Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Giải mã ngày Giáng Sinh ở Ý


Mùa Giáng Sinh luôn mang không khí nô nức, nhộn nhịp và rộn ràng. Thường thấy ở các nước phương Tây vào dịp lễ Giáng sinh đó là hình ảnh gia đình quây quần thưởng thức bữa ăn, mở quà Giáng Sinh dưới cây thông, tặng nhau những tấm thiệp chúc mừng ý nghĩa. 


Ý cũng thế, Giáng Sinh còn được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Hơn thế nữa, Giáng Sinh ở Ý còn bắt đầu từ sau Lễ Tạ Ơn, thậm chí là Halloween, người Ý bắt đầu mùa Giáng sinh từ ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12. Đây cũng là lúc đường phố và các căn nhà được trang hoàng lộng lẫy và tráng lệ.

Giai điệu của những chiếc kèn túi


Chín ngày trước Giáng Sinh, người Ý sẽ hiện diện trên đường phố và hát những bài hát truyền thống. Đặc biệt, nếu bạn ở Rome, miền nam nước Ý hoặc Sicily thì bạn sẽ thấy những người chơi kèn túi với những giai điệu vui nhộn.

Bữa tiệc truyền thống


Bữa tối 24/12 của người Ý thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm một món ăn với cá chình nướng, đĩa rau truyền thống gọi là cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Những ngọn nến được thắp sáng lung linh, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''. 

Các hoạt động trong bữa tiệc


Suốt bữa tiệc, lũ trẻ hát những bài hát Giáng Sinh và được người lớn vỗ tay khen ngợi hay thưởng tiền. Sau bữa tiệc, cả nhà chơi một trò chơi cổ, tương tự như trò bingo, cuối cùng tất cả tham dự thánh lễ lúc nửa đêm. Các món quà thường được trao tặng sau lễ Mixa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.

Dự Thánh lễ Giáng Sinh lúc nửa đêm


Sau bữa tối với gia đình, phần lớn người Ý sẽ đến nhà thờ dự Thánh lễ. Tại Rome, một số người dân sẽ đến Vatican để dự Thánh lễ với Đức Giáo hoàng. Tuy nhiên, vẫn luôn có những “ngoại lệ” trong truyền thống đón Giáng Sinh ở các vùng miền nước Ý. Tại miền Bắc, ở Cortina d’Ampezzo trên dãy Dolomite, người ta trượt tuyết xuống dốc cùng với ngọn đuốc lúc nửa đêm để chào đón Giáng Sinh.

Tổng hợp

Chiêm ngưỡng Lý Sơn hoang sơ đẹp tựa thiên đường

Lý Sơn được ví như viên ngọc quý của tỉnh Quảng Ngãi. Huyện đảo này hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp tinh khiết, hoang sơ hiếm có.

Những năm gần đây, Lý Sơn (Quảng Ngãi) được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ. Thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo này những cảnh quan làm lòng người xao xuyến. Dù du lịch phát triển, nét nguyên sơ của Lý Sơn vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, người dân nồng hậu, chất phác ở miền đất này cũng là lý do níu chân du khách.



Lý Sơn có 2 hòn đảo chính là đảo Lớn (cù lao Ré) và đảo Bé (xã đảo An Bình). Nằm cách đảo Lớn khoảng 3 hải lý về phía tây bắc, xã đảo An Bình, rộng chưa đầy 1 km2, có khoảng 100 hộ dân sinh sống. Người dân nơi đây gắn bó với nghề trồng hành, tỏi, hoa màu và đánh bắt thủy sản.


Quanh đảo Bé được trồng nhiều dừa, loại cây đặc trưng của miền biển. Trên bãi biển xanh trong trải dài, nhấp nhô những vách đá trầm tích núi lửa với hình dáng lạ kỳ. 


Có rất nhiều bãi tắm trên hòn đảo xinh đẹp này như bãi Hang, Dừa, Tây, Đụng, Sép, Trứng… Bãi tắm nào cũng có bờ cát trắng mịn, nước biển xanh trong như pha lê, trộn đá. Những tảng đá nhỏ ẩn mình dưới làn nước biển trong vắt là đá macma đen, khi trên bờ sắc lẹm, lúc dưới nước nhẵn thín vì sóng bào. 


Một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi đến Lý Sơn là ngắm bình minh trên hòn Mù Cu. Hòn đảo nhỏ này là mũi nhô ra từ một phần đảo Lớn, có diện tích nhỏ nhất trong 3 đảo và không có người ở. Từ ngọn hải đăng trên đảo, du khách có thể chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đẹp tựa thiên đường khi mặt trời lên, cảm giác đón ngày mới khoan khoái vô cùng.


Đảo Lớn, còn gọi cù lao Ré, là hòn đảo trung tâm của Lý Sơn, có diện tích lớn nhất và đông dân cư nhất. Nơi đây có nhiều thắng cảnh nổi tiếng hút khách du lịch như hang Câu, cổng Tò Vò, đỉnh Thới Lới, chùa Hang... 


Hang Câu được xem là cảnh quan thiên nhiên cuốn hút nhất trên đảo Lớn. Di tích này trải qua hàng ngàn năm bị bào mòn bởi sóng và gió đã tạo nên dãy đá màu nham thạch đẹp kỳ vĩ. Nơi đây là địa điểm cắm trại quen thuộc của những du khách thích khám phá nét hoang sơ trên đảo. 


Cổng Tò Vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là trầm tích của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh cổng Tò Vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lớn. Địa điểm này là nơi được nhiều bạn trẻ đến check-in, các cặp đôi chụp ảnh cưới. 


Núi Thới Lới được hình thành từ ngọn núi lửa đã tắt cách đây hàng triệu năm. Đỉnh núi có hình dạng lòng chảo khổng lồ, quang cảnh trong xanh, yên bình. Từ đỉnh, bạn có thể phóng trọn tầm mắt quanh đảo Lớn. Trên đỉnh có cột cờ hùng vĩ là điểm check-in quen thuộc với khách du lịch. 


Với địa chất, địa hình đa dạng cùng cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, nguyên sơ, thiên đường biển đảo Lý Sơn được nhiều người mệnh danh "Jeju của Việt Nam" giữa Quảng Ngãi nắng gió. 

Ngoài những tuyệt tác thiên nhiên đẹp mê hồn, điều lắng đọng sâu nhất trong lòng mỗi lữ khách có lẽ là tình người nơi vùng biển miền Trung này. Những con người nồng hậu, nhiệt thành như vị mặn mòi biển cả là chất liệu làm nên nét đẹp riêng của Lý Sơn. 


Người dân Lý Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản, một số gia đình trồng hành, tỏi. Đời sống của họ còn nhiều thiếu thốn, khó khăn. Nét mộc mạc, chất phác, chân thành của những người dân chài nơi đây chính là điều khiến huyện đảo xa xôi này hấp dẫn khách du lịch.













Thứ Tư, 3 tháng 10, 2018

5 con hẻm ăn vặt đình đám ở Sài Gòn

Những con hẻm đình đám này không chỉ là nơi tụ tập của đông đảo các bạn trẻ thành phố mà còn là địa chỉ thu hút khách du lịch nước ngoài đến thưởng thức món ăn vặt đường phố Việt Nam. 

Xem thêm: Báo Anh gợi ý 5 cách độc đáo khám phá Sài Gòn

Hẻm 76 Hai Bà Trưng - Quận 1


Là một trong những con hẻm ăn vặt “đình đám” của khu vực quận 1, trước đây các gánh hàng tại hẻm chủ yếu phục vụ cho các nhân viên văn phòng làm việc gần đó, sau này có nhiều du khách tìm hiểu khám phá. Hẻm 76 Hai Bà Trưng thường bắt đầu bán hàng từ 3h chiều với rất nhiều món ăn hấp dẫn. 

Có rất nhiều món như bánh mì, cơm chiên, chân gà sả ớt, bún thái, súp cua, gỏi cuốn đến chè, bánh flan. Giá cả các món từ 20.000 đồng trở lên, với mức giá này được xem là rẻ so với khu vực quận 1 nên rất đông khách.

Hẻm 51 Cao Thắng - Quận 3


Nằm gần khu chợ Bàn Cờ nên hẻm 51 Cao Thắng luôn tấp nập thực khách vào mỗi chiều tan ca. Hẻm quy tụ nhiều hàng quán như bánh bèo, súp cua, phá lấu, há cảo… với giá cả được đánh giá là bình dân, chỉ từ 20.000 đồng một phần. 

Tại hẻm đặc biệt nổi tiếng khắp nơi với quán cháo Tiều hơn 70 năm. Ngoài ra các món hải sản như ốc, cua, sò cũng được thực khách yêu thích tại hẻm.

Hẻm 200 Xóm Chiếu - Quận 4


Con hẻm 200 đường Xóm Chiếu được xem là “thiên đường” ẩm thực của quận 4 với nhiều món ăn nóng hổi. Hẻm luôn tấp nập thực khách mỗi buổi chiều với nhiều quán ăn san sát nhau, bày bán đủ các món hấp hẫn. 

Bò cuốn lá lốt, phá lấu 20k, nui gà xé, bánh chuối chiên… và các quán hải sản hấp dẫn. Điểm cộng lớn nhất của hẻm chính là việc các món ăn luôn nóng hổi, thơm phức vì khi có khách gọi mới chế biến.

Hẻm 14 Trần Bình Trọng - Quận 5


Đối với những ai “hảo ngọt” thì chắc chắn không thể không biết đến hẻm 14 Trần Bình Trọng trứ danh. Đây là con con dẫn vào khu chung cư cũ vốn nổi tiếng với nhiều món tráng miệng hấp dẫn như bánh flan nước cốt dừa , rau câu dừa, rau câu phô mai, chè khúc bạch... 

Giá các loại bánh flan ở đây 2.500 đồng/cái được ăn kèm với nước cốt dừa béo ngậy cùng chút cà phê thơm quyến rũ. Rau câu ở đây được nấu không quá ngọt nên cũng làm món hút khách không kém cạnh gì bánh flan. 

Ngoài những món tráng miệng thì bạn có thể gọi thêm những phần ăn vặt như bột chiên, cá viên chiên với giá rất bình dân.  

Hẻm ăn vặt Hồ Bá Kiện – Quận 10


Con hẻm này mới nổi lên vài năm trở lại đây nhưng đã được các bạn trẻ ủng hộ rất nhiệt tình. Hẻm có bán rất nhiều món như gỏi cuốn, bánh hẹ, hột vịt lộn xào me,… với giá khá mềm khoảng 15.000 – 20.000 đồng. 

Đặc biệt tại đây có món bún riêu cực ngon mà giá lại cực yêu chỉ có 16.000 đồng. Trong hẻm có luôn một quán ốc cực đông khách, có xe bán các món như bánh nậm, bánh bột lọc… Vì thế một khi đã lạc bước vào hẻm này rồi thì bạn chỉ có no nê căng bụng khi ra về thôi.

Xem thêm: Khác biệt văn hóa uống cà phê Hà Nội và Sài Gòn

Nguồn ảnh: Internet
Tổng hợp 

Bài đăng phổ biến