big Blue của Thượng Hải tìm thấy Sư Thành (Shi Cheng) – một thành phố cổ bị nhấn chìm nằm dưới đáy hồ Thiên Đảo, sâu 40m.


Sư Thành - hay Thành phố Sư Tử - được xây dựng tại chân núi Ngũ Sư, trong giai đoạn Đông Hán (khoảng năm 25 - 200). Công trình này được đặt tên là “Thành phố Sư Tử” vì ở đó có ngọn núi Ngũ Sư nằm ở ngay phía sau thành phố. 

Sư Thành có 5 cổng, mỗi cổng thành có một tòa tháp lớn với diện tích tương đương với 62 sân bóng đá. Trước khi bị nhấn chìm dưới nước, Sư Thành có sáu con đường chính xây bằng đá, được sử dụng để kết nối mọi ngõ ngách trong thành phố.

Trước khi Sư Thành bị ngập nước, 290.000 người đã được di dời đi khỏi nơi mà tổ tiên họ đã sinh sống suốt 1.300 năm. Ít ai ngờ, nằm sâu bên dưới Thiên Đảo Hồ từng là một trung tâm chính trị và kinh tế của khu vực.



Qua những tấm ảnh mà đội thợ lặn đã chụp được, giới chuyên gia nhận thấy Sư Thành có kiến trúc chạm khắc tinh xảo với nhiều tác phẩm điêu khắc hình sư tử, phượng hoàng, hay các Hán tự cổ trên bức tường.


Theo National Geographic, khi lặn xuống tới độ sâu 28m, ánh sáng không còn chiếu được tới đây nữa. Đèn trang bị cho thợ lặn chỉ có khả năng chiếu sáng khoảng 2 mét. 

Tuy vậy, họ đã phát hiện ra rằng dù đã nằm ở độ sâu từ 26 - 40m dưới đáy hồ, công trình kiến trúc này gần như nguyên trạng, không bị hư hại nhiều, ngay cả dầm gỗ và cầu thang cũng vẫn còn nguyên vẹn. 


Các chuyên gia cho rằng, môi trường nước xung quanh đã bảo vệ thành phố nên kiến trúc nơi đây không hề bị bào mòn. Tuy vậy, câu trả lời thực sự vẫn là bí ẩn mà giới khoa học đang kiếm tìm.


Được biết, thành phố Sư Tử đã bị nhấn chìm xuống nước khi nhà hoạch định Trung Quốc thực hiện dự án xây dựng đập Tân An vào năm 1959. Và để thu hút khách du lịch, họ đang lên kế hoạch biến nơi đây thành địa điểm tham quan du lịch.

Theo tạp chí Our World: "Sư Thành đã được quyết định sẽ trở thành một địa điểm du lịch dưới nước. Với những tàu ngầm đặc biệt có chiều cao 3,8m, chiều dài 23m và sức chứa 48 hành khách trị giá 6 triệu USD (khoảng 126 tỷ VND), tất cả mọi người đều có thể thăm thú thành phố dưới nước".



Nhiều người cho rằng, công trình này là phiên bản nhỏ của thành phố Atlantis và là một trong những thành viên của bộ sưu tập kỳ quan thế giới phiên bản thu nhỏ ở Trung Quốc

Tuy nhiên, các quan chức địa phương cho hay, việc sử dụng tàu ngầm trong vùng hồ này có thể tạo ra những luồng sóng mạnh ở dưới đáy hồ và điều này có thể phá hủy thành phố cổ. 

Nguồn: BBC, Dailymail, Wikipedia

Bài đăng phổ biến