Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2017

Bên trong du thuyền 5 sao World Dream vừa đến Việt Nam

World Dream là một trong những tàu chở khách lớn nhất châu Á với sức chứa hơn 5.000 người. Du thuyền được ví như resort 5 sao trên biển với hàng loạt trang thiết bị cao cấp.

World Dream là tàu biển hạng sang được đóng tại Đức, với quy mô 18 tầng, dài 335 m, sức chứa hơn 5.376 du khách và thuyền viên.


World Dream khởi hành từ Hong Kong, đón khách ở Quảng Châu, Trung Quốc và ghé thăm các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, Philippines. Tàu mới cập bến Tân Cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào ngày 5/12 và sẽ đến Nha Trang vào ngày 6/12.


Du khách trên tàu World Dream mang nhiều quốc tịch nhưng chủ yếu là người Trung Quốc. Trong lần đầu xuất bến, tàu chở theo hơn 3.400 du khách và dừng lại ở Việt Nam 6 ngày 5 đêm.


Trên thực tế, du lịch bằng du thuyền là lựa chọn khá phổ biến trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Chi phí đến những điểm quen thuộc trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Đài Loan dao động trong khoảng 20-30 triệu đồng, tuỳ gói dịch vụ.


World Dream là du thuyền 5 sao với nhiều trang thiết bị hạng sang. Các phòng đều được thiết kế theo phong cách Á Đông.


Du thuyền có đầy đủ các dịch vụ vui chơi, giải trí hiện đại. Các bữa tiệc âm nhạc diễn ra luân phiên, du khách có thể vừa uống rượu vừa thưởng thức âm nhạc với ghế ngồi được bố trí theo hình tròn.


World Dream còn có một phòng chiếu phim cỡ lớn. Một số dịch vụ như hồ bơi, sân bóng rổ, rạp chiếu phim, phòng tập GYM sẽ mở cửa miễn phí. Những dịch vụ cao cấp hơn như massage, bar sẽ tính phí.


Du khách thậm chí có thể thử sức may mắn với nhiều trò chơi mang đậm phong cách Trung Quốc.


World Dream có hàng chục nhà hàng phục vụ các món ăn đặc trưng của phương Đông đến những thực đơn nổi tiếng của phương Tây.


Tầng trên cùng là hồ bơi và các dịch vụ tiện nghi như khu leo núi nhân tạo, đường trượt nước, sân bóng rổ.


Vào những ngày lễ hội, Dream World còn tổ chức bắn pháo hoa trên biển để phục vụ các bữa tiệc thâu đêm.


World Dream cũng trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ, bảo hộ an toàn trong trường hợp khẩn cấp. Vào những ngày có gió lớn hoặc bão, các dịch vụ ngoài trời sẽ đóng cửa.


Trên thực tế, loại hình du lịch này phù hợp hơn với các gia đình nhiều thế hệ, dư dả về thời gian. Trung bình mỗi chuyến hải trình sẽ kéo dài cả tháng, đổi lại du khách sẽ được khám phá những hải trình mới lạ so với hình thức du lịch truyền thống.

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Bánh mì Việt Nam vào top 10 món sandwich ngon nhất thế giới

Trong danh sách của Traveller còn có cheeseburger truyền thống của Mỹ, bánh mì kẹp thịt xông khói ở Anh và Katsu sando của Nhật Bản. Khi du lịch đến những quốc gia này, bạn nhớ phải thưởng thức nhé!

Bánh mì, Việt Nam


Hội An là nơi có món bánh mì kẹp thịt nổi tiếng với khách nước ngoài. Bánh có vỏ cứng ở bên ngoài, nhân mềm, nhiều loại như xíu mại và patê. Bên trong còn có đu đủ xanh ngâm chua, các loại rau thơm và nước sốt. Trang Traveller gợi ý nơi làm thịt heo ngon nhất là hàng bánh mì Madam Khanh và bánh mì Phượng. 

Lobster roll, Mỹ


Dù đang gây sốt trên thế giới, món bánh mì kẹp tôm hùm từ lâu đã là món ăn phổ biến ở tiểu bang Maine, Mỹ. Tại đây, thực khách sẽ tìm thấy những miếng bánh mì Lobster roll ngon nhất trên thế giới.

Bên trong ổ bánh này gồm: thịt tôm hùm tươi, thêm chút bơ hoặc mayonnaise. Nhiều tiệm còn dùng nước sốt tiêu hoặc hành tây để làm hương vị thêm đa dạng.

Croque madame, Pháp


Bánh mì tươi được nhúng trong nước sốt bechamel, bên trong là thịt heo, sau đó nướng với phô mai Gruyere rồi thêm một trứng ốp la bên trên. Đây là món gây ấn tượng không kém so với bánh sừng bò (croissant) hay steak frites (thịt bò phi lê), vốn gắn liền với ẩm thực Pháp.

Bacon butty, Anh (bánh mì kẹp thịt xông khói)


Đây là món bánh mì chứa đầy thịt xông khói bên trong cùng một ít nước sốt HP (một loại nước sốt có màu nâu, được pha từ cà chua, giấm, đường, me, bột ngô, bột lúa mạch đen, muối và một số gia vị khác).

Nhiều đầu bếp ở Anh cố gắng làm món ăn trở nên khác biệt bởi cách sáng tạo riêng, nhưng theo trang Traveller thì bạn không cần làm gì khác ngoài việc thưởng thức hương vị cơ bản của nó.

Vada pav, Ấn Độ


Vada pav có thể không phải là món ăn được nhiều du khách nhắc đến, nhưng đây lại là một đặc sản ở Mumbai. Nguyên liệu chính của món ăn gồm một viên khoai tây nghiền được chiên giòn, kẹp giữa hai lát Pav (loại sandwich kiểu Ấn Độ). Bên trong còn có hỗn hợp ớt và tương ớt. Món ăn này phổ biến trên đường phố ở Ấn Độ. 

Katsu sando, Nhật Bản


Với tài khéo léo, người Nhật đã biến món bánh ngọt ở Pháp thành một món ăn hấp dẫn ở đất nước của mình theo phong cách hoàn toàn mới: Katsu sando. Đây là món bánh mì kẹp có nguyên liệu chủ yếu là thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo nhưng được chan bên trong loại nước sốt có vị cà ri lạ miệng.

Bifana, Bồ Đào Nha


Bifana được mệnh danh là loại bánh mì kẹp ngon nhất ở Bồ Đào Nha với sự kết hợp hài hòa của thịt giăm bông, xúc xích, pho mát và nước sốt cà chua.

Cheeseburger, Mỹ


Không thể phủ nhận sự đóng góp của Mỹ cho nền ẩm thực thế giới bởi món hamburger. Rất nhiều nơi trên thế giới đã cố gắng biến tấu món ăn nhưng hương vị cơ bản của chiếc burger gồm bánh mì mềm kẹp phô mai, thêm vài lát cà chua, dưa chua, sốt cà chua và mù tạt sẽ làm hài lòng bất kỳ thực khách nào.

Choripan, Argentina


Từ cái tên của món ăn, thực khách đã có thể biết được thành phần của món ăn. "Choripan" có xuất phát từ "chorizo" (xúc xích) và "pan" (bánh mì).

Sự thành công của món ăn là nhờ chất lượng của xúc xích. Bánh mì sẽ được nướng trên than nóng, không thể thiếu nước sốt chimichurri (một loại nước sốt có nguồn gốc từ Argentina và Uruguay, nấu từ cà chua kèm các nguyên liệu như tỏi băm, dầu thực vật, giấm trắng, hạt tiêu đỏ, oregano) hoặc một ít mù tạt.

Shawarma, Israel


Shawarma là món bánh mì kẹp nổi tiếng ở đây. Hỗn hợp bên trong bánh mì bao gồm thịt nướng, salad tabbouleh, salad fattoush, cà chua và rau dền. Thịt nướng có thể làm từ cừu, gà hoặc thịt bò. Ngoài ra, món ăn sẽ không tròn vị nếu thiếu nước sốt. Loại bánh mì kẹp có cách chế biến khác nhau tùy nơi nhưng giá cả luôn rẻ. 

Theo Traveller

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Những lễ hội độc đáo ở Đài Loan qua các tháng trong năm

Đài Loan là điểm đến hấp dẫn đối với những du khách thích du lịch văn hóa, bởi người dân nơi đây giữ lại được nét văn hóa truyền thống với một loạt lễ hội trải dài qua nhiều tháng.


Cũng như nhiều nơi khác ở châu Á, người Đài Loan đón Tết Âm lịch từ ngày 1 đến ngày 15 của tháng 1 Âm lịch. Tết Nguyên đán (hay còn gọi là lễ hội mùa xuân) là lúc mọi người xua bỏ hết những điều cũ kĩ của năm đã qua và đón chờ những điều mới mẻ. Đi liền với lễ hội này là hoạt động tiễn ông Táo về trời, dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh bò (fagao), bánh gạo (niangao), cúng Giao thừa, đi lễ chùa, thăm hỏi người thân, bạn bè, cúng Thần tài vào mồng 4 và kinh doanh trở lại vào mồng 5.


Du khách đến với Đài Loan những ngày đầu xuân không nên bỏ lỡ lễ hội đèn trời Bình Khê (Pingxi). Cảm giác hàng nghìn chiếc đèn lung linh, đỏ rực trên nền trời tối là cảnh tượng mà bất kỳ ai chứng kiến cũng không khỏi ngỡ ngàng. Hoạt động truyền thống này xuất phát từ một câu chuyện cổ về dân làng Thập Phần (Shifen) thả đèn lồng lên trời để báo hiệu bình an. Việc thả đèn trời cũng mang ý nghĩa gửi gắm những ước nguyện đến trời cao và bày tỏ lòng thành kính mong điều ước sẽ trở thành sự thật. 


Lễ hội lồng đèn Đài Loan là hoạt động thường niên của vùng đảo xinh đẹp này. Năm sau, chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2/3 đến 11/3/2018 tại Gia Nghĩa, Đài Loan. Trong ảnh là lễ hội lồng đèn diễn ra vào năm 2017 ở Vân Lâm (Yunlin)

Những chiếc lồng đèn khổng lồ, đa dạng về kiểu dáng, kích thước và màu sắc là điểm nhấn của hoạt động này, hứa hẹn thu hút những du khách nhí đến với Đài Loan. Bằng cách đưa du lịch, công nghệ, văn hóa và nghệ thuật vào một lễ hội truyền thống, sự kiện là nơi bộc lộ khả năng sáng tạo của các nghệ nhân Đài Loan.


Chương trình năm 2018 bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Khu vực lồng đèn nước sẽ diễn ra chương trình nhạc nước theo tiêu chuẩn quốc tế để mô tả lại quang cảnh tuyệt đẹp của núi A Lý (Alishan), kiến trúc của Bảo tàng Quốc gia Đài Loan… Lồng đèn đất là nơi tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống của các nghệ nhân địa phương; trong khi lồng đèn không khí sẽ được ứng dụng công nghệ, vật liệu và kỹ thuật mới.


Lễ hội pháo hoa Tổ ong Diêm Thuỷ (Yanshui Beehive Fireworks) được tổ chức tại làng Diêm Thuỷ, Đài Nam. Theo Tổng cục du lịch Đài Loan, đây là lễ hội dân gian lớn thứ 3 thế giới, đồng thời là một trong những lễ hội tôn giáo tiêu biểu của Đài Loan.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, không khí tại làng Diêm Thuỷ vô cùng náo nhiệt. Người dân tin rằng càng nhiều tia lửa pháo hoa chạm vào người, những khó khăn xui xẻo sẽ tan biến và nhận càng nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới. Chính vì vậy, lễ hội đã thu hút rất nhiều dân địa phương và khách du lịch từ khắp nơi đổ về.


Lễ hội văn hóa Bảo Sinh, một trong những lễ hội tôn giáo dân gian của Đài Loan, diễn ra trong khoảng ngày 1/4 đến 27/5 hàng năm. Chương trình gồm một chuỗi hoạt động thờ cúng, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống… thu hút nhiều du khách nước ngoài tham gia. Đền Bảo An Đại Long (Dalongdong Baoan) từng lọt vào danh sách Bảo tồn Di sản Văn hóa của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2003.


Lễ hội đua thuyền rồng Lộc Cảng (Lukang) thường diễn ra vào nửa cuối tháng 5 - nửa đầu tháng 6 là dịp để người dân quảng bá di tích lịch sử, văn hóa, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực địa phương… đến du khách. Xuất hiện từ năm 1978, lễ hội này ngày càng được chú trọng và mở rộng quy mô. Đến năm 2006, đua thuyền rồng Lộc Cảng đã được đưa vào danh sách “12 lễ hội quan trọng ở Đài Loan”.


Nếu có dịp đến với vùng đất Tân Trúc (Hsinchu) vào tháng 8 (tức khoảng tháng 7 Âm lịch), bạn có thể dành thời gian tham dự lễ hội Nghĩa Dân (Nation Yimin Festival) tại miếu Bảo Trung Nghĩa Dân. Hoạt động truyền thống của lễ hội này gồm nâng các cột đèn lồng, thả đèn lồng trên mặt nước, gánh quang gánh trên vai để đi diễu hành, trả lại những miếng vải đen cho gia đình những người phụ nữ trong làng…


Lễ hội múa sư tử ở Cao Hùng (Kaohsiung) là hoạt động ấn tượng tiếp theo trong danh sách lễ hội văn hóa thú vị ở Đài Loan. Vũ điệu của sư tử, biểu tượng cho sức mạnh, xuất phát từ khoảng thời gian nông nhàn của người dân, từ đó tạo nên nét văn hóa đặc sắc. Bạn có thể chùa Guangji, quận Qianzhen để thưởng thức những màn biểu diễn đặc sắc này.


Những lễ hội truyền thống được lưu giữ tốt biến Đài Loan trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích du lịch văn hóa. Không dừng lại ở đó, vùng đất này còn nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên ấn tượng, nền ẩm thực phong phú, tính cách người dân thân thiện.

Theo news.zing.vn


Bài đăng phổ biến