Bên cạnh công nghệ, nghệ thuật, văn hóa, Nhật Bản còn nổi tiếng thế giới bởi nền ẩm thực phong phú, từ đồ mặn đến đồ ngọt đều để lại ấn tượng sâu sắc cho thực khách, nhất là các món tráng miệng hoàn hảo cả về ngoại hình và độ thơm ngon.
Bánh Momiji Manju
Momiji manju là một loại bánh nướng có hình lá phong (momiji). Món bánh này xuất hiện từ năm 1907 và có rất nhiều biến thể khác nhau về nguyên liệu và hình thức sau hơn 100 năm ra đời. Vỏ bánh được làm từ trứng, sữa, mật ong. Loại nhân phổ biến nhất là đậu đỏ và mứt dâu. Ngoài ra, nhân chocolate, vani, trà xanh cũng được nhiều người ưa chuộng. Người Nhật thường dùng bánh momiji manju với một tách trà xanh.
Bánh mì nướng mật ong (Shibuya Toast)
Món bánh này ra đời ở khu vực mua sắm sầm uất nổi tiếng của Nhật Bản - Shibuya. Đây là món bánh mì ruột mềm, được nướng với bơ và siro lá phong hoặc mật ong, ăn kèm trái cây và kem viên. Shibuya toast là sự kết hợp hoàn hảo giữa sự giòn rụm của bánh mì nướng, vị ngọt ngào của siro và chút mát lạnh của kem tươi.
Dango
Dango là một món tráng miệng truyền thống của Nhật Bản với hương vị ấn tượng. Đây là bánh trôi làm từ bột gạo, được xiên trên một cái que và có nhiều màu sắc khác nhau (hồng, trắng, xanh lá,…). Bánh có nhiều hình dạng tùy vào phong tục của từng khu vực như hình tròn, hình chữ nhật, hình dẹt… nhưng phổ biến nhất vẫn là bánh hình tròn. Dango là món ăn bình dị, được người dân nước Nhật ưa chuộng và ăn quanh năm cùng với trà xanh.
Bánh mì dưa lưới
Bánh mì dưa lưới có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia
châu Á và
Mỹ Latinh. Đây là loại bánh ngọt có hình dạng giống một quả dưa lưới với lớp vỏ giòn rụm bên ngoài và sự mềm mịn bên trong. Nhờ độ thơm ngon và giá thành rẻ mà món bánh này xuất hiện ở hầu hết mọi cửa hàng tại Nhật, thậm chí còn được đưa vào các bộ phim và anime.
Bánh cá (Taiyaki)
Taiyaki là một loại bánh nướng truyền thống hình cá tráp biển của Nhật Bản. Bánh được làm từ bột mì và thường có nhân là đậu đỏ. Ngoài ra, bánh còn được biến tấu với nhiều loại nhân khác như: kem trứng, socola, caramel, trà xanh,… hoặc nhân mặn như xúc xích, gà, phô mai,… Món bánh này có bán tại mọi cửa hàng tiện lợi, siêu thị ở Nhật, đặc biệt trong các lễ hội truyền thống, buổi dã ngoại, ngắm hoa ngoài trời.
Đá bào Kakigori
Đá bào kakigori là một trong những món ăn có lịch sử lâu đời, nhiều người cho rằng kakigori xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 11. Đây là món tráng miệng sử dụng đá bào hương vị siro với topping từ trái cây và kem tươi. Hương vị phổ biến bao gồm dâu tây, anh đào, chanh, trà xanh, nho, dưa,… Điểm đặc biệt của món ăn này là có một viên bánh nếp của Nhật rưới thêm sữa đặc.
Anmitsu
Anmitsu là một món tráng miệng truyền thống của Nhật Bản rất được yêu thích trong những tháng hè nắng nóng. Một bát anmitsu thường gồm thạch rau câu, bánh nếp, mứt đậu đỏ, kem vani hoặc trà xanh, siro đường nâu và các loại trái cây khác nhau được cắt miếng nhỏ. Anmitsu mang một vẻ đẹp rất tinh tế nhờ sự kết hợp hài hòa của màu sắc và những nguyên liệu tự nhiên đúng chất Nhật Bản.
Kit Kat
Kit Kat có xuất xứ từ nước
Anh và được đưa vào thị trường Nhật Bản từ năm 1973. Giờ đây, Kit Kat đã trở thành một trong những thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng ở Nhật và đất nước này hiện là thị trường lớn thứ hai của Kit Kat trên thế giới, chỉ sau quê hương của nó là nước Anh. Bên cạnh vị chocolate nguyên bản, người Nhật đã phát minh ra hơn 100 hương vị mới như: táo, bí đỏ, dâu, nho, lê, trà xanh, cam quýt, đậu nành,…
Mochi
Mochi là một loại bánh dày nhân ngọt truyền thống của Nhật Bản làm từ bột gạo nếp mochigome giàu gluten. Nhân mochi rất đa dạng, tùy theo khẩu vị và sở thích của từng gia đình. Món bánh này không những được ăn trong cuộc sống hàng ngày mà còn là vật phẩm dâng lên thần linh và có ý nghĩa mang lại may mắn.
Bánh giọt nước (Mizu Shingen Mochi)
Mizu Shingen Mochi xuất hiện ở Nhật Bản vào mùa hè năm 2013 và nhanh chóng trở thành trào lưu ẩm thực mới không chỉ ở Nhật mà còn ở nhiều nước trên thế giới, nhờ hình dạng như giọt nước với màu trắng trong suốt và tinh khiết. Nguyên liệu chính làm nên món bánh tráng miệng này chủ yếu là từ nước, nhưng không phải nước lọc thông thường mà là nước từ dãy núi Alps, sau khi mang về sẽ được cho thêm vài nguyên phụ liệu khác và đổ vào khuôn để nước đông đặc lại. Bánh có vị ngọt thanh, mát lạnh, mềm mại và thường được ăn kèm với bột đậu nành kinaki và siro đường đen.
(Tổng hợp)