Thứ Hai, 2 tháng 4, 2018

Đi du lịch nước ngoài, đưa tiền tip sao cho đúng?

Ở một số nước, tiền tip là khoản phí bắt buộc và có thể được tính trực tiếp vào hóa đơn nhưng có những nơi, việc đưa tiền tip bị coi là hành động thô lỗ, thiếu tôn trọng nhân viên.


UAE: 


Khoảng 10% tổng giá trị hóa đơn là khoản tiền tip hợp lý tại UAE. Tuy nhiên, khi đến thăm những thành phố lớn như Dubai hay Abuhabi, khoản tiền tip có thể cao hơn, đặc biệt là đối với những dịch vụ cao cấp.

Mỹ: 


Ở hầu hết nhà hàng và quán bar ở Mỹ, nhân viên thường nhận được mức lương theo giờ thấp hơn mức lương tối thiểu, chính vì vậy, họ luôn kỳ vọng rằng tiền lương của họ sẽ được bổ sung bằng tiền tip. Các tiêu chuẩn chung cho khoản tiền tip thường rơi vào khoảng 15-20% giá trị hóa đơn, tuy nhiên, khi nhận được những dịch vụ tốt hơn, khoản tiền này có thể tăng lên.

Mexico: 


Tương tự như ở Mỹ, khoản tiền tip phù hợp cho các dịch vụ ở Mexico là khoảng 10-15% và 18-20% giá trị hóa đơn cho các dịch vụ tốt hơn.

Brazil: 


Tại Brazil, thông thường có khoảng 10% phí dịch vụ được thêm vào hóa đơn, nhưng nếu không có, 15% giá trị hóa đơn là một khoản tiền tip hợp lý. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền Brazil luôn được đánh giá cao hơn so với việc sử dụng USD.

Tây Ban Nha: 


Tiền tip là khoản phí không bắt buộc tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, làm tròn hóa đơn hoặc khoản tiền tip 10% giá trị hóa đơn tại các nhà hàng cao cấp là hành động được khuyến khích và đánh giá cao.

Israel: 


Các nhà hàng ở Israel thường tính thêm phí dịch vụ trong hóa đơn. Tuy nhiên, khách hàng nên để lại một chút tiền tip riêng cho các nhân viên phục vụ. 

Ấn Độ: 

Ở đa số các khu vực của Ấn Độ, việc đưa tiền tip là hành động lịch sự và không bắt buộc. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn, hay những khu vực phát triển du lịch, tiền tip trở nên phổ biến hơn và nhiều địa điểm đã đưa khoản phí phụ này vào hóa đơn. Trong trường hợp hóa đơn không có phí phụ, 10% giá trị hóa đơn là khoản tiền tip hợp lý. 

Trung Quốc: 


Tiền tip không phải là một phần của nền văn hoá Trung Quốc và phần lớn các nhà hàng, khách sạn hay quán bar đều không yêu cầu khoản tiền này. Tuy nhiên, gần đây, việc để lại tiền tip đang dần trở nên phổ biến hơn. 

Anh: 


Anh, hóa đơn thường được tính kèm phí dịch vụ. Ngoài ra, trong trường hợp hóa đơn không kèm phí dịch vụ, khách hàng nên để lại khoản tip tương đương với 10-15% giá trị hóa đơn.

Nhật Bản: 


Tại Nhật Bản không có văn hóa tip và việc để lại tiền tip bị coi là một hành động thô lỗ. 

Thái Lan: 


Tại Thái Lan, tiền tip là khoản phí không bắt buộc, tuy nhiên việc làm tròn hóa đơn luôn là hành động được đánh giá cao.

Pháp: 


Ở Pháp, khi thấy "service compris" xuất hiện trong hóa đơn, khách hàng có thể hiểu rằng phí dịch vụ đã được tính. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể thưởng thêm cho nhân viên khoản phí "pourboire" bằng việc làm tròn hóa đơn hay để lại thêm một vài euro.

Italy: 


Ở Italy, có một quy tắc gọi là "pane e coperto", theo đó khách hàng phải trả một khoản phụ phí trước khi bước vào quán bar hoặc nhà hàng. Ngày nay, "pane e coperto" không còn phổ biến, thậm chí là bất hợp pháp tại một số khu vực, du khách đến các nhà hàng Italy có thể gặp "servizio" hoặc phí dịch vụ được thêm vào hóa đơn.

Australia: 

Các nhân viên dịch vụ ở Australia nhận được mức lương tương đối cao nên thường không yêu cầu các khoản tiền tip. Tuy nhiên, du khách có thể để lại một vài USD hoặc làm tròn hóa đơn đối với những dịch vụ đặc biệt.

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

Lăng Cô - điểm đến mới nổi mùa hè 2018

Là điểm giao thoa giữa ba ngôi sao nổi bật của miền Trung – Huế, Đà NẵngHội An, Lăng Cô quyến rũ du khách dưới mọi góc nhìn.

Vốn nổi tiếng với danh xưng “người đẹp làng chài”, Lăng Cô đẹp cả “sắc vóc” lẫn “thần thái” khi thiên nhiên ưu ái nơi đây từ khí hậu đến phong cảnh non nước hữu tình. Với đường bờ biển dài hơn 30km, Lăng Cô đã tự ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới với khi nằm trong top 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới. Tuy nhiên đây vẫn là cái tên khá mới mẻ với du khách trong nước. Vì lẽ đó nhiều người vẫn chưa tường tận có thể làm gì, đi đâu để khám phá được trọn vẹn khi du lịch Lăng Cô.

Đến Lăng Cô Huế thì “xê dịch” như thế nào?


Sở hữu vị thế đắc địa, cách hai sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) và Đà Nẵng khoảng 45 phút lái xe, Lăng Cô nằm liền kề cảng Chân Mây và ngay trục giao thông quốc lộ 1A.

Phương tiện di chuyển đến Lăng Cô khá đa dạng. Nếu đi tàu hỏa thông qua ga Thống Nhất, du khách sẽ mất khoảng 12-14 tiếng nếu xuất phát từ Hà Nội, và 16-17 tiếng nếu đi từ Sài Gòn. Nếu bay đến sân bay Phú Bài hoặc Đà Nẵng, du khách sẽ tiết kiệm thời gian hơn, khoảng 1-2 tiếng. Từ nhà ga hoặc sân bay, du khách có thể đến Lăng Cô bằng taxi hoặc xe trung chuyển. Nếu đặt phòng tại một số khu nghỉ dưỡng cao cấp có phục vụ đưa rước tận sân bay, du khách sẽ không phải lăn tăn nhiều về vấn đề di chuyển.

Chơi gì ở Lăng Cô?


Lăng Cô được ví như địa điểm du lịch mùa hè lý tưởng, có núi có biển, lại nằm trên con đường di sản miền Trung - quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Có thể nói đây chính là điểm đến trong mơ cho những ai đam mê khám phá. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức du lịch biển mà còn được trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm rừng nhiệt đới…

Để không “lạc lối” giữa Lăng Cô, du khách nên lập cho mình lộ trình khám phá từ Bãi Chân Mây, đến vườn quốc gia Bạch Mã và đầm Lập An... Trước vẻ hoang sơ bí ẩn của núi rừng cùng một vùng biển trời lồng lộng, những bộn bề và âu lo của cuộc sống đều như được gột rửa sạch sẽ.

Một điểm đến nghỉ dưỡng mùa hè hay một chuyến du lịch sẽ hoàn hảo hơn với một chốn nghỉ ngơi như khu phức hợp đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, Laguna Lăng Cô. Khu nghỉ dưỡng đang được du khách trong và ngoài nước yêu thích với các khách sạn, sân golf 18 lỗ do ngài Nick Faldo thiết kế. Không chỉ thư giãn trong khu cảnh tự nhiên nguyên sơ, du khách nghỉ tại đây còn có thể nuông chiều cơ thể bằng những liệu trình chăm sóc đặc biệt tại các spa đẳng cấp quốc tế mang thương hiệu Banyan Tree và Angsana.

Với những trải nghiệm đẳng cấp vượt xa các tiêu chuẩn của một resort thông thường, Laguna Lăng Cô sẽ mang đến cho du khách một kỳ nghỉ dưỡng mùa hè thực sự thư giãn và khó quên.


Theo Vnexpress

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

Đi tìm giấc mơ màu tím Lavender

Xe lướt qua con đường nhỏ uốn lượn trong những ngôi làng miền Nam nước Pháp. Nắng chiều ngọt như mật và có chút gì đó lắng đọng như màu oải hương.


Trên những triền đồi, những cánh đồng tím rộng mở đến tận chân những dãy núi xa mờ. Một mùi hương say đắm lan tỏa khắp nơi. Tôi chưa từng thấy bức tranh màu tím nào đẹp hơn thế.

Provence & "tấm bản đồ màu tím"

Cứ mỗi độ tháng 7, vùng Provence nước Pháp lại ấp ủ một mùa oải hương mới. Năm tháng cứ thế đi qua, những cánh đồng oải hương tím ngát ngày hè ở Provence không bao giờ ngừng quyến rũ bước chân người. Màu tím kỳ diệu và mùi hương nồng ấm của nó luôn mê hoặc bất kỳ ai tiếp xúc.

Bản đồ vùng đất Provence tháng 7 được gọi là "Tấm bản đồ màu tím", bởi trên bản đồ sẽ khoanh vùng những cánh đồng hoa, thung lũng tím ngát, ngôi làng màu tím, con đường làng thơ mộng đi qua đồng hoa… để dẫn đường cho kẻ lãng du đam mê sắc tím kỳ diệu. Tôi đã đi theo những cung đường tím ngát này để thực hiện mong ước một lần được chạm tay vào loài hoa huyền thoại.

Khắp vùng Provence bao phủ một màu tím ngát. Bầu trời ở đây cao và xanh, thấp thoáng gần xa là những dãy núi mờ ảo ẩn hiện. Tất cả là bức tranh nền toàn bích cho những cánh đồng oải hương tỏa sắc.

Loài hoa kỳ diệu này có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, không biết đặt chân đến đây từ bao giờ, nhưng hơn trăm năm trôi qua, nó đã trở thành linh hồn của toàn vùng Provence, là niềm tự hào, tình yêu bất tận của người dân hiền hòa xứ này.

Dù oải hương không phải là loài hoa chỉ có ở vùng này. Nó còn được trồng ở nhiều nơi trên thế giới như Úc, Nhật, Anh, Mỹ… Tuy nhiên, không vùng đất nào trên thế giới có thể sánh ngang với Provence khi nhắc đến oải hương, cả về truyền thống lâu đời, quy mô rộng lớn và dáng vẻ quyến rũ của những cánh đồng hoa mang màu tím bất tận.

Tâm hồn thơm mùi oải hương

Không chỉ có những cánh đồng hoa quyến rũ mê hoặc, vùng đất êm dịu ấy còn cho ra đời hàng trăm hàng nghìn các sản phẩm thơm ngát từ hoa oải hương, từ nước hoa đến mỹ phẩm, hương thơm, tinh dầu thơm, xà phòng.. cho đến các loại bánh kẹo, thậm chí nước sốt cho một số món ăn đặc trưng cũng mang mùi hương xứ sở. Lạc vào một cửa hàng các sản phẩm làm từ hoa oải hương, quả nhiên mê mệt đến mức khó bước trở ra.

Ở cuối con đường khi đi qua hết những cánh đồng, chúng tôi vào đến thị trấn Sault - thủ phủ của loài hoa oải hương. Thị trấn này bé xíu nhưng xinh đẹp đến bất ngờ. Những con dốc thoai thoải dẫn qua quán cà phê nhẹ nhàng và cửa hàng hoa thơm ngát mùi oải hương.


Những con phố hẹp dẫn qua phòng tranh nhỏ và ngôi nhà xưa cũ. Người họa sĩ ngồi một mình bên thềm, lơ đãng buông những nét vẽ họa nên một cánh đồng hoa màu tím ngát, hồ như nó luôn hiện diện trong tâm trí của ông.

Trên những bậc thềm, bệ cửa hay hàng hiên nhỏ xinh là những bó hoa oải hương khô, ướp hương thơm cho cả một con phố dài. Những cửa hàng bán bưu thiếp cũng chỉ bán mỗi loại mang hình ảnh của hoa oải hương, niềm tự hào và là tình yêu của họ. Một cửa hàng gốm sứ nhỏ cũng cắm những bình hoa oải hương thật thơm. Ngay trung tâm phố là một nhà thờ bằng đá cổ kính, kiến trúc độc đáo và duyên dáng. Trên bàn thờ linh thiêng ở giữa nhà thờ cũng là những bó hoa oải hương tím ngan ngát, tỏa thơm dịu nhẹ cho cả không gian.


Oải hương hiện diện ở khắp nơi, thậm chí trên từng milimet của thị trấn cổ xinh này là mùi hương huyền diệu đó. Thậm chí, quần áo khăn choàng của thiếu nữ cũng chủ yếu được ướp bằng hương oải hương, khi bước ra phố thì tạo nên một miền hương sắc không thể lẫn với bất cứ nơi nào khác.

Đối với tôi, kỳ diệu biết bao, một chuyến lạc bước đến nơi này, nơi có "giấc mơ" màu tím dịu dàng không thể phai...

Theo dulich.tuoitre.vn

Bài đăng phổ biến