Thứ Tư, 11 tháng 9, 2019

Lịch trình khám phá ẩm thực Hải Phòng trong 1 ngày

Nhắc đến Hải Phòng, chắc hẳn mọi người thường nghĩ ngay đến Đồ Sơn, hoa phượng, bánh mì cay , bánh đa cua ... Tuy nhiên, thành phố xinh đẹp này đâu chỉ có mỗi vậy. Nếu có dịp ghé thăm thành phố hoa phượng đỏ xinh đẹp, nhớ lưu lại bản đồ ẩm thực dưới đây để trải nghiệm những hương vị tuyệt vời, đặc trưng nhất xứ cảng nhé. Chuẩn tiêu chí ngon - bổ - rẻ vô cùng!

Lịch trình khám phá ẩm thực Hải Phòng trong 1 ngày

Buổi Sáng

+ Bún cá


Bún cá

Sau khi đặt chân đến Hải Phòng, việc đầu tiên bạn nên làm là tự thưởng cho mình một bát bún cá nóng hổi. Quán bún cá cay ở 66 Lê Lợi là địa chỉ quen thuộc của người dân mỗi buổi sáng. Món ăn hấp dẫn bởi màu xanh mướt của dọc mùng, màu vàng ruộm của cá rán, tất cả hòa quyện với phần nước dùng đậm đà. Đặc biệt phải kể đến phần dồi cá, thứ làm nên sự khác biệt của bún cá cay Hải Phòng so với những nơi khác. 

Buổi trưa

+ Bánh mì cay Bà Già


Bánh mì cay Bà Già
Ảnh: Linhchimm

Sau khi đã ấm bụng, để tiết kiệm thời gian di chuyển, bạn chỉ cần ghé ngay tới cửa hàng bánh mì cay Bà Già nằm đối diện bên đường. Đây là món ăn nổi tiếng và là niềm tự hào của người dân đất Cảng. Món ăn “nhỏ mà có võ” này chinh phục thực khách bởi hương vị pate béo ngậy, lớp vỏ giòn tan. Điều làm nên linh hồn món bánh chính là loại tương ớt đặc trưng (người dân địa phương gọi là “chí chương”). 

+ Phố trà cúc Phan Bội Châu


Phố trà cúc Phan Bội Châu

Tiếp đó bạn đừng vội vàng ăn bánh ngay mà hãy mang tới đường Phan Bội Châu, nơi được mệnh danh là con phố của trà cúc. Giữa vô vàn quán trà cúc nằm san sát nhau thì quán bà Côi ở số 33 có lượng khách đông nhất. Theo chia sẻ của bà chủ, quán là nơi đầu tiên mang hương vị trà cúc tới Hải Phòng. Bánh mì cay và trà cúc mát lạnh là combo hoàn hảo với tiêu chí ngon rẻ, vừa tiết kiệm thời gian và thích hợp để ngồi tán gẫu với bạn bè. 

Buổi chiều

+ Bánh bèo


Bánh bèo
Ảnh: _conma

Sau khi dành khoảng 2 tiếng nghỉ ngơi, buổi chiều là thời điểm thích hợp cho những món ăn vặt. Mở đầu là quán bánh bèo cô Mây chợ Lương Văn Can. Bánh bèo Hải Phòng là sự kết hợp hoàn hảo của bột gạo và phần nhân thơm phức làm từ thịt lợn, mộc nhĩ... Nước dùng chế biến từ xương, ăn kèm thịt viên hoặc chả tùy theo sở thích. Một phần bánh được cắt thành 6-8 miếng vừa miệng. Ngoài ra, bánh bèo ở đường Lê Đại Hành hoặc Lãn Ông cũng là 2 địa chỉ được nhiều người ghé tới. 

+ Bánh đúc


Bánh đúc
Ảnh: _conma

Nếu bất cứ ai hỏi đâu là nơi bán bánh đúc tàu ngon nhất tại Hải Phòng, chắc chắn câu trả lời sẽ là địa chỉ ở Cát Dài. Bánh đúc ở đây nằm gọn trong một chiếc khay lớn nóng hổi. Một bát gồm các nguyên liệu được cắt hạt lựu như tôm, tóp mỡ... chan cùng với nước mắm chua ngọt. Đôi bàn tay cô chủ lúc nào cũng thoăn thoắt cắt rồi chan bánh để có thể phục vụ kịp lượng khách đông đến ăn và mua về. 

Quán nằm ở một góc nhỏ trên vỉa hè, bên cạnh là sạp chè bánh đầy đủ màu sắc và nổi tiếng không kém. Tuy nhiên, nhóm đi đông cần cân nhắc bởi ở đây không có nhiều chỗ ngồi. Kinh nghiệm cứu cánh lúc này là ăn chung từng món chè bánh khác nhau với bạn bè, vừa có thể thử hết tất cả các món mà không quá no.

+ Cà phê cốt dừa cô Hạnh


Cà phê cốt dừa cô Hạnh

Lấy lại năng lượng cho giấc ngủ trưa ngắn với một cốc cà phê cốt dừa ở quán cô Hạnh đường Lam Sơn là gợi ý hợp lý. Vị cà phê thơm đậm kết hợp với phần nước cốt dừa béo ngậy, ăn kèm trân châu và thạch đen rất lạ miệng. Lúc này bạn cùng đồng bọn có thời gian để nghĩ tiếp địa điểm dừng chân cho bữa tối.

Buổi tối

+ Bánh đa cua


Bánh đa cua
Ảnh: Dodofood_

Tối: 6-7 giờ là khoảng thời gian dành cho bữa tối. Nếu bạn đến Hải Phòng mà không thử bánh đa cua sẽ là một thiếu sót. Quán bánh đa cua 48 Lạch Tray chỉ mở chiều đến tối muộn là lựa chọn phù hợp cho bạn. Mỗi bát đầy đủ gồm bề bề, tôm, chả lá lốt... bên dưới là lớp bánh đa đỏ chan cùng phần nước dùng ngọt đậm từ gạch cua.

+ Ốc Thuỷ Dương


Ốc Thuỷ Dương
Ảnh: Monn.monmon3008

Quán ốc được truyền tai nhau đáng thử nhất nhì ở Hải Phòng có tên Thủy Dương, đây là địa điểm tiếp theo cho buổi tối. Giá cả và các loại ốc sẽ được bày công khai trên sạp để thực khách dễ dàng lựa chọn. Món ốc hương xào trứng muối được cô chủ gợi ý là best-seller ở đây. Tuy nhiên trên các diễn đàn, chất lượng đồ ăn ở nhận được khá nhiều ý kiến cả khen và chê. 

+ Capuchino sương sáo


Capuchino sương sáo
Ảnh: @tung23096

Lúc này, khi đã khá no nê, bạn có thể dạo quanh một vòng ngắm thành phố vào buổi tối. Sau đó, bạn cùng đồng bọn di chuyển tới quán cà phê vỉa hè ở 27a Đinh Tiên Hoàng để thưởng thức món capuchino sương sáo và kết thúc chuyến hành trình khám phá ẩm thực Hải Phòng một cách trọn vẹn. Đối diện quán là cửa hàng bánh mì cay có tiếng dành cho ai có ý định mua món ăn này về làm quà.


Theo Mai Anh

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Malacca, nơi hơi thở Á – Âu hòa làm một

Là một thành phố cổ nổi tiếng nhất của Malaysia, Malacca là nơi bạn có thể tìm hiểu được nhiều nét văn hóa của châu Áchâu Âu thông qua những di tích, công trình nổi tiếng ở nơi đây.

Malacca, nơi hơi thở Á – Âu hòa làm một

Pháo đài A Famosa – Dấu ấn Bồ Đào Nha

Pháo đài A Famosa – Dấu ấn Bồ Đào Nha

Nằm trên đồi St. Paul, Malacca, pháo đài A Famosa nổi tiếng với tên gọi pháo đài Bồ Đào Nha, là một trong những tàn dư còn sót lại của kiến trúc châu Âu ở châu Á lâu đời nhất. Công trình kiến trúc này do người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1551. Pháo đài A Famosa đã bị phá huỷ khi thực dân Hà Lan xâm lược Malacca, và giờ chỉ còn di tích tường thành sót lại.

Pháo đài A Famosa bao gồm thành lũy dài và bốn tháp lớn. Bốn ngôi tháp đều có người canh giữ, trong khi những người khác đã tổ chức một phòng lưu trữ đạn dược, sắp xếp nơi cư trú của thuyền trưởng, và một sĩ quan quý và nơi ở của người dân.

Đa số các ngôi làng được bảo vệ bên trong Pháo đài. Khi dân số của Malacca tăng lên, pháo đài được mở rộng thêm vào khoảng 1586. Đồng thời, trong suốt thời gian này, các bức tường của pháo đài liên tục chịu đựng các cuộc tấn công lớn bởi các cuộc nội chiến giữa giữa người dân bên trong và bên ngoài pháo đài.

Quảng trường Hà Lan – Kiến trúc Hà Lan trên đất Á

Quảng trường Hà Lan – Kiến trúc Hà Lan trên đất Á

Quảng trường này là nơi duy nhất tại châu Á du khách có thể tìm thấy những kiến trúc Hà Lan cổ được xây dựng từ thế kỷ 17. 

Nằm yên bình bên dòng sông Malacca, quảng trường Hà Lan nổi bật với những công trình kiến trúc màu đỏ sẫm. Men theo những con đường lát gạch đỏ rợp bóng mát, bạn có thể tản bộ dọc bờ sông Malacca để chiêm ngưỡng những bức họa vẽ trên tường nhà hai bờ sông theo nhiều chủ đề khác nhau.

Nổi bật ở quảng trường Hà Lan không thể không nhắc đến nhà thờ được xây dựng từ năm 1753 theo phong cách châu Âu, đánh dấu thời kỳ người Hà Lan đến đây sinh sống. Nhà thờ được sơn màu đỏ sẫm với hình cây thánh giá, cạnh đó là tháp đồng hồ cũng được sơn đỏ sẫm. Bên cạnh đó là tòa nhà Staddhuys màu đỏ với những ô cửa sổ trắng tinh. Nơi đây vốn là công thự của các thống đốc Hà Lan từ thế kỷ 17, nay là Bảo tàng dân tộc học. Dọc dãy phố này còn vô số các tòa nhà công vụ cũng có màu đỏ đặc trưng. 

Đền Cheng Hong Teng – Trung Hoa thu nhỏ

Đền Cheng Hong Teng – Trung Hoa thu nhỏ

Đền Cheng Hong Teng là ngôi đền cổ nhất của người Hoa ở Malaysia và là công trình tiêu biểu cho kiến trúc đền đài phía nam Trung Quốc mang dấu ấn của các nghệ nhân và thợ thủ công bậc thầy đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông. Ngôi đền được trang hoàng cầu kỳ và bề thế là không gian linh thiêng để bao thế hệ người Hoa gửi gắm đức tin trong suốt chiều dài lịch sử thăng trầm 400 năm.

Dạo chơi Cheng Hong Teng vào buổi sớm mai khi mới có ít người đến đây cầu an trong mùi hương trầm phảng phất là một trải nghiệm đáng giá ở Malacca đấy.

Phố Jonker – Linh hồn của Malacca

Phố Jonker – Linh hồn của Malacca

Tuy chỉ là một khu phố nhỏ nhưng Jonker được mệnh danh là “linh hồn của Malacca” với đường phố yên bình và những ngôi nhà kiến trúc cổ kính. Bạn sẽ được tận hưởng không gian thanh bình khi tản bộ dọc trên phố, ghé vào các cửa hàng bán đồ cổ, thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm. Đặc biệt, vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật con phố này cấm xe và biến thành chợ đêm để cho khách du lịch  tham quan và mua sắm.


Tổng hợp

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp đón Trung thu

Gần Trung thu, khu phố cổ của Hà Nội thêm nhộn nhịp, thu hút khách du lịch và giới trẻ tới check-in. Phố Phùng Hưng, Hàng Mã là 2 địa điểm bạn không thể bỏ qua dịp lễ hội năm nay.

Phố cổ Hà Nội nhộn nhịp đón Trung thu
Ảnh: duchoangg

Phố bích hoạ Phùng Hưng

Phố bích hoạ Phùng Hưng

Phố Phùng Hưng (Hà Nội) nổi tiếng với con đường bích họa màu sắc, khu phố đường tàu tấp nập khách du lịch nước ngoài. Gần dịp Trung thu, con phố khoác lên mình diện mạo mới với đèn lồng được trang trí kín đường, trở thành điểm check-in được lòng giới trẻ Hà thành. 

Phố đi bộ với 17 bức bích hoạ về Hà Nội xưa

Phố đi bộ với 17 bức bích hoạ về Hà Nội xưa

Phố Bích hoạ Phùng Hưng được khai trương vào tết 2018. Đây là con phố đi bộ với 17 bức bích hoạ về Hà Nội xưa được thực hiện bởi các hoạ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc. Nơi đây luôn đông đúc vào cuối tuần và các dịp lễ. Gần đó là "xóm đường tàu" nổi tiếng với những quán cà phê nằm ngay cạnh đường ray xe lửa.

Lễ hội trung thu tại phố cổ Hà Nội

Lễ hội trung thu tại phố cổ Hà Nội

Ngoài Phố Bích hoạ Phùng Hưng, nhiều con đường trong phố cổ Hà Nội cũng giăng đèn, kết hoa. Năm nay lễ hội Trung thu tại Phố cổ sẽ kéo dài từ ngày 6/9 - 13/9/2019 (ngày 9/8 - 15/8 Âm lịch). Một số đường sẽ cấm các phương tiện giao thông như đường Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai. Thời gian cấm đường, phân luồng từ 7h đến 22h giờ, bắt đầu từ ngày 30/8 đến 13/9/2019.

Đèn lồng giăng kín cả con đường

Đèn lồng giăng kín cả con đường

Dọc con đường có tranh bích họa được giăng kín đèn lồng, địa điểm này nhanh chóng thu hút các nhiếp ảnh gia, khách du lịch và các bạn trẻ tới chụp hình. Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng cũng hào hứng chia sẻ những hình ảnh về diện mạo mới của khu phố. 

Buổi tối là lúc con phố trở nên lung linh hơn bao giờ hết

Buổi tối là lúc con phố trở nên lung linh hơn bao giờ hết

Không khí Trung thu tràn ngập trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng đủ hình thù màu sắc, trải dài cả khu phố. Đoạn đường treo đèn lồng nối liền với không gian chợ Đồng Xuân nên khu vực này càng thêm nhộn nhịp khi trời tối. 

Không chỉ đèn lồng, khu phố còn có nhiều gian hàng bày bán các mặt hàng đồ chơi truyền thống như mặt nạ, đèn ông sao, tò he... rực rỡ sắc màu. 

Giới trẻ thi nhau check in đón trung thu

Giới trẻ thi nhau check in đón trung thu

Gần phố Phùng Hưng, Hàng Mã xưa nay cũng nổi tiếng là khu phố thu hút giới trẻ check-in mỗi dịp Trung thu. Tuyến phố trải dài với các gian hàng bán đồ thủ công, đồ chơi truyền thống đủ màu... tạo nên nét đẹp riêng. 

Rằm tháng 8 gần đến, các bạn trẻ và du khách tranh thủ tới Hàng Mã để ghi lại những bức hình bên background đậm không khí mùa Trung thu. Vào đúng ngày 15/8 Âm lịch, con phố này thường chật kín người tham quan, mua sắm, chụp hình. Nếu muốn có được bức ảnh chụp thưa người ở phố Hàng Mã, bạn nên đến đây trước dịp Trung thu khoảng 1-2 tuần. 


Nguồn: tổng hợp

Bài đăng phổ biến