Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Kinh nghiệm du lịch chùa Hương mùa lễ hội

Nếu bạn đang có dự định du lịch chùa Hương vãn cảnh và trẩy hội đầu năm, nhưng bạn đang băn khoăn không biết nên đi thế nào và đi những đâu, ăn gì khi du lịch chùa Hương? Hãy tham khảo một số kinh nghiệm du lịch chùa Hương dưới đây nhé.


Chùa Hương thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trong dịp đầu xuân. Quần thể chùa Hương có nhiều công trình kiến trúc rải rác trong thung lũng suối Yến, từ những công trình mang dáng dấp độc đáo cho đến những hang động do thiên nhiên tạo ra.

Hàng năm lễ hội chùa Hương kéo dài từ ngày 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch. Nếu đi lễ các bạn nên đi vào mùa lễ hội, nếu đi vãn cảnh chùa và chiêm ngưỡng những kì quan do tạo hóa thì các bạn có thể đi vào bất kì thời gian nào trong năm, trong đó nổi bật nhất là Động Hương Tích được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động”.

Xem thêm:Thưởng ngoạn cảnh đẹp kết hợp ẩm thực Hạ Long

Đường đi đến chùa Hương gần và thuận tiện nhất


Phương tiện di chuyển từ Hà Nội tới chùa Hương rất phổ biến như ô tô, xe bus hoặc xe ôm, vì quãng đường không dài nên đa phần mọi người đều lựa chọn đi bằng xe máy, còn những bạn sinh viên thường đi bằng xe bus.

+ Du lịch chùa Hương bằng xe máy các bạn có thể đi theo cách sau:

Đi theo đường Nguyễn Trãi, Hà Đông, rẽ trái ở ngã ba Ba La đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu rẽ trái và hỏi đường đi chùa Hương. Hoặc đi theo quốc lộ 1A cũ hướng đi Thanh Trì. (Lưu ý, khi đi tới đường từ Bình Đà đến Kim Bài đoạn cánh đồng thường có cảnh sát giao thông, bắt cả những lỗi rất nhỏ do đó bạn nên mang theo giấy tờ và có gương nhé)

+ Nếu đi bằng ô tô riêng: Đi theo hướng quốc lộ 1A Pháp Vân – Cầu Rẽ, rẽ phải ở nút giao thông Đồng Văn vào quốc lộ 38, chạy tiếp tầm 15km theo hướng chợ Dầu là đến chùa Hương.

+ Nếu du lịch chùa Hương bằng xe bus: các bạn có thể đi tuyến bus 75 ở bến xe Yên Nghĩa – bến xe Hương Sơn, có giá 25.000 vnđ. Chuyến sớm nhất là từ 6h tại bến xe Yên Nghĩa. Khoảng thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng, tuy nhiên để tới bến Đục đi thuyền lên chùa mất 1km nữa, các bạn có thể đi xe ôm ra bến đò nhé. Hoặc tuyến 78 chạy tuyến bến xe Mỹ Đình – Tế Tiêu, giá vé 20.000 vnđ. Tuy nhiên, Tế Tiêu cách Chùa Hương hơn 12km nên để di chuyển vào rất xa.

(*) Đa phần mọi người thường du lịch chùa Hương 1 ngày, nên khách sạn, nhà nghỉ ở đây thường không phổ biến. Tuy nhiên, nếu các bạn có nhu cầu ở lại qua đêm có thể thuê nhà nghỉ tại bến Đục (bến đò Yến Vĩ).

Giá vé tham quan chùa Hương và kinh nghiệm đi đò


Giá vé chung là 85.000đ/vé/lượt khách, trong đó giá vé tham quan là 50.000đ/vé/lượt và giá đò chất lượng cao là 40.000 đồng/vé/lượt – đò thường là 35.000đ/vé. (Lưu ý, đối với người lớn từ 60 tuổi trở lên mức giá vé giảm 50% chỉ còn 25.000đ/vé/lượt. Nếu trẻ em dưới 10 tuổi được miễn vé thăm quan, trẻ em trên 10 tuổi được giảm 50% (25.000đ/vé/lượt), trẻ em cao 1,2m trở lên mức phí thăm quan tính như người lớn.)

Ngoài ra, nếu có nhu cầu thăm quan thêm các tuyến khác như Long Vân, Tuyết Sơn thì chỉ phải chi trả thêm mức phí đò thuyền là 25.000đ/vé/lượt cho 01 khách. Giá vé cáp treo chùa Hương dành cho người lớn và trẻ em khứ hồi lần lượt là 140.000đ/vé và 90.000đ/vé; một chiều lần lượt là là 90.000đ/vé và 60.000đ/vé. Trong đó, trẻ em cao 1,1m trở xuống được áp dụng mức giá dành cho trẻ em, cao trên 1,1m mức giá vé tính như người lớn.

Kinh nghiệm đi đò khi du lịch chùa Hương: Thường thì có cò đò bám mời chào khách ở khu vực, thậm chí cách xa chùa 20km. Các bạn không nên đi theo cò vì giá vé thường bị chặt chém, nên mua vé ở cổng hội hoặc trực tiếp vào khu vực suối Yến để liên hệ với nhà đò. Vào dịp lễ hội lượng khách thường rất đông, nhà đò thường chở nhiều khách, để tránh bị tăng tiền bạn nên thỏa thuận rõ ràng trước khi đi.

Địa điểm tham quan ở chùa Hương



Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương :

– Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
– Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
– Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
– Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.

Ăn uống tại chùa Hương

Dọc đường từ bến đò tới chùa Thiên Trù hai bên đường có nhiều quán ăn, lưu ý nên hỏi giá trước khi ăn nhé. Đặc sản chùa Hương như dê núi, bò rừng, ngựa, nhím, tê tê…đặc biệt là món rau sắng nổi tiếng chùa Hương.

Xem thêm: Du lịch Vịnh Hạ Long phải thử cho bằng hết 7 trải nghiệm thú vị này

Kinh nghiệm mua sắm ở chùa Hương


Các bạn nên sắm lễ trước khi đi vì nế mua trên chùa thường rất đắt. Tại chùa Hương có nhiều món đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè khi đi chùa Hương như vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả, rau sắng…trước khi mua nên kiểm tra chất lượng cũng như số lượng. Dọc đường lên động Hương Tích cũng có rất nhiều hàng bán thuốc nam chữa bách bệnh, tuy nhiên các bài thuốc này thường không rõ nguồn gốc vậy nên hãy cẩn trọng.

Một số lưu ý khác khi du lịch chùa Hương

Nên vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ.
Vào mùa lễ hội thường rất đông đúc nên bạn hãy bảo quản hàng lý tư trang cẩn thận, tránh bị kẻ gian thừa dịp cao điểm móc túi, đánh cắp đồ.
Trang phục đứng đắn, lịch sự, không nên có những cử chỉ khiếm nhã cười đùa to tiếng gây mất trật tự trong chùa.
Nên đi theo nhóm, nhiều người để tiết kiệm chi phí đi đò…
Mang theo những đôi giày thể thao thay vì giầy cao gót để bảo vệ đôi chân.
Đặc biệt hãy cảnh giác với những trò đỏ đen bịp bợm mà mất tiền oan.

Theo Dulich9

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2016

Nghìn guồng quay tơ vàng trên phố đi bộ Hà Nội

Được trang trí với 1.000 guồng quay tơ vàng óng trên cao, phố đi bộ Đào Duy Từ giống như một con đường tơ lụa độc đáo, lạ mắt để chào mừng Ngày Di sản...


Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, phố đi bộ Đào Duy Từ được khoác lên mình "tấm áo choàng" vàng óng bởi 1.000 guồng quay tơ trên cao.


Đây là ý tưởng của Ban quản lý phố cổ Hà Nội nhằm tôn vinh làng nghề, phố nghề truyền thống trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam. Chủ đề năm nay lấy nghề thêu làm điểm nhấn xuyên suốt, gồm có thêu truyền thống và thêu cung đình.

Guồng quay tơ hay còn được gọi là phưởng xa, xa tơ hay vay là một dụng cụ truyền thống quen thuộc của nghề thêu Việt Nam, thường được làm bằng tre, hình tròn giống như một chiếc bánh xe.

Nhân viên của Ban quản lý phố cổ đã dành tới 3 đêm để có thể treo hết 1.000 phưởng xa lên cao, chạy dọc 200 m tuyến phố và chính thức khai mạc vào tối ngày 18/11.


Ngoài guồng xe tơ, một số hàng quán Kinh doanh trên phố Đào Duy Từ cũng được treo trưng bày những chiếc lọng vua, lọng chúa trên mái hiên.


Suối tơ vàng óng sẽ được trưng bày cho tới hết ngày 27/11.


Du khách phương tây tỏ ra lạ lẫm và thích thú khi tản bộ qua phố Đào Duy Từ, dưới suối tơ rực rỡ.


Sự độc đáo nơi đây cũng khiến cho các tour xích lô chở khách Du lịch lựa chọn ghé qua nhiều hơn.


Khác biệt hoàn toàn với đặc trưng của nghề thêu truyền thống được trang trí trên phố tạo ra sự thân thuộc gần gũi thì bên trong Triển lãm Nét Xưa tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ lại là hình ảnh tôn nghiêm, trang trọng của nghề thêu cung đình xưa.


Tầng 1 là nơi tái hiện không gian sống cung đình xưa, các bộ hoàng bào trưng bày được phục dựng theo nguyên bản bởi nghệ nhân Vũ Giỏi (làng Đông Cứu, Thường Tín, Hà Hội), người đã có hơn 30 năm theo đuổi, gìn giữ nghề thêu cung đình.


Sử ghi, ông tổ nghề thêu Việt Nam là Lê Công Hành, tên thật là Trần Quốc Khái (18/1/1606) sinh tại trấn Sơn Nam nay thuộc làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ thời vua Lê Thần Tông (1637) và được cử đi sứ Trung Quốc năm 40 tuổi. Trong thời gian ở sứ, ông học được nghề thêu, khi về nước ông truyền dạy và phát triển nghề cho nhân dân.


Nằm tại chính giữa là tấm áo long bào Mây Lam được phục dựng nguyên bản theo long bào của vua Đồng Khánh từng mặc.


Những hoa văn tinh xảo được thêu trên long bào thể hiện sự tỉ mỉ công phu cũng như tay nghề cao của nghệ nhân Vũ Văn Giỏi.


Bên góc phải là phượng bào Hoàng hậu Nam Phương.


Treo trên cao là một số bản sắc phong, ấn chỉ xưa được thêu rồng phượng.


Song hành cùng triển lãm trưng bày nghề thêu trên phố Đào Duy Từ, một số hoạt động khác như giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống, giới thiệu không gian văn hóa Đạo Mẫu, văn hóa Trà Việt cũng được tổ chức tại các điểm như Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây...








Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

Ngày xuân tìm về nghệ thuật trống trận Tây Sơn

Quê hương Bình Định có bề dày truyền thống văn hóa, là cái nôi của nghệ thuật dân gian bài chòi, tuồng, võ Tây Sơn. Gắn với những loại hình độc đáo, giàu bản sắc này là “trống trận Tây Sơn”, một loại nhạc khí đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất Võ. 


Từ nhiều năm qua, đội nhạc võ ở Bảo tàng Quang Trung biểu diễn bản khí nhạc mang tên “Trống trận Quang Trung”, được cấu trúc thành 3 hồi: Xuất quân, Xung trận- Phá thành và Khải hoàn ca. 


Từ Lễ hội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa vào năm 1989, đã xuất hiện tên gọi “Trống trận Tây Sơn” trên các phương tiện thông tin đại chúng. So với những tên gọi khác về bộ trống 12 chiếc này, thì gọi trống trận Tây Sơn có sức thu phục hơn cả, bởi bao hàm được cả xuất xứ, tính năng, diễn xướng trong nhạc lễ, lễ hội, trong việc luyện võ, trận mạc. Có thể hiểu rằng, trống trận Tây Sơn vừa là tên của bộ 12 trống, trống võ, vừa là tên của dàn nhạc võ. Đây cũng là tên của tác phẩm khí nhạc nổi tiếng ca ngợi cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung - Nguyễn Huệ giải phóng thành Thăng Longvào mùa Xuân Kỷ Dậu 1789. 


Trống trận Tây Sơn có liên quan mật thiết, tương đồng với nhạc tuồng, bài chòi về các mặt: tính năng, kỹ thuật diễn tấu, biên chế dàn nhạc, âm hưởng nhạc điệu. Hầu hết trống trong các dàn nhạc của 3 loại hình nghệ thuật trên đều là trống chiến, nhưng khác nhau về số lượng trống và cách sắp xếp. Về biên chế dàn nhạc, các nhạc cụ trong dàn nhạc trống trận Tây Sơn đều có mặt trong dàn nhạc tuồng, chỉ khác trong nhạc tuồng không phải dùng cồng mà là chiêng. Còn trong dàn nhạc bài chòi, ngoài trống chầu và trống chiến, nhị, còn có thêm nguyệt, song loan, sáo, bầu. Về mặt âm hưởng nhạc điệu, các hồi trong tác phẩm khí nhạc trống trận Quang Trung đều lấy, mang âm hưởng từ các bài bản trong nhạc tuồng. Hồi Xuất quân có sử dụng khổ Trống khách, hồi Xung trận- Phá thành sử dụng bài trống Tẩu mã, còn hồi Khải hoàn ca mang âm hưởng của bài trống Ba bảy.


Trống là một nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ, chủ yếu giữ nhịp cho dàn nhạc. Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, trống không có giai điệu, thế mà ở trống trận Tây Sơn, giai điệu rất rõ nét. Tiến hành khảo cứu bộ 12 trống đang được trình tấu tại Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi thấy âm vực của trống (khoảng giữa âm thanh thấp nhất và âm thanh cao nhất) là một quãng tám rưỡi (dung sai nửa cung). Theo thứ tự, trống có kích thước lớn nhất đến nhỏ nhất, chênh lệch nhau từ nửa cung đến một cung rưỡi. Sự chênh lệch cao độ như trên, là một yếu tố tạo nên những giai điệu, tiết tấu độc đáo của trống trận Tây Sơn, có thể trình tấu bản nhạc ở bất kỳ điệu thức 5 âm nào, có chênh một vài cô ma lại càng hay.

Ra đời từ nhạc lễ, võ trống, đượm hào khí Tây Sơn, trống trận Tây Sơn chiết được những nét tinh túy nhạc tuồng, gần gũi với nhạc bài chòi, cùng với những tính năng, kỹ thuật diễn tấu độc đáo, được sử dụng với tần suất cao phục vụ đông đảo người dân, du khách, tham gia nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh. Trống trận Tây Sơn vì thế đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Bình Định… 

Bài đăng phổ biến