Xã Suối Giàng cách trung tâm huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) 12km. Là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Mông, Suối Giàng mang đậm dấu ấn văn hoá đặc thù của bà con dân tộc Mông. Thiên nhiên còn hào phóng ban tặng cho miền sơn cước này một vùng chè Shan tuyết trải rộng trên diện tích khoảng 300ha với rất nhiều cây có tuổi đời lên tới vài trăm năm.
Sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khí hậu nơi đây mát lành với nhiều nét đặc trưng của miền ôn đới nên có thể trồng quanh năm các loài rau ôn đới, như cải Mèo, su su và các loại củ, quả khác.
Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, khí hậu của Suối Giàng gần giống như
Sapa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non cùng thiếu nữ Mông mến khách, hay dạo chơi dưới rừng Pơ mu hoặc phiêu du theo dòng thác Tập Lang rì rầm nước chảy, cùng chén trà tuyết bốc khói nghi ngút. Một cảm giác lâng lâng, khó tả khiến con người muốn tan chảy trong thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn.
Chè cổ thụ
Ai đã từng lên thăm Suối Giàng đều không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ. Ngay từ những năm 60 người ta đã thống kê có tới gần 40.000 cây chè Shan cổ thụ có độ tuổi từ 200-300 năm, còn những cây hàng trăm tuổi trở xuống thì nhiều không kể xiết. Giống chè Shan tuyết càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá xanh ngắt.
Thức uống thơm ngon bậc nhất
Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng chè trên cả nước. Có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp chè to khác hẳn với các loại chè khác. Búp có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết. Giống chè Shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Điều đặc biệt là ở đây toàn bộ khâu thu hoạch, chế biến chè đều được làm thủ công.
Công đoạn chế biến chè
Thường thì ở Suối Giàng mùa đông không có mặt trời, ngay cả buổi sáng mùa hè, búp chè cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Đầu tiên chè tươi hái về, chọn những búp không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ.
Trong quá trình sao, lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào.
Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn. Được tận mắt nhìn cô gái Mông nâng chén trà với đôi má ửng hồng vì lửa nóng từ lò sao, mới thấy giá trị của chè Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của một đồ uống, nó vượt lên là sự thưởng thức, thưởng thức cả cách làm nên hương vị ấy.
Suối Giàng thơm ngào ngạt vào mùa chế biến chè
Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp, quyến rũ đến mức ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư vị vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Chè Shan tuyết có tác dụng tốt cho cơ thể, chống ôxy hoá, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái. Không những thế, bà con người Mông ở đây không nói tiếng phổ thông, nhưng họ đặc biệt hiếu khách. Chủ nhân những vườn chè sẵn sàng chia sẻ với du khách những ấm chè ngon do chính tay họ sao và chỉ bảo tận tình cách sao chè sao cho thơm ngon. Du khách như được sống trong một môi trường văn hóa thơm thuần khiết.
Nguồn: Tổng hợp